Tội phạm, bạo lực, khủng bố trong bóng đá: Góc khuất ngày vui

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:27
Giới chức an ninh Mexico cho biết, ít nhất 14 người đã thiệt mạng trong 3 vụ xả súng xảy ra ngày 23-6 tại Juarez, thành phố miền bắc Mexico nổi tiếng bởi các vụ bạo lực liên quan đến băng nhóm tội phạm ma túy.

Vụ bạo lực trên nối dài chuỗi bạo lực của các băng đảng ma túy ở Mexico, đồng thời đánh dấu thêm một kỷ niệm buồn giữa các kỳ Cúp bóng đá thế giới, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ.

24 giờ, 14 người chết vì xem bóng đá

Theo đó, các vụ xả súng liên tiếp trong đêm Mexico giành chiến thắng tại World Cup 2018 đang diễn ra ở Nga. Ít nhất 16 người thiệt mạng chỉ trong vòng 24 giờ, sau trận thắng trước Hàn Quốc của đội tuyển bóng đá nước này tại vòng bảng World Cup.

Nguồn tin an ninh Mexico cho biết, một trong số vụ bạo lực xảy ra tại khu vực phía nam thành phố Juarez khi một nhóm 8 người đàn ông đang xem trận đấu giữa Đội tuyển Mexico và Đội tuyển Hàn Quốc thì bị một nhóm vũ trang tấn công bằng súng. 6 người đã thiệt mạng và 2 người bị thương trong vụ xả súng này.

Trong khi đó, tại khu vực ngoại ô, 5 người đàn ông khác cũng bị một nhóm đối tượng bắn chết khi đang xem bóng đá. Vài giờ trước đó, một nhóm đối tượng đã bắt cóc 3 người từ một buổi tiệc ở một khu dân cư, ngoại ô Juarez và sát hại những người này.

Các cổ động viên cuồng nhiệt của Mexico. Ảnh: AP.

2 vụ tấn công đầu tiên xảy ra ở khu vực gần biên giới bang Texas vào khoảng 11 giờ (giờ địa phương) khi 6 người bị sát hại vào lúc họ đang xem bóng đá bên trong một garage. Theo các nhân chứng, một xe tải tới hiện trường và nhóm kẻ tấn công có vũ khí nhảy khỏi xe, xả súng vào bữa tiệc có các cổ động viên đang theo dõi trận đấu.

Trong vòng một giờ, thêm 5 người khác bị sát hại khi 2 tay súng xông vào một tiệm cắt tóc giết 2 khách hàng và 3 thợ cắt tóc. 4 nạn nhân khác được báo thiệt mạng vào khoảng nửa đêm cùng ngày. Tổng số người thiệt mạng sau các vụ xả súng chỉ trong vòng 24 giờ sau trận thắng của Đội tuyển Mexico trước Hàn Quốc là 16 nạn nhân.

Mexico có chiến thắng ngoạn mục trước đương kim vô địch Đức và sau đó đánh bại Hàn Quốc với tỷ số 2-1. Hàng trăm người đã đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng. Nhiều người sử dụng đồ uống có cồn, bất chấp luật tạm thời của các tiểu bang.

Để đối phó với tình hình bạo lực bùng nổ dọc biên giới, giới chức địa phương đã phát cảnh báo qua mạng xã hội, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. “Đừng đánh giá thấp thông báo này. Chúng tôi khuyến cáo các bạn không nên ra ngoài lúc 11h đêm”, cảnh báo của giới chức cho hay.

Cơ quan an ninh nước này trong một báo cáo gần đây cho biết, năm 2018 có thể trở thành năm có nhiều vụ chết người nhất trong lịch sử nước này. Kể từ tháng 1/2018, 13.298 người đã bị sát hại ở Mexico, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tháng 5, với tổng số 2.890 vụ giết người được báo cáo, điều này có nghĩa 93 người bị sát hại mỗi ngày hay cứ mỗi giờ có một người chết vì bạo lực.  3 vụ bạo lực mới nhất vừa diễn ra đã nâng tổng số ngươi bị sát hại tại thành phố này trong tháng 6 lên 128 người.

