Tội phạm lừa đảo qua điện thoại tái xuất

Thứ Ba, 26/07/2016, 15:10
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, trên địa bàn toàn quốc lại rộ lên các vụ việc giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa người dân có liên quan đến các vụ án đang điều tra, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều song vẫn còn không ít người dân mắc bẫy, dễ dàng chuyển hàng tỷ đồng cho tội phạm chỉ trong tích tắc. Đáng lưu ý, các vụ lừa đảo qua điện thoại xảy ra chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi có trình độ dân trí cao...

Chuyển cho tội phạm gần 2,6 tỷ đồng chỉ vì 1 cú điện thoại       

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa tiến hành thu hồi và trao trả  2,56 tỷ đồng cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Q. (45 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người bị hại trong vụ việc lừa đảo qua điện thoại bằng thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật. Đây là lần đầu tiên trên toàn quốc, cơ quan điều tra đã nhanh chóng thu hồi toàn bộ tiền tang vật đã được nạn nhân chuyển vào tài khoản của tội phạm với con số thiệt hại cũng được tính là lớn nhất từ trước đến nay.

Tìm hiểu các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại đã xảy ra cho thấy, nạn nhân phần lớn là những người cao tuổi, hưu trí, ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là chị Thu Q., người bị hại trong vụ việc này là một phụ nữ trí thức, đang công tác tại cơ quan Nhà nước, có hiểu biết về pháp luật và xã hội. Vậy mà chị Q. vẫn mắc bẫy loại tội phạm này dễ dàng một cách khó tin.

Theo trình bày của chị Thu Q. tại cơ quan Công an, sáng 20-6, chị đang ở nhà một mình thì nhận được điện thoại gọi đến số máy bàn, hỏi chị Q có phải là chủ nhân của số thuê bao ở Quảng Ninh 0333.xxxx đang nợ bưu điện gần 9 triệu đồng không trả. Khi chị Q. đáp không có, người gọi điện cho rằng có thể trước đó chị bị đánh cắp thông tin cá nhân khi mua bán, giao dịch xe cộ, nhà đất với một ai đó.

Một trường hợp bị lừa đảo qua điện thoại trình báo tại Công an Bà Rịa – Vũng Tàu.

Việc bị lấy cắp thông tin này hết sức nguy hiểm và để lại hậu quả khó lường nếu tội phạm lợi dụng. Do hai vợ chồng chị Thu Q. đều là những người có danh tiếng nên khi nghe cảnh báo như vậy, chị Q. hết sức lo lắng. Chị liền đồng ý ngay với  gợi ý của đối tượng là kết nối điện thoại với Công an Quảng Ninh để  trình báo việc mạo danh trên.

Người tự xưng là “cán bộ Công an Quảng Ninh” thông báo đang điều tra vụ án Nguyễn Quang Dũng - trùm ma túy và rửa tiền. Tại Cơ quan công an, Dũng khai có chị Nguyễn Thị Thu Q. đã bán thông tin cá nhân cho Dũng lấy 2,5 triệu đồng để Dũng sử dụng vào việc làm ăn phi pháp. Sau mỗi vụ làm ăn, Dũng sẽ trả cho chị Thu Q. 160 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, có 2 nhân viên ngân hàng A khai rằng đã lấy cắp thông tin khách hàng để chuyển cho trùm ma túy, cũng có tên chị Q.

Nếu muốn chứng minh không liên quan đến trùm ma túy, chị Q. phải hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu không, họ sẽ phối hợp với Công an Hà Nội để yêu cầu tạm giữ chị và di lý về Quảng Ninh để phục vụ việc điều tra. Lúc đó, sẽ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của gia đình.

Nghe đối tượng phân tích rồi dọa như vậy, chị Q. hoảng sợ thật sự vì cả hai vợ chồng chị không những đều đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, mà còn được công chúng biết danh. Nếu không làm rõ “trắng đen” sẽ ảnh hưởng đến cả danh dự và công việc. Nghĩ thế nên chị Q. tiếp tục đồng ý với phương pháp “ghi âm lời khai của chị qua điện thoại để báo cáo cấp trên”.

Cũng theo yêu cầu của “cán bộ công an Quảng Ninh”, chị Q. cung cấp số điện thoại di động để họ liên lạc. Từ lúc đó trở đi, điện thoại di động của chị Q. nhận được liên tiếp các cuộc gọi hiển thị nhiều đầu số khác nhau, chất lượng sóng chập chờn khó nghe, được giải thích là “điện thoại nghiệp vụ”.

