Cảnh giác với app thương mại điện tử biến tướng:

“Thần đèn” giăng bẫy chờ ai?

Thứ Năm, 10/09/2020, 20:56
Thời gian gần đây, cái tên MyAladdinz được quảng cáo là "App thần kỳ thời 4.0", giúp khách hàng mua được các sản phẩm, hàng hóa chỉ bằng 20% giá trị thực, vì họ sẽ được hoàn trả 80% tiền sau khi mua.


Trên không gian mạng, nhan nhản những lời mời chào hết sức hấp dẫn, kêu gọi đầu tư vào app này để kiếm triệu đô la sau vài năm. Nhưng liệu đó có tiếp tục là một trò lừa đảo đa cấp theo mô hình ponzi hay không?

MyAladdinz là gì?

Với những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT), tiền điện tử, thì cái tên "MyAladdinz" có lẽ không còn xa lạ. Hiểu đơn giản, MyAladdinz là một ứng dụng "app" mua sắm trực tuyến, kết nối người mua và người bán với nhau, tương tự như các sàn TMĐT như Amazon, Tiki, Shopee, Lazada hay Sendo. Tuy nhiên, điểm khác biệt của MyAladdinz là ứng dụng này hoàn tiền lên tới 80% cho người mua. 

Thông tin trên website giới thiệu về app Myaladdinz.

Việc hoàn tiền thông qua quy đổi bằng đồng Gem (tức "ngọc"). Đồng Gem là một dạng tiền điện tử, được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên cộng đồng của MyAladdinz mà nền tảng này kết nối. Mỗi "Gem" tương đương với 1 USD (khoảng 23.000 đồng), có thể đổi ra tiền mặt.

Để tham gia ứng dụng (app MyAladdinz), người dùng phải nộp tiền vào hệ thống tối thiểu là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng), quy đổi thành 100 đồng Gem. Người dùng sử dụng đồng Gem để mua hàng hoá, sau khi hoàn thành giao dịch đó sẽ được hoàn tiền lên đến 80%. 

Tuy nhiên 80% này không được quy đổi sang tiền thật ngay, mà sẽ trả bằng điểm (Points). Điểm (Points) là doanh thu tích lũy tiềm năng, không thể bán ra tiền. Chẳng hạn, khách hàng mua một chiếc điện thoại Iphone với giá 1.000 USD trên app MyAladdinz, người bán sẽ nhận được 1.000 USD, sau đó app sẽ hoàn trả 80% (tức 800 USD) cho khách bằng điểm (Points). Tiếp tục điểm (Points) này sẽ được trả dần cho khách bằng cách quy đổi ra Gem, mỗi ngày 0,2%, trong vòng 180 ngày đầu. 

Từ ngày 181 sẽ trả 0,1% cho đến khi hết điểm (Points). Có nghĩa là khách hàng sẽ không được nhận 80% này một lần, mà trả dần trong vài năm, sau khi nhận được đồng Gem, nếu khách muốn nhận tiền mặt thì lại phải bán đồng Gem ra tiền mặt, 1 đồng Gem = 1 USD. Cơ bản hình thức mua sắm hoàn tiền 80% của MyAladdinz là như vậy.

 Điểm hấp dẫn "chết người" với khách hàng của app này, lại là một hình thức đầu tư với tên gọi: "đầu tư với MyAladdinz". Theo đó, khách không cần phải mua hay bán sản phẩm gì cả, chỉ đơn giản là sử dụng tiền thật để mua đồng Gem trên app MyAladdinz, rồi sau đó đổi sang điểm (Points). 

Trong 1 năm đầu, số Gem sau khi quy đổi sẽ được nhân 6 lần. Và rồi sau đó, khách được nhận lãi 0,2%/ ngày, trả bằng đồng Gem. Hiện MyAladdinz chỉ chấp nhận khoản đầu tư tối thiểu là 100 USD. Về bản chất, đây là hình thức góp vốn nhận lãi suất - một hình thức cực kỳ phổ biến trong giới đầu tư tiền điện tử đa cấp, còn gọi là "Coin MLM".

Trang web của MyAladdinz với những tuyên bố rất "kêu", rằng công ty chủ quản mong muốn tạo ra một nền tảng cho các chủ gian hàng tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn và thưởng cho người tiêu dùng vì sự tham gia của họ. Chương trình "Phần thưởng khách hàng" mang lại cho các chủ gian hàng và khách hàng, biến mọi điều ước của họ thành vàng.

