Thành phố Miami: Từ “vàng bẩn” đến “tiền sạch”

Thứ Ba, 30/01/2018, 10:37
Ngày 16-1-2018, tờ Miami Herald xuất bản tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ, đã cho đăng tải bài điều tra nói về những dòng “vàng bẩn” từ Colombia, Peru, sau khi được chuyển lậu vào Miami, đã biến thành những đồng “tiền sạch” mà trong đó, nó được sự tiếp tay của một số những tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ…


1. Mờ sáng ngày 21-9- 2014, Juan Carlos, 21 tuổi, sinh viên Khoa Thương mại, Đại học Florida State, Mỹ, lên đường đi Peru sau khi đã gửi một tin nhắn cho vài người bạn thân: “Tôi giống như Pablo Escobar (trùm ma túy Colombia, bị bắn chết ngày 1-12-1993 bởi Cơ quan An ninh Colombia), tôi đến để lấy vàng”.

Trước đó, Carlos đã bán khoản nợ vay cho một người bạn, chấp nhận lỗ 30%. Anh ta nói: “Ngân hàng First American cho tôi vay 10.000USD để trả học phí. Tôi bán lại cho Leguzamo chỉ với 7.000USD nhưng là tiền mặt. Với số tiền này, tôi sẽ mua vàng từ những nhà kinh doanh tại những mỏ vàng ở lưu vực sông Amazon, Peru rồi chuyển về Mỹ. Hiện tại (thời điểm tháng 9-2014), giá vàng ở New York là 960USD/ounce nhưng tại các mỏ ở Peru, nó là 850USD/ounce”.

Một mỏ vàng khai thác lậu ở tỉnh Madre de Dios, Peru.

Juan Carlos chỉ là một trong những tay “cò con” biến “vàng bẩn” thành “tiền sạch”. Theo điều tra của tờ Miami Herald, hầu hết số vàng nhập khẩu bởi một số công ty ở Miami, bang Florida, Mỹ, đều có xuất xứ từ Colombia và Peru.

Tại hai quốc gia này, các tập đoàn ma túy chuyển cocain cho hệ thống các đại lý rồi bằng nhiều con đường, các đại lý đưa cocain sang Mỹ và châu Âu. Ở đó, những đầu mối nhận ma túy từ đại lý rồi sau khi pha trộn, nó được giao cho bọn bán lẻ trên đường phố hoặc trong các chung cư, các khu ổ chuột. Với số lợi nhuận khổng lồ kiếm được, các tập đoàn ma túy mua vàng từ các mỏ và bán lại cho những công ty xuất nhập khẩu hợp pháp.

Khi đến Mỹ, “vàng bẩn” - nghĩa là vàng được mua bằng tiền buôn bán ma túy - sẽ trở thành những món đồ trang sức như dây chuyền, nhẫn, vòng, lắc, khuyên tai, đồng hồ, linh kiện trong máy tính xách tay, tivi, điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng và nhiều thiết bị công nghiệp khác. Tiền thu được từ việc bán những thứ vừa nói sẽ trở thành “tiền sạch”, và lại càng “sạch” hơn khi nó được tái đầu tư vào địa ốc, chứng khoán hoặc các ngành kinh doanh khác như khách sạn, nhà hàng…

Vẫn theo tờ Miami Herald, trong cả năm 2016, Công ty NTR Metals, chuyên mua bán kim loại quý, trụ sở ở South Florida đã mua một số vàng xuất xứ từ Peru với tổng giá trị gần 1 tỷ USD từ những tập đoàn ma túy.

Theo ước tính, lượng vàng đi qua Miami mỗi năm chiếm khoảng 2% so với kho dự trữ vàng quốc gia Mỹ ở Fort Knox, hoặc như Công ty Tiffany & Co - cũng trong năm 2016 đã mua hơn 2 tỉ USD vàng bất hợp pháp. Những báo cáo của Công ty phân tích thương mại Datamyne và Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho thấy năm 2016, 3/4 số vàng nhập khẩu vào Mỹ - khoảng 200 tấn - có nguồn gốc từ châu Mỹ Latinh, chủ yếu từ Colombia và Peru.

Và đó cũng là lý do tại sao trong hai thập kỷ qua, khi cuộc chiến chống ma túy ở Mỹ Latinh do Chính phủ Mỹ chủ xướng đã cắt đứt dòng tiền bẩn của các tập đoàn ma túy vào Mỹ thì những kẻ cầm đầu các tập đoàn này đã chuyển hướng bằng cách mua vàng rồi bán lại cho các công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia. John Cassara, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Bọn tội phạm đã rửa tiền với một khối lượng đáng kinh ngạc thông qua các đồ trang sức bằng vàng đeo trên cổ, trên tay người Mỹ”.

