Tên lửa Brahmos - siêu vũ khí của Nga và Ấn Độ

Thứ Hai, 13/10/2008, 08:30
Loại tên lửa mới thuộc phiên bản cải tiến của tên lửa tuần hành siêu âm Brahmos thế hệ đầu tiên, sẽ bay nhanh hơn nhiều so với Brahmos trước đây, có tốc độ 5 - 7 Mach (nhanh gấp 5 - 7 lần so với tốc độ âm thanh).

Vừa qua, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Hàng không Vũ trụ Brahmos - hãng sản xuất tên lửa liên doanh Nga - Ấn đã tổ chức cuộc họp báo. Đáng chú ý là trong cuộc họp báo này, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty (người Nga) là Alexander và Giám đốc điều hành (người Ấn Độ) là A.Sivathanu Pillai đã giới thiệu một số thông tin liên quan đến loại tên lửa Brahmos phiên bản mới nhất, được đánh giá là siêu vũ khí có khả năng vô hiệu hóa bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới hiện nay.

Thông tin này thực sự làm Mỹ và phương Tây rất quan ngại, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng, phức tạp như hiện nay, hơn nữa từ trước đến nay phương Tây chưa hề biết nhiều về loại tên lửa này.

Tính năng và khả năng tác chiến của tên lửa siêu âm Brahmos mới

Theo nguồn tin, loại tên lửa mới thuộc phiên bản cải tiến của tên lửa tuần hành siêu âm Brahmos thế hệ đầu tiên, sẽ bay nhanh hơn nhiều so với Brahmos trước đây, có tốc độ 5 - 7 Mach (nhanh gấp 5 - 7 lần so với tốc độ âm thanh).

Loại tên lửa này sẽ có động năng lớn, tầm bắn và động cơ phản lực tĩnh siêu âm, giúp cho nó trở thành loại vũ khí hủy diệt có độ chính xác cao, tốc độ nhanh chưa từng thấy. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ - (DPRO) và Tổ chức Khoa học và sản xuất Mashinostroeyenia của Nga. Dự định trong vòng 5 đến 7 năm tới, loại tên lửa này sẽ được trang bị cho quân đội.

Cũng theo nguồn tin của Hãng Hàng không vũ trụ Brahmos thì tên lửa siêu âm Brahmos thế hệ đầu tiên dài 9m, đường kính 70cm, xạ trình 300 km, trọng lượng 3 tấn, có thể bay ở độ cao 10-14 nghìn mét, tốc độ là 2,7 Mach, thiết bị chiến đấu có trọng lượng là 300 kg.

Loại tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, có thể phóng trên các tàu trên mặt nước, tàu ngầm, máy bay và các bệ phóng di động đặt trên các xe tải gầm thấp. Điểm khác biệt của loại tên lửa này so với các loại tên lửa cùng loại của các nước khác đang được sử dụng chẳng hạn như tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ chế tạo là tốc độ lớn hơn 3 lần và xạ trình gấp 2,5 lần, thời gian phản ứng nhanh gấp 3 - 4 lần.

Theo kế hoạch, sau khi sản xuất được số lượng lớn loại tên lửa Brahmos thế hệ đầu tiên, ngoài việc trang bị cho quân đội Nga và Ấn Độ, nó sẽ được xuất khẩu cho nước thứ ba. Hãng Hàng không vũ trụ Brahmos sẽ căn cứ vào quy định pháp luật hai nước để bán cho các nước thứ ba loại tên lửa này theo như thỏa thuận chung về đối tượng xuất khẩu.

Theo dự báo, những nước tiềm năng nhất để xuất khẩu loại tên lửa này là Nam Phi, Chile, Arập Xêút, Malaysia, Indonesia, Tiểu vương quốc Arập và tương lai có thể là 10-15 nước.

Tên lửa tuần hành siêu âm Brahmos của Nga và Ấn Độ.

Theo một số quan chức của Hãng Brahmos tiết lộ, Nga và Ấn Độ sẽ chỉ bán loại tên lửa này cho quốc gia nào thân cận và được xem như là các đối tác chiến lược trong việc cân bằng an ninh cho Nga và Ấn Độ và không gây uy hiếp cho hai nước.

Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu của loại tên lửa này tương đối lớn, vì hiện nay trên thế giới có khoảng 6.000 quả tên lửa tuần hành, nhưng chủ yếu sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ấn Độ hy vọng trong tương lai họ sẽ mua loại tên lửa này để trang bị cho lục quân và hải quân.

Theo một số chuyên gia quân sự dự đoán thì Ấn Độ có thể mua khoảng 1.000 tên lửa Brahmos để trang bị cho quân đội nước này trong thập niên tới và xuất khẩu khoảng 2.000 tên lửa loại này cho các quốc gia thứ ba trong cùng giai đoạn đó. Còn quân đội Nga cũng sẽ trang bị cho Hải quân Nga khi Hải quân Nga được trang bị các loại vũ khí, trang thiết bị mới.

Một số thông tin liên quan đến chương trình nghiên cứu, sản xuất tên lửa Brahmos

Theo Hiệp ước Hợp tác nghiên cứu, sản xuất hệ thống tên lửa chống hạm được ký kết ngày 12/2/1998, Nga và Ấn Độ đã thành lập Hãng Hàng không vũ trụ Brahmos, với nhiệm vụ chuyên nghiên cứu và sản xuất loại tên lửa tuần hành siêu âm Brahmos. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình này gồm có 50,5% của phía Ấn Độ và số còn lại là của Nga.

Từ giữa năm 1999, Hãng Hàng không vũ trụ Brahmos đã bắt đầu nghiên cứu và sản xuất thử loại tên lửa Brahmos thế hệ đầu tiên và ngày 12/6/2001 đã tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên tại Ấn Độ và cho đến nay đã thử nghiệm thành công 15 lần.

Mùa hè năm 2006, Lục quân Ấn Độ đã xây dựng thử nghiệm trận địa tên lửa Brahmos cơ động đầu tiên ở khu vực biên giới Ấn Độ và Pakistan cùng các loại tên lửa chiến thuật và chiến dịch. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc này chủ yếu là do vào năm 2005, Lục quân Pakistan đã bố trí loại tên lửa tuần hành “Babur” có xạ trình 500 km ở khu vực biên giới với Ấn Độ.

Ngày 5/3/2008, Hải quân Ấn Độ cũng đã tiến hành bắn thử loại tên lửa Brahmos thế hệ đầu tiên từ trên tàu khu trục “Rajput” và đã tiêu diệt thành công hai mục tiêu giả định trên hai đảo Andaman và Nicobar. Đây là loại tàu chiến đầu tiên của Hải quân Ấn Độ có trang bị 4 thiết bị phóng tên lửa. Hải quân Ấn Độ cũng đang nghiên cứu phương án sử dụng loại tên lửa này để trang bị trên các loại máy bay chiến đấu như Su-30, Su-35 và máy bay tuần tra chiến đấu TU-142.

Lúc đầu, dự toán kinh phí sản xuất tên lửa Brahmos thế hệ đầu tiên rất lớn, nhưng do tận dụng kinh nghiệm của Tổ chức Khoa học và sản xuất Mashinostroeyenia của Nga, nên giá thành nghiên cứu, sản xuất loại tên lửa này đã giảm đáng kể.

Các nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ đều cho rằng việc hợp tác sản xuất loại tên lửa Brahmos có thể là tiền lệ tốt cho việc hợp tác trên các lĩnh vực, chương trình khác, trong đó có việc nghiên cứu, chế tạo xe tăng đời mới và máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.