Tội phạm ma túy chạy từ Philippines sang Indonesia cũng không thể thoát

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:05
Nhậm chức tổng thống Indonesia vào tháng 10-2014, Tổng thống Joko Widodo đã chính thức tuyên chiến với vấn nạn ma túy với lời tuyên bố: Tội phạm ma túy ở đất nước vạn đảo cũng nguy hiểm không kém những tổ chức khủng bố tuyên bố trung thành với Nhà nước hồi giáo tự xưng IS.

Tiếp tục thực hiện lời cam kết sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ bị kết tội buôn lậu ma túy, Tổng thống Joko Widodo hồi cuối tháng 7 vừa qua còn chỉ thị cho lực lượng hành pháp được phép "bắn bỏ" những đối tượng buôn ma túy, cho dù đối tượng đó là người nước ngoài.

Đa số người Indonesia ủng hộ án tử hình dành cho tội phạm ma túy

Sự kiện gần đây nhất là vào giữa tháng 7, ở một thị trấn gần thủ đô Jakarta, cảnh sát Indonesia đã bắn chết một người đàn ông đến từ Đài Loan được xác định là thành viên của một nhóm buôn bán ma túy đang tìm cách vận chuyển 1 tấn ma túy đá vào Indonesia. Khi bị lực lượng cảnh sát truy đuổi và vây bắt, người này đã ra sức kháng cự và bị bắn hạ.

Tổng thống Widodo trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ở Jakarta, Indonesia. .Ảnh: Reuters.

Tito Karnavian, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia nói rằng, chính ông đã ra lệnh cho các sĩ quan dưới quyền bắn bỏ những kẻ buôn ma túy chống lại việc bắt giữ. "Các đối tượng không chỉ nhận thấy Indonesia là một thị trường tiềm năng, mà còn cho rằng cảnh sát không dám mạnh tay. Điều này khiến các tội phạm đổ vào Indonesia" - tờ Jakarta Globe dẫn lời ông Karnavian. Ông Tito Karnavian không hành xử theo cách "tiền trảm hậu tấu" vì đây là phương thức hành động được Tổng thống Indonesia "bật đèn xanh".

"Hãy cứng rắn, đặc biệt đối với những kẻ buôn ma túy nước ngoài tới đây và chống cự việc bắt giữ! Hãy bắn chúng vì chúng ta thực sự đang trong tình trạng báo động về ma túy", - hãng tin Reuters dẫn lời ông Widodo phát biểu tại một sự kiện hôm 21-7.

Phát biểu của ông được so sánh với lời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã phát động một chiến dịch trấn áp ma túy đầy bạo lực từ hơn một năm trước và chiến dịch này ở Philippines đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc, lên án "vì quá đẫm máu và có những vụ việc không hề trải qua trình tự xét xử".

Ngoài áp lực từ cộng đồng quốc tế, chính phủ Indonesia còn hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận trong nước. Giới truyền thông trong nước nhận định, chính phủ của ông Widodo chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến chống ma túy.

Chẳng hạn, tờ Jakarta Post cho rằng, tình hình hầu như không thay đổi từ khi chính phủ tăng cường cuộc chiến, ngoại trừ việc kết liễu những kẻ buôn chất cấm. Nhiều quan chức chính phủ cũng thừa nhận số vụ phạm tội liên quan tới ma túy chỉ giảm nhẹ, trong khi ngân sách cho chương trình cai nghiện cũng giảm. Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính phủ cần tập trung vào biện pháp chính là nỗ lực làm giảm nhu cầu sử dụng ma túy, tăng cường đầu tư cho các chương trình cai nghiện và phục hồi.

Những người vận động chống án tử hình thì nêu quan điểm: những người bị hành quyết chỉ là những con tốt chứ không phải ông trùm, vì vậy, việc chống nạn buôn bán ma túy ở Indonesia cũng như ở các nước Đông Nam Á khác phải có nỗ lực nhằm bắt những kẻ đầu sỏ. Nhưng đây là trận chiến khó khăn và vô cùng phức tạp. Đa số những người Indonesia khi được hỏi đều ủng hộ tử hình, đặc biệt là với kẻ buôn ma túy.

"Đất nước vạn đảo" Indonesia 252 triệu dân với 87,2% số dân theo đạo Hồi là một trong những nước áp dụng luật chống ma túy khắt khe nhất. Ngay trên phiếu nhập cảnh, khách nước ngoài đã được cảnh báo án tử hình dành cho tội buôn lậu ma túy. Tổng thống Joko Widodo từng nhấn mạnh, ma túy là mối đe dọa nghiêm trọng không kém gì khủng bố vì cái chết trắng này đang giết chết ít nhất 50 người/ngày tại Indonesia và khẳng định, các biện pháp áp chế và trừng phạt thật nặng là cần thiết.

