Tà giáo hoành hành ở phương Tây

Thứ Bảy, 03/01/2009, 11:30
Suốt hơn 30 năm qua, phương Tây là mảnh đất màu mỡ của bọn người tự phong là thánh sống, nhà tiên tri, hay thầy pháp. Những kẻ tự nhận là "đấng cứu nhân độ thế" hiện đang vơ vét tài sản của cả người nghèo lẫn kẻ giàu. Nhiều người đến với các tà giáo này nhằm tìm sự lý giải cho nỗi cơ hàn của mình, số còn lại thì đơn giản hơn - giết sự buồn nản trong cuộc sống phong lưu.

Giáo phái Chrisna

Thuyết Chrisna được "sáng lập" tại Ấn Độ bởi Bhativedanta Svami Praphupada. Trước khi hành nghề, "thầy" học xong triết học và kinh tế học, nhưng lại quyết định kiếm sống theo “con đường của Thượng đế”. Vì không thể thực thi được ở Ấn Độ, Svami liền vác “sứ mạng do Chúa giao phó” sang Mỹ.

Đầu năm 1965, tại  New York, thuyết Chrisna bắt đầu tìm được mảnh đất phát triển. Thế hệ thanh niên Mỹ lúc bấy giờ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng như các căn bệnh từ một xã hội thực dụng, nên họ cố tìm đường tới sự thật. Thứ tín ngưỡng mới của Praphupada - pha trộn giữa Hindu giáo và những lời phán của các bậc hiền triết - biến thành "đạo Chrisna".

Ở Pháp bấy giờ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người theo thuyết Chrisna. Rất dễ nhận ra họ trên các đường phố Paris với chiếc áo vàng thêu. Tất cả đều cạo đầu nhẵn bóng chỉ chừa lại một dải đuôi sam sau gáy. Họ thường xuyên ăn chay. Tình dục được quan niệm như là một cách để duy trì nòi giống. Cấm rượu, thuốc lá và cờ bạc.

Thậm chí còn cấm đọc cả những cuốn sách không thuộc giáo phái nữa. Vậy giáo phái này lấy đâu ra kinh phí để hoạt động? Thường các nhà truyền giáo không có khái niệm về vật chất, nhưng sự thu thập tiền bạc lại có ý nghĩa hàng đầu trong các hoạt động nhằm khuếch trương tín ngưỡng của họ.

Giáo phái Chrisna thường xuyên tổ chức các buổi vận động công khai những người tình nguyện đóng góp.  Sau đó họ dùng những khoản tiền vừa xin được đầu tư vào công việc kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, nhiều thầy pháp trong đạo Chrisna còn là những cố vấn kinh tế dày dạn kinh nghiệm.

Paris có nhiều văn phòng thương mại thuần túy phục vụ cho đạo Chrisna. Họ chỉ đạo phần lớn các thương vụ mua bán hương liệu, mỹ phẩm và các sản phẩm hóa dược khác. "Khi bạn đã vào đạo Chrisna rồi, thật khó mà thoát ra được. Móng vuốt của đạo giáo không buông tha bạn, kể cả những biện pháp phi nhân bản nhất sẽ được người ta áp dụng nhằm nhốt "con cừu lạc" vào trong bầy để cho Chrisna ngày một nảy nở và phồn thịnh hơn" - một ẩn sĩ vô danh ở New York đã kết luận về thứ tín ngưỡng trá hình mới này.

Giáo phái Buda-Zorba

Thuyết Buda-Zorba, một thứ tín ngưỡng pha tạp do thầy pháp Baghuan Sri Rajhnis “sáng lập” cũng tại Ấn Độ.

Vào cuối thập niên 60 thế kỷ trước, khi còn đứng trên bục giảng môn triết học của Đại học Tổng hợp Jhabalpure, Baghuan nhận thấy giới trẻ đang lúng túng trong việc tìm lời giải cho một xã hội với lối sống thực dụng liền bỏ nghề và lên đường... chu du khắp Ấn Độ, với những lời tiên tri pha trộn rẻ tiền giữa tín ngưỡng, chính trị và... sex.

