Syria không ngừng chảy máu chất xám do nội chiến

Thứ Sáu, 05/08/2016, 18:35
Giáo dục bậc đại học ở Syria phát triển mạnh trước khi xảy ra bạo động năm 2011, với 350.000 sinh viên chưa tốt nghiệp và hơn 8.000 giáo sư cũng như giảng viên. Hơn một phần tư thanh niên Syria học tập ở bậc đại học. Nhưng 5 năm sau, khoảng 2.000 giáo sư và hàng trăm ngàn sinh viên đang phải sống chật vật trong những trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Allan Goodman, Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) đặt trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định đây là vấn đề “chưa từng xảy ra” trong lịch sử gần 100 năm tồn tại của tổ chức. Goodman phát biểu: “Thậm chí ở Iraq, khi nhiều giáo sư bị ám sát và bạo lực lan tràn kinh khủng, nhiều trường đại học vẫn mở cửa cho sinh viên tiếp tục học tập”. Nhưng, ở Syria thì các trường đại học trở thành mục tiêu tấn công và hủy diệt.

Allan Goodman cho biết cộng đồng quốc tế chỉ vừa mới bắt đầu tiến hành đánh giá mức độ trầm trọng của vấn đề ở Syria, bởi vì giáo dục bậc đại học đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc tái thiết sau khi chiến tranh chấm dứt. IEE đang cố gắng giải cứu những giáo sư ở Syria và sắp đặt nơi tị nạn chiến tranh cho họ.

Nữ sinh viên Sana Mustafa.

Sana Mustafa là nữ sinh viên khoa kinh doanh ở thủ đô Damascus của Syria và bị cảnh sát mật nước này bắt giữ do cô tham gia vào cuộc biểu tình chống chính quyền năm 2011. Hiện nay, Sana Mustafa đang là sinh viên năm cuối Đại học Bard ở New York.

Tiến sĩ Talal al-Mayhni - chuyên gia khoa học thần kinh Viện Khoa học Thần kinh Lâm sàng Đại học Cambridge và rời Syria năm 2011 - cho rằng cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã tác động tiêu cực đến cả một thế hệ thanh niên. Tuy nhiên, giới trí thức Syria vẫn còn thấy được chút ánh sáng hy vọng nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

Quỹ Giải cứu học giả (SRF) của IEE và Trung tâm Chuyển dịch Quốc tế (CIMO) của chính quyền Phần Lan đã triển khai chương trình cho phép giới học giả Syria tiếp tục công việc của họ tại các ngôi trường đại học Phần Lan. Tuy nhiên, công việc chọn lọc tài năng rất khó khăn - theo James King, Phó Giám đốc SRF của IIE. Bất cứ học giả Syria nào cũng được đòi hỏi phải cung cấp một số giấy tờ cần thiết (lý lịch, những ấn bản nghiên cứu v.v…) nhưng một vài người không thể đáp ứng được do chiến tranh loạn lạc.

Giáo sư khảo cổ học Syria Khaled al-Asaad.

Mặc dù vậy, dự án phối hợp giữa IIE và CIMO đã giải cứu được nhiều học giả - 83 người ở Syria và 304 người từ Iraq. Hội đồng về các học giả có nguy cơ (CARA) là “hậu sinh” trực tiếp của Hội đồng Trợ giúp Học giả (AAC) được William Beveridge - Giám đốc Đại học Kinh tế London (Anh) - thành lập năm 1933 nhằm giúp đỡ những học giả bị Đức quốc xã bức hại trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Có những trường hợp một số học giả quay về thành phố Mosul miền bắc Iraq và rồi buộc phải rời đi lần thứ 2 sau khi vùng đất này rơi vào tay chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những vụ ám sát giáo sư đại học tại các thành phố ở Iraq xảy ra thường xuyên - như vụ sát hại nhà khảo cổ học Khaled al-Asaad ở thành phố cổ Palmyra năm 2015 gây sự phẫn nộ cho cộng đồng quốc tế - và từ đó người ta bắt đầu cảnh báo về tình huống tuyệt vọng của giới học giả. CARA đang cùng làm việc với mạng lưới 113 khối trường đại học ở Anh để hỗ trợ giới học giả Syria. Những học giả có được nơi tỵ nạn ở nước ngoài tiết lộ sự thật kinh hoàng về số đồng nghiệp của họ vẫn còn làm việc ở Syria.

Stephen Wordsworth nói: “Họ phải đi qua rất nhiều chốt kiểm soát của chiến binh đủ phe phái. Họ bị cướp bóc, bị đánh đập hay bị ép buộc gia nhập quân đội”.

Nước Đức cũng có những nỗ lực lớn nhằm giúp đỡ những học giả Syria rời khỏi đất nước. Năm 2014, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) được chính quyền tài trợ 7,8 triệu euro dành để giúp đỡ 200 học giả. DAAD nhận được trên 5.000 đơn xin hỗ trợ và trong đó hơn một nửa đến từ Syria.

Người tị nạn đến Đức, nơi có nhiều nỗ lực giải cứu giới học giả.

Tiến sĩ Christian Hulshorster, lãnh đạo khu vực Trung Đông của DAAD, cho biết: “Chúng tôi cùng nhau thành lập một ủy ban chọn lọc bao gồm 25 giáo sư người Đức. Trong 3 tuần lễ, chúng tôi thực hiện những cuộc phỏng vấn ở các thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Beirut (Liban), Cairo (Ai Cập) và Erbil (Iraq)”.

Một sáng kiến khác trị giá 100 triệu euro của Đức cũng được triển khai trong năm 2016 để giúp đỡ những thanh niên tỵ nạn có điều kiện bước vào môi trường giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trước cuộc tranh cãi chính trị về vấn đề làn sóng người tị nạn đang dâng cao, ý tưởng giải cứu giới học giả gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, vấn đề đạo đức được đặt ra khi các giáo sư được cung cấp nơi tị nạn trong khi những người bình thường khác bị bỏ mặc cho bọn buôn người lợi dụng.

Goodman lập luận: “Chúng ta cần thay đổi nếp suy nghĩ. Chúng ta biết rằng người tị nạn phải sống nhiều năm trong các trại tập trung, và cả một thế hệ lớn lên trong những nơi này mà không hề nhận được nền giáo dục thì đó sẽ là điều vô cùng nguy hiểm”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.