Xung quanh vụ cựu Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị điều tra:

Trung Quốc và cuộc chiến không bao giờ kết thúc

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:31
Truyền thông Trung Quốc và quốc tế ngày 16-7 đồng loạt đưa tin cho biết, cựu Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật. Động thái trên diễn ra ngay trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đây là động thái cho thấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm đi đến cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng và làm sạch nội bộ đảng trước thềm đại hội sắp diễn ra.

Thêm một cuộc điều tra với một Ủy viên Bộ Chính trị đương chức

Ông Tôn Chính Tài giữ chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh cho đến ngày 15-7, khi Tân Hoa Xã bất ngờ đưa ra một tuyên bố, trong đó cho hay ông Tôn sẽ thôi đảm nhận chức vụ nói trên. Một số nguồn thạo tin cho biết ông Tôn Chính Tài bị nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" và hiện vụ việc đang ở "giai đoạn thảo luận" - nghĩa là vẫn chưa được điều tra chính thức". Cả Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), chính quyền thành phố Trùng Khánh và ông Tôn Chính Tài đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Trước đó, ngày 15-7, Đảng Cộng sản Trung ương Trung Quốc đã quyết định bổ nhiệm ông Trần Mẫn Nhĩ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, giữ chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Tại hội nghị cán bộ lãnh đạo ở thành phố Trùng Khánh cùng ngày, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế đã công bố quyết định bổ nhiệm trên, đồng thời khẳng định sự điều chỉnh này đã được cân nhắc thận trọng.

Ông Tôn Chính Tài tại một hội nghị. Ảnh: People's Daily.

Lại thêm một lần nữa Trung Quốc điều tra một ủy viên Bộ Chính trị đương chức kể từ cuộc điều tra đối với Bạc Hy Lai vào năm 2012. Ông Bạc Hy Lai, người cũng từng là Bí thư Trùng Khánh, đã lĩnh án chung thân với tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Ông Tôn Chính Tài, 53 tuổi, là thành viên trẻ nhất Bộ Chính trị Trung Quốc và được xem là một ngôi sao chính trị đang lên. Song, việc bị miễn nhiệm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh khiến cho con đường thăng tiến gần như chấm hết. Các tờ báo Trung Quốc và quốc tế cho rằng, trước khi bị cách chức, ông Tôn Chính Tài từng được dự báo sẽ trở thành Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc. Khi trúng cử vào Bộ Chính trị trong đại hội đảng nhiệm kỳ trước, Tôn Chính Tài trở thành ủy viên trẻ tuổi nhất của cơ quan quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc.

Theo bình luận viên Chun Han Wong của Wall Street Journal, ở tuổi 53, Tôn Chính Tài hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về tuổi tác cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc. Cùng với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, ông Tôn vào thời điểm đó được coi là một trong hai ứng viên tiềm năng nhất kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình. Để tiến tới vị trí này, Tôn Chính Tài chỉ cần trở thành một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị trong kỳ đại hội đảng tiếp theo.

Một quan chức tham gia cuộc họp của thành ủy Trùng Khánh vào ngày Chủ nhật cho biết, ông Tôn bị cho là "gây phương hại nghiêm trọng lợi ích của Đảng" và "gây mất niềm tin trong Đảng". Nguồn tin đề nghị giấu tên cũng nói cuộc họp hối thúc việc xóa bỏ ảnh hưởng của ông Tôn, bao gồm các chính sách và chỉ đạo "sai lầm" của ông. Các tờ báo của Trung Quốc chỉ nói ông Tôn đang bị điều tra, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Nguồn tin của Bloomberg nói rằng ông Tôn đã bị nhà chức trách dẫn đi vào buổi tối ngày thứ Sáu, ngày 14/6 khi đang có mặt ở Bắc Kinh để tham dự Hội nghị Công tác tài chính toàn quốc diễn ra 5 năm một lần.

Trùng Khánh là một trong số 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, bên cạnh Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân; với dân số khoảng 30 triệu người, là một trong những thành phố nội địa phát triển nhất của Trung Quốc, và là một trung tâm sản xuất, hậu cần, dịch vụ tài chính và đầu tư nước ngoài ở nước này, vì vậy những người giữ chức vụ cao ở đây, nếu phát triển được sẽ có ảnh hưởng lớn và có cơ hội trở thành lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Trùng Khánh... đất không lành với quan tham

Trong thời gian cầm quyền, ông Tôn từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khen ngợi. Trong chuyến thăm Trùng Khánh vào tháng 1-2017, ông Tập đã đánh giá cao nhiều dự án ở Trùng Khánh. Khi thị sát các dự án cảng biển và đường sắt nhằm phục vụ cho sáng kiến con đường tơ lụa mới ở thành phố này, ông Tập nói: "Nơi này rất triển vọng". 

