Sở hữu súng ở Mỹ, chuyện cũ... hậu quả mới
Câu hỏi luôn là vấn đề nhức nhối tại Mỹ trong nhiều thập niên qua.
Sự bất lực của FBI
2 người bị thương trong một vụ xả súng tối 23-2 (theo giờ Việt Nam) tại Đại học Southeastern Louisiana ở Hammond, bang Louisiana, miền Đông Nam nước Mỹ. Vụ việc xảy ra 9 ngày sau vụ xả súng hàng loạt tại một trường phổ thông ở Florida, với số người thiệt mạng được xác định lên tới 17 người, gây chấn động toàn nước Mỹ về tình trạng bạo lực súng đạn.
Với vụ xả súng mới nhất vừa diễn ra, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018. Cho phép hay hạn chế sử dụng súng vẫn là cái vòng luẩn quẩn gây tranh cãi nhất ở Mỹ hiện nay.
Người biểu tình Mỹ giương cao các biểu ngữ muốn ngăn chặn tình trạng sử dụng súng đạn bừa bãi. Ảnh: Getty. |
Dư luận Mỹ bày tỏ sự tức giận trước lời thừa nhận của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc dù nhận được cảnh báo song không ngăn chặn được vụ xả súng. Thống đốc bang Florida Rick Scott thậm chí đã lên tiếng yêu cầu Giám đốc FBI Christopher Wray từ chức.
Trong một tuyên bố, Thống đốc Scott nhấn mạnh việc thừa nhận sai lầm hay xin lỗi không thể khiến 17 nạn nhân sống lại hay làm giảm nhẹ nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
FBI đã từng 2 lần nhận được cảnh báo về xu hướng bạo lực của Nikolas Cruz, đối tượng gây ra vụ xả súng nêu trên. Theo đó, cảnh báo gần nhất là vào ngày 5-1 vừa qua, một người đã gọi điện để cảnh báo về việc sở hữu súng đạn, ý định giết người, hành vi bất thường, những bình luận gây lo ngại trên mạng xã hội thậm chí nguy cơ tiến hành một vụ xả súng ở trường học của Cruz. Tuy nhiên, cảnh báo này đã không được điều tra cũng như gửi đến giới chức địa phương.
Trước đó, hồi tháng 9-2017, FBI cũng lưu tâm tới cảnh báo từ một tài khoản YouTube mang tên Nikolas Cruz về việc sẽ tấn công trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở bang Florida, song không thể tìm ra đối tượng đã đăng tải cảnh báo này.
Với vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas, nước Mỹ đã phải đối mặt với bạo lực súng đạn cướp đi sinh mạng của 90 người Mỹ mỗi ngày trong bối cảnh vấn đề sở hữu súng đạn nhiều năm qua vẫn chỉ là đề tài gây tranh cãi tại Mỹ mà chưa có biện pháp kiểm soát mạnh tay. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Cuộc tranh cãi... sở hữu súng đạn “kiểu Mỹ”
Ngày 23-2, phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) và Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý với kế hoạch của ông.
Với mong muốn đưa thêm ý tưởng nhằm ngăn chặn các vụ xả súng, trong buổi gặp các thân nhân học sinh thiệt mạng trong vụ xả súng mới đây tại một trường trung học ở bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất ý tưởng trang bị vũ khí cho giáo viên đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ xả súng tương tự trong tương lai.
Theo ông, giải pháp này có thể giúp sớm chấm dứt các cuộc xả súng nếu xảy ra. Tổng thống Trump đã cam kết sẽ chỉ đạo sát sao việc kiểm soát súng đạn cũng như thông tin cá nhân người sở hữu súng đạn để hạn chế tái diễn các thảm kịch nói trên.
Ngày 22-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tăng tuổi tối thiểu được phép mua súng trường và siết chặt kiểm soát người mua loại vũ khí này. Trên trang Twitter cá nhân, ông bày tỏ lập trường cứng rắn của mình về việc kiểm soát súng đạn. Ông tuyên bố việc ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng, tăng độ tuổi được phép mua các loại vũ khí này lên 21 và cấm bán các lẫy đạn (bump stock), thiết bị cho phép bắn liên tục hàng trăm phát đạn trong vòng 1 phút.
