Săn lùng cổ vật bị IS đánh cắp
- Bảo vệ cổ vật giữa biển khơi
- Thụy Điển: Cảnh sát mệt mỏi vì hàng trăm vụ đánh cắp cổ vật mỗi năm
- Cổ vật ẩn giấu trong tượng cổ
Hiện các nhà chức trách đang dẫn đầu một cuộc chiến nhằm đấu tranh để truy thu các cổ vật vô giá bị đánh cắp, và tuyên bố rằng thiệt hại từ các vụ trộm vẫn đang tiếp diễn tại những địa điểm không được bảo vệ. IS chuyên nhắm mục tiêu vào các di sản tiền Hồi giáo, chúng công bố các đoạn video quay cảnh các chiến binh dùng búa tạ đập phá nhiều pho tượng vô giá trong bảo tàng Mosul.
Bà Luma Yass, tổng giám đốc Bảo tàng quốc gia Iraq ở thủ đô Baghdad, tuyên bố rằng các hành động phá hoại chỉ là một màn kịch đánh lạc hướng công luận để che đậy một sự thật đen tối hơn: kiếm lời bất chính từ việc bán các món đồ cổ ngoài thị trường chợ đen.
Bà Luma Yass bức xúc: “Nhà nước Hồi giáo tuyên truyền cho người ta thấy rằng họ đang phá hoại các món đồ cổ, song thực chất đó chỉ là những thứ đồ giả. Sau khi che mắt dư luận, IS tha hồ cướp bóc, và sử dụng số tiền bán cổ vật để tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Đáng chú ý là không có bất kỳ mảnh vỡ nào của các đầu tượng Lamassu (những con bò có cánh khổng lồ có từ thời kỳ Assyria vốn được đánh giá cao trong hoạt động buôn bán cổ vật) được tìm thấy tại các phế tích của bảo tàng Mosul hay di chỉ Assyria cạnh đó ở thành phố Nimrud, vốn là một phần của bộ sưu tập cổ vật có niên đại hơn 3.000 năm.
Bà Luma Yass quả quyết: “Các phiến quân IS không thể dịch chuyển các con Lamassu vì chúng rất nặng. Nhưng đầu của chúng có thể gỡ ra và đem bán trên thị trường chợ đen”.
Nạn phá hoại ở Nimrud và Mosul
Nimrud nằm cách Mosul khoảng 20 dặm đường, đây từng là kinh đô của một tiểu vương và là một trong những thành thị cổ đại thời Assyria còn được bảo quản nguyên vẹn đến tận ngày nay. Nhưng IS đã để lại nơi đây một khung cảnh cày xới hoang tàn, quẳng lại 2 tác phẩm điêu khắc phù điêu bị nứt bao gồm một bức là hình tướng “Thiên thần có cánh” (thần bảo hộ trong thần thoại của người Assyria).
Sau khi Nimrud được giải phóng vào năm 2017, ông Abdullah, nhân viên bảo vệ tại Nimrud, cất tiếng rầu rĩ: “Hầu như chả còn gì nữa, bọn khốn IS đã phá sạch những kiến trúc lớn. Những thứ đáng giá được chúng mang tới Châu Âu và bán ở đó. Dân bản xứ nói với chúng tôi rằng, họ căm phẫn khi nhìn thấy chúng đánh cắp nhiều xe tải chở đồ cổ”.
Một tượng phụ nữ có từ thời Sumeria (3000 – 2900 trước công nguyên) do người Mỹ trả lại cho Iraq Ảnh nguồn: MEE/Tom Westcott. |
Cũng trong năm 2017, dân tình sống gần khu lăng mộ Jonahs (Mosul) tố cáo với các phóng viên báo Đôi mắt Trung Đông (MEE) rằng họ chứng kiến tận mắt bọn IS nẫng tay trên nhiều bảo vật ra khỏi bảo tàng, và nhét lại vào chỗ cũ là nhiều thuốc nổ để nổ tung nó. Các cổ vật vô giá do IS lấy cắp tiếp tục lưu hành trên thị trường chợ đen.
Hồi tháng Giêng năm 2019, một người Iraq từng làm việc trực tiếp vài năm cho IS (người này đã giải cứu nhiều phụ nữ và trẻ em người Yazidi bị bắt làm nô lệ) đã cung cấp cho MEE một đoạn video và ứng dụng tin nhắn WhatsApp cho thấy các đồng vàng cổ cùng những thư tịch cổ xưa. Người này tiết lộ IS đã bán cho ông một số lượng lớn tiền cổ.
Phục hồi các kho báu bị mất cắp
Tại bảo tàng Baghdad, các nhân viên tố cáo rằng IS đã gây ra những vụ cướp bóc hung hiểm kể từ khi Iraq chìm trong họa xâm lược do Mỹ phát động từ năm 2003. Tổn thất từ các đợt cướp bóc là rất nghiêm trọng với 15.000 hiện vật đã bị khoắng khỏi bảo tàng quốc gia trong suốt 4 ngày phá hoại vào tháng 4 năm 2003.
