Thế giới ngầm uranium

Thứ Tư, 26/04/2017, 14:15
Khi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn sở hữu một quả bom bẩn, bọn họ biết rõ nơi cần đến để mua chúng. Mối đe dọa hạt nhân vẫn còn lơ lửng trên những vùng đất ngày trước là các nước cộng hòa trong Liên bang Xôviết.

Một đêm mùa xuân năm 2016, Amiran Chaduneli, một con buôn chợ trời ở nước Cộng hòa Gruzia (hay Georgia, thuộc Liên bang Xôviết), hẹn gặp 2 người lạ mặt trên một cây cầu gần thị trấn nhỏ Kobuleti trên bờ biển Hắc Hải của xứ này. Qua điện thoại, hai người này tự giới thiệu là người nước ngoài; một là người Thổ Nhĩ Kỳ và người kia đến từ Nga, và họ đang tìm một món hàng rất hiếm trên thị trường chợ đen có giá trị hơn vàng, bởi lẽ giá thành được tính trên từng ounce. Chaduneli biết nơi mua nó, nhưng lại không biết rằng hai khách hàng của anh ta là cảnh sát chìm.

Từ cây cầu này, anh ta dẫn họ đến xem "hàng" ở một căn hộ gần đó, nơi người quen của anh ta lưu trữ nó: Một hộp chì có kích cỡ bằng chiếc điện thoại thông minh, trong đó có chứa urani làm giàu, kể cả một lượng nhỏ chất được xếp hạng vũ khí là uranium-235. Món hàng giấu giếm đó gần như không đủ để sản xuất loại vũ khí hạt nhân nào, nhưng nếu nhồi chung với thuốc nổ có sức công phá mạnh, những miếng kim loại này có thể tạo ra cái gọi là một quả bom bẩn - thứ có thể làm khu vực quanh vùng nổ nhiễm độc với mức độ nhiễm xạ cực cao.

Trên phim, chúng ta thường thấy diễn viên sắm vai những tay buôn vận chuyển thứ hàng hóa như vậy thường sẽ diện những thứ quần áo hàng hiệu hầm hố, luôn được hộ vệ bởi một nhóm vệ sĩ được trang bị vũ khí tận răng và thậm chí phương tiện di chuyển để tiến hành thương vụ là tàu ngầm. Thực tế, những tay buôn uranium ít phô trương như trên màn bạc. 

Cảnh sát biên giới tuần tra phần biên giới Gruzia giáp với Nga ở miền đông Caucasus - một phần của con đường buôn lậu vũ khí hạt nhân.

Theo phóng viên Simon Shuster của tạp chí TIME khi xem lại hồ sơ cảnh sát ở Tbilisi (thủ đô của Gruzia), các đồng phạm của Chaduneli trong vụ mua bán urani mùa xuân năm vừa qua có cả công nhân xây dựng lẫn dân buôn bán sắt vụn. Nhìn họ không có vẻ gì là những kẻ có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Cho đến nay, giới chức cảnh sát của Tbilisi vẫn còn nhớ rõ vụ bắt giữ một đường dây của kẻ từng có tiền án buôn ma túy vào tháng 5-2013, nhưng thứ hàng hóa hắn và đồng phạm mang theo không phải là cocain mà là hợp chất nguy hiểm chết người được chở trên một chiếc taxi. Khi bị cảnh sát bắt kịp, Tedo Makeria đang trên đường tới nhà ga chính ở Tbilisi. Số hàng của hắn được giấu trong các hộp và nặng đến mức chiếc taxi quá tải. Sau khi lệnh cho phương tiện dừng lại để khám xét, viên cảnh sát nhìn thấy những chữ cảnh báo: "Nguy hiểm- Phóng xạ".

Trong vòng vài phút, các sĩ quan an ninh được tăng cường và máy đếm Geiger được mang tới. Trong khi Makeria ngồi im trên băng ghế sau, châm thuốc hút để giấu vẻ sốt ruột, các sĩ quan bật máy và theo dõi màn hình.

