Tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân, Phạm Minh Hoàng lãnh án tù

Thứ Năm, 18/08/2011, 14:25

Sáng ngày 10/8/2011, Tòa án Nhân dân TP HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Minh Hoàng, là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

1. Sinh ngày 8/8/1955 tại Vũng Tàu, Phạm Minh Hoàng là con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Năm 1973, ông ta sang Pháp du học rồi sau đó tốt nghiệp ngành Khoa học ứng dụng với học vị thạc sĩ.  Trong thời gian ở Pháp, ông ta đã nhiều lần viết bài, gửi cho một số tờ báo, tạp chí của các hội đoàn người Việt chống cộng ở Pháp, xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam.

Năm 1996, Phạm Minh Hoàng được những người bạn học là Nguyễn Ngọc Đức,  trưởng cơ sở của tổ chức khủng bố Việt Tân tại Pháp, Nguyễn Thị Thanh Vân - thành viên Việt Tân, móc nối gia nhập tổ chức khủng bố Việt Tân.

Năm 1998, Hoàng trở thành thành viên chính thức của Việt Tân. Cũng trong năm đó, nhận lệnh của Việt Tân, Phạm Minh Hoàng làm thủ tục xin về nước mà mục đích là để tìm cơ hội hoạt động. Trong một bản tự khai tại Cơ quan An ninh điều tra, Phạm Minh Hoàng viết: "Khi tham gia Việt Tân, tôi biết rõ đây là một tổ chức có âm mưu, ý đồ chống phá đất nước".

Năm 2000, Phạm Minh Hoàng được Trường đại học Bách khoa TP HCM nhận vào làm giảng viên hợp đồng. Để tuyển mộ người cho tổ chức khủng bố Việt Tân, Phạm Minh Hoàng thành lập những nhóm sinh viên, thanh niên, hoạt động dưới hình thức đào tạo "kỹ năng mềm",  trang bị kiến thức vào đời cho giới trẻ nhưng bên trong, Hoàng hướng dẫn cho họ các phương pháp đấu tranh "bất tuân dân sự".

Phạm Minh Hoàng bị dẫn giải về trại giam sau khi tòa tuyên án.

Vẫn theo lời khai của ông ta, thì: "Dự định của tôi là sẽ thành lập những nhóm trá hình để lôi kéo giới trẻ rồi trong số những người ấy, tôi sẽ chọn những người ưu tú nhất để gửi ra nước ngoài, tham dự những khóa đào tạo do Việt Tân tổ chức. Sau đó quay trở về, làm hạt nhân kích động người dân biểu tình, bạo loạn để Việt Tân nương theo, cướp chính quyền".

Song song với những hoạt động này, Phạm Minh Hoàng còn lần lượt viết 33 bài dưới cái tên Phạm Kiến Quốc, gửi cho Việt Tân để Việt Tân tung lên mạng Internet. Nội dung của những bài viết ấy, ông ta thể hiện thái độ thiếu xây dựng, đả phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh đất nước, kích động người dân chống đối, vận động chống đối, lật đổ chế độ một cách có ý thức, có tính chuyên nghiệp theo ý đồ của tổ chức khủng bố Việt Tân.

Ngày 17/11/2007, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trần Công Minh (Việt kiều Pháp),  Trương Văn Sĩ (tức Trương Leon - Việt kiều Mỹ), Nguyễn Quang Phục (tức Lưu Ngọc Bang, Khumni Somsak - Việt kiều Thái Lan) bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ vì đã cùng Nguyễn Quốc Quân - trung ương ủy viên Việt Tân - kẻ vào Việt Nam trái phép bằng căn cước Campuchia giả mạo dưới cái tên Ly Seng nhằm tiến hành tổ chức đường dây xâm nhập bí mật qua biên giới Việt Nam, Campuchia để đưa người, vũ khí, chất nổ về Việt Nam, thực hiện âm mưu khủng bố. Riêng Nguyễn Ngọc Đức nhanh chân chạy thoát. Trong trại giam, Nguyễn Thị Thanh Vân và Trần Công Minh đã khai báo rất thành khẩn - kể cả khai luôn về Phạm Minh Hoàng.

Nắm được những thông tin về Phạm Minh Hoàng, Cơ quan An ninh Việt Nam đã mời ông ta đến để động viên, giáo dục ông ta từ bỏ con đường sai trái. Tuy nhiên, thay vì chấm dứt những hành vi vi phạm pháp luật, thì theo lời khai của ông ta sau ngày bị bắt: "Tôi vẫn lén lút liên hệ bằng điện thoại, e-mail với Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thanh Vân".