2. Nằm trong những khu rừng hẻo lánh, hiểm trở thuộc lưu vực sông Amazon, các mỏ khai thác vàng bất hợp pháp được điều hành bởi các chủ mỏ Colombia và Peru mọc lên nhan nhản. Ở đó, có thể thấy những chiếc máy đào, máy xúc, máy sàng tuyển trị giá hàng chục nghìn USD nằm cạnh những lán trại tồi tàn của công nhân.

Vàng “bẩn” Colombia trước khi nấu chảy để đưa vào Mỹ.

Theo các quan chức chính phủ Peru và các nhà điều tra nhân quyền, những mỏ này đã trở thành tâm điểm của nạn buôn người, nô lệ trẻ em và hủy hoại môi trường bằng thủy ngân và xyanua.

Hệ quả là năm 2016, Peru đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tạm thời về ngộ độc thủy ngân trên diện rộng ở Madre de Dios, một tỉnh nổi tiếng với các vụ khai thác vàng trái phép. Theo các khảo sát lâm sàng, gần 4/5 những người trên 18 tuổi làm việc tại các mỏ vàng ở Madre de Dios đều có nồng độ thủy ngân ở một số bộ phận trong cơ thể như cơ, xương, hệ tiêu hóa, cao gấp 9 lần so với người bình thường. Ông Pablo Rodiguez, Giám đốc bệnh viện trung tâm Madre de Dios cho biết ngân sách của tỉnh không thể kham nổi việc điều trị cho những bệnh nhân này vì ngộ độc thủy ngân diễn tiến kéo dài và thầm lặng.

Bên cạnh đó, ngoài bệnh sốt rét và các tai nạn như sập hầm, lũ cuốn, đội quân mại dâm cũng kịp thời thành lập những “điểm giải trí” gần nơi ở của thợ mỏ khiến các bệnh lây lan qua đường tình dục gia tăng.

Theo cảnh sát Peru, chỉ riêng khu vực khai thác vàng bất hợp pháp ở Hoancayo, đã có khoảng 2.000 người hành nghề mại dâm, trong đó có 60% là trẻ em dưới 18 tuổi. Ngay cả các công ty khai khoáng từ một số quốc gia khác cũng vào cuộc bởi lẽ hồi tháng 1-2018, giá vàng giao dịch ở mức 1.300USD/ ounce trên thị trường thế giới, so với 300USD hồi năm 2001. Giá cả tăng vọt trong hai thập niên qua đã gây ra cơn sốt vàng.

Thủy ngân là thứ không thể thiếu trong việc tách vàng.

Theo thống kê của Cục Hải quan Mỹ, trong 1 thập niên vừa qua, thành phố Miami - một điểm đến truyền thống của dòng “vàng bẩn” - đã nhập khẩu một khối lượng vàng trị giá 35 tỷ USD qua đường hàng không, nhiều hơn bất kỳ một thành phố nào khác ở Mỹ. Một số được tinh chế tại địa phương nhưng phần lớn được gửi đi khắp cả nước để sản xuất thành đồ trang sức và vàng thỏi, trong đó các ngân hàng trung ương trên thế giới và những tập đoàn công nghiệp điện tử là những khách hàng chính.

Lấy thí dụ như Colombia, một quốc gia có ngành công nghiệp khai thác vàng lớn nhất Mỹ Latinh, năm 2016 đã xuất khẩu 64 tấn vàng vào Mỹ nhưng cũng trong năm đó, theo Hiệp hội khai thác mỏ Colombia, số vàng thu được một cách hợp pháp chỉ là 8 tấn. Tổng thống Colombia, ông Juan Manuel Santos cho biết: “Việc khai thác những khu mỏ không đăng ký, nằm ngoài sự quản lý của chính quyền đã trở thành nguồn nhiên liệu cho phần lớn bạo lực ở đất nước này” .

Tương tự như vậy, sự khác biệt không chỉ xảy ra ở Colombia: Thống kê từ các quốc gia sản xuất vàng ở châu Mỹ Latinh cho thấy có một tỷ lệ gần như giống nhau giữa xuất khẩu vàng hợp pháp và bất hợp pháp.

Tháng 3-2017,  các công tố viên liên bang ở Miami đã buộc tội Samer Barrage và một thương nhân thuộc Công ty NTR là Renato Rodriguez vì tiêu thụ vàng “bẩn”, rửa tiền. Cáo trạng cho thấy hai người này đã mua 3,6 tỷ USD vàng bất hợp pháp từ các nhóm tội phạm ở châu Mỹ Latinh. Giáo sư Douglas Farah, chuyên gia tư vấn về an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng - Lầu Năm Góc - cho biết: “Việc lạm dụng phá rừng để tìm vàng là một vết thương chảy máu, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm triệu người trong tương lai”.

Vàng “bẩn” Peru đã được đúc thành thỏi.

