Thăng trầm của ngành cảnh sát đường sắt

Thứ Ba, 15/06/2021, 22:54
Cảnh sát đường sắt là một khái niệm không mới trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển có lực lượng cảnh sát đường sắt với lịch sử hoạt động hơn 100 năm. Những sỹ quan cảnh sát đường sắt có thể không nổi tiếng như những người đồng nghiệp khác, nhưng họ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ những “mạch máu” giao thông hoạt động khắp đất nước.


Lịch sử bi hùng

Viện bảo tàng Quốc gia Anh hiện vẫn lưu giữ một số mảnh gốm còn lại từ thời đế chế Lưỡng Hà cổ đại nói về những toán cướp chuyên tấn công các nhà buôn trong khi đoàn xe chở hàng của họ băng qua sa mạc. 

Một điểm đáng chú ý được ghi trên những mảnh gốm đó là việc các nhà buôn thuê những người từng đi lính làm bảo vệ cho đoàn xe. Dần dần những người bảo vệ này họp nhau lại lập thành hội, nhóm chuyên nghiệp, có quy tắc hoạt động hẳn hoi.

Những tình huống tương tự lặp đi lặp lại trên thế giới trong vòng hàng nghìn năm sau đó. Tại các quốc gia có giao thương phát triển luôn tồn tại những nhóm người có vũ trang chuyên được thuê để bảo vệ xe chở hàng. Không chỉ lính đánh thuê mà đôi khi cả các tổ chức tôn giáo cũng tham gia hoạt động này. 

Đơn cử như Hội Hiệp sỹ Đền thánh được lập ra nhằm bảo vệ người Công giáo hành hương đến Jerusalem. Khi người châu Âu di cư đến Mỹ, họ cũng đem theo cả những nhóm lính bảo vệ để che chở cho mình trước sự tấn công của người da đỏ.

Cảnh sát đường sắt Trung Quốc đề cao cảnh giác sau một vụ tấn công bằng dao ở nhà ga.

Đường sắt trở nên phổ biến tại các nước phương Tây vào nửa đầu thế kỷ 19. So với các loại hình giao thông khác, tàu hoả rất an toàn vì ít ai dám tấn công một đoàn tàu đang chạy với tốc độ 40-50 km/h cả, nhất là trong khi họ chỉ có trên tay súng hoả mai. 

Chỉ khi công nghệ vũ khí phát triển con người mới dám tấn công tàu hoả. Trong cuộc nội chiến Mỹ có hẳn một trận đánh giữa những đoàn tàu: Một toán lính miền Bắc chất đại bác và thuốc nổ lên tàu hoả, rồi vừa đi trên tàu vừa phá hoại hệ thống nhà ga, cầu cống của miền Nam. Quân đội miền Nam phải cho quân dùng tàu hoả đuổi theo mới chặn được đoàn tàu miền Bắc.

Nội chiến Mỹ kết thúc, và hệ thống đường ray được mở rộng về phía Tây theo chân những đoàn người đi tìm vàng. Ở nơi biên cương như miền viễn Tây nước Mỹ không thiếu gì những toán cướp đường tàu. 

Những tên cướp khét tiếng thời đó như Jesse James, Bob Dalton, Jack Taylor,… đều là cựu binh có khả năng sử dụng súng ống và chỉ huy quân lính. Chúng thường chọn thời điểm tàu đi thật xa khu dân cư mới dùng ngựa đuổi theo nhảy lên tàu rồi dùng súng cướp hành khách. Hoặc là chúng sẽ chôn thuốc nổ dưới đường ray để đe dọa hành khách buộc phải bỏ tiền ra nếu muốn sống.

Trong khi chính quyền Mỹ loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề cướp tàu, nhân viên điều khiển tàu và hành khách bắt đầu đem theo vũ khí để tự bảo vệ mình. Những vụ tấn công cướp tàu tăng lên cả về tần suất lẫn mức độ manh động, buộc người đi tàu phải thuê các toán lính vũ trang để bảo vệ mình. 

Tập đoàn thám tử quốc tế Pinkerton khởi đầu cũng chỉ là một công ty con chuyên bảo vệ khách đi tàu trước khi mở rộng hoạt động. Không ít trận đấu súng quyết liệt đã xảy ra ngay trên toa tàu giữa bọn cướp và những người bảo vệ thuê.

Cướp tàu cũng là một vấn đề nghiêm trọng tại Ấn Độ và Indonesia, khi đó các quốc gia này đều là thuộc địa của Anh. Ở nơi đây người ta cướp tàu không chỉ để kiếm lời. Đường sắt là một trong những biểu hiện của sự thống trị của người Anh đối với Ấn Độ. 