"Tất cả chúng tôi đều sốc"- thiếu tá Leri Omiadze nhớ lại. Trong các hộp có hai bao chứa kim loại phóng xạ mạnh - stroni và cesium - chất mà các chuyên gia chống khủng bố cho biết có thể được sử dụng trong chế tạo bom bẩn. Hộp thứ 3 chứa chất lỏng màu nâu, mà cảnh sát Gruzia nhận dạng là chất sử dụng trong khí mù tạt, một trong những loại vũ khí hóa học sơ khai nhất.

Miếng uranium màu vàng do lực lượng chức năng thu giữ tại Moldova.

Theo kế hoạch, các hộp được kẻ chủ mưu Giorgi Samkhakiuli, 29 tuổi, chuyển tới Makeria. Nhiệm vụ của Makeria là chuyển các hộp đó bằng tàu hỏa từ Tbilisi tới tỉnh Adzharia, khu vực đang diễn ra những vụ xung đột sắc tộc với chính quyền trung ương trên biên giới phía tây nam Gruzia. Từ đây, hàng hóa sẽ được giữ ở nhà riêng của Makeria cho tới khi những người khác tới nhận. Số hàng sẽ vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thậm chí cả Iran, để chuyển cho các "khách hàng tiềm năng".

Makeria, 33 tuổi, lái xe taxi, khai với cảnh sát rằng anh ta gần như không biết gì về nguồn gốc hay đích đến của số hàng chết người. Sau khi âm mưu buôn lậu bị phát hiện, Samkhakiuli biến mất. Cuộc truy lùng những nghi phạm khác sau đó chững lại vì những đồng phạm trong đường dây buôn lậu này không biết gì thêm.

Thời gian qua, năm nào cảnh sát các nước thuộc Liên bang Xôviết cũ và khối Đông Âu cũng phát hiện hàng chục vụ buôn lậu nguyên liệu phóng xạ. Trong một loạt vụ từ Caucasus và Đông Âu sang Tây Phi và Nam Mỹ, các băng nhóm đã ăn trộm các thiết bị phóng xạ để bán kiếm lời hoặc sử dụng trong những tội ác, từ tống tiền cho tới giết người. Vấn đề mới đặt các chính phủ trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: làm thế nào để cắt đứt nguồn cung cấp phóng xạ cho các phần tử khủng bố, trong khi có một khối lượng lớn chất độc hại này trong tay những kẻ buôn bán hoặc quên lãng trong nhà kho?

Ở Gruzia và những khu vực bất ổn trên thế giới, nguyên liệu phóng xạ có mặt trên chợ đen cùng các loại hàng lậu khác như ma túy và súng tiểu liên Kalashnikov. Hàng chục tuyến đường buôn lậu nguyên liệu hạt nhân và phóng xạ đã bị phát hiện trong thập kỷ qua. Những kẻ buôn lậu đã phát hiện "kho khổng lồ" ở phía đông nam châu Âu: những quốc gia thuộc vùng Biển Đen và Caucasus, từ lâu là tuyến đường nối châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Đứng hàng đầu là Gruzia, quốc gia chỉ trên dưới 5 triệu dân có đường biên giới lỏng lẻo, tình trạng giới quan chức tham nhũng và buôn lậu là chuyện thường ngày. Những vấn đề này càng nghiêm trọng hơn bởi những cuộc bạo loạn - ở các tỉnh Abkhazia và Nam Ossetia ở phía bắc, và Adzharia ở phía nam - và những cuộc xâm nhập của những nhóm chiến binh thánh chiến đến từ phía đông sát Chechnya.

Ảnh chụp Amiran trên điện thoại, bị bắt vì tội cố tình mua bán urani làm giàu tại Gruzia.

Tại đây, buôn lậu hàng cấm đã trở thành ngành dịch vụ nuôi sống hàng chục nghìn người, trong đó có cả lực lượng theo phong trào nổi loạn. Gruzia từng được xem là "bãi rác thải phóng xạ của Liên Xô cũ", những thiết bị phóng xạ bị bỏ đi thường được tìm thấy trên những ngọn đồi trống trải.

