Tái diễn thủ đoạn “kết bạn tặng quà” để lừa tiền

Thứ Sáu, 24/04/2015, 07:40
Dù không phải là thủ đoạn quá mới, song trò làm quen, kết bạn, thậm chí yêu đương, cầu hôn qua mạng để lừa tiền vẫn được nhiều đối tượng "ưa dùng". Vài tháng trở lại đây, liên tiếp nhiều vụ lừa đảo qua chat, blog và mạng xã hội đã được lực lượng công an phát hiện. Tuy nhiên, không dễ để tóm cổ các đối tượng đầu sỏ.

1. Năm nay đã gần 40 tuổi, chị Phạm Giang V. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa tìm được ý trung nhân. Ngoài công việc ban ngày, tối tối chị V. hay lên mạng giải khuây. Được một người bạn giới thiệu vào trang kết bạn twoo.com "rất dễ để tìm bạn đời", ban đầu chị V. không tin. Sau rồi "rảnh rỗi sinh nông nổi", chị V. nhờ đứa cháu tí toáy đăng ký tham gia.

Một hôm chị V. nhận được một lời mời kết bạn từ một tài khoản twoo mang tên Henry. Xem qua profile (tiểu sử), chị V. biết Henry là một kiến trúc sư khá đẹp trai hiện đang làm việc tại Đức. Người này nhắn cho chị V. một tin bằng tiếng Anh, ý nói khen chị V. xinh và muốn được giao lưu, làm quen. Henry cũng kể sơ qua về quá khứ nhiều chuyện buồn với chị V., và tâm sự rằng năm nay đã 36 tuổi rồi mà vẫn chưa kịp lập gia đình…

Thông qua những cuộc chat thâu đêm suốt sáng, dần dà chị V. nảy sinh tình cảm với người đàn ông trên mạng kia. Henry cũng bộc bạch rằng rất mến chị, luôn miệng gọi chị là "honey" (mật ngọt/người tình). Henry hẹn sẽ sớm sang Việt Nam thăm "người yêu". Chị V. hồi hộp lắm.

Rồi một hôm chị V. nhận được cuộc điện thoại từ một phụ nữ, nói là nhân viên Hải quan Hà Nội. Cô ta nói có một kiện hàng gồm mỹ phẩm, điện thoại đề tên người nhận là chị V. nên gọi điện lại để xác nhận. Tuy nhiên, nếu chị V. muốn nhận số hàng trên thì phải trả 1.000 USD phí. Chị V. lên mạng hỏi Henry thì được anh ta xác nhận là đúng, và lập tức đi gửi tiền cho hắn.

Qua 3 lần gửi với tổng số tiền lên đến 90 triệu đồng mà chẳng thấy kiện hàng nào gửi về, chị V. lên mạng tìm "mật ngọt". Song hỡi ôi, tài khoản Henry đã biến mất tự bao giờ!

Tháng 12/2014, chị Lê Thị Minh H. (trú tại Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) quen một doanh nhân người Anh tên Wilson Edward qua mạng xã hội Facebook. Là người biết ngoại ngữ và quảng giao chị H. thường xuyên nói chuyện với Wilson, mối quan hệ dần trở nên khăng khít.

Tháng 3/2015, Wilson bất ngờ "chat" với chị H. và nói rằng mình đang bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vì mang theo một lượng tiền mặt (USD) quá lớn. Wilson đề nghị chị H. nộp phạt giúp để được tại ngoại.

Sau đó, có một người phụ nữ xưng tên là Quyên, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất gọi cho chị H. nói muốn giúp cho Wilson thì chị phải chuyển 3.500 USD nộp phạt. Bán tín bán nghi, song chị H. vẫn chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản của Quyên.

Sau đó, qua chat trên facebook, Wilson tiếp tục đề nghị chị H. chuyển thêm 8.500 USD nữa. Lúc này ngờ ngợ là bị lừa, chị H. làm đơn trình báo với Cơ quan Công an.

Không ít phụ nữ bị sập bẫy khi kết bạn qua mạng.

Thông qua mạng xã hội Badoo.com, chị Lê Hương L. (trú tại phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) có quen một người đàn ông giới thiệu tên Ryan v. Bommel (SN 1973, quốc tịch Hà Lan, hiện đang cư trú tại Anh) làm nghề xây dựng. Sau một thời gian nói chuyện và dần trở nên thân thiết, Ryan nói sẽ sang Việt Nam chơi, tìm mối làm ăn và qua thăm chị L. Chị L. rất vui vẻ nhận lời, trao đổi số điện thoại và hứa sẽ dẫn Ryan đi thăm thú Hà Nội.