Tấn công những đoàn tàu vì thế là cách để người dân thuộc địa nổi dậy chống lại “ông chủ” Anh Quốc. Ngoài việc cướp tàu, những toán nổi dậy còn thường xuyên phá hoại đường tàu, chôn bộc phá, v.v…trên những tuyến đường sắt “huyết mạch”.

Bởi vì thời đó các toa tàu và đường sắt đều thuộc sự sở hữu của những công ty tư nhân nên chính phủ nhiều nước ban cho họ quyền tự lập ra lực lượng vũ trang tự bảo vệ mình. Điều này có hại nhiều hơn là lợi. 

Những nhóm vũ trang này không chịu sự kiểm soát của luật pháp nên làm bất kỳ điều gì mà họ muốn. Tại Ấn Độ, Sri Lanka hay Myanmar, nhiều ngôi làng bị các nhóm vũ trang buộc phải dời đi để lấy đất đặt đường tàu. 

Tại Mỹ, các nhóm vũ trang này lấy cớ người da đỏ cướp tàu để cướp giết những bộ tộc thổ dân. Tại Nam Phi, khi công nhân tàu hỏa bãi công đòi tăng lương, công ty của họ ra lệnh cho lính nổ súng vào đoàn biểu tình.

Hai sỹ quan cảnh sát đi tuần trong nhà ga ở thủ đô London.

Trừ Mỹ và Canada ra thì nhiều quốc gia phương Tây khác đều hiểu sự nguy hiểm đến từ những nhóm vũ trang nói trên, vậy nên họ chỉ cho phép các công ty tàu hoả làm thế ở những nước thuộc địa. 

Bản thân trong nước họ không có bất kỳ lực lượng vũ trang nào để bảo vệ tàu hoả, mà họ cũng không cần vì có rất ít vụ cướp tàu tại châu Âu trong khi các khu dân cư lại gần nhau nên lúc nào cũng có cảnh sát sẵn sàng giải quyết vụ án.

Trong cả hai cuộc thế chiến, tàu hoả trở thành mục tiêu quan trọng đối với các bên tham chiến. Những toa tàu không chỉ chuyên chở hàng hoá và con người ra chiến trường mà trong một số trường hợp chúng còn có thể trở thành vũ khí. 

Hồng quân Liên Xô (cũ) lẫn quân phát xít đều có những đoàn tàu bọc thép được trang bị đại bác cỡ nhỏ. Một đội quân yếu thế vẫn có thể giành chiến thắng nếu phá hoại được hệ thống đường sắt của kẻ thù như những nhóm kháng chiến Pháp đã làm với quân Đức xâm lược. Chính quyền các nước không còn sự lựa chọn nào khác ngoài thành lập những đội cảnh sát đường sắt công đầu tiên trên thế giới.

Hiện tại lớn mạnh

Hiện nay gần như bất kỳ quốc gia nào sở hữu hệ thống đường sắt toàn quốc cũng có luôn một lực lượng cảnh sát đường sắt riêng. Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn các tai nạn và hành vi phạm pháp diễn ra trên hệ thống đường sắt - nhà ga. Tại Trung Quốc và Indonesia, lực lượng này chịu sự chỉ đạo của công ty đường sắt quốc gia.

Ngoài các vụ trộm cắp và buôn lậu ra, trên tàu rất hiếm khi xuất hiện tội ác. Đối với nhiều cảnh sát đường sắt, mối lo lớn nhất của họ là những đối tượng bị truy nã tìm cách lẩn trốn. Những kẻ này sẵn sàng làm mọi thứ để chạy thoát, trong đó có đe dọa tính mạng của các hành khách khác. 

Travis Musslewhite là một tên tội phạm từng tái phạm nhiều lần tại hạt Edmonton, Anh đang trên đường trốn chạy khỏi nơi quản thúc. Cảnh sát Anh vừa mới bắt được y hồi tháng ba vừa qua sau một cuộc truy đuổi trên tàu. Travis đã đẩy một người phụ nữ xuống đường tàu nhằm “cắt đuôi” cảnh sát trên sân ga, sau đó dùng súng bắt làm con tin một hành khách khác.

Một cuộc diễn tập chống khủng bố của cảnh sát đường sắt Hong Kong, Trung Quốc.

Nhà ga nằm trong số những địa điểm dễ trở thành nơi xảy ra những vụ tấn công khủng bố. Vào năm 1995, giáo phái Aum Shinrikyo đã phun khí độc Sarin vào hệ thống nhà ga tàu điện ngầm Tokyo khiến 14 người chết, 5.500 người bị thương vào gần 1.000 người khác bị mù tạm thời. Mục tiêu của giáo phái này là hai nhà ga Kasumigaseki và Nagatachô cách toà nhà quốc hội Nhật không xa.

