Quyết liệt ngăn chặn nhập cảnh trái phép

Thứ Năm, 13/05/2021, 09:22
Việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19 thời gian gần đây, tiếp tục làm lộ diện thực trạng của vấn nạn người nước ngoài vượt biên và ở lại trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.


Những ngày qua, các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai… đã liên tiếp phát hiện những ổ nhóm người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp với sự tiếp tay của các đối tượng người Việt. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, bởi dường như thiếu vắng sự tham gia của một chủ thể đặc biệt quan trọng trong thế trận phòng ngừa tội phạm - người dân.

Trận tuyến nóng bỏng

Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình tại một số tỉnh biên giới phía Bắc vừa qua về hoạt động vượt biên của người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta, một cán bộ cơ quan An ninh điều tra đã ước tính số vụ nhập cảnh trái phép được phát hiện, bắt giữ ngay tại biên giới chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp so với thực tế đang diễn ra. Những gì "hậu phương" vừa phát hiện trong mấy ngày gần đây, đã minh chứng cho điều anh nhận định là có cơ sở.

Tại Hà Nội, thông qua công tác quản lý cư trú, phòng, chống dịch COVID-19, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã kiểm tra đột xuất một căn hộ tại tòa nhà C3 - D'Capitale (phường Trung Hòa, Cầu Giấy), phát hiện 5 người Trung Quốc đang trú ngụ, trong đó có 4 người đã nhập cảnh trái phép. Các đối tượng khai ra thủ đoạn đưa người nhập cảnh "chui", đó là một đối tượng vào Việt Nam trước bằng thị thực, visa hợp pháp, để "dọn ổ" đón các đối tượng đến sau.

Các đối tượng Trung Quốc cư trú trái phép bị phát hiện tại Hà Nội

Từ lời khai này, tối 2-5 lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện thêm 46 người Trung Quốc khác đã vượt biên và ẩn náu tại 9 phòng trong Chung cư Florence, ở 28 phố Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Tiếp đến 19h ngày 4-5, tại căn phòng số 3017, tòa A, chung cư Samsora (số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông), các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận Hà Đông đã phát hiện thêm 12 người Trung Quốc đang cư trú trái phép. Tổng số người nước ngoài nhập cảnh trái phép và ở lại Việt Nam qua 3 lần kiểm tra là 62 người.

Cùng thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra, phát hiện 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang ẩn náu trên địa bàn.

Ngày 5-5, Đồn biên phòng Phước Thiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết đã phát hiện và bắt giữ 6 người Trung Quốc đang chuẩn bị vượt biên trái phép sang Campuchia.

Một vài vụ việc điển hình nói trên, đã cho thấy tính chất phức tạp của tình hình người nước ngoài nhập cảnh và ở lại trái phép tại nước ta hiện nay. Trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 5-5, Trung tướng Tô Ân Xô - (Chánh Văn phòng Bộ Công an) cho biết: Theo báo cáo của Công an 39/63 tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có 199 vụ, với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Lực lượng Công an đã khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng liên quan. "Người nhập cảnh trái pháp vào Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam; mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn; ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt. Do vậy cần phải ngăn chặn quyết liệt" - Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.

Sự tiếp tay đáng lên án

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Văn Triều - Trưởng phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Lạng Sơn đã cho biết thời gian qua việc phát hiện ra những vụ người Trung Quốc vượt biên và ở lại Việt Nam trái phép, chủ yếu là do các lực lượng công khai như Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) tiến hành, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới, tuần tra kiểm soát giao thông trên đường, hay kiểm tra các cơ sở lưu trú.

Như vậy, một chủ thể đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm là người dân dường như chưa tích cực phát huy vai trò "tai mắt" của mình. Trái lại, những nhóm người ngoại quốc sở dĩ vào được Việt Nam là do có sự tiếp tay, hỗ trợ, giúp sức rất đáng trách của một bộ phận người dân thiếu ý thức.

Lực lượng Công an nắm tình hình địa bàn.

Vì hám lợi, họ đã "cõng rắn cắn gà nhà", bất chấp an nguy của Tổ quốc. Bởi vì sự có mặt bất hợp pháp và không kiểm soát được của người ngoại quốc trong lãnh thổ nước ta, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát dữ dội tại nhiều quốc gia và diễn biến phức tạp ở Việt Nam hiện nay, sự tiếp tay của họ có thể khiến mầm bệnh từ nước ngoài hoành hành mất kiểm soát ở trong nước.

Việc bắt giữ đối tượng Lý Chừ (dân tộc Mông, 33 tuổi, ở thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai) mới đây về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, khiến dư luận bàng hoàng về vai trò tiếp tay của chính kẻ được tham gia tuần tra, kiểm soát biên giới với Bộ đội Biên phòng. Liên quan đến đường dây đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép, cơ quan chức năng tỉnh này đã làm rõ vai trò của Lý Chừ. Là một "Thôn đội trưởng", Chừ thường xuyên được tham gia các cuộc tuần tra biên giới tại khu vực mốc giới 108 (2) và 110 (2). Do nắm rõ quy luật của hoạt động tuần tra, Chừ đã trở thành nội gián, tiếp tay cho Giàng Mỉ và Vũ Minh Toàn đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Mỗi khi có người cần vượt biên qua địa phận xã Bản Lầu, Lý Chừ đi trước để khảo sát những đường mòn, lối mở có thể đi qua và đứng ở vị trí kín đáo theo dõi Bộ đội Biên phòng và Hải quan Trung Quốc. Các đối tượng thường lợi dụng khoảng thời gian từ 19h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau để đưa người vượt biên.

