Truy bắt ma tuý trên Đại Tây Dương

Thứ Ba, 28/04/2009, 15:35
Một chiếc tàu cũ mang cờ hiệu Panama, một chủ thuê tàu người Hy Lạp tên Zogopoulos với thủy thủ đoàn người châu Phi cùng hàng tấn ma túy bị bắt giữ bởi một tàu chiến Pháp. Đó là sự kiện diễn ra mới nhất trong cuộc chiến truy bắt ma túy trên Đại Tây Dương.

Kể từ năm 2007, sau khi châu Âu quyết định thành lập Trung tâm Phân tích và Triển khai các chiến dịch trấn áp buôn lậu ma túy trên biển (MAOC), Hải quân Pháp đã đẩy mạnh các hoạt động săn bắt ma túy tại Địa Trung Hải và nhất là trên vùng biển Đại Tây Dương thuộc phía đông châu Phi dựa vào những thông tin được cung cấp bởi Cơ quan Bài trừ các chất gây nghiện (OCTRIS) của Bộ Nội vụ Pháp.

Các chiến dịch truy bắt ma túy trên biển thể hiện quyết tâm của các quốc gia châu Âu trong việc triệt phá hoạt động buôn lậu ma túy tận gốc trước khi loại hàng chết người này tràn ngập châu Âu. Điển hình của sự hợp tác này là vụ bắt giữ tàu hàng mang cờ hiệu Panama vận chuyển 3,2 tấn ma túy loại cocain có nguồn gốc từ Nam Mỹ vào ngày 7/2 vừa qua.

Cuối năm 2008, OCTRIS nhận được thông tin quý giá từ các đồng nghiệp ở Hy Lạp rằng sẽ có một chuyến tàu không rõ nguồn gốc sẽ vận chuyển ma túy trong vịnh Guinée.

Về phần mình, từ giữa tháng 1/2009, các nhân viên OCTRIS phát hiện nhiều công dân Hy Lạp quá cảnh một số chuyến bay từ Colombia và Peru đến đông châu Phi qua ngả sân bay Roissy của Pháp. Nhận định của OCTRIS là những người này chắc phải có liên quan đến chuyến tàu vận chuyển ma túy mà phía Hy Lạp thông báo trước đó.

Trong số những công dân Hy Lạp quá cảnh sân bay Roissy, các nhân viên OCTRIS chú ý đến một nhân vật tên Ioannis Zogopoulos, từng có tiền án về tội buôn lậu ma túy và hiện đang bị giám sát bởi Interpol.

Điểm đến của nhóm công dân Hy Lạp khả nghi là thủ đô Conakri của Guinée Bissau và thủ đô Freetown của Sierra Leone. Tại Freetown, Zogopoulos thuê một tàu chở hàng cũ tên là Junior. Do quá già nua nên chiếc Junior chỉ đảm nhận các chuyến vận chuyển hải sản qua lại giữa các cảng trong khu vực.

Sau khi thuê chiếc Junior với giá 50.000 euro, Zogopoulos thay viên thuyền trưởng người Ghana và máy trưởng người Guinée Bissau bằng hai người Hy Lạp. Các thủy thủ người Sierra Leone được giữ lại và được bổ sung thêm một thợ máy, một đầu bếp và một thuyền phó người Hy Lạp.

Cuối tháng 1/2009, chiếc Junior rời cảng Freetown. Tuy nhiên, thay vì vận chuyển hải sản đến Conakri, chiếc Junior lại tiến thẳng ra vùng lãnh hải quốc tế và trực chỉ hướng Brazil. Đối với chuyên gia lão luyện của OCTRIS, chiếc Junior được sử dụng để vận chuyển ma túy có nguồn gốc từ Nam Mỹ đến đông châu Phi trên cung đường mà giới bài trừ ma túy quốc tế gọi là "Quốc lộ số 10".

Theo đó, một tàu mẹ đến từ Nam Mỹ mang đầy ma túy trong thân sẽ đợi tại một địa điểm ấn định trước trên “Quốc lộ số 10”. Sau đó tàu mẹ sẽ chuyển hàng qua mạn giữa biển khơi cho một hay nhiều tàu hàng, tàu đánh cá và cả du thuyền. Những chuyến tàu con này sẽ "cõng" ma túy về lại vùng biển các quốc gia Đông Phi, chuyển hàng xuống các bãi đáp rồi sau đó tuồn vào châu Âu.