Vài hôm sau, Ryan lại chat với chị L., đề nghị chị nhận giúp một số đồ dùng cá nhân. Chị L. tin tưởng đồng ý.  Ngay hôm sau, có một người phụ nữ gọi vào điện thoại của chị L. thông báo với chị có một bưu phẩm gửi cho chị, đồng thời chị phải nộp hơn 12 triệu đồng phí vận chuyển.

Do đã được Ryan thông báo trước nên chị đã ra bưu điện, chuyển đủ tiền vào tài khoản cho người phụ nữ kia. Người phụ nữ tiếp tục gọi cho chị L., nói rằng chị cần gửi thêm 4.000 USD nữa, "vì trong bưu phẩm còn chứa rất nhiều đôla". Chị L. sinh nghi, vội liên lạc với Ryan thì thấy hắn đã lặn mất tăm.

Chị Phan Thị T. (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) thông qua yahoo và mạng twoo.com làm quen với một người tên Bryan Bommel (quốc tịch Anh, đang công tác tại ngành xây dựng). Sau một thời gian, mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, Bryan cho biết sẽ sang Việt Nam chơi và gửi một thùng quà cho chị.

Mấy hôm sau, một phụ nữ tự nhận là nhân viên hải quan gọi cho chị T. yêu cầu chị thanh toán 800 USD tiền phí để nhận thùng hàng do Bryan gửi.  Chị T. đã gọi lại cho Bryan để xác nhận thùng hàng, rồi gửi 800 USD vào tài khoản do người phụ nữ kia cung cấp.

Khoảng 4 ngày sau, nhân viên hải quan lại gọi cho chị T., yêu cầu chuyển thêm 1.500 USD nộp phạt vì trong thùng hàng phát hiện có số tiền lớn. Chị T. tiếp tục chuyển 500 USD vào tài khoản của đối tượng và nói sẽ gửi tiếp 1.000 USD khi thấy thùng hàng. Sau đó chị T. không thấy cả Bryan lẫn cô nhân viên hải quan liên hệ lại nữa.

Mới đây nhất, ngày 9/4/2015, chị Trần Thị P. trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng quen với một đối tượng người nước ngoài qua mạng xã hội. Với thủ đoạn hệt như các tên Wilson, Bryan, đối tượng đã lừa chị P. gửi cho hắn 4 lần, tổng số 63 triệu đồng để được "nhận quà". Dĩ nhiên, sau đó chị P. chẳng nhận được thứ gì.

Dẫn giải trùm lừa đảo về cơ quan Công an.

2. Theo một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội, khoảng vài tháng qua, Cơ quan Công an đã nhận được hàng chục đơn trình báo của các bị hại về việc bị lừa đảo thông qua hình thức kết bạn qua mạng Internet.

Đáng chú ý, đầu tháng 4/2015 có một nữ sinh quốc tịch Lào tên Keolaphon Saysamuc (hiện đang học năm cuối tại một trường đại học ở Việt Nam) đã lên PC45 trình báo. Cô bị một đối tượng quen qua mạng và lừa mất hơn 1.000 USD, cũng bằng thủ đoạn kết bạn, gửi hàng rồi nhờ nộp thuế hải quan.

Điều tra ban đầu cho thấy, bị hại thường là sinh viên hoặc những người làm các công việc khép kín, ít có mối quan hệ giao tiếp bên ngoài. Họ cũng dễ tin các mối quan hệ và những thông tin trên mạng. Cũng qua nghiên cứu phương thức thủ đoạn của các đối tượng, có thể thấy chúng tỏ ra khá "lành nghề".

Với mỗi con mồi, chúng đều bỏ thời gian nghiên cứu kỹ profile, để tìm hiểu xem họ đang cần gì, muốn gì. Dựa trên những thông tin đó, chúng khéo léo trò chuyện, tâm sự và đánh trúng tâm lý của các bị hại. Từ chỗ chỉ là những kẻ xa lạ, dần dà bị hại ngày một tin tưởng chúng hơn, và chuyện chuyển tiền cho chúng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trường hợp chị H. bị tên Wilson lừa. Do hắn biết chị đã có chồng, con nên không đánh vào tình cảm mà nhằm vào tiền bạc. Hắn khoe có hàng triệu đôla trong tài khoản, và thậm chí còn chuyển cho chị H. một đường link (đường dẫn) tới tài khoản ngân hàng quốc tế của hắn.

