Trùm xã hội đen Las Vegas - Từ đời thực đến màn ảnh

Thứ Ba, 01/10/2019, 09:09
Năm 1995, bộ phim “Casino” do Martin Scorsese đạo diễn, với sự xuất hiện của hai diễn viên Robert De Niro và Sharon Stone đã ra mắt và nhanh chóng gây tiếng vang.

Casino là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của 3 nhân vật chính là kẻ làm tiền giả chuyên nghiệp Ace, trùm xã hội đen Nicky Santoro, và Ginger - một phụ nữ làm nghề thẩm định và buôn bán kim cương trên thị trường. Sau mỗi phi vụ làm ăn, nếu Ace luôn chia sẻ chiến lợi phẩm một cách công bằng thì hai người còn lại luôn có những mánh khóe để có thể chiếm được lợi thế cho riêng mình.

Nhân vật Nicky Santoro do Joe Pesci thủ vai được lấy cảm hứng từ trùm mafia khét tiếng Las Vegas Tony Spilotro. Tuy nhiên, xét về những gì được thể hiện trên màn ảnh, nguyên mẫu thực tế “tồi tệ” hơn rất nhiều.

Tuổi thơ “bất hảo”

Giống nhiều mafia khác, Spilotro có xuất phát điểm chỉ là một tay ganster thấp cổ bé họng ở Chicago.

Tony Spilotro tên đầy đủ là Anthony John Spilotro, sinh ngày 19-5-1938, tại Chicago, bang Illinois, trong một gia đình có sáu người con. Cha mẹ của Anthony, Pasquale và Antoinette Spilotro, là người Ý nhập cư, làm việc ở quán ăn Patsy, nơi nhiều nhóm dân anh chị thường xuyên tụ họp. Vì tính chất công việc kinh doanh của gia đình, Anthony từ nhỏ đã quen thuộc và có mối liên hệ với những kẻ bất hảo, trong đó có Sam Giancana.

Cha mất sớm được xem là một trong những nguyên nhân nhanh chóng khiến 4 trong 5 đứa con trai nhà Spilotro đi vào bước đường sa ngã. Chỉ một người anh em của Spilotro là theo đuổi việc học hành và sau này trở thành bác sỹ. Tony và các anh em thường xuyên tham gia các phi vụ trộm cắp và thậm chí là cướp giật.

Spilotro trở thành một kẻ côn đồ ở tuổi vị thành niên và bỏ học ở Trường cấp ba Steinmetz để dành phần lớn thời gian cho những việc đầu đường xó chợ. Năm 16 tuổi, Tony bị bắt giữ lần đầu vì hành vi ăn cắp một chiếc áo sơ mi, bị phạt 10 USD và hưởng án treo.

Án phạt này thực chất không có tác dụng gì trong việc kiềm chế các hoạt động phạm pháp của Spilotro. Bàn tay đã nhúng chàm và Spilotro ngày càng lún sâu. Bạn bè và kẻ thù của Spilotro gọi hắn ta bằng biệt danh “Ant” (Kiến), vì những vụ ăn cắp nhỏ và cũng vì vóc dáng có phần nhỏ bé. Spilotro chỉ cao khoảng 1.5m. Khi 22 tuổi, Spilotro đã bị bắt giữ tới hơn 12 lần.

Những nấc thang tội lỗi

Đến năm 1962, Spilotro đã kết bạn với một số thành viên có ảnh hưởng của thế giới ngầm Chicago, như Vincent "Saint" Inserro, Joseph "Joey the Clown" Lombardo và “anh cả” xã hội đen Joseph "Joey Doves" Aiuppa. Các vụ giết người liên tục giúp Spilotro gia tăng “danh tiếng” ở vùng Tây Bắc Chicago.

Anthony Spilotro trong phòng xử án năm 1983, với cáo buộc 2 tội danh thảm sát tại Las Vegas.

Chicago Outfit - còn được biết đến với những cái tên như The Outfit, Chicago Mafia, Chicago Mob, Băng đảng phương Nam (South Side Gang), hay Tổ chức (The Organization) – một nhóm tôi phạm người Mỹ gốc Ý, thành lập ở thành phố Chicago, bang Illinois vào khoảng những năm 1910, bắt đầu chú ý đến Spilotro. Sam “chó điên” DeStefano, một tay mafia khét tiếng, nhanh chóng thâu nạp Spilotro và bắt đầu đào tạo hắn trở thành một sát thủ chuyên nghiệp. Được DeStefano chống lưng, Spilotro trở thành thành viên chính thức của The Outfit sau khi hoàn thành phi vụ “M&M”, trừ khử Billy McCarthy và Jimmy Miraglia.