Economic Times dẫn số liệu chính thức cho biết, kể từ khi Chính phủ Mexico triển khai chiến dịch chống các hoạt động buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy gây tranh cãi hồi cuối năm 2006 đã có hơn 200.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu cái chết liên quan tới các băng nhóm tội phạm.

Bạo lực không chỉ diễn ra ở Mexico

Không chỉ tại Mexico, cũng liên quan tới “từ khóa” bóng đá, ăn mừng và xả súng, trước đó, tối 18-6, đã xảy ra vụ xả súng nghiêm trọng vào đám đông ăn mừng World Cup ở thành phố Malmo của Thụy Điển, khiến 5 người thương vong. Vụ xả súng xảy ra vào tối hôm 18-6 tại Malmo, thành phố lớn thứ ba ở Thụy Điển, hãng tin EPA cho biết, 5 nạn nhân nhanh chóng được đưa tới bệnh viện. Một thanh niên 18 tuổi đã tử vong trong đêm, theo phát ngôn viên cảnh sát Stephan Soderholm.

Theo truyền thông Thụy Điển, kẻ xả súng là một người đàn ông, đã dùng súng tự động bắn khoảng 20 viên đạn vào quán cà phê nơi các cổ động viên đang theo dõi trận đấu giữa Đội tuyển Thụy Điển và Hàn Quốc trong khuôn khổ bảng F. Vụ xả súng xảy ra cạnh một đồn cảnh sát nên các sĩ quan lập tức có mặt tại hiện trường. Đám đông đang ăn mừng chiến thắng của Đội tuyển Thụy Điển trước Đội tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-0 trở nên hỗn loạn và có nhiều người ngã xuống.

Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết một thanh niên 18 tuổi đã tử vong ngay tại hiện trường và tin buồn này đã được thông báo cho gia đình nạn nhân, ngoài ra còn một nạn nhân nam khác, 29 tuổi cũng tử vong tại bệnh viện vì vết thương nặng.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Fredrik Bratt cho biết, vụ việc không liên quan tới khủng bố mà có thể do xung đột giữa các băng đảng tội phạm. Cảnh sát vẫn đang điều tra động cơ vụ xả súng, đồng thời xác định danh tính những người bị thương. Xung đột giữa các băng đảng tội phạm là tình trạng khá phổ biến tại các thành phố lớn ở Thụy Điển trong những năm gần đây.

Mảnh đất dữ

Tình trạng bao lực không chỉ diễn ra trong kỳ World Cup, mà ngay trước thềm World Cup một cầu thủ Colombia đã bất ngờ bị bắn chết. Cầu thủ thiệt mạng là Alejandro Penaranda. Nạn nhân đã bị thiệt mạng sau vụ "thanh toán bằng súng" ở thành phố Cali, Colombia.

Alejandro Penaranda, cầu thủ 24 tuổi đang thuộc biên chế CLB hạng 2 Deportivo Tulua là nạn nhân xấu sổ trong “một cuộc thanh toán bằng súng ngay trên đường phố Cali” vào rạng sáng ngày 5-6 vừa qua.

“Vụ việc xảy ra ở một bữa tiệc có sự góp mặt của nhiều cầu thủ bóng đá. Những nhân chứng tại hiện trường cho biết, trong lúc bữa tiệc đang diễn ra, đã xuất hiện 2 người đàn ông lạ mặt. Một người tiến về nhóm các cầu thủ để hỏi về một phụ nữ nào đó. Người thứ hai, sau đó, đã chủ động xả súng về phía các cầu thủ” – Cảnh sát trưởng thành phố Cali, ông Hugo Casos cho biết.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường nơi các cổ động viên Mexico bị sát hại. Ảnh: telesurtv.net.