Nhiều thiết bị đi kèm với súng trường tới đây sẽ bị hạn chế theo quy định mới của Mỹ. Ảnh: NBC News. |
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi lãnh đạo Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) nêu lên quan điểm ủng hộ mạnh mẽ quyền sử dụng súng. Trước đó, Tổng thống Trump đưa ra một loạt ý tưởng nhằm kiểm soát súng đạn như siết chặt kiểm tra thông tin của những người mua súng, mở cửa trở lại một số viện kiểm tra tâm thần nhằm xác định những đối tượng có nguy cơ cao...
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, chính quyền 4 bang Connecticut, New York, New Jersey và Rhode Island của Mỹ cũng đã thông báo thành lập một liên minh có tên “Các bang an toàn súng đạn” nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn. Thống đốc các bang trên nhấn mạnh liên minh này là cần thiết khi chính phủ liên bang và Quốc hội Mỹ chưa thể giải quyết hiệu quả vấn đề bạo lực súng đạn. Theo đó, các bang này sẽ thành lập một lực lượng chung, bao gồm các nhân viên thực thi pháp luật có nhiệm vụ theo dõi và ngăn chặn việc sở hữu súng đạn trái phép, thành lập một liên minh nghiên cứu bạo lực súng đạn khu vực và tăng cường hoạt động tình báo và chia sẻ thông tin giữa các bang.
Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo nhấn mạnh sự ra đời của liên minh này không chỉ đưa ra các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc sở hữu súng trái phép mà còn giúp thông tin kịp thời cho các nhà hoạch định chính sách trên cả nước về cách thức bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, có vẻ ý tưởng này của ông Trump không nhận được sự đồng tình của những người trực tiếp liên quan là các giáo viên. Hãng tin AFP dẫn lời Lily Eskelsen Garcia, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, nói: “Các phụ huynh và người làm trong ngành giáo dục đều phản đối ý tưởng vũ trang các cán bộ và viên chức tại trường học... Đưa thêm vũ khí vào các trường học không phải là cách để bảo vệ các học sinh và giáo viên khỏi bạo lực súng đạn”.
Randi Weingarten, người đứng đầu Hiệp hội Giáo chức Mỹ, cũng chỉ trích điều mà bà gọi là “cuộc chạy đua vũ trang” và các nỗ lực “biến trường học thành doanh trại bằng cách vũ trang các giáo viên”.
Nhiều giáo viên tại Stoneman Douglas và lãnh đạo hệ thống giáo dục tại nơi vụ xả súng diễn ra nói rằng họ rất hoài nghi các đề xuất của ông Trump. Robert Runcie, quản lý Trường Broward (hạt Broward, Florida), cho rằng mục đích thực chất của đề xuất này là “làm đầy túi tiền” cho những nhà kinh doanh súng đạn. Trong khi đó, Melissa Falkowski, một giáo viên đã giúp các học sinh của mình trốn trong lớp khi vụ xả súng diễn ra cho rằng thật khó để hiểu vì sao người ta lại nghĩ đến chuyện biến các trường học trở thành đồn quân sự, với các giáo viên được huấn luyện như cảnh sát hay các sỹ quan quân đội.
Bà nói: “Tôi không thể hình dung được việc một giáo viên, dù thành thạo với việc dùng súng ngắn như thế nào đi chăng nữa, có thể đủ sức đương đầu với một kẻ cầm trong tay khẩu AR-15”.
Trong khi đó, trên nhiều thành phố ở nước Mỹ, các sinh viên đã đổ xuống đường tuần hành, yêu cầu cải cách luật sở hữu súng đạn tại nước này. Các sinh viên cam kết đưa vụ xả súng đẫm máu tại bang Florida này thành một bước ngoặt trong cuộc tranh luận về kiểm soát súng hiện bị bế tắc tại Mỹ. Tại thủ đô Washington, hàng trăm sinh viên đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, giương các biểu ngữ phản đối Hiệp hội Súng đạn quốc gia và yêu cầu chính quyền hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn.
Theo kế hoạch, cuộc tuần hành mang tên “Tuần hành vì mạng sống của chúng ta” sẽ diễn ra vào ngày 24-3 với sự tham gia của các sinh viên trên toàn nước Mỹ.
Chuyện chưa hồi kết!
Người dân Mỹ chắc chắn không thể quên vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ ngày 1-10 năm ngoái tại sòng bạc Mandalay Bay ở thành phố Las Vegas, khiến 59 người dân vô tội thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Mức độ thảm khốc của vụ việc này đã chấn động toàn nước Mỹ...