Tin đó là Cơ quan công an nên khi được hỏi về thông tin gì, chị Thu Q khai “tuốt tuồn tuột”, trong đó có thông tin số tài khoản ngân hàng cùng số tiền 2,56 tỷ đồng mà chị Q đang gửi tại một ngân hàng gần nhà. Ngay lập tức, “cán bộ điều tra” yêu cầu chị Q. ra ngay ngân hàng, chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Phan Việt Anh, có số CMND kèm theo để phục vụ việc điều tra xem có đúng nhân viên ngân hàng đã để lộ thông tin khách hàng không.

Trong thời gian chị Thu Q. ra ngân hàng làm thủ tục rút và chuyển tiền, đối tượng gọi liên tục vào điện thoại đi động, lấy lý do rằng để xác định nhân viên ngân hàng có phải là “tay trong” của trùm ma túy hay không, họ cần biết thái độ của những nhân viên đang thực hiện giao dịch. Họ hỏi chị Q. rằng khi rút tiền nhiều thế, nhân viên có gây khó dễ không? Có hỏi gì không? Thái độ họ ra sao? Lúc này đã hơn 11h trưa. Chị Q. thực hiện xong việc chuyển tiền thì cũng hết giờ ngân hàng làm việc. Đối tượng gọi điện nói chị Q. về nhà chờ kết quả xác minh.

Trong suốt buổi trưa đến chiều hôm đó, đối tượng vẫn liên tiếp gọi điện thoại và yêu cầu chị Q. phải giữ máy kết nối với  cơ quan điều tra. Đối tượng dặn chị Q. phải giữ kín thông tin chuyển tiền, kể cả chồng cũng không cho biết. Nếu để lộ ra chi sẽ bị xử lý theo pháp luật.  Đến 15h cùng ngày, “cán bộ điều tra” yêu cầu chị Q. ra ngân hàng rút nốt số tiền chuyển vào tài khoản mang tên Phan Việt Anh để kết luận có phải nhân viên ngân hàng để lộ thông tin của chị hay không. Sau khi minh bạch, họ sẽ chuyển trả lại tiền cho chị Q., tính cả tiền lãi và trả thêm chi phí đi lại của chị.

Quá hoang mang, lo lắng bởi “tai bay vạ gió”, chị Thu Q. lập tức ra ngân hàng để thực hiện việc chuyển tiền theo hướng dẫn với mong muốn cơ quan điều tra sẽ kết luận nhanh trong ngày cho gia đình chị yên ổn. Vậy là chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, cả gia tài là số tiền tiết kiệm gần 2,6 tỷ đồng tích cóp bấy lâu nay đã được chị Thu Q. chuyển hết vào tài khoản mang tên Phan Việt Anh theo hướng dẫn của “cơ quan điều tra”.

Cho đến tối cùng ngày, không thấy “cơ quan điều tra”  liên hệ lại để thông báo kết luận, cũng không thấy tiền được trả lại tài khoản, chị Thu Q. mới giật mình nhận ra đã bị lừa đảo. Trình báo tại Công an quận Cầu Giấy, chị Q. vô cùng hối hận, dằn vặt,  tự nhận rằng sao chị lại có thể dại khờ đến mức như vậy.

Sau khi nhận tin trình báo của chị Q., Công an quận Cầu Giấy đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Xác minh theo tên và số tài khoản mang tên Phan Việt Anh, mở tại một chi nhánh ngân hàng ở Hải Dương, được biết ngay trong chiều 20-6, sau khi chị Thu Q. chuyển tiền thì có một thanh niên mang chứng minh nhân dân tên Phan Việt Anh đến phòng giao dịch của chi nhánh này rút tiền 2 lần: Lần 1 vào 14h, rút 1 tỷ đồng; lần 2 vào 15h40 rút 1,56 tỷ đồng. Tuy nhiên khi đến địa chỉ Gia Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng ghi trên CMND của Phan Việt Anh, xác định đây chỉ là địa chỉ “ma”. Không có con người nào có tên như vậy tại địa phương.

Đối tượng Lê Văn Thành cùng tang vật vụ án.

Khẩn trương sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp Công an tỉnh Hải Dương xác minh, truy tìm thanh niên đã  đến ngân hàng rút tiền, Công an quận Cầu Giấy đã tìm ra người rút tiền là Lê Văn Thành (SN 1996, trú tại xã Diên Hồng, huyện Thanh Miện, Hải Dương). Hình ảnh lưu giữ trên camera ngân hàng cho thấy Thành chính là người sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Phan Việt Anh đến rút số tiền 2,56 tỷ đồng. Cơ quan Công an kiểm tra thu giữ của Thành 3 chứng minh nhân dân mang tên người khác nhưng được dán ảnh của Thành.

