Trò lừa núp danh “thương mại điện tử”

Thứ Năm, 16/06/2016, 16:10
Với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua, bên cạnh các trang web bán hàng trực tuyến, mua bán online đang "bùng nổ" trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Hình thức mua sắm này ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi tính thuận tiện, giao dịch nhanh gọn, đơn giản hơn cách thức mua bán thông thường.

Lợi dụng việc mua bán dễ dàng trên mạng Internet, các đối tượng xấu đã trà trộn, thực hiện các chiêu trò bán hàng lừa đảo, "bẫy" người tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản. Thương mại điện tử cũng đang bị các đối tượng hoạt động phạm tội lợi dụng...

"Trái đắng" khi mua hàng trên mạng   

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội vừa chuyển hồ sơ và đối tượng trong vụ việc lừa bán điện thoại Iphone 6S 64G Rose Gold được làm giả từ Iphone 6 do Trung Quốc sản xuất tới Phòng Cảnh sát hình sự để điều tra, xử lý về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, các đối tượng liên quan gồm Lã Minh Đức (SN 1995, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) và Lê Vũ Tuấn Đạt (SN 1995, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử "nhattao.com" để đăng thông tin bán điện thoại Iphone 6S với giá rẻ.

Thực chất, những chiếc điện thoại này là Iphone 6 có xuất xứ... Trung Quốc, đã được thay đổi phần mềm và phần cứng để giả Iphone 6S thật. Chỉ đến khi người mua cắm những chiếc Iphone 6S giả này vào iTunes và thực hiện việc khôi phục phần mềm hay nâng cấp thì mới xuất hiện thông báo lỗi thiết bị và phần mềm không tương thích. Lúc này, chiếc Iphone 6S đã hiện nguyên hình là Iphone 6 đã được làm giả mạo rất tinh vi.

Đây chỉ là một trong rất nhiều các chiêu trò lừa đảo lợi dụng thương mại điện tử đang có xu hướng "nở rộ" trên mạng Internet nói chung và các mạng xã hội trong thời gian qua.

Điện thoại iPhone 6s giả được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, bên cạnh những website thương mại điện tử đã được cấp phép, hiện có nhiều cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh online để mở trang web nhưng không đăng ký với Bộ Công thương, hoặc lập tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội Facebook, Zalo để bán hàng giả,  hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng so với quảng cáo...

Thời gian gần đây, Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Hà Nội đã tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo, phản ánh của người dân về việc bị lừa khi tham gia mua bán online. Theo đó, các đối tượng lập các trang web và facebook quảng cáo bán một số mặt hàng có tác dụng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh với tính năng, tác dụng không khác gì thần dược.

Tuy nhiên, việc trao đổi mua bán, giao dịch chỉ thực hiện qua điện thoại hoặc liên lạc qua chát chứ người mua không biết địa chỉ người bán ở đâu. Đến khi chuyển tiền, nhận hàng được gửi qua bưu điện hoặc có người ship đến, người mua mới ngã ngửa vì hàng không hề có tác dụng như quảng cáo.

Điển hình như trò lừa bán cục nam châm cai thuốc lá được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, mạ vàng 24 carat,  được bán với giá 1 triệu đồng/hộp. Cục nam châm này có kích cỡ bằng đầu ngón tay, được hướng dẫn đặt lên tai từ 3-4 giờ/ngày, sẽ giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc chỉ trong vòng 1 tháng.

Để người mua tin tưởng, các đối tượng còn tạo dựng nên một "tấm gương điển hình" tên Nam, 31 tuổi, ở Hà Nội, chia sẻ câu chuyện cai thuốc lá bằng cục nam châm kỳ diệu của bản thân, chỉ sau 2 ngày sử dụng đã thấy "kinh tởm mùi thuốc lá" và không thấy thèm khi thấy người khác châm thuốc.

Từ kinh nghiệm của mình, nhân vật Nam hướng dẫn mọi người vào đường link bán hàng để mua cục nam châm cai thuốc thần kỳ trên. Nhiều bà vợ có chồng nghiện thuốc lá đã mua thử cho chồng sử dụng. Kết quả tác dụng cai thuốc chưa thấy đâu mà chỉ thấy sự bất tiện khi bỗng dưng phải gắn 2 cục nam châm vào tai.

