Thuốc tây giả - Hiểm họa thật

Thứ Năm, 28/04/2011, 06:45

Thuốc tây giả được "sản xuất" từ những thành phần rẻ tiền, thậm chí đôi khi rất nguy hiểm, như là boric acid (thường dùng trong sản xuất đồ sứ, thủy tinh, chất sát trùng). Bọn tội phạm làm giả thuốc tây luôn dùng đến bất cứ thủ đoạn nào để tránh né pháp luật. Bọn chúng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động và có rất nhiều tiền - ước tính 75 tỉ USD/năm!

Mới đây, khoảng 200 cảnh sát Peru đã tiến hành cuộc đột kích vào mạng lưới làm thuốc tây giả ở thủ đô Lima nước này. Họ phát hiện nhiều thiết bị in nhãn, máy móc đóng gói và tịch thu được hàng trăm ngàn viên thuốc giả. Trong cuộc đột kích này, Cảnh sát Peru nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của John Clark - chuyên gia của Công ty Dược phẩm Mỹ Pfizer.

Clark lãnh đạo Đội an ninh toàn cầu của Pfizer, bao gồm các cựu đặc vụ của FBI, an ninh nội địa và nhân viên chống ma túy của Mỹ. Họ hợp tác với cảnh sát địa phương để truy lùng bọn tội phạm thuốc tây giả vòng quanh thế giới. Những chiến dịch đột kích như thế này cứu vãn cho Pfizer hàng triệu USD mỗi năm.

Trong cuộc đột kích, Cảnh sát Peru tìm thấy khoảng 20 loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ huyết áp v.v... Theo tiết lộ của Clark, thuốc giả nhãn hiệu Pfizer - nhiều loại thuốc giả được làm ra trong điều kiện mất vệ sinh ở Lima - được tuồn vào trong các hiệu thuốc và bệnh viện tại ít nhất 46 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh, Canada và Mỹ. Số thuốc giả tịch thu ở thủ đô Lima của Peru được chuyển đến phòng thí nghiệm của Pfizer ở Groton, bang Connecticut (Mỹ).

Đôi khi một số loại thuốc tây giả cũng chứa một phần trăm nào đó các thành phần hoạt tính thật, nhưng với loại thuốc kháng sinh hay trị loét dạ dày mới bắt giữ ở Lima thì không - thay vào đó, thuốc trị loét dạ dày chỉ chứa đường và phấn! Khi sử dụng những loại thuốc giả này "người bệnh có thể bị nặng hơn thậm chí sẽ chết", Kumar Kibble nói.

Đặc vụ liên bang Mỹ kiểm tra những lô hàng thuốc tây giả ngay tại sân bay Kennedy.

Kibble là Phó giám đốc Cơ quan Nhập cư và Thuế quan Mỹ (ICE), chịu trách nhiệm chống buôn lậu qua đường biên giới. Trong vài năm qua, Kibble tập trung mạnh vào mặt hàng thuốc tây giả. Kibble giải thích: "Thuốc tây giả là mối đe dọa hết sức lớn. Bọn tội phạm kiếm được hàng chục USD trên mỗi viên thuốc mà chúng chỉ mất vài xu để làm ra. Ví dụ, một viên thuốc có giá vốn chỉ 40 xu nhưng bán được đến 18-20USD. Một lợi nhuận cao khủng khiếp!".

Ước tính có khoảng 36 triệu người Mỹ đã mua những loại thuốc tây giả này từ những trang web vì giá rẻ! Thậm chí một số trang web còn giới thiệu thuốc tây có xuất xứ từ Canada, bởi lẽ nước này nổi tiếng với dược phẩm an toàn mà không đắt tiền. Nhiều loại thuốc tây giả được sản xuất tinh xảo đến mức ngay cả các nhà điều tra ở Phòng thí nghiệm của FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) ở Cincinnati cũng không thể nhận ra bằng mắt thường.

