Tội phạm ma túy trá hình công ty điện thoại

Thứ Ba, 21/01/2020, 11:47
MPC là một công ty sản xuất điện thoại mã hóa đặc biệt. MPC bán các thiết bị này cho những người có ý thức bảo mật cao, thậm chí sử dụng chân dung đen trắng của cựu điệp viên Edward Snowden trong các quảng cáo sản phẩm.

Trên khắp thế giới, trong các câu lạc bộ khiêu dâm ở Hà Lan hay trong các ngôi nhà an toàn của các cartel ma túy Mexico, có một thế giới giao dịch ngầm của những chiếc điện thoại được MPC thiết kế riêng.

Các thiết bị này thường chạy phần mềm riêng để gửi email hoặc tin nhắn, với nội dung được mã hóa và chạy trên một cơ sở hạ tầng máy chủ đặc thù để định tuyến liên lạc. MPC không phải là một công ty điện thoại bình thường.

Giao dịch trong thế giới ngầm

Martin Kok có rất nhiều kẻ thù. Bản thân Kok cũng là một kẻ giết người, từng bị kết án về 2 vụ giết người. Nhưng sau khi kết thúc cuộc đời phạm tội, Kok tìm đến công việc viết về thế giới tội phạm ngầm trên trang blog của mình là “Butterfly Crime” – trong đó bao gồm tất cả mọi người từ các băng đảng mô tô cho đến các trùm ma túy Morocco. Trước đây, một kẻ nào đó đã đặt một quả bom có sức công phá tương đương 40 quả lựu đạn dưới xe của Kok. Rất may quả bom được tìm thấy trước khi kích nổ.

Kok có một cộng sự tên là Christopher Hughes, được biết đến với cái tên “Scotty” vì nói giọng Scotland nặng nề. Hughes và Kok đã dành buổi tối ở Boccacio, một câu lạc bộ tình dục ở ngoại ô Amsterdam. Sau khi Kok bước vào chiếc xe Volkswagen Polo, một người đội mũ trùm đầu nhảy từ bụi cây rậm rạp quanh bãi đậu xe và bắn thẳng vào chiếc ô tô giết chết Kok. Hughes rời khỏi hiện trường ngay sau đó - theo đoạn phim camera giám sát được cảnh sát Hà Lan công bố.

Một quảng cáo của MPC trên Twitter.

Hughes làm việc cho MPC – công ty tài trợ cho Butterfly Crime, cũng như đăng bán những chiếc mũ và vật kỷ niệm in nhãn hiệu MPC trên mạng xã hội. 

“Điện thoại MPC cung cấp nhiều cấp mã hóa thông qua một mạng an toàn khép kín”, một quảng cáo trên Twitter của công ty này viết. Đôi khi các thiết bị có chức năng micro, máy ảnh và GPS. Một số cũng có chế độ khởi động kép, tính năng cho phép khởi động để nó hiển thị như một chiếc điện thoại với màn hình thông thường, không có thông tin nhạy cảm. 

Nhưng nếu bấm một số nút nhất định, nó sẽ tiết lộ một hệ thống tệp bí mật chứa các tin nhắn văn bản được mã hóa của người dùng và các thông tin liên lạc khác.

Hiện vẫn có những công ty sản xuất “điện thoại mã hóa” này tồn tại. Nhiều trong số đó tồn tại để phục vụ và bán sản phẩm cho các băng nhóm tội phạm. Kok đã viết về vấn đề này trên trang blog của mình vào năm 2015. Kok cho biết đã chứng kiến những chiếc điện thoại này được rao bán và khẳng định người mua tương lai của chúng là những kẻ phạm tội. 

Trong một vụ án giết người ở Anh năm 2018, khi bắt giữ kẻ phạm tội, các công tố viên đã tìm được một chiếc điện thoại mã hóa được sản xuất bởi một công ty có tên Encrochat. Còn trong quá trình điều tra một hoạt động buôn bán cần sa khổng lồ ở New York, cảnh sát cũng tìm thấy một chiếc BlackBerry được mã hóa tin nhắn.

Phantom Secure, một công ty bán điện thoại mã hóa, cũng tiết lộ đã bán các thiết bị của mình cho các thành viên của băng đảng ma túy khét tiếng Mexico Sinaloa. Các nguồn tin khác cũng cho biết các thiết bị của Phantom Secure đã được bán ở Mexico, Cuba và Venezuela. 

Nhưng các công ty như Phantom Secure không bị cáo buộc như tội phạm. Bởi nó được xem giống như việc tội phạm sử dụng điện thoại của Apple hoặc Google rồi sử dụng nó để phạm tội. Bạn không thể buộc tội các nhà sản xuất vì người dùng đã sử dụng thiết bị sai mục đích. 

Dẫu vậy, ai cũng nhìn ra một vấn đề đó là những chiếc điện thoại nói trên được tạo ra một cách có chủ ý, để giúp đỡ hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, sau đó Vincent Ramos - người sáng lập Phantom Secure - bị kết án 9 năm tù sau khi nhận tội điều hành hoạt động buôn bán ma túy. Một thành viên trong gia đình được yêu cầu giấu tên cũng như luật sư của Ramos, cho biết Ramos đã thành lập công ty ban đầu để bán điện thoại trước khi trở thành tội phạm.