Tuy nhiên, vào tháng 2-2017, Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương - cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc ra tuyên bố sau một đợt thanh kiểm tra ở Trùng Khánh rằng thành phố này vẫn chưa "xử lý triệt để tàn dư độc hại" từ thời Bạc Hy Lai.

Vào tháng 6 vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Giám đốc Công an Trùng Khánh đã bị cách chức. Ông Đàm Thê Vĩ, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trùng Khánh, bị tình nghi "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp", cụm từ thường được hiểu là có hành vi tham nhũng. Trùng Khánh quả thật là nơi có khá nhiều quan chức cấp cao bị "sờ gáy”.

Ông Tôn cùng Chủ tịch Tập Cận Bình khi đi thăm Trùng Khánh. Ảnh: South China Morning Post.

Tháng 5-2013, Cựu Phó giám đốc Công an Trùng Khánh Đường Kiến Hoa đã chính thức bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và bị cách chức. Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của thành ủy Trùng Khánh, ông Đường đã nhận hối lộ 16,95 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,76 triệu USD) và một số món quà trị giá khoảng 90.000 nhân dân tệ (14.650 USD). Theo tờ New York Times, Đường Kiến Hoa là cộng sự thân tín của cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người khai mào vụ bê bối chính trị khiến cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai mất chức năm 2012.

Trước đó, năm 2010, án tử hình đã được thực thi đối với Văn Cường, cựu Giám đốc Sở Tư pháp Trùng Khánh, cũng từng là Phó giám đốc Công an thành phố hơn 30 triệu dân này, với các tội danh hiếp dâm, nhận hối lộ và bảo kê cho các băng đảng tội phạm hoạt động. Gần nhất và nổi tiếng nhất chính là vụ án  Bạc Hy Lai 64 tuổi, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, từng là một trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định chống tham nhũng, bất kể đối tượng là "hổ" (quan chức cấp cao) hay "ruồi" (cấp thấp), là mục tiêu chính của ông trong thời gian cầm quyền, do lo ngại vấn đề này có thể đe dọa sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những con số... "buồn"

Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết trong Quý I/2017, cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp trên toàn quốc đã tiếp nhận 623.000 lượt đơn thư tố cáo và tiến hành xử lý kỷ luật đối với 85.000 cán bộ, đảng viên. Thông báo của CCDI cho biết trong số các cán bộ, đảng viên bị kỷ luật có 14 lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ, trên 400 cán bộ cấp sở/cục thuộc tỉnh và hơn 3.500 cán bộ cấp phòng ở các huyện, 13.000 cán bộ cấp thôn xã. Trong số 85.000 đối tượng bị xử lý kỷ luật nói trên có 71.000 trường hợp là đảng viên.

CCDI cho biết, chỉ riêng trong năm 2016, 415.000 cán bộ đã bị kỷ luật do vi phạm quy định, điều lệ của Đảng cũng như những sai phạm khác.  Theo CCDI, các cán bộ ở nhiều cấp khác nhau đã bị kỷ luật, trong đó có 76 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, cùng với 256.000 cán bộ thuộc các doanh nghiệp và khu vực nông thôn. Từ cuối năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi động chiến dịch quét sạch nạn tham nhũng, bài trừ thói tiêu pha xa xỉ, chỉnh đốn tác phong làm việc và xử lý những sai phạm khác.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Thôi Hải Dung, Cục phó Cục phòng chống tham nhũng Trung Quốc mới đây công bố con số vô cùng đáng sợ, số cán bộ, đảng viên nước này bị xử lý trong gần 30 năm qua (1982 - 2011) do dính líu tới tham nhũng đã lên tới hơn 4,2 triệu người. Trong đó có 462 quan chức cấp cao. Ông Thôi cũng cho biết theo điều tra, mức độ hài lòng của dân chúng Trung Quốc đối với kết quả việc chống tham nhũng đã dần được đẩy cao, từ 51,9% trong năm 2003 đã lên tới 72,7% trong năm 2011.