Ngày 26/11/2009, Phạm Minh Hoàng cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh và một người nữa tên Nguyễn Thanh Hùng sang Malaysia bằng hình thức du lịch, toàn bộ chi phí đều do Việt Tân cung cấp. Trong suốt 3 ngày tại đây, Hoàng, Oanh và Hùng đã được Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thanh Vân tiến hành huấn luyện  "phương pháp đấu tranh bất bạo động".

Đầu năm 2010, Phạm Duy Khánh, ở Pháp, Huỳnh Châu, ở Mỹ và Huỳnh Jolia Trang, ở Úc - cả ba đều là thành viên Việt Tân, nhập cảnh Việt Nam. Sau khi gặp Phạm Minh Hoàng, bọn chúng đã sử dụng chức năng giảng viên đại học của Hoàng, tiến hành lôi kéo hơn 40 sinh viên, học sinh tham gia khóa đào tạo "kỹ năng mềm" mà thực chất theo lời khai của Hoàng thì: "Đó là những lớp đào tạo, huấn luyện, tuyển mộ, kết nạp thành viên vào tổ chức Việt Tân, hoạt động chống Nhà nước".

Chưa hết, ngày 4/7/2010, tại nhà riêng của Phạm Minh Hoàng, ông ta đã cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh và Nguyễn Thanh Hùng, Đoàn Đắc Tuấn, tổ chức nhóm họp "chi bộ Việt Tân ở Sài Gòn". Trong buổi họp ấy, Hoàng và vợ thừa nhận mình là Việt Tân, Đoàn Đắc Tuấn cũng nhận là Việt Tân để tạo điều kiện cho vợ Hoàng là Lê Thị Kiều Oanh, rủ Nguyễn Thanh Hùng tham gia tổ chức. Tiếp theo, Hoàng chỉ đạo thành lập 3 tổ chức Việt Tân trá hình, là "Câu lạc bộ Hướng Dương", "Trứng bay", "Cọp lãnh đạo" rồi phân công Oanh, Tuấn, Hùng cầm đầu các tổ chức này.

Trước những sự việc ấy, một lần nữa Cơ quan An ninh lại mời Phạm Minh Hoàng đến, phân tích, thuyết phục, giáo dục. Tuy nhiên ông ta vẫn phớt lờ. Vì vậy, ngày 13/8/2010, Phạm Minh Hoàng bị bắt theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" với đầy đủ chứng cứ.

Sau khi bị bắt, Phạm Minh Hoàng khai báo rất thành khẩn. Trong đơn xin khoan hồng, ông ta viết: "Trong tất cả 33 bài viết của tôi dưới bút danh Phạm Kiến Quốc gửi cho Việt Tân để chúng tán phát lên mạng Internet, có nhiều chi tiết không đúng sự thật mà mục đích là làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước… Tôi nhận thức việc làm của tôi như trên là vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi mong được Nhà nước xem xét, khoan hồng để tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình".

2. Phiên tòa xét xử Phạm Minh Hoàng thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông trong và ngoài nước. Hoàng đứng trước vành móng ngựa với bộ dạng lịch sự, đúng mực. Áo sơ mi xắn tay, quần tây xanh.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/8/2011, nhưng chỉ trong buổi sáng ngày 10-8, phiên tòa đã kết thúc. Bởi, hầu như trong phần xét hỏi lẫn tranh luận, Hoàng đã thừa nhận hành vi của mình là sai trái và xin được sự khoan hồng của pháp luật.

Lời cuối cùng tại phiên tòa, Hoàng nói: "Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi thành thật hối lỗi và tận đáy lòng mình, tôi kính xin sự khoan hồng của pháp luật xem xét mức án dành cho tôi, để tôi sớm có cơ hội trở về lo cho cha mẹ già yếu và người anh bị liệt nửa người, mù lòa. Nếu được, tôi tha thiết xin phép cho tôi tiếp tục đi dạy lại, vì đó là niềm đam mê của tôi…".

Căn cứ các chứng cứ thu thập tại Cơ quan điều tra, những lời khai nhận, kết quả tranh tụng tại tòa, Hội đồng xét xử khẳng định có đủ căn cứ kết luận Phạm Minh Hoàng phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi phạm tội của Phạm Minh Hoàng là rất nghiêm trọng. Hành vi đó đã xâm phạm an ninh quốc gia, làm ảnh hưởng xấu trật tự an toàn xã hội, cần phải nghiêm trị theo pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như xét hỏi tại tòa, Phạm Minh Hoàng đã nhận thức được sai lầm, tỏ ra ăn năn hối cải, thành thật khai báo... nên Hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, giảm một phần hình phạt cho bị cáo Phạm Minh Hoàng. Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Phạm Minh Hoàng 3 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử còn tuyên phạt  quản chế 3 năm đối với Phạm Minh Hoàng sau khi bị cáo chấp hành xong hình phạt tù

Kinh Vũ
.
.