Thông tin về cái chết đáng tiếc của Penaranda nhanh chóng được truyền đi. Ngay trong trận giao hữu với Ai Cập trước thềm World Cup vừa qua, các thành viên của Đội tuyển Colombia đã dành 1 phút mặc niệm cho cầu thủ xấu số này. Cái chết của Penaranda đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác an ninh không chỉ tại nơi tổ chức World Cup mà nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, là cầu thủ, cổ động viên hay những người hâm mộ đơn thuần.

Thế giới băng đảng dường như muốn lợi dụng World Cup để khẳng định, trong đời sống bóng đá, luôn có sự hiện hữu của chúng. Hẳn cả thế giới còn nhớ pha đá phản lưới nhà định mệnh của hậu vệ Andres Escobar, Đội tuyển bóng đá Colombia.

Hành trình tới World Cup 1994 diễn ra tại Mỹ của Colombia diễn ra như trong mơ. Đội tuyển Nam Mỹ bất bại trong cả 5 trận đấu vòng loại đầu tiên và chỉ để lọt lưới 2 bàn. La Tricolor (biệt danh của Đội tuyển Colombia) giành vé vào vòng chung kết với chiến thắng hủy diệt 5-0 trước Argentina ngay tại Buenos Aires vào tháng 9-1993. Đó cũng là thời điểm Colombia chìm trong loạn lạc bởi chiến dịch truy quét các băng đảng ma túy, trong đó trùm ma túy Pablo Escobar là mục tiêu hàng đầu.

Có một sự thật đáng buồn rằng quãng thời gian bóng đá Colombia phát triển rực rỡ cũng gắn liền với tên tuổi của ông trùm ma túy Pablo Escobar. “Ông vua cocaine” khi đó kiếm được khoản tiền kếnh xù và thậm chí còn công khai đối đầu với chính phủ. Tháng 12-1993, Pablo Escobar bị bắn chết trong chiến dịch săn lùng tốn kém của chính phủ. Nhưng Colombia không hề yên bình hơn mà lại càng trở nên hỗn loạn bởi các băng đảng ma túy tranh giành quyền lực.

Điều này phần nào gây áp lực lên các cầu thủ Đội tuyển Colombia. Nhiều cổ động viên ở quê nhà kỳ vọng đội tuyển sẽ tiến xa, thậm chí vô địch World Cup. Các cổ động viên này bao gồm cả những ông trùm, các thành viên băng đảng ma túy khét tiếng. Hành trình tại Vòng chung kết World Cup 1994 ở Mỹ của Colombia tưởng chừng như rộng mở. Vua bóng đá Pele trước giải đã dự đoán rằng Đội tuyển Colombia chí ít cũng phải lọt tới bán kết và như thường lệ, ông lại sai.

Sự chuẩn bị cho giải đấu tại Mỹ của thầy trò Maturana bị phủ bóng đen bởi những nghi vấn liên quan tới cá độ bóng đá và các băng đảng ma túy ở đất nước này. Chính Maturana từng phải nhận nhiều lời dọa giết và tiền vệ Barabas Gomez thậm chí còn bị loại khỏi danh sách tới Mỹ vì những lời đe dọa này. Với tâm lý không ổn định như vậy, không khó hiểu khi Colombia để thua Romania của Hagi ở trận mở màn với tỷ số 3-1.

Trận thua này khiến những lời đe dọa từ quê nhà bay tới tấp về phòng thay đồ của đội tuyển. Những ông trùm ma túy cũng là tay cá độ hạng nặng. Họ không hài lòng với phong độ của La Tricolor bởi chỉ mới năm ngoái, Colombia còn đánh bại ứng viên vô địch Argentina với tỉ số 5-0 trên sân khách.

Có tin đồn rằng các trùm ma túy đã gửi thông điệp đến huấn luyện viên trưởng Francisco Maturana, yêu cầu cho tiền vệ Gabriel Gomez ra sân trong trận gặp Mỹ, nếu không cả đội sẽ bị giết. Trận đấu thứ hai gặp Mỹ càng khiến các ngôi sao Colombia chịu áp lực nặng nề hơn. Đó là sức ép từ quê nhà và cả sức ép của các cổ động viên đội chủ nhà Mỹ. Một trận thua thứ hai đồng nghĩa với việc Colombia sớm phải rời sân chơi World Cup.