Rồi cũng đạt được mục đích: Buda-Zorba ra đời và bắt đầu phát triển không ngừng. Năm 1974, B.Rajhnis chuyển “tổng hành dinh” đạo phái mới của mình về Puna, một thành phố cách Bombay 150km.

Chỉ 8 năm sau, Buda-Zorba bành trướng tới mức không thể tưởng tượng nổi. Một lời rao giảng phổ biến của “thầy” là: “Sex thể hiện tâm hồn. Chỉ có sex là vĩnh cửu. Kẻ nào không biết tới sex - đó là đồ bỏ đi!". Rajhnis cũng chỉ nhận vào học những đứa trẻ mà cha mẹ chúng luôn đáp ứng các khoản kinh phí lớn.

Tin đồn về “đạo sex” này lan sang tận phương Tây, thanh niên các nước Âu - Mỹ kéo tới "học" ngày một đông. Thời "rực rỡ" nhất đạo này có khoảng 8.000 học viên. Những kẻ cuồng tín bắt đầu làm "bẩn" thành phố bằng những trang phục nylon trong suốt...

Ở một đất nước mà chỉ mới hôn nhau trên phim thôi cũng đã gây ra bàn tán, huống hồ là sự tồn tại ngang nhiên của cái "thánh địa sex" này. Nạn ẩu đả giữa dân cư và đám "học viên" phổ biến đến mức chính quyền phải ra tay can thiệp.

Theo lệnh của chính phủ, cuối năm 1981 các cơ quan thuế vụ Ấn Độ bắt đầu sờ tới số tài sản khổng lồ của “thầy pháp” Rajhnis. Hết đường, ông ta cùng vài tín đồ vơ vội tiền và chuồn sang... "miền đất hứa" Hoa Kỳ dưới chiêu bài "tị nạn tín ngưỡng" (?!).

Đây là phần hai trong đường đời của "đức thánh Rajhnis". Tới Mỹ, B.Rajhnis mua một khu trang trại rộng 2.700 ha tại tiểu bang Oregon. Đến đầu năm 1984, được phép của chính quyền, Rajhnis đã lấy tên mình đặt cho lãnh địa mới. Phái giáo lại phát triển theo nguyên tắc cũ: mở rộng cửa cho học sinh con nhà giàu. Tiền của lại chảy vào túi Rajhnis như nước.

Phần ba trong đường đời của Rajhnis bắt đầu: bà Sala Berker, cánh tay phải và cũng là người quản lý tài sản của khu "thánh địa", bị buộc tội lạm dụng số tiền lên tới... 43 triệu USD. Và người ta cũng đặt nghi vấn về những cái chết không bình thường của nhiều thành viên trong hội đồng quản trị trang trại.

Bà Sala còn bị tình nghi dính líu tới vụ giết viên bác sĩ riêng của Rajhnis. Cũng có các bằng chứng cho thấy rằng Sala đã chích thuốc chứa virus HIV một cách cố ý cho những người muốn rời bỏ "thánh địa"...

Vì vậy giữa tháng 9/1985, Sala Berker cùng vài kẻ thân cận chuồn sang Đức, cuỗm theo hàng chục triệu USD nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Thế nhưng, những kẻ này sau đó bị bắt tại sân bay Frankfurt và bị dẫn độ về Mỹ xét xử về tội chủ mưu nhiều vụ án mạng có tổ chức.

B.Rajhnis cũng đã tìm cách tẩu tán khối tài sản khổng lồ và trốn sang châu Âu nhưng không thành. "Thầy" bị kết án 175 năm tù, sau được hưởng án treo cùng số tiền phạt 400.000 USD và không được phép cư trú tại Mỹ

Trần Quang Long (theo L' Humanite)
.
.