Ông nói: “Nó đã trở thành một ngành công nghiệp phá hoại rất lớn mà hầu như rất ít khi được xem xét một cách nghiêm túc. Cũng giống như “kim cương máu”, vàng bẩn kết hợp với ma túy, rửa tiền, mại dâm, lạm dụng hóa chất độc hại, buôn bán người và nô lệ trẻ em đã trở thành một vấn nạn mang tính toàn cầu”.

Rất dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn giữa cocain và vàng. Mua bán, tàng trữ cocain rõ ràng là tội phạm nhưng với vàng thì thật khó nói. Julian Bernardo Gonzalez, phó chủ tịch Công ty Continental Gold, Canada đang hoạt động hợp pháp tại Colombia cho biết các giấy tờ chứng minh nguồn gốc vàng có thể bị giả mạo.

Hơn nữa, khi nấu cho tan chảy rồi biến vàng thành đồ trang sức thì xuất xứ  của nó không thể xác định được. Theo tờ Miami Herald, năm 2014, ở Colombia 1 kg vàng trị giá khoảng 40.000 USD trong lúc 1 kg cocaine bán được 2.500 USD. Gần đây nhất - năm 2017, nếu như các tập đoàn ma túy ở Colombia kiếm được gần 1 tỉ USD từ cocain thì việc bán “vàng bẩn” đã mang về cho họ khoảng 2,4 tỷ USD.

3. Cho đến nay, việc ngăn chặn nguồn “vàng bẩn” đến từ Peru, Colombia vẫn là vấn đề nan giải đối với nước Mỹ. Chỉ riêng Colombia, ước tính mỗi năm khoảng 17 tỉ USD có nguồn gốc từ cocain được “rửa sạch” bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó chủ yếu là vàng. Ivan Diaz Corzo, thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng Colombia nói: “Các nhóm tội phạm kiếm tiền từ vàng nhiều hơn cocain vì nó dễ dàng, ít để lại dấu vết”. Jaime Pinilla, một kỹ sư và cũng là chủ mỏ vàng hợp pháp tại Colombia cho biết.

“Có một sự khác biệt rất lớn về số tiền thu được từ việc khai thác vàng và số tiền thu được từ xuất khẩu. Nếu như những năm thuộc thập kỷ 1980, thời hoàng kim của các ông trùm ma túy nổi tiếng - trong đó có Pablo Escobar - rất nhiều đồng USD “bẩn” đã được chuyển từ khắp nơi trên thế giới về Colombia. Để che giấu, các ông trùm thường chọn hình thức chôn cất bí mật ở những nơi không ai ngờ đến thì giờ đây, nó biến thành vàng”.

Một CEO của hãng sản xuất điện thoại di động lừng danh Apple cho biết bộ mạch chủ của chiếc điện thoại mà người tiêu dùng cầm trên tay chỉ chứa lượng vàng trị giá khoảng 1 USD, nhưng số vàng ấy rất có thể được mua từ các mỏ khai thác trái phép ở Colombia. Chính vì thế, Apple cùng một số tập đoàn khác đang nỗ lực khuyến khích việc đảm bảo vật liệu trong chế tạo các thiết bị điện tử không đến từ những nguồn “bẩn”, bao gồm tantalum, tungsten và vàng.

Hiện tại, nguồn cung cấp vàng cho nước Mỹ chủ yếu được khai thác ở hai bang là Nevada và Alaska nên đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Các công ty lớn kiểm soát các mỏ lớn cùng lượng vàng bán ra còn các công ty nhỏ hơn thì tìm cách mua vàng từ những tiệm cầm đồ và các cửa hàng trang sức để tái chế.

Do cung không đủ cầu, nhiều công ty hướng về các nước châu Mỹ Latinh nên rất khó để bảo đảm rằng các lô hàng do những công ty này nhập khẩu là hợp pháp. Robert Mazur, nhân viên điều tra liên bang nói: “Điều nguy hiểm nhất là những tổ chức khủng bố như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều sử dụng cả vàng lẫn cocaine để tài trợ cho âm mưu của họ”.

Từ cuối thập niên 1970 và kéo dài cho đến nay, thành phố Miami vẫn là nơi gần gũi về địa lý và văn hoá với các quốc gia Mỹ Latinh nên nơi đây đã trở thành trung tâm hoạt động của các doanh nghiệp hợp pháp và bất hợp pháp, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm từ việc buôn bán vũ khí đến ma túy và bây giờ là vàng. Luật sư bang Florida, ông Dade Katherine Fernandez Rundle nói: “Chúng tôi chắc chắn Miami là trung tâm toàn cầu về rửa tiền, và thị trường bất động sản giá cao chính là nơi để làm sạch tiền bẩn”…

Hòa Xuân (theo Miami Herald - Dirty Gold, Clean Cash)
.
.