Billy McCarthy và Jimmy Miraglia là thành viên băng trộm của Frank Cullota. McCarthy và Miraglia đã phạm phải sai lầm lớn khi vô tình sát hại anh em nhà Salvo, những người có liên quan tới The Outfit, mà chưa được sự đồng ý của tổ chức này.

McCarthy và Miraglia đã thực hiện tội ác trên lãnh thổ được The Outfil bảo kê, và thậm chí còn sát hại một người vô tội. Các ông trùm của The Outfit rất tức giận với vụ việc này và yêu cầu đàn em tìm và trừng phạt những kẻ xâm nhập trái phép. Vì vậy, việc hoàn thành “nhiệm vụ” này được xem là cách tốt nhất để “giới thiệu” bản thân với những người cầm đầu The Outfit.

Spilotro không bỏ lỡ cơ hội. Có nguồn tin cho rằng chính Frank Cullota cũng tham gia cuộc đụng độ của McCarthy và Miraglia. Cullota thực chất là “người quen cũ” của Spilotro khi cả hai cùng hành nghề đánh giày và lang bạt khắp các ngóc nghách ở Windy.

Spilotro nhanh chóng gọi cho Cullota, nói rằng hắn không tin Cullota có liên quan tới vụ việc nhưng nhiều người khác không cho là vậy. Vì thế, để bảo toàn tính mạng, Cullota nên tiết lộ nơi McCarthy và Miraglia lẩn trốn. Không còn lựa chọn nào khả thi hơn, Cullota đã lừa McCarthy và để Spilotro bắt được tên tội phạm người Ireland này.

Trước khi hạ sát McCarthy, Spilotro yêu cầu McCarthy khai ra kẻ đồng phạm song nạn nhân trẻ tuổi từ chối hợp tác. Sau ba ngày bị Spilotro tra tấn dã man, thậm chí là bị móc một bên mắt, McCarthy cuối cùng cũng khai ra Miraglia và cầu xin Spilotro hãy để mình được chết.

Tất nhiên, đó là một thỉnh cầu mà Spilotro rất “vui vẻ” hoàn thành. Vài ngày sau, Miraglia chịu chung kết cục với McCarthy. Xác của họ được tìm thấy trong một chiếc xe hơi ở phía nam Chicago vào năm 1963.

Cũng trong năm đó, Spilotro kéo dài thành tích bất hảo của mình bằng việc sát hại dã man nhà môi giới bất động sản Leo Foreman.

Cuối năm 1963, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thuyết phục Charles Grimaldi (hay còn gọi là "Chuckie"), cựu thành viên dưới trướng DeStefano làm chứng chống lại Spilotro và DeStefano tại phiên tòa xử về vụ giết Leo Foreman. Mặc dù các bằng chứng đều bất lợi song cả Spilotro và DeStefano đều được tha bổng.

Spilotro (trái) và anh trai Tony (Ảnh trên Chicago Trbune).

Spilotro nổi danh trong giới tội phạm bởi sự tàn nhẫn và ưa thích bạo lực. Điều này nhanh chóng khiến nhiều kẻ ngày càng e sợ Spilotro, tạo đà cho hắn thâu tóm các phi vụ ngầm ở Las Vegas.

Chicago Outfit bảo kê các sòng bạc ở Las Vegas và đút túi một lượng lớn tiền mặt nhờ hoạt động này. Chúng đưa Frank Rosenthal, sinh năm 1929, lên làm người điều hành các sòng bạc được bảo kê.

Rosenthal nổi tiếng đến nỗi mỗi khi hắn cược, tỉ lệ cá cược của các nhà cái có thể sẽ bị thay đổi 1 cách đáng kể. Trong khi đó, nhiệm vụ của Spilotro là đảm bảo các sòng bạc không thể “gian lận” và trốn tránh việc “đóng thuế” cho chúng, cũng như vơ vét càng nhiều càng tốt tiền tại các bàn đánh bạc.

Với Spilotro, pháp luật gần như là thứ chẳng đáng để tâm. Trong suốt những năm 1960, một loạt các vụ giết người xảy ra trong khu vực đều bị cho là có liên quan đến Spilotro. Năm 1971, Spilotro “soán ngôi” Marshall Caifano, trở thành kẻ tội phạm đứng đầu của Las Vegas.

Với vị thế này, Spilotro không ngừng vơ vét để tham ô lợi nhuận từ các sòng bạc khu vực. Động thái đầu tiên của Spilotro là yêu cầu tất cả những người hoạt động phải trả thuế đường phố để tiếp tục kinh doanh và nếu không trả tiền sẽ bị đe dọa xử chết. Tuy nhiên, những “chính sách” này của Spilotro không được lòng các nhóm xã hội đen dưới trướng, nhiều kẻ đã ngấm ngầm chống đối.