Tại phòng làm việc của mình, ông Muthanna Abed Dawed (cựu giám đốc của Phòng phục hồi cổ vật Iraq, IARD) đang nghiên cứu đống hồ sơ dày cộm. Ông Abed Dawed tiết lộ một trong những cổ vật quý giá nhất là bức tượng điêu khắc cao 8cm có từ thời kỳ Babylon mang tên Guennol Lioness” (Qủy Sư Tử). Pho tượng nằm trong một cặp sư tử đực và cái có niên đại tạo tác vào năm 3000 trước Công Nguyên (trCN).
Ông Abed Dawed phàn nàn: “Tượng sư tử đã biến mất trên thị trường và đến năm 2007 nó xuất hiện trong phiên đấu giá ở Sothebys, dù vậy chúng tôi không thể đóng hồ sơ vụ này được. Chúng tôi không biết đích xác ai đã mua nó, nhưng chúng tôi nhận tin rằng tượng đã được mua với cái giá 59,2 triệu USD bởi một quý tộc người Anh”.
Cho đến năm 2010, Guennol Lioness là tượng cổ vật đắt tiền nhất được bán thành công. Có một huyền thoại xoay quanh cặp tượng sư tử: bất kỳ ai là chủ nhân của chúng sẽ nắm giữ được vận mệnh thế giới, chính vì thế mà giá trị cổ vật rất cao. Ông Abed Dawed giải thích: “Các hoàng đế Babylon là những người quyền lực, và luôn có những thứ bí ẩn xoay quanh nguồn gốc của sức mạnh này, và sư tử đặc biệt quý giá”.
Trong nhiệm kỳ 3 năm của mình, ông Abed Dawed đã thu hồi hơn 5.000 cổ vật, bao gồm 8 mẫu vật được thu hồi với sự giúp đỡ của Bảo tàng Anh. Chính quyền Mỹ đã thu hồi 3.800 cổ vật từ khi xảy ra vụ bê bối Hobby Lobby, công ty thủ công và nghệ thuật Mỹ này vốn có chủ nhân là những người Ki Tô hữu truyền giáo, đã nhập lậu một lượng cổ vật trị giá 1,6 triệu USD từ một nguồn đáng ngờ hồi năm 2009, để “cúng dường” cho một bảo tàng Kinh Thánh (thuộc sở hữu tư nhân).
Năm 2017, các tòa án Mỹ đã phạt Hobby Lobby số tiền 3 triệu USD và yêu cầu trả lại tài sản cho khổ chủ. Hồi tháng 3 năm 2019, thêm 100 cổ vật xuất hiện tại bảo tàng Basra vốn là một trong những tư dinh trước kia của Saddam Hussein.
Lính thuộc Lực lượng đặc nhiệm Iraq đang giải cứu một bức tranh, một trong 2 bức còn nguyên vẹn ở bảo tàng Mosul năm 2017. Ảnh nguồn: MEE/Tom Westcott. |
Ông Abed Dawed lạc quan nói: “Chúng tôi đang chiến đấu để thu hồi lại di sản bị cướp đoạt của Iraq. Mỗi ngày số lượng cổ vật được thu hồi ngày càng tăng lên do chúng tôi giám sát tất cả các cuộc đấu giá quốc tế”.
Năm 2018, một bức phù điêu ở Assyrian Nimrud vốn có từ triều đại vua Ashurnasirpal II (883-859trCN) đã được mua với giá 31 triệu USD tại nhà bán đấu giá Christie's. Iraq đã ngăn cản buổi bán đấu giá này với tuyên bố rằng bức tượng đã bị khai quật trộm và đưa bất hợp pháp ra khỏi Iraq thời thập niên 1970; nhưng Christie's phản pháo nói rằng bức tượng là tài sản của một bộ sưu tập Mỹ có từ thế kỷ 19.
Cướp bóc các địa điểm khảo cổ
Bà Luma Yass thừa nhận: “Nạn đào trộm giờ là một thách thức lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi có tới 18.000 di chỉ khảo cổ trên khắp Iraq nên không tài nào xoay xở nổi. Vì không có cảnh sát chuyên biệt mà chỉ có các viên chức tại mỗi di chỉ nên họ cũng bó tay”.
Sau khi được giải phóng khỏi IS, Nimrud đã được UNESCO rào lại với ngân sách hoạt động nhận được từ chính phủ Nhật Bản cùng sự bảo đảm của các lực lượng địa phương. Bà Luma Yass loan tin cuối năm 2019, chính phủ Pháp sẽ lên kế hoạch tái thiết Nimrud. IARD hiện đang làm việc với cảnh sát Bulgary (lực lượng đã tịch thu 122 cổ vật từ người tị nạn).
Ông Abed Dawed trăn trở: “Các nhà bán đấu giá thường yêu cầu chúng tôi chứng minh đồ cổ là ở Iraq, nhưng phần lớn các món đồ khai quật lậu đều không có giấy tờ. Chúng tôi đang dùng mưu trí để bắt các nhà đấu giá và người mua phải tâm phục khẩu phục. Mặt khác, tệ quan liêu cũng làm chúng tôi đau đầu: thủ tục giấy tờ nhiêu khê trong khi đồ cổ đã bị bán.