"Sóng ngầm" ở biên giới Pakistan

Chủ Nhật, 25/04/2021, 12:59
Pakistan là một trong những quốc gia có vùng biên giới bất ổn nhất trên thế giới. Gần như trong mỗi thập niên, kể từ năm 1947, Pakistan đều phải hứng chịu ít nhất một cuộc xung đột vũ trang biên giới với Ấn Độ hoặc Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích lầm tưởng rằng với đường biên giới phía Đông bất ổn như vậy, chắc hẳn Chính phủ Pakistan sẽ chuyển hướng phát triển sang phía Tây. Trên thực tế Islamabad chưa bao giờ đem lại ổn định thật sự đến với vùng biên cương giáp với Afghanistan.

Một lịch sử bất ổn

Hồi thế kỷ 19, thực dân Anh thống trị khu vực Nam Á, trong đó có Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Bangladesh ngày nay. Riêng Afghanistan là một quốc gia độc lập, nhưng mọi hoạt động đối ngoại đều phải thông qua Anh. Vì vị trí chiến lược của mình mà Afghanistan thường xuyên bị các thế lực quốc tế nhòm ngó.

Người Anh mong muốn có một "vùng đệm" để ngăn cách thuộc địa của mình với nước Nga. Họ mới ký với quốc vương Afghanistan một bản thoả thuận không xâm phạm, trong đó vạch rõ đường biên giới giữa quốc gia này với Pakistan thuộc Anh.

Đường biên giới giữa hai nước được đặt tên là “đường Durand" do nhà ngoại giao người Anh Mortimer Durand nghĩ ra. Trong quá trình vạch định biên giới, quan chức hai bên không tham khảo ý kiến của người dân bản địa nên đã xảy ra nhiều trường hợp chia cắt gia đình, họ tộc, làng mạc.

Dân tộc Pashtun đang làm chủ một khu tự trị rộng lớn thì bất ngờ rơi vào cảnh "người của hai nước". Nổi giận trước sự bất công này, các bộ tộc Pashtun khác nhau bèn cầm súng đứng lên chống cả chính quyền Anh lẫn quốc vương Afghanistan.

Một gia đình Pashtun biểu tình đòi con cháu họ được thả sau khi bị quân đội bắt đi.

Sau khi Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947, chính quyền Islamabad ra "tối hậu thư" cho người Pashtun: Hạ vũ khí và chấp nhận trở thành công dân của Pakistan hoặc Ấn Độ. Abdul Ghaffar Khan, khi đó giữ vai trò lãnh đạo tinh thần cho các bộ tộc Pashtun, đưa ra bản tuyên bố yêu cầu thành lập nhà nước Pashtun độc lập.

Sau đó Khan, em trai ông cùng nhiều người đồng chí khác bị cảnh sát Pakistan tống giam. Vụ thảm sát Babrra giết chết 150 người và làm bị thương 400 người khác xảy ra khi cảnh sát xả súng vào đám đông người biểu tình đòi tự do cho Khan.

Sau sự kiện này, Khan thay đổi quan điểm và trở thành người xúc tiến cho việc đưa người Pashtun trở thành công dân Pakistan. Đổi lại, các bộ tộc Pashtun được phép thành lập và điều hành khu tự trị của riêng mình.

Ngoại trừ một số cuộc đụng độ nhỏ lẻ, tình hình biên giới Afghanistan  - Pakistan ở trong trạng thái yên ổn hơn ba thập niên liền. Mọi chuyện bị đảo ngược khi quân đội Liên Xô (cũ) vào Afghanistan năm 1979. Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan tham vọng làm Liên Xô (cũ) "sa lầy" ở Afghanistan. CIA phối hợp với IS (Cục Tình báo liên bộ Pakistan) để tuồn vũ khí và quân vào Afghanistan để hỗ trợ quân kháng chiến chống Liên Xô.

Islamabad cũng làm ngơ cho lãnh đạo các nhóm phiến quân Afghan chuyển thuốc phiện sang Pakistan rồi sau đó xuống tàu đi khắp thế giới. Chẳng mấy chốc mà thế lực những nhóm phiến quân như Taliban trở nên lớn mạnh nhờ vào vũ khí, tiền bạc và người nước ngoài.

Taliban từ bạn trở thành thù của Pakistan sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan. Sau khi Chính phủ Kabul bị lật đổ, tàn quân Afghanistan rút lui về khu vực biên giới giáp Pakistan. Tuy quân đội Pakistan đặt rất nhiều trạm gác nhưng vì địa hình núi non hiểm trở nên vẫn không thể chặn nổi quân Taliban vượt biên giới.