Từ khi trở thành lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 cho đến nay, ông Tập Cận Bình đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ. Tính từ Đại hội 18 đến nay, lãnh đạo cấp nhà nước "ngã ngựa" (thuật ngữ Trung Quốc dùng chỉ quan chức tham nhũng bị cách chức) có Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh; Ủy viên Trung ương khóa 18 có Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Dương Kim Sơn, Châu Bản Thuận, Vương Dân, Dương Đông Lương, Tô Thụ Lâm; Ủy viên Trung ương dự khuyết có Lý Xuân Thành, Vạn Khánh Lương và Chu Minh Quốc. Một loạt quan chức cấp cao "ngã ngựa" đều mắc tội tham nhũng với số tiền khiến mọi người kinh hãi.

Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 96 năm thành lập và chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng 19 vào cuối năm trong bối cảnh công tác chống tham nhũng đầy gian nan, khó khăn nhưng vô cùng cần thiết. Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 hồi năm 2012, CCDI  ghi nhận 1,16 triệu trường hợp bị kiểm tra và tiến hành kỷ luật đối với 1,2 triệu người kể từ Đại hội 18. Dưới áp lực mạnh mẽ này, 57.000 đảng viên đã tự nguyện thú nhận sai phạm trong năm 2016. CCDI cho biết các thanh tra viên kiểm tra kỷ luật cũng không được miễn tội khi có đến 7.900 thanh tra viên đã bị tiến hành kỷ luật kể từ Đại hội 18. 

Kể từ khi Đại hội 18, ít nhất 240 quan chức cấp cao đã bị tiến hành điều tra. Bên cạnh đó, tổng cộng có 1,14 triệu đảng viên và cán bộ ở các cấp huyện, xã, thị trấn đã bị kỷ luật, trong đó có 554.000 đảng viên và cán bộ ở các vùng nông thôn. 2.873 đối tượng trốn ra nước ngoài bị bắt.

Trong thời gian này, Trung Quốc đã phát động các chiến dịch như "Lưới trời" (Sky Net) và "Săn Cáo" (Fox Hunt) để săn lùng các nghi phạm tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài. Tính đến ngày 31-3-2017, 2.873 đối tượng đào tẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị bắt và đưa về Trung Quốc, trong đó có 476 đối tượng là các cựu quan chức và khoảng 40 đối tượng nằm trong danh sách truy nã đỏ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Bên cạnh đó, khoảng 8,99 tỷ Nhân dân tệ (130 triệu USD) đã được thu hồi.

Kể từ tháng 5/2013, các thanh tra viên của CCDI đã tiến hành 12 vòng tuần thị và thanh tra tất cả các tổ chức đảng cấp tỉnh, các tổ chức đảng Trung ương và cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, các tổ chức tài chính Trung ương và các trường đại học dưới sự quản lý của Trung ương.

Đến vòng tuần thị thứ 11, các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan nhà nước đã nhận được 160.000 đơn khiếu nại và nhận được thêm 110.000 đơn khiếu kiện trong các đợt thanh tra của những doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 11/2016, 92,9% dân chúng nước này cho biết họ hài lòng với kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tăng 17,9 điểm phần trăm so với năm 2012.

Cuộc chiến quyết liệt với tham nhũng đã cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm tự làm sạch mình.  Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng văn hóa chính trị trong nội bộ đảng vẫn chưa thực sự lành mạnh sau 5 năm thực hiện "đả hổ diệt ruồi". Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận rằng việc quản lý cán bộ thậm chí "yếu hơn" sau 5 năm Trung Quốc phát động cuộc chiến chống tham nhũng còn được gọi là "đả hổ diệt ruồi".

Theo Reuters, bình luận nói trên được đưa ra hôm 17-7 sau khi các nguồn tin cho hay một quan chức cấp cao, người được cho là nhiều khả năng sẽ được được đề bạt lên vị trí cao hơn tại đại hội đảng sắp tới, đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật", ám chỉ Tôn Chính Tài. Đây là cụm từ thường dùng để chỉ hành vi tham nhũng tại Trung Quốc.

"Tất cả vấn đề được phát hiện trong các cuộc kiểm tra, điều này phản ánh sự suy yếu của đội ngũ lãnh đạo, những khuyết điểm trong công tác xây dựng đảng cũng như việc thiếu nỗ lực để duy trì kỷ luật đảng một cách nghiêm khắc", ông Vương viết trên People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc.

Huyền Hoa
.
.