Đối với MPC, quá trình thiết lập và sản xuất các thiết bị tương đối đơn giản. Công ty sẽ lấy điện thoại Google Nexus 5 hoặc Nexus 5X, sau đó thêm vào các tính năng bảo mật và phiên bản hệ điều hành của riêng mình phát triển, theo các bài đăng trên mạng xã hội từ MPC. 

MPC sau đó tạo tài khoản nhắn tin của khách hàng, thêm thẻ SIM riêng (thứ mà người dùng phải trả 20 bảng Anh mỗi tháng phí thuê bao), sau đó bán điện thoại cho khách hàng với giá 1.200 bảng Anh. Phí gia hạn mỗi 6 tháng có giá 700 bảng Anh, cũng là một nguồn thu nhập bổ sung cho công ty. MPC chỉ bán được khoảng 5.000 điện thoại, nguồn tin cho biết, nhưng điều đó vẫn mang về cho công ty này doanh thu khoảng 6 triệu bảng Anh.

Có thời điểm, một phiên bản điện thoại của MPC cũng sử dụng CopperheadOS - một hệ điều hành mã nguồn mở dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng, dựa trên nền tảng di động Android. Trên trang web của mình, công ty đã quảng cáo bán cả máy tính xách tay, máy tính bảng và thiết bị theo dõi GPS có các tính năng tập trung vào bảo mật. 

MPC cũng không ngại tiếp xúc với các chuyên gia công nghệ, các nhà báo độc lập để mời chào thuê họ viết bài về các tính năng bảo mật trên sản phẩm của mình. Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thực tế của công ty này.

Năm 2018, một nguồn tin ẩn danh đã hé lộ bức màn bí mật phía sau MPC, cho biết nó có liên quan trực tiếp tới một băng đảng buôn cocaine trị giá hàng triệu USD. Không có thông tin nào đề cập đến MPC một cách rõ ràng, nhưng mô tả cách hai kẻ buôn bán ma túy và vũ khí từ Glasgow (Scotland) đã sang lánh nạn ở Bồ Đào Nha nhưng vẫn có thể điều hành công việc từ xa. Nhóm này được báo chí Bồ Đào Nha gọi là “The Brothers” (Những người anh em). 

Còn nguồn tin ẩn danh thì chỉ đích danh tên của chúng là James và Barrie Gillespie. Đầu năm 2019, phía cảnh sát sau đó xác nhận nguồn tin là chính xác. Các nhà chức trách đã ra lệnh truy nã Hughes, nhân viên của MPC, người đã ở cùng Kok khi anh bị sát hại và 4 người khác. Hai cái tên trong số này bao gồm James và Barry Gillespie.

The Brothers là những kẻ cuối cùng đứng sau kiểm soát MPC. Khá ngạc nhiên là liên kết giữa hai tổ chức này chưa từng được báo cáo trước đây. Một chiến dịch truy bắt The Brothers đã được tiến hành, trải dài ở nhiều quốc gia, với sự tham gia của 200 sĩ quan từ Colombia, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các đơn vị ở Anh. 

“Các mối liên hệ của The Brothers có phạm vi trên toàn thế giới và cực kỳ bạo lực”, một người am hiểu về công ty này cho biết. Một số nguồn tin, từ những người làm việc trong lĩnh vực smartphone đã tương tác trực tiếp với MPC, đã vẽ lên một bức tranh cực đoan về cách hoạt động của công ty này, thông qua các chiến dịch đe dọa, khủng bố và bạo lực.

Escalade - băng nhóm tội phạm công nghệ cao

Các nhà điều tra Hà Lan tin rằng vụ ám sát của Kok có liên quan đến băng nhóm được gọi là Escalade. Đây là cái tên mà giới chức Scotland đã đặt cho The Brothers. Một tài liệu của chính phủ Scotland đã mô tả Escalade là nhóm tội phạm có tổ chức, với mức độ đe dọa cao và tinh vi nhất ở Vương quốc Anh. Nhóm này đã buôn bán một lượng lớn cocaine và heroin từ Nam Mỹ vào châu Âu. 

Một bộ vũ khí bị cảnh sát tịch thu trong Chiến dịch truy quét Escalade.

Theo những kẻ chân tay bị bắt được khai ra thì những kẻ cầm đầu của băng nhóm này đã điều hành nó bằng việc áp đặt sự sợ hãi lên tất cả các thành viên. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ chống giám sát cao cấp của Escalade đã đặt nó lên trên các băng nhóm tội phạm khác.

Ví dụ như một bộ phận trong băng đảng này sở hữu vũ khí bán tự động, lẩn trốn trong những khoang trú ẩn được vận hành bằng thủy lực. Khi bị cảnh sát theo dõi, các thành viên của băng nhóm dường như đã sử dụng các thiết bị gây nhiễu điện thoại để chặn bất kỳ tín hiệu điện thoại nào phát ra từ chỗ của mình. Băng nhóm này thậm chí có cả chuyên gia công nghệ riêng của mình. 