Cách đây 6 năm, 3 tiều phu ở bắc Gruzia bị thương nặng do phóng xạ sau khi vấp phải máy phát điện chạy bằng strontium do Liên Xô sản xuất, có mức phóng xạ 40.000 đơn vị. Người ta đã tìm thấy 9 thiết bị như vậy từ giữa thập niên 1990, và khoảng 3 chiếc nữa vẫn chưa ai lần ra dấu tích.

Tình hình chính trị bất ổn tại Ukraine từ năm 2014 đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự mất an toàn các kho vũ khí của quốc gia này, đặc biệt là các loại vũ khí nguy hiểm. Các tay buôn lậu vũ khí nhân cơ hội này để tuồn ra nước ngoài những vũ khí đặc biệt nguy hiểm như các loại tên lửa hành trình, tên lửa phòng không và không thể không có những đầu đạn hạt nhân.

Nên nhớ rằng, Ukraine từng là một phần rất quan trọng của Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, nhiều kho vũ khí lớn của cường quốc này nằm trên lãnh thổ Ukraine, trong đó có những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập. Ở thời điểm đó, Ukraine được cho là sở hữu một kho vũ khí hạt nhân còn lớn hơn cả kho vũ khí hạt nhân của Anh, Pháp và Trung Quốc cộng lại.

Tổng cộng có khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân nằm trong các kho lưu trữ trên lãnh thổ Ukraine. Dù đã tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào tháng 5-1994, hàng ngàn đầu đạn hạt nhân đã bị phá hủy nhưng một số lượng vũ khí bằng cách nào đó đã quay trở lại cho các công ty xuất khẩu vũ khí và bán cho những kẻ buôn lậu.

Khi con số các quốc gia có vũ khí hạt nhân gia tăng trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ 3 càng thật hơn với hàng loạt mối đe dọa hạt nhân. Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng thị trường chợ đen buôn bán chất phóng xạ ngày càng hoạt động mạnh sau khi một số quốc gia công nghiệp, trong đó rất nhiều các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, siết chặt kiểm soát xuất khẩu về "sử dụng kép" chất phóng xạ và công nghệ, khiến gia tăng nhu cầu mua bán chất này trên thị trường chợ đen. Các nhân tố kinh tế của thị trường chợ đen là rất dễ hiểu.

Người mua là các quốc gia theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Những quốc gia này thường có tiềm lực mạnh về kinh tế. Còn dạng khách mua phổ biến không kém là các tổ chức khủng bố.

Còn người bán, họ là những người chỉ cần quan tâm đến lợi nhuận mà không cần quan tâm đến mức độ nguy hiểm của mặt hàng họ đang kinh doanh. Nhiệm vụ của những lái buôn này là tìm kiếm nguồn hàng và đưa chúng ra thị trường. Mục tiêu mà những lái buôn này nhắm đến đó là các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, có nền kinh tế kém phát triển, nên họ dễ dàng tiếp cận được nguồn hàng.

Các nhà điều tra đã định hình được con đường đi và đến của loại hàng cấm này. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng số lượng các chất phóng xạ đưa ra thị trường hiện nay không đủ để sản xuất bom hạt nhân. Plutonium đa phần được bóc ra từ những chiếc máy dò khói và vì vậy số lượng thường rất nhỏ. Tuy nhiên, số lượng chất phóng xạ đó vẫn đủ sức chế tạo các quả bom bẩn hoặc dùng để đầu độc.

Giá trị của các loại phóng xạ phụ thuộc vào loại và mức độ quý hiếm của mặt hàng. Ví dụ như có loại phóng xạ trên thị trường chợ đen có tên lóng là "thủy ngân đỏ" có giá khoảng 500.000 USD/kg. Nhằm tăng cường kiểm soát an ninh hạt nhân, các quốc gia như Đức, Nhật và rất nhiều các nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Belarus, Ukraine, Nga và Moldova, đã hợp tác với nhau, thành lập các trung tâm trao đổi thông tin và hợp tác quản lý hạt nhân, ngăn chặn các vụ buôn lậu xuyên biên giới.

Lệ Đào - Quang Học (tổng hợp)
.
.