Những vụ việc trên đã khiến nước Mỹ, quốc gia luôn nhấn mạnh đặt an ninh và trật tự xã hội lên hàng đầu, ngày càng không an toàn, đồng thời khiến môi trường tại các trường học ở nước này dễ bị tổn thương hơn trước làn sóng bạo lực súng đạn.
Theo thống kê của nhóm vận động kiểm soát súng đạn “Everytown for Gun Safety”, kể từ tháng 1-2013 đã có ít nhất 283 vụ xả súng trên khắp nước Mỹ - trung bình mỗi tuần một vụ. Một nghiên cứu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về các vụ xả súng xảy ra trong thời gian từ 2000-2013 cho thấy 24% là xả súng tại các trường học, với phần lớn thủ phạm trong các vụ việc này là học sinh.
FBI thừa nhận đây là những vụ xả súng đẫm máu nhất. Súng trường tự động AR-15 mà Nikolas Cruz sử dụng trong vụ thảm sát tại trường Marjory Stoneman Douglas ở Parkland mới đây nằm trong danh sách các vũ khí tấn công bị cấm mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1994 và được cựu Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ký thành luật. Văn kiện này đã hết hiệu lực từ năm 2004, và cho tới nay chưa có dự luật nào thay thế.
Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình cấp phép cũng như kiểm soát sở hữu súng đạn tại Mỹ, và gióng lên hồi chuông thúc giục giới chức Mỹ cần có biện pháp siết chặt súng đạn.
Người dân Mỹ cũng nhận thấy sự cần thiết của vấn đề kiểm soát súng đạn. Theo kết quả một cuộc thăm dò được Đại học Quinnipiac công bố ngày 20/2, có tới 2/3 người dân Mỹ được phỏng vấn bày tỏ ủng hộ siết chặt kiểm soát súng đạn. Cụ thể, 66% người được hỏi cho rằng nên thắt chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn, trong khi số người nói “không” chỉ chiếm 31%. Đây là tỷ lệ ủng hộ kiểm soát súng đạn cao nhất kể từ khi Đại học Quinnipiac bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát về vấn đề này hồi năm 2008 và tăng 19% so với con số thống kê hồi tháng 12-2015.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cũng cho thấy phần lớn người sở hữu súng đều ủng hộ các đạo luật súng đạn nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, số người ủng hộ việc kiểm tra lý lịch người mua súng cũng lên tới 97%, trong khi chỉ có 3% phản đối điều này hoặc không có ý kiến.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều và phải vượt qua nhiều “ải”, trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và Hiệp hội Súng đạn Mỹ -nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này, thậm chí, nhóm này đang tìm cách nới lỏng một quy định siết chặt trong đó có đạo luật cho phép người dân mang súng từ bang này sang bang khác.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, quyền sở hữu súng đạn là vấn đề ảnh hướng đến sự lựa chọn của cử tri. Ông Donald Trump đã giành được phiếu bầu của các gia đình sử dụng súng ở tất cả các bang, ngoại trừ Vermont, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các gia đình không sử dụng súng ở tất các bang, trừ Tây Virginia. Như vậy, chắc chắn rằng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa sẽ không có động thái gì đối với việc kiểm soát súng vì họ đang làm theo mong muốn của cử tri.
Tại sao luật về súng đạn ở Mỹ không thay đổi? Theo các nhà phân tích, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ hiện vấp phải những trở ngại lớn từ NRA. Thứ hai là Hạ viện Mỹ, do cách thức phân vùng khu vực bầu cử của Hạ viện được vạch ra bởi nhiều cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát, đảng Cộng hòa có nhiều ghế hơn so với đảng Dân chủ. Thứ ba là Thượng viện Mỹ.
Các thủ tục trong Thượng viện cũng có thể dập tắt các nỗ lực nhằm ban hành một quy định kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Thứ tư là rào cản và rắc rối từ các tòa án. Thứ năm là sự khác biệt trong quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
Chiến lược của NRA và các chính khách ủng hộ việc sở hữu súng đạn đó là chờ đợi... trì hoãn các nỗ lực lập pháp cho đến khi sự chú ý của dư luận chuyển hướng và sự phản đối phai nhạt dần. Cuối cùng, chiếc vòng luẩn quẩn trong quản lý súng và tình trạng bạo lực sẽ được thiết lập trong vòng quay mới.