Khi về đến sát biên giới (khu vực suối Bá Kết), các đối tượng sẽ liên hệ với Chừ, nếu an toàn thì Chừ "phím" để đồng bọn đưa người vượt qua đường biên, rồi y sử dụng xe máy chở về khu vực tập kết ở thôn Na Nhung (xã Bản Lầu). Mỗi lần đưa người trót lọt, Giàng Mỉ trả công cho Chừ và các đối tượng liên quan từ 6 trăm nghìn đến 1 triệu đồng/người. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 4-2020 đến tháng 4-2021, các đối tượng trên đã phối hợp với nhau thực hiện trót lọt 91 vụ, đưa đường thành công cho 200 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Chiều 4-5 vừa qua, đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1985, trú ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 348 BLHS. Theo cơ quan chức năng, Hạnh có hành vi thuê nhà cho người từ Trung Quốc vượt biên sang ở để hưởng tiền chênh lệch giá.

Từ đầu tháng 4-2021 đến khi bị bắt, Hạnh đã thuê 5 căn nhà ở TP Vĩnh Yên rồi liên lạc với đồng bọn để đón dẫn những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến ở trọ. Để tránh bị phát hiện, Hạnh không đăng ký tạm trú cho số người này và dặn dò họ không được ra khỏi nhà trọ. Hàng ngày, chính Hạnh trực tiếp cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm sinh hoạt cho số người này.

Tương tự, ngày 3-5 Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thị Phương Thảo, Đinh Thị Huệ (cùng sinh năm 1999, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) và Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc) về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép". Tại cơ quan điều tra, Thảo khai nhận quen biết Ou Guo Pei và đối tượng tên Vương (đều là người Trung Quốc) từ năm 2020.

Những người này đã nhờ Thảo thuê một số căn hộ cho người nhập cảnh Trung Quốc trái phép đến ở. Do hám lợi, Thảo rủ thêm bạn cùng quê là Huệ tìm thuê lại nhà số 464 đường Nguyễn Trãi, cùng 2 căn hộ chung cư cũng trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân làm nơi trú ngụ cho nhóm người nhập cảnh trái phép theo đơn "đặt hàng" của nhóm Vương. Thảo đã hưởng lợi 140 triệu đồng, Huệ hưởng lợi 4 triệu đồng qua sự việc này.

Xốc lại thế trận lòng dân

"Đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc của nước ta rất dài, địa hình phức tạp, chúng ta không thể có đủ con người để "căng ra" 24/24 giờ ở từng km đường biên để canh gác, ngăn chặn việc xâm nhập lãnh thổ. Bên cạnh đó, các đối tượng đưa dẫn vượt biên đều là người bản địa, thông thuộc địa hình, nắm được các quy luật hoạt động của cơ quan chức năng, nên việc "thẩm lậu" người qua đường biên là khó tránh khỏi. Vì vậy, từ tuyến đầu biên giới, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tại các tỉnh sâu trong nội địa cần tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát giao thông, kiểm soát lưu trú, đẩy mạnh việc nắm tình hình, phát động quần chúng tại các địa bàn dân cư cung cấp thông tin, để kịp thời phát hiện số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép" - Thượng tá Triều đề nghị.

Đối tượng Trần Thị Phương Thảo tại cơ quan điều tra.

Về các biện pháp ngăn chặn vấn nạn nhập cảnh trái phép, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết vào ngày 4-5, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra lệnh tổng rà soát, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc để phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ví dụ như kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn, nơi lưu trú. Từ việc tổng rà soát, các nơi báo cáo về để xác định được phương thức, thủ đoạn thế nào để đưa ra giải pháp ngăn chặn. Lực lượng công an truy vết, sớm khởi tố và khởi tố kiên quyết đối với người nhập cảnh trái phép, người môi giới… Người nhập cảnh trái phép nếu không bị COVID-19 sẽ bị đưa trở lại nơi xuất phát. Những nhà nghỉ không thực hiện đúng quy chế có thể bị rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp hình sự.

 Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý địa bàn để phát hiện người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, Trung tá Dương Văn Duẩn (CSKV phường Phúc Lợi, quận Long Biên) cho rằng cần phải phát huy tối đa vai trò "tai mắt" của người dân trong việc phát hiện tội phạm, vì các đối tượng nhập cảnh trái phép luôn phải trú ngụ, ẩn náu trong các địa bàn dân cư, nên dân sẽ biết đầu tiên. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân ý thức được trách nhiệm công dân của mình, họ sẽ để tâm chú ý, phát hiện và báo cho cơ quan chức năng biết những biểu hiện nghi vấn tại cơ sở. Lực lượng CSKV phải thường xuyên xuống dân, bám sát địa bàn, huy động sự vào cuộc của các thiết chế an ninh tại cơ sở như các ban bảo vệ dân phố, ban quản trị và lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà chung cư cao tầng… trong việc phát hiện thông tin tội phạm.

"Theo tôi, để kịp thời phát hiện người nước ngoài cư trú trái phép trên địa bàn, cần tăng cường trao đổi thông tin 2 chiều giữa lực lượng Công an và người dân dưới nhiều hình thức phù hợp. Chẳng hạn, như việc nắm tình hình qua các nhóm chát Zalo giữa CSKV và người dân trong địa bàn được giao phụ trách đã tỏ ra rất hiệu quả. Thông qua kênh này, lực lượng Công an ở cơ sở đã nhận được nhiều thông tin có giá trị để phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát từng tầng, tại nơi ra vào… ở các tòa nhà chung cư, giúp phát hiện những người lạ xuất hiện. Đội bảo vệ và ban quản trị các tòa nhà cần thường xuyên quan sát, nắm bắt thông tin, di biến động của các hộ gia đình. Thông qua lực lượng này, CSKV có thể phát hiện những biểu hiện bất thường trong đời sống tại khu vực phụ trách" - Trung tá Duẩn đề nghị.

Đào Trung Hiếu
.
.