Được biết, từ khi ông nhậm chức Tổng thống Indonesia, trong số 19 tội phạm liên quan đến ma túy bị tử hình có 15 tội phạm người nước ngoài.  Từ năm 2015, ông yêu cầu chính phủ đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống ma túy, bao gồm cả việc thúc đẩy tiến độ xử tử những kẻ buôn bán, vận chuyển chất cấm.

Tại một hội nghị diễn ra tại thủ đô Jakarta, Tổng thống Widodo đã triệu tập các thị trưởng trên cả nước để phát động chiến dịch bài trừ ma túy. Ông phát biểu: "Khoảng 50 người chết mỗi ngày ở Indonesia do sử dụng ma túy. Nếu nhân con số đó với 365 ngày, chúng ta phải chứng kiến tới 18.000 người mất mạng mỗi năm".

Những kẻ lĩnh án tử hình vì buôn bán, tàng trữ methamphetamine buộc phải tiêu hủy chất cấm tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Jakarta. Ảnh: Reuters.

Cách đây đúng 1 năm,  Indonesia đã hành quyết  4  tội phạm nước ngoài mang quốc tịch Nigeria, Zimbabwe, Pakistan và Ấn Độ. Động thái đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy của Indonesia cũng từng bị Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lên án, tuy nhiên Tổng chưởng lý Indonesia H. Muhammad Prasetyo phát biểu rằng: "Chúng tôi hiểu điều này không nhận được sự đồng tình nhưng không có vấn đề gì. Đó là một công việc không dễ dàng nhưng vẫn phải được thực hiện".

Theo nguồn tin từ đài BBC, các tử tội này bị hành quyết trên đảo Nusakambangan. Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền nhân việc này đã cảnh báo và thúc giục Indonesia phục hồi lệnh cấm án tử hình bị trì hoãn từ năm 2013. "Tôi thực sự lo ngại về việc Indonesia đã hành quyết 19 người kể từ năm 2013 và trở thành quốc gia hành quyết tội phạm ma túy nhiều nhất ở Đông Nam Á" - ông Al Hussein nhấn mạnh, đồng thời lo ngại các tù nhân không được xét xử công bằng.

Theo ông Al Hussein, án tử hình không phải là một biện pháp hiệu quả so với các hình thức trừng phạt khác cũng như không thể ngăn mọi người lạm dụng ma túy. Trong khi đó, EU cũng kêu gọi Indonesia ngừng tất cả mọi vụ hành quyết.

Bất chấp những luồng ý kiến phản đối, đến tháng 9-2016, lãnh đạo 2 nước Indonesia và Philippines đã tiến hành một hội nghị ở thủ đô Jakarta và một trong những chủ đề thảo luận của hội nghị là cách thức xóa bỏ nạn buôn bán ma túy ở khu vực. Tại hội nghị, Giám đốc Cơ quan chống ma túy Indonesia Budi Waseso tuyên bố, nước ông đang bị biến thành một trong những thị trường ma túy lớn nhất trên thế giới và viện dẫn 72 vụ buôn bán ma túy quốc tế lớn bị truy quét trong năm ngoái.

Ông Budi Waseco, Giám đốc Cơ quan chống ma túy của Indonesia (BNN) cho biết: BNN đang trong quá trình trang bị thêm vũ khí hạng nặng, tăng cường đội ngũ điều tra viên, nâng cấp các các thiết bị công nghệ cũng như lực lượng chó nghiệp vụ để chống lại tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy tại Indonesia - một trong những thị trường lớn nhất ở khu vực.

"Tôi tin là cuộc chiến chống ma túy ở Indonesia sẽ không kém phần quyết liệt so với Philippines bởi tệ nạn ma túy ở Indonesia cũng tồi tệ như ở Philippines" - Ông Waseco nhận xét - "Tại sao chúng ta phải duy trì cuộc sống của những tên buôn ma túy, những kẻ đã thủ tiêu cuộc sống của người khác?".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Slamet Pribadi của BNN cũng bổ sung thêm rằng, Indonesia sẽ không cứng rắn như Philippines bởi "Hình phạt của Indonesia sẽ phù hợp với pháp luật ở đất nước của chúng tôi và các tiêu chuẩn của quốc tế". Khi trả lời phỏng vấn của đài ABC, Giám đốc Waseso cho biết "Thị trường ma túy tồn tại ở Philippines đang chuyển sang Indonesia, do ảnh hưởng từ những động thái mạnh tay của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte".