Sau khi chị H. chuyển 50 triệu đồng, Wilson còn làm thao tác chuyển lại cho chị 5.000 USD trên tài khoản ấy, hẹn khoảng 3-4 ngày sau tiền sẽ chảy vào tài khoản của chị H. Wilson còn hứa sau khi được tại ngoại sẽ mua tặng chị H. một chiếc xe ôtô. Thậm chí Wilson còn cho chị H. cả tài khoản đăng nhập và mật khẩu của tài khoản ngân hàng kia. Tuy nhiên chị H. chờ mãi chẳng thấy xe đâu, tiền cũng không có một cắc!

Thêm vào đó, các đối tượng cũng rất khôn ngoan, chỉ yêu cầu bị hại chuyển tiền vào buổi chiều. Vì sau đó, nếu bị hại có phát hiện ra đã bị lừa thì cũng phải sáng hôm sau mới có thể can thiệp vào hệ thống ngân hàng. Dĩ nhiên trong đêm đó, các đối tượng đã kịp chuyển tiền ra các tài khoản khác rồi cuỗm sạch.

Đối tượng người nước ngoài còn câu kết với nhiều đối tượng người Việt để tạo sự tin tưởng đối với bị hại. Tại Cơ quan Công an, chị H. cho biết lúc đầu nghe Wilson nói thì chị không tin. Nhưng sau đó có người phụ nữ nói giọng miền trong, xưng là hải quan TP HCM thì chị hơi ngờ ngợ. Các thông tin người phụ nữ nói đều khá trùng khớp với câu chuyện chị H. đang chat với đối tượng Wilson, khiến chị cứ "mụ" người đi. Chỉ đến khi lệnh chuyển khoản đã hoàn tất, giật mình kiểm tra lại thì chị mới phát hiện ra đây là một cái bẫy quá tinh vi!

Cũng có trường hợp, các đối tượng biết được bị hại hay đi công tác nước ngoài. Chúng liền tỏ ý muốn mời bị hại sang chơi, tiện thể sẽ mua tặng các loại mỹ phẩm, đồ công nghệ đắt tiền. Bị hại nghĩ rằng "có đi cũng nên có lại", nên dễ dàng bị sập bẫy.

Còn nhớ, tháng 2/2015 vừa qua Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã tóm được đối tượng Oshanugor James Anyasi (SN 1980, quốc tịch Nigeria) là một trong số những kẻ chuyên bày trò làm quen, yêu đương rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ (cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài). James có vóc người cao lớn, nước da đen bóng và có một "sự quyến rũ kỳ lạ" với nhiều phụ nữ.

Đối tượng James.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến nay James liên tục giả làm doanh nhân giàu có lên mạng Internet để tìm gặp nhiều phụ nữ thuộc các nước Đông Nam Á để trò chuyện, làm quen. Khi thấy có người "bắt sóng", James sẽ giở bài than thở rằng mình đang rất cô đơn, rất cần có bạn, và vẽ ra viễn cảnh sống sung sướng, giàu có nếu đối tác ra nước ngoài sống cùng James.

James cũng nhiều lần nhập cảnh vào các quốc gia như Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia… để gặp đồng bọn và những "hôn thê" tương lai của hắn. Tuy nhiên, sau khi đã chiếm được cả tiền nong và tình cảm của các "quý bà" ngây thơ James đã lặn một hơi mất tăm, để lại cho bị hại niềm day dứt khôn nguôi.

Trong một chuyên án phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia của các đối tượng người Nigeria gồm Oshanugor James Anyasi, Oryewhere Christian Karie (tên gọi khác là O.Christ, SN 1982), Oriame Orias Ehis (tên gọi khác là Lucker, SN 1980) cùng một số đối tượng người Việt, Cơ quan Công an đã làm rõ hành vi, vai trò của James. James đã bị truy nã quốc tế, song hắn ranh mãnh đã chuồn biệt tích.

Không để đối tượng ngang nhiên lộng hành, các chiến sĩ Phòng PC45 đã lên kế hoạch phục bắt James nếu hắn xuất hiện ở Việt Nam. Tháng 2/2015, các trinh sát Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã phát hiện ra James đang trong hành trình di chuyển từ Dohar (Qatar) sang Phnompenh (Campuchia), sẽ quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, hai trinh sát PC45 lập tức từ Hà Nội bay vào TP HCM, phối hợp cùng với Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đón lõng hắn. Tới đây, James sẽ phải ra trước vành móng ngựa vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Minh Tiến
.
.