Bước đầu tại Cơ quan công an, Lê Văn Thành khai nhận khoảng đầu tháng 6-2016, Thành quen một thanh niên tên Hưng ở Hải Phòng. Hưng gợi ý Thành làm việc cho Hưng sẽ có tiền và yêu cầu đưa cho Hưng 3 ảnh của Thành để làm CMND. Đến ngày 10-6, Hưng gặp Thành, đưa cho 3 CMND mang tên người khác nhưng dán ảnh của Thành, trong đó có CMND mang tên Phan Việt Anh (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng), hướng dẫn Thành mang 3 CMND đi mở 3 tài khoản tại 3 ngân hàng Agribank, Techcombank và BIDV.

Đến chiều 20-6, Hưng gọi điện thoại bảo Thành mang CMND Phan Việt Anh ra ngân hàng rút tiền. Sau khi rút tổng số 2,56 tỷ đồng, Thành đã chuyển tiền cho Hưng và được trả công 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, xác minh lời khai của Thành, Công an quận Cầu Giấy đã nhanh chóng làm rõ không có việc Thành chuyển tiền cho người tên Hưng như anh ta khai nhận. Đấu tranh với Thành, anh ta đã phải khai nhận số tiền trên được Thành cất giấu ở nhà bố mẹ tại Thanh Miện, Hải Dương. Số tiền này đã được Công an quận Cầu Giấy nhanh chóng thu hồi nguyên vẹn và trao trả cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Q.

Theo Công an quận Cầu Giấy, hiện cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm rõ ngoài Lê Văn Thành, còn có đối tượng nào liên quan đến vụ lừa đảo qua điện thoại nêu trên. Tuy nhiên, việc thu hồi toàn bộ số tiền cho người bị hại là một việc hết sức may mắn vì từ trước đến nay, trong các vụ việc lừa đảo qua điện thoại tương tự, hầu như không thu hồi được tài sản vì các đối tượng đều thuê người mở tài khoản để nhận và rút tiền chuyển ngay cho chúng sau khi người bị hại chuyển tiền. Hoặc các đối tượng thực hiện việc rút tiền ở nước ngoài nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

Cảnh giác trước những cuộc gọi điện thoại báo nợ cước

Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, chỉ tính trong năm 2015, đơn vị đã nhận được 40 đơn, tin và công dân trực tiếp đến trình báo bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gọi điện thoại giả các nhà mạng, cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án... thông báo nợ tiền cước điện thoại và có liên quan đến các chuyên án lớn đang điều tra để đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản chúng chuẩn bị sẵn để chiếm đoạt. Tổng số tiền đã bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn này lên đến gần 30 tỷ đồng, trong đó vụ nhiều nhất là 5,4 tỷ đồng.

Qua điều tra cho thấy,  các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, cấu kết với các đối tượng trong nước thực hiện cuộc gọi VoIP (sử dụng công nghệ truyền giọng nói qua giao thức Internet để thực hiện và chuyển cuộc gọi qua mạng IP, cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi bằng VoIP đến bất kỳ số di động hoặc cố định nào) có sử dụng phần mềm để hiển thị với người nhận cuộc gọi là số điện thoại của các cơ quan, tổ chức có uy tín như công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện... nhằm tạo sự tin tưởng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ.

Những cuộc gọi có hiển thị đầu số này cùng lời đe dọa của đối tượng khiến người bị hại trong lúc hoang mang, sợ hãi có liên quan đến các vụ án ma túy nên đã tin rằng họ đang nói chuyện với các cơ quan pháp luật.

Được biết ngoài vụ việc nêu trên, trong thời gian tháng 5, 6-2016, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng liên tiếp xảy ra các vụ giả danh các cơ quan pháp luật để lừa đảo qua điện thoại với phương thức, thủ đoạn tương tự. Riêng trong tháng 6-2016, tại Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 trường hợp người dân chuẩn bị đi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng, may mắn được người thân phát hiện và ngăn chặn.

Công an Bà Rịa - Vũng Tàu  cũng đã vào cuộc phong tỏa tài khoản 1 trường hợp chuyển trên 200 triệu đồng, ngăn chặn việc rút tiền của tội phạm.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại gây thiệt hại cho người dân, cơ quan công an khuyến cáo mọi người cần cảnh giác khi nhận được những cuộc điện thoại thông báo nợ cước đối với điện thoại cố định. Đây là phương thức “mở đầu” cho kịch bản lừa đảo đe dọa liên quan đến các vụ án đang điều tra tiếp theo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CMND, tài khoản, số điện thoại di động... cho các đối tượng lạ khi chưa biết họ sử dụng vào mục đích gì, nhất là đối với những người chỉ gọi qua điện thoại.

Các cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với công dân đều bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ tài sản của công dân được thực hiện bằng văn bản, không yêu cầu người dân tự chuyển vào tài khoản mang tên cá nhân...

Hương Vũ
.
.