Tham nhũng, đút lót - trở lực lớn nhất trong cuộc chiến

Chiến dịch truy quét những băng nhóm tội phạm ma túy tại Indonesia gặp tai tiếng khi có cáo giác những quan chức cảnh sát và quân đội cao cấp nhận tiền từ những trùm buôn ma túy. Đó là trường hợp của tử tù Freddy Budiman, trước khi bị hành quyết vào tháng 8-2016, đã tiết lộ chuyện này với nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar. Theo lời của Freddy Budiman, hắn đã phải nộp tiền cho nhân viên cảnh sát, quân đội và lực lượng chống ma túy để hoạt động kinh doanh của mình được "bảo kê".

Chưa hết, biện pháp trừng phạt tội phạm ma túy cứng rắn như thế nhưng hệ thống nhà tù ở đất nước vạn đảo này có tiếng là tham nhũng, với việc nhân viên thực thi pháp luật làm ngơ để ma túy xuất hiện trong nhà tù. Chuyện các nhân viên quản ngục bị bắt vì có dính dáng đến hoạt động vận chuyển, tiếp tay cho ma túy là thường xuyên.

Vào tháng 3-2016, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà tù Malabero ở Bengkulu thuộc đảo Sumatra, miền tây Indonesia sau khi các nhân viên chuyên trách của Cơ quan phòng chống ma túy Indonesia đưa một trùm ma túy rời khỏi trại giam.

Tướng M. Ghufron, cảnh sát trưởng khu vực cho biết, các tù nhân trong trại giam đã phóng hỏa, gây ra bạo loạn để bảo vệ tên trùm ma túy, kẻ bị cáo buộc kiểm soát đường dây buôn bán chất kích thích trong nhà tù. Hậu quả vụ cháy này khiến 5 tù nhân thiệt mạng, còn 252 tù nhân khác được chuyển đến Bentiring, nhà tù gần đó cùng nằm trong thị trấn.

Lâu nay, nhà tù Kerobokan trên đảo Bali luôn được mệnh danh là thiên đường của tội phạm. Đây là nhà tù lớn nhất nằm trên hòn đảo du lịch Bali, là nơi giam giữ đến hơn 1.000 người, trong đó có 12 người Australia bị bắt về tội buôn ma túy, hai người đã bị kết án tử hình. Những gì tệ nạn nhất của xã hội đều tập trung ở nhà tù khét tiếng ô hợp của Indonesia. Một tù nhân Australia cho biết, nhà tù Kerobokan đích thực là một ổ hối lộ, ma túy và tình dục công khai.

Nhà tù Kerobokan là nhà tù lớn nhất nằm trên đảo du lịch Bali của Indonesia.

Bất chấp những nỗ lực thay đổi nhà tù của các nhà chức trách, ở Kerobokan, nếu có tiền, tù nhân có thể mua đủ thứ, từ những đồ thiết yếu như đồ ăn, xà phòng, sữa tắm, dầu gội, giấy vệ sinh đến ti vi, dụng cụ nhà bếp, đèn giường ngủ riêng. Không chỉ vậy, tù nhân còn có thể thoải mái trao đổi ma túy, mua bán dâm mà không phải lén lút hay sợ cảnh sát sờ gáy.

Chủ tịch Hiệp hội tù nhân Indonesia, Ida Ayu Made Gayatri cho biết: "Việc mua bán ma túy là hoạt động thường ngày ở nhà tù. Nhiều tù nhân thản nhiên kể cho chúng tôi về cách thức hoạt động bất hợp pháp này. Địa điểm mua bán ma túy diễn ra ở nhà thờ, trên sân quần vợt. Thậm chí, có những người còn ném ma túy qua các bức tường nhà tù, một số người còn đi với lính gác qua cổng chính một cách đàng hoàng. Các lính gác nhà tù còn nhận tiền để cung cấp dịch vụ tình dục tại các nhà vệ sinh, nhằm thỏa mãn những tù nhân có tiền và địa vị. Nhiều người nhà của tù nhân còn đút lót cho bảo vệ và lính canh để được công khai buôn bán các loại hàng hóa, kể cả ma túy và các mặt hàng cấm.

Nhưng không phải là không có điểm sáng trong hệ thống nhà tù ở Indonesia dành cho tội phạm ma túy. Điển hình là nhà tù Pondok Bambu dành cho nữ ở Jakarta. Đây là một trong số ít các nhà tù có phòng khám methadone để giúp người đã từng sử dụng ma túy đá từ bỏ được thói quen của họ. 

Để vượt qua thời gian này, các tù nhân được tham dự các lớp học làm trang sức hoặc đến các thẩm mỹ viện (với chi phí được tính riêng). Những buổi karaoke đêm cũng thường xuyên được tổ chức. Nhà tù này  tập trung vào phục hồi chức năng cho người từng nghiện ma túy với hy vọng sẽ giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong số người sử dụng ma túy tại Indonesia.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.