Triệt phá băng nhóm làm bằng, chứng chỉ giả quy mô lớn

Thứ Tư, 20/04/2016, 15:45
Ngày 13-4, đồng loạt xuất quân theo 8 mũi, các trinh sát thuộc lực lượng Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét bắt giữ hàng chục đối tượng và những người liên quan chuyên làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, thu giữ hàng trăm văn bằng, chứng chỉ giả, cùng hàng nghìn phôi bằng cấp các loại.

Băng nhóm này do Lê Tấn Cường (30 tuổi, quê quán Bình Định, ngụ tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) cầm đầu.

Mỗi ngày 20 chiếc bằng giả

Có mặt tại buổi làm việc lấy lời khai của cơ quan điều tra, khi đó đã là 15 giờ 30 phút, chúng tôi thấy Lê Văn Cường khá thản nhiên trả lời các câu hỏi của điều tra viên. Cường vô tư ăn hết hộp cơm gà do cán bộ điều tra mua cho. Tại Cơ quan điều tra, Cường khai đang có ý định sang Trung Quốc để mua máy làm các loại thẻ giả như căn cước (CMND), thẻ ngân hàng (ATM)…

Từ tháng 2-2016, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) phát hiện trên mạng Internet trang web quảng cáo công khai làm bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, chứng chỉ nghề, chứng chỉ các loại với giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng, có khi lên tới 7-8 triệu, tùy theo bằng mà khách hàng yêu cầu.

Tuy công khai nhận đơn đặt hàng nhưng địa điểm giao hàng, nhận tiền được các đối tượng bố trí linh động nhằm qua mặt lực lượng chức năng, có khi giao bằng ở ngoài đường, quán cà phê, “tiền trao thì cháo múc”. Nếu khách hàng ở TP Hồ Chí Minh thì giao hàng trực tiếp, còn ở tỉnh khác thì giao hàng qua bưu điện và thanh toán chuyển khoản qua các tài khoản... đi mượn. Trung bình mỗi ngày các đối tượng sản xuất khoảng 20 bằng, chứng chỉ giả các loại, thu lợi hàng trăm triệu đồng/tháng. Khách hàng của chúng không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà có trên khắp cả nước.

Tang vật của vụ án, văn bằng, chứng chỉ và các con dấu giả (ảnh nhỏ).

Sau khi xác lập chuyên án đấu tranh với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng công  an các tỉnh như  Đồng Nai, Bến Tre..., ngày 13-4, Cục CSHS ra quân phá án. Cơ quan chức năng đã bắt, khám xét nơi ở của các đối tượng, thu giữ được nhiều tang vật gồm máy in màu, máy photo, máy scan, laptop, hàng trăm bằng, chứng chỉ thành phẩm, hàng nghìn phôi bằng, chứng chỉ các loại. Các đối tượng bị bắt, trong đó có 5 đối tượng trực tiếp sản xuất, 3 đối tượng làm môi giới mua bán bằng cấp giả cho khách hàng.

Theo khai nhận ban đầu, các đối tượng môi giới đã đăng trang web quảng cáo như:lambangcapnhanh.blogspot.com; loantin.com; lambangdaihoc102blogspot.com công khai trên mạng kèm theo số điện thoại liên lạc. Cường là người trực tiếp nhận đơn đặt hàng, sau đó đặt hàng các đối tượng sản xuất. Cường cũng là người trực tiếp mua phôi bằng, nguồn phôi bằng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài đối tượng Cường, Cơ quan Công an còn bắt giữ Lữ Minh Trí (31 tuổi, quê Quảng Ngãi, ngụ tại chung cư C6 - Khu công nghệ cao, đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9). Trí là người trực tiếp sản xuất theo đơn đặt hàng của Cường. Giúp việc cho Trí là Lê Minh Tuấn, quê Bình Định. Tuấn là một kỹ sư phần mềm, chỉ vì hám lợi mà Tuấn đã tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính.

Cùng với Trí, Tuấn, còn có Trần Tư Dũng (55 tuổi, quê Tiền Giang, hiện ngụ tại ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn); Hồ Thị Thanh Vy (29 tuổi, ngụ Bến Tre). Những cò mồi chuyên tìm mối cho Lê Tấn Cường trong đường dây chuyên sản xuất, bán bằng cấp giả này là Lưu Thành Lâm (54 tuổi, ngụ tại phường Phú Trung, Tân Phú), Vũ Phong Lưu (21 tuổi, cháu của Lâm) chuyên giao nhận bằng, tiền cho Lâm. Lữ Minh Tâm (26 tuổi, em ruột Trí), Tạ Xuân Thủy (26 tuổi), Nguyễn Anh Tuấn (32 tuổi).

Cần nói thêm là ngoài việc bán bằng, chứng chỉ giả, bọn chúng còn “bao” luôn công chứng, sao y... bản chính cho khách hàng.

Không chỉ là bằng cấp giả

Đại úy Lường Tiến Quân,  Phó trưởng phòng 4, Cục CSHS, cho biết, việc triệt phá, bắt giữ đường dây làm bằng giả lớn này, trong đó có cả các bằng chuyên ngành như dược sĩ, thạc sĩ... đã nêu lên thực trạng, tồn tại đã lâu, về việc chỉ chú trọng bằng cấp, hay chỉ căn cứ trên giấy tờ công chứng như xin việc, mua bán tài sản... có thể gây nên những rắc rối, tranh chấp về sau hoặc tiếp tay cho những kẻ có mưu đồ xấu, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Từng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhưng do không kiếm được việc làm, chán nản lại muốn có tiền để mua nhà lầu và xe hơi, Lê Tấn Cường đã lao vào con đường làm ăn phi pháp. Cường chiêu nạp nhiều đàn em tham gia đường dây. Trong đó, Lữ Minh Trí, Lưu Thành Lâm là những trợ thủ đắc lực chuyên sản suất bằng giả cung cấp cho Cường. Do hám lãi từ đồng tiển bẩn, Trí, Lâm đã đưa cả em ruột, người thân của mình vào đường dây và cũng để tăng độ an toàn và vững tâm hơn trong quá trình làm ăn bất chính...

Đối tượng Lê Tấn Cường và Lữ Minh Trí tại cơ quan Công an.

Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các đối tượng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, các đối tượng cung cấp mẫu phôi từ nước ngoài về Việt Nam để củng cố hồ sơ, hoàn tất vụ án.

Bùi Văn
.
.