Quyền phụ nữ và cuộc chiến ở Afghanistan

Thứ Bảy, 24/07/2021, 14:52
Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ đã và vẫn đang tiếp tục trên khắp thế giới. Vì chủ đề nói trên, phụ nữ tại nhiều quốc gia vẫn đang hàng ngày tổ chức tuần hành, bãi công, bầu cử và những hình thức đấu tranh hoà bình khác. Nhưng ở Afghanistan lại khác. Ở đây không phải phái yếu mà là những người đàn ông cầm súng nhằm bảo vệ quyền phụ nữ. Mặt khác, những quyền lợi được bảo vệ ấy vẫn quá xa vời với phần đông phụ nữ ở quốc gia Nam Á này.


Vấn đề dai dẳng

Từ đầu thế kỷ 18, xã hội Afghanistan đã tồn tại một cách dai dẳng rất nhiều những điều lạc hậu so với các quốc gia Hồi giáo khác, đặc biệt là trong vấn đề quyền phụ nữ.

Sau cuộc cách mạng Saur (27-28/4/1978), Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ Afghanistan mới lên nắm quyền đã tích cực tìm nhiều cách để nâng cao vị thế  của người phụ nữ. Họ mở các trường nữ sinh, ban hành bộ luật quyền phụ nữ, đưa ra các chính sách hỗ trợ thai sản,… Những hành động này có tác động tích cực rõ ràng, nhưng chỉ tiếc chúng kết thúc quá sớm. Quân đội Liên Xô (cũ) rút khỏi Afghanistan năm 1988, chỉ bốn năm sau, chính quyền Kabul cũng sụp đổ, mở đường cho phiến quân Taliban lên nắm quyền.

Cổng trường nữ sinh sau một vụ đánh bom xe.

Theo luật lệ mới do Taliban áp đặt, phụ nữ Afghanistan ra ngoài đường phải có đàn ông hộ tống và đeo khăn burqa trùm kín mặt. Họ không được đến trường và chỉ được nhận làm một số nghề nghiệp nhất định. Những người đàn bà làm trái luật sẽ bị trừng phạt rất nặng với mức án đi từ nhẹ là bỏ tù đến nặng là bị tử hình.

Quân đội Mỹ vào Afghanistan vào năm 2001 với mục đích lật đổ chính quyền Taliban và “nhổ tận gốc” al-Qaeda. Nói là vậy nhưng Washington cũng cần một lý do nhân đạo để kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh. Họ mở một chiến dịch truyền thông với thông điệp: “Mỹ đang bảo vệ quyền của phụ nữ Afghanistan”. Ngày 16-11-2001, bà Laura Bush, phu nhân Tổng thống Bush tuyên bố rằng: “Cuộc chiến chống khủng bố cũng là cuộc chiến bảo vệ quyền lợi và danh dự của phụ nữ”. Chưa đầy hai tuần sau, tạp chí Time đăng tải series phóng sự điều tra  mang tên “Đằng sau tấm mạng” về cuộc sống của phụ nữ Afghanistan. Phần lớn tài liệu sử dụng trong phóng sự đến từ một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Taliban áp bức phụ nữ.

Trong thực tế, người Mỹ đã đổ không ít tiền của vào Afghanistan  nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống của phụ nữ. Nhờ các dự án của Mỹ mà đến năm 2015, khả năng bị chết trong khi sinh con của phụ nữ Afghanistan giảm còn 396 ca/ 100.000 người. Trong khi tỷ lệ trẻ em gái đến trường đạt 9,61% dân số. Đây là những con số đáng kể, nhưng vẫn còn quá thấp so với dự báo của các chuyên gia từ Mỹ và các tổ chức quốc tế. Đấy là chưa kể việc các chỉ tiêu trong những năm gần đây không có nhiều biến chuyển, chỉ dao động quanh một ngưỡng cố định.

Nơi ánh sáng chưa chạm tới

Quyền bình đẳng và chất lượng sống của phụ nữ Afghanistan chỉ tăng ở các trung tâm đô thị. 76% phụ nữ Afghanistan sống tại nông thôn không được hưởng những điều đó. Luật pháp của các bộ tộc không đại diện cho quyền lợi của họ. Trẻ em gái phải ở nhà phụ giúp gia đình chờ đến đủ tuổi để bị gả bán. Họ không có sự tự chủ về mặt tài chính vì mọi hoạt động kinh tế đều do đàn ông nắm giữ.

Với một số ít phụ nữ Afghanistan dám đứng lên vì quyền lợi của mình, nguy hiểm luôn rình rập họ. Đến nay người dân ở Dashte Barchi thuộc thủ đô Kabul vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì một chuỗi những vụ tấn công do khủng bố tiến hành. Chúng nhắm vào bệnh viện phụ sản và trường nữ sinh cấp 2 đặt ở địa phương. Một vụ nổ bom đã khiến cho 85 nạn nhân hầu hết là nữ sinh trường Sayed ul-Shuhada tử vong.

Ngoài sự đe dọa từ khủng bố, những người phụ nữ còn phải chịu áp lực của gia đình. Chỉ có 15% đàn ông Afghanistan cho rằng phụ nữ nên có sự nghiệp của riêng mình. Trong khi đó,  68% đàn ông cho rằng phụ nữ đang hưởng quá nhiều quyền lợi. Theo một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc, 80% phụ nữ Afghanistan phải sống chung với bạo lực gia đình. Và 95% tù nhân nữ chịu án do mắc phải các tội “làm ô uế đạo đức” như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Dự báo những chỉ số này sẽ còn đi theo xu hướng tiêu cực trong tương lai do xã hội Afghanistan đang ngày càng trở nên bảo thủ hơn.

Quyền lợi của phụ nữ Afghanistan có quan hệ chặt chẽ với tình hình chiến sự tại quốc gia này. Taliban hiện đang có lợi thế trong cuộc đàm phán hoà bình với chính phủ. Một điều gần như chắc chắn,  Kabul sẽ phải chịu nhường Taliban trong một số vấn đề, trong đó có vấn đề bình đẳng giới. Trong trường hợp một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập, gần như chắc chắn nhiều điều luật bảo vệ quyền lợi của phụ nữ sẽ bị thu hẹp, thậm chí dỡ bỏ.

Trên một phương diện khác, hoà bình sẽ làm giảm gánh nặng cho phụ nữ nông thôn. Những người chồng của họ tham gia phiến quân cuối cùng cũng sẽ được trở về gia đình đảm nhận vai trò trụ cột kinh tế. Phiến quân Taliban rút đi làm giảm số lượng những vụ binh lính hạch sách, trộm cắp, hà hiếp,… phụ nữ địa phương.

Hiện Taliban vẫn chưa hé lộ nhiều về quan điểm của mình đối với vấn đề quyền phụ nữ. Taliban đang dồn hết sức cho việc đàm phán với chính phủ Kabul để ngay sau khi toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, họ có thể đứng lên nắm quyền. Đã có một số nỗ lực để đàm phán vấn đề nói trên với Taliban. Nhưng theo lời nữ nhà báo quốc tế Ali M. Latifi, thì: “46 người trong phái đoàn đàm phán của chính phủ thì chỉ có 9 người là phụ nữ. Chưa hết, trong số các thành viên nam còn có nhiều tộc trưởng, lãnh đạo các nhóm phiến quân từng áp bức phụ nữ… Chính phủ Afghanistan không quan tâm gì đến vấn đề quyền của phụ nữ ngoài những câu khẩu hiệu. Trừ khi thái độ này chưa thay đổi, quyền bình đẳng của người phụ nữ Afghanistan sẽ còn tiếp tục chịu cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.