Những người sử dụng ứng dụng MyAladdinz bao gồm khách hàng mua sắm sản phẩm; chủ cửa hàng hay doanh nghiệp; nhà đầu tư; người xây dựng hệ thống (Leader). Trong đó Leader là những người kiếm tiền bằng cách giới thiệu người khác tham gia mua sắm hay đầu tư trên MyAladdinz. Khi khách hàng lôi kéo được thêm một người tham gia đầu tư hay mua sắm và người này thực hiện mua Gem và đổi sang điểm (Points), thì Leader sẽ nhận được một khoản tiền hoa hồng, cũng được trả bằng Points hoặc Gem.

MyAladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % và theo cấp bậc, có tối đa 15 cấp bậc (từ Level 1 đến Level 15). Điều này tương tự như hình thức tiếp thị liên kết (affiliate), rất phổ biến trong các mạng lưới đa cấp. Với hình thức trả thưởng hấp dẫn nhiều tầng theo mô hình đa cấp như vậy, MyAladdinz đã thu hút được rất nhiều Leader, qua đó tuyển thêm nhiều nhà đầu tư vào hệ thống.

Những dấu hiệu lừa đảo

Trên trang web chính thức, MyAladdinz tự quảng bá là một sản phẩm của Success Resources - một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đào tạo quốc tế quy mô lớn, với sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng. Tập đoàn này được cho là do một tỷ phú có tên là "Richart Tan" sáng lập tại Singapore vào năm 1993.

Trên thực tế, Success Resources và tỷ phú Richart Tan là có thật, nhưng không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai thực thể này với MyAladdinz, cũng như không có nguồn tin đáng tin cậy nào xác nhận MyAladdinz là sản phẩm của Success Resources, và ông Richart Tan cũng chưa từng đề cập đến MyAladdinz. 

Không những thế, MyAladdinz còn lợi dụng hình ảnh của Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách "Cha giàu, Cha nghèo" hay Tổng thống Mỹ Donald Trump để đánh bóng thương hiệu, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư.  

Theo dữ liệu từ Wayback Machine, website của dự án MyAladdinz (www.myaladdinz.com) được thành lập vào tháng 4/2019.

Hình ảnh ghép các nhân vật nổi tiếng trên một website Myaladdinz nhằm đánh lừa người dùng.

Nghi vấn tiếp theo là, mặc dù được quảng cáo là một dự án mang "tầm cỡ quốc tế" như MyAladdinz, nhưng trang web chính thức lại cực kỳ thô sơ và thiếu chuyên nghiệp, chỉ vỏn vẹn có 3 trang, gồm Trang chủ, FAQ và giới thiệu, thỉnh thoảng truy cập còn bị lỗi, không hiển thị nội dung. 

Nội dung web cung cấp quá ít thông tin về dự án, chỉ vỏn vẹn vài dòng giới thiệu và link tải app, ngoài ra không hề có thông tin cụ thể về người sáng lập, công ty đứng sau hay trụ sở, địa chỉ... 

Tại Việt Nam, MyAladdinz được cho là vận hành và giới thiệu bởi công ty Apota Education - có trụ sở tại Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Tại một số trang web quảng cáo cho MyAladdinz, thông tin cũng rất mập mờ, tất cả dữ liệu đều không có nguồn đáng tin cậy xác nhận, rất có thể do chính kẻ tạo ra nó "vẽ" ra.

Điều đáng ngờ nữa, theo dữ liệu từ Alexa thì có tới 80% là người Việt Nam truy cập website của MyAladdinz, trong khi nó tự quảng bá là một dự án toàn cầu, đã hoạt động kể từ năm 2019. Bên cạnh đó, một trang web khác có địa chỉ "Myaladdinz.com.vn" còn cho thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng có mặt trên app MyAladdinz, chẳng hạn như: AEON, KFC, McDonald's, Starbucks,.. 

Thế nhưng, trên thực tế các thương hiệu này không hề hợp tác với MyAladdinz, có nghĩa là chẳng có sản phẩm nào của các nhà bán lẻ khổng lồ này có mặt trên ứng dụng MyAladdinz cả. Rõ ràng đây là một sự bịa đặt nhằm tạo sự tin tưởng đối với khách hàng. Cuối cùng, kết quả tra cứu từ cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công thương cho thấy, ứng dụng MyAladdinz không có trong cơ sở dữ liệu đã được cấp phép.

Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM) giải thích, theo quy định tại khoản 3, Điều 25, Nghị định 52/2013, ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng là một hình thức tổ chức của hoạt động TMĐT, cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ. Các ứng dụng này phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương, nếu hoạt động không phép thì tùy mức độ, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Ông Võ Đỗ Thắng - (Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena) cũng cho rằng việc chuyển đổi tiền Việt Nam (VNĐ) thành đồng Gem trong ứng dụng MyAladdinz là một dạng biến tướng trong thanh toán. Theo quy định hiện hành, một ứng dụng để thanh toán phải có giấy phép. Việc sử dụng một ứng dụng chưa được cấp phép sẽ đem lại nhiều rủi ro như mất tiền, bị đánh cắp dữ liệu và người dùng phải tự chịu trách nhiệm.

Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) thì MyAladdinz vừa giống như một "chợ" TMĐT, vừa giống như một ví điện tử mượn danh trữ tiền điện tử (đồng Gem) nhưng thực chất là một mô hình ponzi truyền thống, tức là một hình thức huy động vốn đa cấp bất hợp pháp, kinh doanh lừa đảo.

Ứng dụng này đang lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước, khi không có người tham gia mua đồng Gem nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó lấy lại số tiền đã đầu tư. Đó thực sự là chuyện "bình cũ rượu mới". Việc lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước (tức bình cũ), khác biệt những ponzi truyền thống đó là núp bóng app TMĐT (tức rượu mới).

Cùng quan điểm với ông Hiếu, Luật sư Lê Hồng Hiển - (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: "MyAladdinz đơn giản chỉ là một dự án ponzi ra đời với mục đích kêu gọi nhà đầu tư góp tiền đầu tư, hoặc cho App vay, với lãi suất cực kỳ cao. Chỉ cần đặt câu hỏi My Aladdinz lấy tiền ở đâu để trả cho các nhà đầu tư mức lãi suất 0,2%/ngày, tức là 6%/tháng và 72%/năm - (một mức lãi suất cực kỳ cao, gấp gần 10 lần lãi suất ngân hàng), trong khi không hề đưa ra bất cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh nào, mọi thứ đều mập mờ tới mức khó hiểu. 

Chỉ có thể giải thích rằng My Aladdinz  sẽ lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. Tương tự như các mô hình ponzi nổi tiếng trước đây như OneCoin, Bitconnect, Ifan, Pincoin,.. (là những dự án khét tiếng một thời đã sập), MyAladdinz sẽ sụp đổ khi lượng nhà đầu tư mới giảm, không còn tiền trả lãi, hoặc nhà sáng lập app ôm tiền bỏ chạy".

Vẫn theo ông Hiển, đồng Gem là một dạng tiền điện tử, chỉ sử dụng trong nội bộ của hệ thống MyAladdinz. Trong khi những đồng "coin" khác được niêm yết trên các sàn giao dịch công khai, tạo thanh khoản, tức là khách hàng muốn bán ra tiền mặt lúc nào cũng được, thì đồng Gem hiện chỉ giao dịch trong nội bộ. 

Như vậy, để có thanh khoản thì MyAladdinz phải có một cộng đồng đủ lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi có cộng đồng lớn thì rủi ro vẫn là rất cao, số Gem của khách hàng có thể sẽ biến thành "rác" khi dự án này sập, hoặc khi không còn ai mua bán nó nữa. Đây rõ ràng là một kế hoạch ponzi lừa đảo đa cấp trong thị trường tiền điện tử.

Dừng ngay còn kịp

Với những phân tích của các chuyên gia tài chính, luật học nêu trên, có thể thấy rủi ro khi tham gia đầu tư trên MyAladdinz là vô cùng lớn. Mọi người không nên tham gia đầu tư vào mô hình này, càng không nên lôi kéo người khác tham gia chỉ vì lợi nhuận từ tiền hoa hồng giới thiệu, bởi vì điều đó có nghĩa là đang tiếp tay cho MyAladdinz thực hiện hành vi lừa đảo bạn bè, người thân, cộng đồng người dùng tại Việt Nam.

Thông báo phòng ngừa của Công an tỉnh Bình Phước.

Đến một ngày nào đó, khi app này sập, hậu quả lúc đó sẽ là mất bạn bè, mất danh dự và uy tín, thậm chí bị coi là kẻ lừa đảo, đồng lõa với tội phạm.

Công an tỉnh Bình Phước mới đây đã ra thông báo phòng ngừa, với nội dung cảnh báo phương thức hoạt động của app MyAladdinz có dấu hiệu lừa đảo đa cấp. 

Theo đó, MyAladdinz là ứng dụng chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Bản chất MyAladdinz không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, mà chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. 

Khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Đơn vị này đã khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không đăng ký tham gia, nạp tiền vào ứng dụng nêu trên nhằm tránh mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

Đào Trung Hiếu
.
.