Và rõ ràng những kẻ cầm đầu không chỉ muốn phát triển công nghệ cho riêng mình sử dụng. Băng nhóm này đã tạo ra một cơ sở hạ tầng công nghệ đồ sộ, thứ làm nền tảng cho MPC, công ty kinh doanh điện thoại mã hóa của riêng mình.

Ban đầu, Escalade (hay The Brothers) là khách hàng của công ty trong lĩnh vực điện thoại mã hóa có tên Ennetcom, từng mua các thiết bị như BlackBerry chuyên dụng. Ennectom là công ty được điều hành bởi một người đàn ông tên là Daniel Manupassa, có liên quan nhiều với các vụ ám sát, cướp có vũ trang và buôn bán ma túy. 

Nhưng sau đó, Escalade không muốn tin tưởng người khác để quản lý các thông tin tối quan trọng của mình, vì vậy đã quyết định tự chế tạo ra các thiết bị riêng. Nhóm đã thuê các nhà phát triển để tạo ra một hệ điều hành tùy chỉnh. 

Một trong số đó là chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, tuy nhiên người này đã từ chối đưa ra các bình luận khi được hỏi. Escalade sau đó đã cung cấp những chiếc điện thoại này cho các nhóm và những người mà chúng làm việc cùng trong đường dây buôn bán ma túy. Nhưng sau đó, những kẻ cầm đầu nhận thấy rằng việc bán điện thoại cho các băng đảng có tổ chức có thể trở thành một ngành kinh doanh béo bở.

Đây rõ ràng là một thị trường ngách chưa (hoặc không) được nhiều công ty điện thoại khai thác. Tuy nhiên, việc kinh doanh điện thoại đồng nghĩa với việc cần có sự hiện diện công khai với thế giới bên ngoài. Đó là lý do công ty MPC được thành lập. 

Nó được giới thiệu là có địa chỉ văn phòng ở trung tâm thành phố Dubai, cũng như đi kèm với số điện thoại liên lạc ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Một nguồn tin đã tương tác với MPC cho biết tổ chức này thường xuyên tạo ra các văn phòng công ty mới trước khi tháo dỡ các văn phòng đại diện cũ. Nhiều địa chỉ văn phòng ở Anh, Amsterdam.

Nhưng để có được một chỗ đứng trên thị trường điện thoại mã hóa đòi hỏi nhiều điều hơn việc chỉ cần chế tạo ra thiết bị và đem bán nó. Đôi khi, Escalade phải sử dụng các chiến thuật khác nhau, từ ru ngủ cho tới đe dọa bằng bạo lực. Không ít lần, những người bán điện thoại mã hóa khác đã bị tấn công bởi các thành viên của băng đảng này. Đôi khi, đó là cuộc gọi điện đe dọa trực tiếp tới công ty đối thủ. 

Một nguồn tin cho biết có một nhà cung cấp thiết bị mã hóa đã đồng thời vừa bị đe dọa bằng bạo lực, vừa bị thuyết phục theo kiểu trò chuyện, trao đổi thân mật. Mục đích cuối cùng đều là buộc phải rời khỏi lĩnh vực kinh doanh này, nếu muốn yên ổn và sống sót.

Mãi tới tháng 6-2017, áp lực đối với MPC mới có dấu hiệu tăng lên. Các nhà chức trách đã tỏ ra nghi ngờ, tìm thấy dấu vết và bắt tay vào điều tra sau vụ sát hại Kok bên ngoài câu lạc bộ tình dục ở Amsterdam.

Một vài tháng sau, các công tố viên tại một tòa án ở Glasgow công bố một số tội ác nghiêm trọng của nhóm Escalade, bao gồm tra tấn và giết người, sau khi cảnh sát bắt giữ một số thành viên của tổ chức. Đầu năm 2018, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ hai người bị tình nghi đóng vai trò quan trọng trong vụ ám sát Kok và Ridouan Taghi, một thủ lĩnh mafia Morocco. MPC hiện đang đóng cửa. 

Trang web của công ty này không truy cập được, tài khoản Twitter của nó cũng không hoạt động. Hai nguồn tin cho biết Escalade đã đóng cửa công ty điện thoại sau khi các cuộc điều tra về nhóm phát triển. Dù vậy, chúng vẫn có thể sử dụng điện thoại được mã hóa để liên lạc với gia đình và các cộng sự.

Cảnh sát Scotland cũng thừa nhận sức ảnh hưởng của Escalade vẫn là rất lớn và họ không biết nơi ở của bọn tội phạm. Một số nguồn tin cho biết cặp đôi James và Barrie Gillespie có thể đang ở Nam Mỹ. Các cơ quan như Cục Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), Cảnh sát hình sự châu Âu (EUROPOL) và FBI hiện không đưa ra bình luận gì về tiến triển của vụ án. 

Về phần mình, Kok dường như không biết mình đang rơi vào bẫy khi làm việc với MPC. Trên trang mạng xã hội Twitter, Kok đã tweet lên dòng thông báo này vài tuần trước khi chết: “Đây là một chiếc điện thoại mà bạn không thể bẻ khóa... MPC”.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.