Spilotro, với tính cách nóng nảy và dễ nổi điên, sau đó đã tự mình thành lập một băng đảng riêng lấy tên là “the Hole-in-the-Wall Gang”, chủ yếu đột nhập vào các cửa hàng trang sức và đồ quý giá. Spilotro thậm chí còn cùng em trai Michael mở một cửa hàng là The Gold Rush để bán đồ ăn cắp.

Năm 1974, tờ Thời báo Los Angeles đưa tin cho biết số lượng các vụ đột nhập và cướp phá tại Las Vegas gia tăng đột biến. Nhiều người nhận định băng nhóm của Spilotro đã góp phần không nhỏ trong số những phi vụ này, và thậm chí chúng còn bị cáo buộc là đã nhúng tay vào một số vụ ám sát nghiêm trọng.

Đêm 4-7-1981, băng nhóm của Spilotro lên kế hoạch thực hiện vụ cướp lớn tại Bertha Gifts & Home Furnishings, mục tiêu là thu được ít nhất 1 triệu USD lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi những kẻ cướp vừa đột nhập qua mái nhà, lực lượng cảnh sát đã nhanh chóng bao vây và bắt sống. Vụ cướp bất thành do sự phản bội của Sal Romano, người đã cung cấp thông tin sau khi bị nhà chức trách đe dọa cáo buộc một tội danh khác,. Tuy nhiên, kẻ giật dây là Spilotro lại được tha bổng.

Hồi kết

Spilotro dần lọt vào tầm ngắm của các nhà chức trách địa phương cũng như các phương tiện truyền thông.

Việc Spilotro gây quá nhiều sự chú ý của dư luận cũng như giới hữu trách đã khiến The Outfit không hài lòng. William Roemer chia sẻ trên tờ Thời báo Los Angeles: “Spilotro không làm việc của mình ở Las Vegas. Hắn thu hút quá nhiều sự chú ý. Các băng đảng chủ yếu hoạt đồng ngầm và kín tiếng. Việc Spilotro 3 lần bị bắt giữ rõ ràng không phù hợp với những tiêu chuẩn này. Hắn đang trở thành tâm điểm”.


Spilotro bị bắt năm 1974.

Spilotro phải đối mặt với vô số cáo buộc, kể cả âm mưu ám sát Frank Rosenthal vào năm 1982 do mâu thuẫn tình ái.

Chicago Outfit được cho là đã quyết định loại bỏ Spilotro.

Spilotro và Michael biến mất sau khi rời khỏi căn nhà của Michael ở Oak Park. Xe hơi của họ, một chiếc Lincoln, sau đó được tìm thấy ở bãi đỗ xe của một nhà nghỉ gần sân bay O'Hare Airport.

Ngày 23-6, thi thể anh em nhà Spilotro được tìm thấy chồng lên nhau, chôn dưới nền đất ẩm ướt của cánh đồng ngô gần ranh giới phía đông của bang Illinois và Indiana. Giám định pháp y cho biết Spilotro và anh trai đã bị đánh tới chết.

Vào thời điểm đó người ta nghi ngờ khả năng Spilotro và Micharel đã được gọi tới trang trại của Aiuppa, một “cấp trên” cũ của Spilotro. Có tin cho rằng anh em nhà Spilotro đã bị chôn sống tại cánh đồng ngô ở Enos, Indiana. Tuy nhiên, trong phiên điều trần vào năm 2007, sát thủ Nicholas Calabrese thú nhận anh em Spilotro đã bị sát hại tại Bensenville, Illinois khi Spilotro đưa Michael tới với hy vọng em mình có thể được gia nhập The Outfit.

Nếu những lời nói này là thật, Michael có thể đã “chết oan” khi đi cùng anh trai, hoặc cũng có thể tổ chức này muốn triệt tận gốc những mầm mống gây họa và quyết định thủ tiêu cả 2 người.

Không vụ bắt giữ nào diễn ra mãi cho tới ngày 25-4-2005 khi 14 thành viên của Chicago Outfit, kể cả kẻ cầm đầu James Marcello bị cáo buộc tội danh trong 18 vụ sát hại, tính cả anh em nhà Spilotro.

Năm 2007, Dennis Griffin xuất bản cuốn sách The Rise And Fall Of A “Casino” Mobster: The Tony Spilotro Story Through A Hitman's Eyes (tạm dịch: “Sự vươn lên và sụp đổ của kẻ bảo kê sòng bài: Tony Spilotro qua góc nhìn của một sát thủ”), dày 234 trang viết về cuộc đời của Anthony Spilotro.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.