Nắm bắt được tâm lý của chị em phụ nữ mơ ước có sống mũi dọc dừa thon gọn, các đối tượng liền quảng cáo bán kẹp nâng mũi Hàn Quốc, kèm theo hình ảnh một cô gái có cái mũi tẹt, cánh thô và to, sau khi đeo kẹp một thời gian đã sở hữu chiếc mũi cao, xinh xắn. Quảng cáo khiến nhiều chị em đổ xô... chuyển khoản mua hàng vì giá rẻ, chỉ 160.000 đồng/chiếc, có tác dụng nâng mũi không đau, không phẫu thuật.

Thế nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thì đây là một cách làm đẹp hết sức ngớ ngẩn, phản khoa học. Trên thế giới hiện nay, muốn nâng cao mũi đều phải nhờ đến phẫu thuật hoặc tiêm chất làm đầy. Còn cách kẹp mũi trên không những gây khó khăn trong hô hấp mà còn làm trầy xước da đối với người sử dụng.

Tương tự như vậy, nhiều người đua nhau đặt mua "máy" chữa cận thị có giá trên 1 triệu đồng/chiếc. Thực chất đây là chỉ là máy mát-xa mắt của Trung Quốc sản xuất có giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Có người mua về máy không hoạt động, nhắn tin, chát hỏi kẻ bán hàng nhưng không bao giờ nhận được hồi âm nữa.

Những câu chuyện dính "trái đắng" khi mua hàng trên mạng như vậy xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội Facebook. Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, để lừa đảo người mua, ngoài nghệ thuật quảng cáo không đúng với chất lượng và công dụng của sản phẩm, các đối tượng còn tạo dựng hàng trăm comment, bình luận giả làm khách hàng đặt mua sản phẩm, khen sản phẩm tốt, có tác dụng làm đẹp, chữa bệnh... trong thời gian ngắn. Không ít người mua bị cuốn theo những bình luận "ảo" đó, vội vã đặt mua hàng không cần kiểm chứng để rồi tiền mất tật mang.

Đến lừa đảo trắng trợn         

Một chiêu lừa phổ biến khác là  thành lập các trang Facebook giả mạo bán hàng trên mạng, yêu cầu người mua chuyển tiền trước, chuyển hàng để chiếm đoạt tiền của người mua. Thủ đoạn của đối tượng là rao bán hàng xịn nhưng giá rẻ giật mình, hoặc giảm giá "sốc" sản phẩm, giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng nếu không sẽ hết.

Điển hình như vụ việc đối tượng Nguyễn Trọng Hòa (SN 1987) ở Sầm Sơn, Thanh Hóa lập tài khoản Facebook "Trọng Hòa (Vertu)", rao bán các loại điện thoại di động có giá trị cao như Vertu, Iphone... với giá rẻ. Hòa yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng trước rồi chuyển hàng, sau đó chiếm đoạt tiền của người mua. Qua điều tra, Phòng PC50  làm rõ Hòa đã chiếm đoạt gần 50 triệu đồng thông qua việc bán điện thoại "ảo" này.

Tháng 4-2016, Đội 3 Phòng PC50 cũng đã khám phá vụ đối tượng Trương Thị Thu Thảo (SN 1995, ở quận 3 TP Hồ Chí Minh) có hành vi đăng quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo để lừa khách hàng chuyển tiền mua vé máy bay, chiếm đoạt trên 100 triệu đồng.

Thủ đoạn của Thảo là sau khi thỏa thuận việc mua bán vé máy bay giá rẻ với khách hàng, Thảo kiểm tra chuyến bay, giá vé và đặt chỗ tại website của Công ty cổ phần hàng không Vietjet và điền thông tin đặt chỗ. Sau khi phía Công ty Vietjet gửi thông tin vé máy bay đến hộp thư điện tử, Thảo tải nội dung thư xuống, sử dụng phần mềm máy tính để sửa chữa thông tin "chưa thanh toán" thành "đã xác nhận" để lấy tiền của khách.

Mới đây nhất, Phòng PC50 cũng đã chuyển hồ sơ và các đối tượng Nguyễn Hoàng Thanh Thùy (SN 1990), Nguyễn Hoàng Anh Hào (SN 1995), cùng ở quận 7, TP Hồ Chí Minh tới Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh để xử lý hành vi lừa đảo bán hàng trên mạng.

Không ít người mua bán online đã nếm "trái đắng" bởi những trò lừa đảo mang danh "thương mại điện tử".