Islamabad chuyển trọng tâm chiến lược sang triệt xoá dòng người và hàng hoá từ Pakistan sang Afghanistan. Có hẳn cả một đường dây bí mật đưa những phần tử Hồi giáo cực đoan và vũ khí từ Trung Đông, Chechnya hay Tân Cương qua đường Durant để gia nhập Taliban.  

Tháng 3- 2004, trước áp lực của Mỹ, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf mở một chiến dịch quân sự lớn vào khu tự trị của người Pashtun. Mảnh đất này trở thành một trong những khu vực có chiến sự ác liệt nhất trong thế kỷ 21. Không tuần nào mà phiến quân Taliban lại không tấn công các trạm gác bên kia biên giới hay lợi dụng địa hình để mai phục quân chính phủ.

Quân đội Pakistan chịu nhiều tổn thất đến mức CIA phải sử dụng máy bay không người lái ném bom để hỗ trợ đồng minh. Sau ba tháng chiến đấu ác liệt, quân Pakistan phải chịu rút đi trong thất bại.

Nhiều bộ lạc có người ở cả hai bên biên giới Pakistan - Afghanistan.

Cuộc sống trong vòng kiểm tỏa

Tuy lãnh đạo các bộ tộc từng "ngoảnh mặt đi" khi CIA và IS đưa người, tiền bạc và vũ khí qua lãnh thổ của họ sang Afghanistan nhằm viện trợ cho phiến quân, người dân khu tự trị nói chung không lấy gì làm "mặn mà" với hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Nhưng sau chiến dịch quân sự tháng 3-2004, số lượng người Pashtun gia nhập Taliban tăng lên theo từng năm.

 Hiện có 13 nhóm phiến quân Pashtun lớn nhỏ thề trung thành với Taliban. Phiến quân Afghanistan coi khu tự trị như "sân sau" của mình. Mỗi khi liên quân Mỹ - Afghanistan đánh lên biên giới, phiến quân lại chạy qua biên giới rồi chờ đến khi liên quân rút.

Lý do chính thúc đẩy người Pashtun gia nhập Taliban là các vụ đánh bom bằng máy bay không người lái của CIA. CIA hiểu rằng đưa quân lên khu tự trị sẽ chỉ đem lại thất bại, vậy nên họ tăng cường sử dụng máy bay không người lái để ám sát các lãnh đạo Taliban.

CIA sở hữu những loại bom có độ chính xác đến dưới 2m. Vấn đề là họ thường xuyên tấn công vào những chỗ đông người. Nek Mohammed là lãnh đạo Taliban đầu tiên bị máy bay không người lái ám sát. Quả bom giết chết ông ta cũng đồng thời làm thiệt mạng năm người khác, trong đó có hai trẻ em.

Kể từ tháng 6-2004 đến tháng 8-2018, đã có 430 cuộc ném bom của máy bay không người lái Mỹ lên khu tự trị Pashtun, gây ra cái chết của tổng cộng 969 người trong đó có 207 trẻ em. Số thành viên Taliban bị ám sát chỉ chiếm 3,1% trên số nạn nhân tử vong.

Người Pashtun phải học cách sống trong lo sợ. Mỗi khi nghe thấy tiếng "ù ù" trên trời là đàn ông, đàn bà lẫn trẻ con đang làm việc gì cũng phải chạy vào nhà nằm sát xuống đất. Phóng viên chiến trường nổi tiếng người Mỹ Jeremy Scahill kể lại trong cuốn sách "The Assassination Complex" câu chuyện về một bé gái Pashtun: Khi được hỏi em nhớ nhất điều gì, cô bé trả lời là màu xanh của bầu trời vì đã quá lâu rồi em không dám ngẩng đầu nhìn lên.

Các cuộc không kích chỉ là một trong hai mối lo thường trực của người dân khu tự trị. Mối lo thứ hai là chính quyền Pakistan. Từ gần 20 năm nay, Islamabad đã dần thu hẹp lại các quyền tự trị của người Pashtun, đồng thời thắt chặt quyền kiểm soát các bộ tộc thông qua sức mạnh quân sự. Việc ra vào khu tự trị trở nên vô cùng khó khăn do phải qua nhiều trạm kiểm soát của quân chính phủ.

 Các ấn phẩm báo chí phải được đại diện của quân đội thông qua trước khi phát hành để không "làm lộ bí mật quân sự". Thậm chí còn có những trường hợp quân lính đột nhiên xông vào nhà dân thường để bắt người. Theo ước tính của một tổ chức nhân quyền địa phương có khoảng 8.000 cá nhân bị quân đội bắt giữ mà không có lệnh của toà án, và nhiều người trong số đó đến nay vẫn "bặt vô âm tín".