Mới đây, một người Ấn Độ tên là Balbir Bhogal đã bị bắt giữ tại thành phố Madison, miền Nam bang Wisconsin (Mỹ), vì tội buôn bán thuốc tây giả. Bhogal nói: "Ở Ấn Độ người ta làm giả được mọi thứ. Không hề có giới hạn". Bhogal bị buộc tội cung cấp hàng triệu viên thuốc an thần từ Ấn Độ đến cho người điều hành một trang web có tên "Easy Meds for You", và người này có cả một mạng lưới các nguồn cung cấp thuốc tây giả.

Tuy nhiên, Bhogal vẫn khăng khăng cho là mình vô tội và tuyên bố hắn ta chỉ cung cấp thuốc an thần được bào chế theo công thức riêng và nghĩ rằng chúng được đưa vào thị trường châu Á. Nhưng chính quyền Mỹ nói Bhogal biết thuốc của hắn ta được tuồn trái phép vào Mỹ.

Có một điều đáng báo động hơn là thuốc tây giả không chỉ được rao bán trên Internet, mà chúng còn có mặt ngay trong những cửa hiệu dược phẩm hợp pháp và cả các bệnh viện. Margaret Hamburg, thanh tra của FDA, nói: "Chúng tôi thật sự không nắm được toàn bộ vấn đề, nhưng có thể tin rằng tại một số quốc gia nào đó khoảng 30 - 50% số thuốc tây là đồ giả".

Cũng theo Hamburg, cho dù thuốc được sản xuất ngay tại Mỹ nhưng các thành phần thô thường được nhập từ nước ngoài với một mạng lưới phức tạp các nhà cung cấp và phân phối - chính đây là môi trường thuận lợi cho bọn tội phạm làm giả xâm nhập. Đó là điều đã xảy ra vào năm 2008 với thuốc heparin, chống đông máu mà hàng triệu người Mỹ sử dụng. Trong  khi đó một trong các thành phần thô của heparin xuất xứ từ Trung Quốc là giả. Hậu quả sau đó là trên 80 người Mỹ đã chết vì thuốc giả.

Nhưng bất chấp những gì đã xảy ra với heparin, Mỹ vẫn nhập khẩu phần lớn các thành phần bào chế thuốc tây từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ - hai nơi nổi tiếng làm hàng giả. Trong khi đó FDA chỉ có thể thanh tra khoảng 12% các cơ sở cung cấp thành phần thô ở hải ngoại trong một năm. Các công ty dược phẩm tuyên bố họ có đủ hệ thống tại chỗ để bảo vệ mạng lưới cung cấp của mình, nhưng họ vẫn còn lo ngại về những cơ sở bào chế lậu bí mật như ở Lima của Peru.

Thuốc tây giả đã giết chết hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Thuốc tây giả lúc đầu chỉ là Viagra hay thuốc cảm sốt, nhưng ngày nay bọn tội phạm còn làm giả cả những loại thuốc quan trọng đến tính mạng con người như là các loại thuốc chữa bệnh AIDS, tiểu đường, cholesterol và ngay cả ung thư. Hậu quả không chỉ gây chết người mà còn góp phần tạo ra những chuỗi virus đột biến khó lường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hơn 30% các loại thuốc tây được bán ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh là giả. Theo một báo cáo gần đây của tác giả Julian Harris ở Tổ chức phi lợi nhuận Mạng chính sách quốc tế (IPN), nguyên nhân cơ bản của sự lan tràn thuốc tây giả tại các quốc gia kém phát triển là những công ty dược phẩm địa phương không đủ khả năng bảo vệ uy tín sản phẩm của họ. Ngoài ra, báo cáo của Julian Harris còn tiết lộ gần một nửa trong toàn bộ các loại thuốc tây ở các quốc gia châu Phi như Ghana, Nigeria, Angola, Burundi và Congo đều không đạt tiêu chuẩn

Thục Miên (tổng hợp)
.
.