Trớ trêu thay, bi kịch của Colombia diễn ra đúng ở trận đấu quyết định. Hậu vệ đội trưởng Andres Escobar trong nỗ lực ngăn chặn đường căng ngang của John Harkes bên phía Mỹ đã vô tình phản lưới nhà. Trận thua 1-2 khiến Colombia hết cơ hội đi tiếp dù còn một trận chưa đá. Colombia thắng trận đấu cuối gặp Thụy Sĩ với tỉ số 2-0 nhưng điều này không thể làm nguôi ngoai cơn giận dữ của các ông trùm ở quê nhà.

Andres Escobar dĩ nhiên là tâm điểm của những lời chỉ trích vì sai lầm không thể tha thứ. 5 ngày sau khi trở về Colombia, Escobar bị bắn chết bên ngoài hộp đêm El Indio ở ngoại ô Medellin. Thủ phạm nã 12 viên đạn vào người Escobar. Khi bắn cầu thủ Andres Escobar, thủ phạm đã hét lên “Goool” (bàn thắng) mỗi khi có viên đạn bắn ra. Thủ phạm tên Humberto Castro Munoz bị bắt giữ ngay sau đó và bị kết án 43 năm tù giam. Nhưng người ta đồn rằng anh em nhà Gallon mới là kẻ chủ mưu đứng sau vụ việc.

Cái chết của Escobar khi đó gây rúng động toàn thế giới. Đám tang tại Medellin có tới 120.000 người đến chia buồn. Quan tài của ngôi sao bóng đá này được phủ quốc kỳ Colombia. Sau này, nhiều người hâm mộ Colombia vẫn hay nói rằng, nếu như đội tuyển quốc gia ít nhất vượt qua vòng bảng World Cup thì có lẽ Andres Escobar vẫn còn sống tới ngày nay.

Những lời đe dọa ám ảnh World Cup

Andres Escobar bị ám sát bởi nạn băng đảng ma túy, cá độ. Và đó là cái chết kinh hoàng nhất World Cup. Cái chết của trung vệ Andres Escobar sau thất bại ở World Cup 1994 được coi là thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử giải đấu này. Escobar là một cầu thủ được rất nhiều cổ động viên yêu mến ở Colombia. Đến tận bây giờ, những bức ảnh của Escobar vẫn được các cổ động viên Colombia đem vào sân trong những trận đấu của đội tuyển quốc gia.

Sự sống nảy sinh từ trong cái chết và cái chết của Escobar về một ý nghĩa nào đó đã khiến Chính phủ Colombia phải vào cuộc càn quét tội phạm. Và điều đó đã mang lại những điều tốt đẹp hơn cho người dân Colombia, dù không trọn vẹn.

Các sự kiện quốc tế quy mô lớn như World Cup luôn là một mục tiêu hấp dẫn dành cho các phần tử khủng bố. Mặc dù an ninh được tăng cường, nhưng các đối tượng khủng bố sẽ tìm cách tấn công những địa điểm tổ chức sự kiện như sân vận động, khu vực dành cho cổ động viên, các địa điểm du lịch, điểm trung chuyển giao thông và một số mục tiêu công cộng khác. Một chuyên gia chống khủng bố còn kết luận khủng bố trong thể thao còn nguy hiểm hơn ngày thường rất nhiều. 

Các nhóm khủng bố muốn nhằm vào các cầu thủ nổi tiếng, hay dân thường, chỉ vì mục đích gây ra sự sợ hãi lớn nhất. Sau Messi, Cristiano Ronaldo cũng bị khủng bố đe dọa ngay trước khi giải đấu đỉnh cao trong năm 2018 diễn ra. Và đây không phải lần đầu tiên bóng đá trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố.

Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.