Người Pashtun được lãnh đạo bởi một hội đồng các tộc trưởng gọi là "Jirga". Họ cũng có những nhóm dân quân mang tên "Lashkar". Chính phủ Pakistan từ lâu đã can thiệp vào công việc nội bộ của Jirga và Lashkar với mục đích loại trừ các phần tử mà họ cho là ủng hộ Taliban.

Hiệu quả của chiến lược này chưa thấy đâu, nhưng hậu quả ngay trước mắt người Pashtun là việc chính quyền của họ gần bị tê liệt hoàn toàn. Jirga không thể đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào do đấu đá nội bộ. Giữa các nhóm Lashkar thường xuyên xảy ra bất đồng dẫn đến nổ súng vào nhau.

Khu tự trị của người Pashtun luôn là địa phương phát triển kinh tế chậm nhất tại Pakistan nói riêng và Nam Á nói chung. Mảnh đất nhiều núi mà ít tài nguyên đã là trở ngại lớn cho việc thoát nghèo, nhưng khu tự trị còn phải chịu gánh nặng dòng người Pashtun từ Afghanistan chạy sang biên giới sống với họ hàng để tránh chiến tranh.

Thay vì nông nghiệp, ngày nay nền kinh tế của người Pashtun chủ yếu dựa vào dòng hàng hoá xuất khẩu từ Pakistan sang Afghanistan mà phần nhiều là hàng lậu. Theo điều tra của báo Balochistan Times, khoảng ¾ đàn ông Pashtun trong độ tuổi lao động đã hoặc đang tham gia đường dây buôn lậu sang Afghanistan.

Một trạm gác của quân đội Pakistan nơi biên giới.

Liệu có tương lai cho người Pashtun?

Sau nhiều năm thực thi chính sách "cứng rắn" đối với cộng đồng người Pashtun, đã có không ít chính trị gia Pakistan hiểu ra rằng đi theo đường lối quản lý hiện nay chỉ làm bất ổn thêm tình hình khu tự trị và tạo cơ hội cho Taliban lợi dụng.

Tháng 5- 2018, Hiến pháp Pakistan được sửa đổi và khu tự trị của người Pashtun được sát nhập vào với tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Số ghế đại biểu Quốc hội đại diện cho tỉnh Khyber Pakhtunkhwa tăng thêm 8 ghế dành cho người Pashtun.

Islamabad mong rằng việc sát nhập sẽ tạo điều kiện để đưa dân chủ thực chất đến với người Pashtun, đồng thời giúp chính quyền trung ương dễ áp dụng những chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, sự cồng kềnh của bộ máy chính quyền đã khiến quá trình tiến đến hai mục tiêu nói trên chậm lại.

Đã hơn ba năm kể từ việc sát nhập mà hội đồng Jirga vẫn tồn tại trong khi người dân địa phương tiếp tục phải chịu các cuộc đột kích của CIA và quân đội Pakistan. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Người Pashtun đang rất cần những bệnh viện mà Islamabad đã hứa với họ để có thể kịp thời chữa trị và tiêm vaccine cho khoảng 5 triệu người.

Chứng kiến sự bất lực của chính quyền Pakistan, một số học sinh, sinh viên Pashtun đã đứng lên thành lập Phong trào Bảo vệ người Pashtun (Pashtun Tahafuz Movement, viết tắt là PTM). PTM tuần hành biểu tình đòi quân đội Pakistan phải chịu trách nhiệm về những hành vi phạm pháp của mình, yêu cầu CIA ngừng ngay những cuộc không kích tại Pakistan, và kêu gọi Islamabad dỡ bỏ các bộ luật hà khắc đã lỗi thời nhằm đẩy nhanh quá trình dân chủ hoá, hiện đại hoá.

PTM đã đạt được một số thành công ban đầu. Chính quyền địa phương đã đồng ý dỡ bỏ các bộ luật có trong yêu cầu của PTM. Ở cấp nhà nước, chính phủ Pakistan cho thành lập một cục chuyên trách riêng quá trình hợp nhất có sự tham gia của người Pashtun.

Trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các bộ tộc lại là quân đội. Trái với thái độ sẵn sàng lắng nghe của chính phủ, các tướng lĩnh quân đội như ông Qamar Bajwa, Tổng tham mưu trưởng lục quân Pakistan, tỏ ý không vừa lòng trước các yêu sách của PTM.

Nhiều khả năng quân đội Pakistan không muốn phải trực tiếp đối mặt trước những hành động của mình như bắt người vô cớ, tra tấn và nguỵ tạo bằng chứng trước toà. Giới quan sát chính trị thế giới đang quan sát xem Pakistan sẽ giải quyết vấn đề này đến đâu để mở đường cho một giải pháp đa chiều cho khu vực biên giới giáp với Afghanistan.

Vũ Hội (tổng hợp)
.
.