Trước đó, 2 đối tượng Thùy và Hào đã lập tài khoản Facebook "Elaine Nguyen", mở tài khoản ngân hàng để giao dịch, quảng cáo bán hàng qua mạng. Sau khi bị hại liên lạc trao đổi mua hàng và chuyển tiền, các đối tượng liền chặn Facebook khiến bị hại không thể liên lạc được nữa, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 60 triệu đồng.   

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm lợi dụng thương mại điện tử, Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia mua bán online. Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website bán hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra.

Đối với cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, ngoài địa chỉ "ảo" trên mạng, cần có cửa hàng hoặc trụ sở chính thức để liên lạc khi cần thiết. Kiểm tra độ xác thực về thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến.

Những người thường xuyên mua bán online cũng cần chú ý đến danh sách "đen" mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín hoặc bị cấm hoạt động. Lựa chọn hình thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả tiền khi gặp rủi ro. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường link lạ, đề phòng đối tượng trộm cắp thông tin sử dụng vào mục đích xấu.

Hình thành "chợ" giấy tờ giả trên mạng

Không chỉ lừa đảo khách hàng, một số đối tượng còn lợi dụng sự tiện lợi của hình thức thương mại điện tử để hoạt động tội phạm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng PC50 đã phát hiện điều tra, xử lý 19 vụ việc vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó phối hợp các đơn vị chức năng xử lý hình sự, khởi tố 10 vụ việc với 19 đối tượng.

Trong đó, nổi lên hiện tượng tạo lập các trang Zalo, Facebook chuyên mua bán các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo như bằng cấp giả, giấy khám sức khỏe giả... Đã hình thành "chợ" giấy tờ giả đáng báo động trên mạng xã hội, trong đó các đối tượng công khai lập các tài khoản đăng tin mua bán, giao dịch. Đáng chú ý có cả sinh viên một số trường đại học cũng tham gia vào việc mua bán giấy tờ giả này.

Tháng 3-2016, Đội 4 Phòng PC50 Công an Hà Nội phối hợp Đội 12 Phòng PC45 và Công an huyện Sông Lô - Vĩnh Phúc thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Anh Đào (SN 1989, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc), đối tượng lập trang mạng Zalo "Làm các loại bằng tại Hà Nội" để làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo khai nhận của Đào và tài liệu thu thập được cho thấy, tháng 11-2014, Đào được chị Hoàng Thị N ở Yên Thế, Bắc Giang nhờ tìm người làm 1 bằng tốt nghiệp THPT và 1 học bạ cấp THPT giả. Sau khi lên mạng Internet tìm kiếm thông tin, liên hệ với đối tượng làm giả giấy tờ cho chị N., Đào ra giá 11 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển cho Đào 6 triệu đồng, lo lắng sự việc làm giả giấy tờ bị lộ nên chị N. không làm nữa, đòi lại tiền nhưng Đào không trả với lý do đã chuyển cho người làm bằng giả.

Sau đó, nhận thấy có thể kiếm được tiền từ việc mua bán giấy tờ giả này, Nguyễn Anh Đào đã lập tài khoản cá nhân trên Zalo đăng thông tin nhận làm các loại bằng cấp, chứng chỉ giả. Tháng 10-2015, Đào nhận làm 1 bằng tốt nghiệp ĐH Xây dựng cho anh Lê Tiến M. ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với giá 14 triệu đồng. Tháng 2-2016, Đào nhận làm 1 bằng tốt nghiệp trung cấp y và 1 chứng chỉ chuyển đổi nha khoa cho anh Nguyễn Minh P. ở Thái Bình với giá 18 triệu đồng.

Trước nhu cầu sử dụng giấy khám sức khỏe phục vụ xin việc, thi lái xe... gia tăng, các đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để tạo lập các trang mạng xã hội Zalo, Facebook có tên "giấy khám sức khỏe" để mua bán loại giấy tờ này. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng PC50 đã khám phá 4 vụ làm giả giấy khám sức khỏe, rao bán trên mạng xã hội, khởi tố 8 đối tượng, thu giữ hàng trăm giấy khám sức khỏe giả Bệnh viện Giao thông vận tải, 11 con dấu các loại bao gồm dấu tròn của Bệnh viện Giao thông vận tải, dấu chức danh, dấu chữ ký của các bác sỹ. Qua giám định cho thấy các loại giấy tờ giả này được các đối tượng làm giả bằng phương pháp in phun màu.

H.Vũ
.
.