Chín năm sau đó, nhà ga Cercanías tại thủ đô Real Madrid bị đánh bom bởi các đối tượng khủng bố có liên quan tới al-Qaeda. 193 nạn nhân thiệt mạng và 2.050 người khác bị thương trong vụ nổ. Hai vụ tấn công khủng bố này đã khiến thế giới giật mình thức tỉnh trước vấn đề an ninh nhà ga. 

Lực lượng cảnh sát đường sắt ở nhiều nước được trang bị thêm nhân lực, khí tài hiện đại và túc trực 24/24 tại các nhà ga. Một số quốc gia như Mỹ còn có hẳn lực lượng đặc nhiệm trực thuộc cảnh sát đường sắt để xử lý những vụ tấn công khủng bố, bắt cóc con tin,… 

Những người tham gia các nhóm đặc nhiệm này nếu không phải là cựu binh thì cũng được huấn luyện theo chương trình tập huấn của quân đội.

Mặt khác, kỹ năng giải quyết thảm họa của lực lượng cảnh sát đường phố cũng được nâng cao. Một sỹ quan cảnh sát đường sắt hiện đại phải luôn sẵn sàng trong trường hợp mình được gọi sơ cứu những người đi trên tàu. 

Điều này đặc biệt quan trọng tại Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác do hệ thống đường ray và đầu tàu của họ đều đã xuống cấp, rất dễ xảy ra tai nạn. 

Trong thảm họa trật đường ray tại Tiwala (Ấn Độ) vào ngày 20-4-2014, sỹ quan cảnh sát trên tàu đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa hành khách ra khỏi toa tàu và cấp cứu những người bị thương. Nhờ có anh mà chỉ có 1 người chết và 9 người bị thương nặng trong vụ tai nạn.

Vụ tấn công bằng khí độc Sarin tại Nhật đã khiến ngành đường sắt thế giới phải thắt chặt an ninh.

Tương lai

Cũng như những ban ngành cảnh sát khác, tương lai của cảnh sát đường sắt là áp dụng thêm nhiều công nghệ hiện đại. Hầu hết các nhà ga và đoàn tàu ở những nước phát triển hiện đã được trang bị camera giám sát. 

Hệ thống theo dõi này không những giúp cảnh sát nhanh chóng nhận diện những đối tượng nguy hiểm, mà chúng còn có khả năng phát hiện dấu vết các loại thuốc nổ, chất độc. 

Hay như trong đại dịch COVID-19, cảnh sát đường sắt Nhật Bản sử dụng chức năng tầm nhiệt của camera nhằm tìm những hành khách có dấu hiệu đã mắc bệnh trước khi họ đặt chân lên tàu.

Vậy nhưng không phải quốc gia nào cũng sẽ tăng đầu tư vào ngành đường sắt nói chung hay lực lượng cảnh sát đường sắt nói riêng. Vì nhiều lý do khác nhau, chính quyền một số quốc gia đang thoái dần vốn đầu tư phát triển cho hệ thống đường sắt quốc gia để chuyển vốn qua những hình thức vận tải khác. 

Theo nhiều chuyên gia thì đây là một quyết định chính sách có phần mù quáng vì đường sắt vẫn chiếm vai trò quan trọng trong mạng lưới vận chuyển thương mại. Không đầu tư mua sắm đường ray, đầu máy mới hay tăng cường huấn luyện cảnh sát đường sắt thật chẳng khác nào tự tạo điểm yếu cho các lực lượng thù địch tấn công.

Mặt khác càng ngày có nhiều tiếng nói tỏ ra quan ngại trước cách mà cảnh sát đường sắt đang củng cố lực lượng. Theo những ý kiến này việc “quân sự hoá” cảnh sát có mặt trái của nó. Nhiều đơn vị cảnh sát được trang bị hoả lực “nóng” nhưng không biết cách sử dụng chúng. 

Mà tâm lý của hành khách ở nhà ga (hay bất kỳ trạm trung chuyển giao thông nào khác) bao giờ cũng có phần nhạy cảm, nếu không muốn nói là bất an. Vậy là hành khách chỉ cần thể hiện hành động khác lạ một chút là bị cảnh sát đường sắt dùng vũ lực trấn áp một cách vô lý. 

Sau những vụ kiện giữa hành khách bị thương và cảnh sát, rất có thể trong tương lai gần giới chức nhiều nước sẽ phải xem xét cách huấn luyện lại lực lượng cảnh sát đường sắt theo hướng bồi dưỡng kiến thức tâm lý và kỹ năng ứng xử.

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.