Kể từ khi nhận được thông tin về chiếc Junior trên đường đi nhận hàng từ tàu mẹ đến từ Nam Mỹ, MAOC liền phát lệnh cảnh báo cho tất cả các quốc gia thành viên. Lập tức, tàu chiến Tonnerre của Hải quân Pháp đang thi hành nhiệm vụ trong khu vực được lệnh chặn bắt chiếc Junior sau khi đã ăn hàng.

Chiếc Tonnerre chỉ có vỏn vẹn 48 tiếng đồng hồ để chận bắt chiếc Junior trên vùng biển quốc tế trước khi nó tiến vào lãnh hải của Guinée Bissau để đổ hàng. Vào ngày 6/2/2009, chiếc Junior rơi vào tầm ngắm của chiếc Tonnerre và bị theo dõi liên tục bởi một máy bay do thám Falcon.

Đến 1h sáng ngày 7/2/2009, khi còn cách thủ đô Conakri của Guinée Bissau 300km về hướng tây nam, chiếc Tonnerre phát lệnh buộc chiếc Junior phải ngừng để được kiểm tra.

Sử dụng ống nhòm có thể nhìn rõ trong đêm tối, thủy thủ đoàn chiếc Tonnerre phát hiện có dấu hiệu phi tang ma túy trên chiếc Junior, vì vậy một toán đặc nhiệm hải quân được lệnh tấn công bắt giữ chiếc Junior ngay. 4 tàu cao tốc cùng 24 đội viên đặc nhiệm đã kịp thời cập mạn chiếc Junior  và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn.

Tiến hành lục soát, các đội viên đặc nhiệm thu giữ được 107 bọc chứa đầy ma túy loại cocain với tổng trọng lượng lên đến 3,2 tấn. Kiểm tra tình trạng của chiếc Junior, các đội viên đặc nhiệm phát hiện toàn bộ máy tàu cũ đã được thay bằng máy mới.

Nhiều thiết bị thông tin hiện đại cũng được trang bị cho chiếc Junior như radar dẫn đường, thiết bị định vị qua vệ tinh, thiết bị liên lạc qua vệ tinh. Một thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cũng được trang bị cho chiếc Junior.

Sau khi áp giải chiếc Junior về đến quân cảng Brest ở miền Nam nước Pháp, tàu chiến Tonnerre đã bàn giao toàn bộ vụ việc lại cho OCTRIS. Khai báo với các nhân viên điều tra, thủy thủ đoàn người Sierra Leone cho biết họ được trả công mỗi người 15.000 euro nếu ma túy được vận chuyển trót lọt đến Guinée Bissau. Riêng Zogopoulos khai báo là người phụ trách việc tiếp nhận ma túy, bảo quản và đưa đến tận Guinée Bissau. Hắn ta còn khai rằng số ma túy bị bắt giữ này có nguồn gốc từ Peru và sẽ được tiêu thụ tại châu Âu.

Đây là chiến công thứ hai của chiếc Tonnerre vì 10 ngày trước đó, 1,7 tấn ma túy loại cocain cũng bị chiếc Tonnerre bắt giữ trên tàu hàng Blue Atlantic ngoài khơi Sierra Leone.

Theo nhận định của các chuyên gia phòng chống ma túy quốc tế, việc liên tục bắt giữ được các tàu vận chuyển ma túy với số lượng lớn trên Đại Tây Dương trong thời gian gần đây cho thấy các tổ chức buôn lậu ma túy ở Nam Mỹ muốn đẩy mạnh hoạt động vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ đến châu Âu qua ngã các quốc gia Đông Phi vốn nghèo nàn, lạc hậu, đầy rẫy tham nhũng hối lộ và có khi không có cả lực lượng hải quân.

Theo một báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2008, Guinée Bissau được chọn là điểm đổ hàng quan trọng của các tổ chức buôn lậu ma túy Nam Mỹ.

"Hàng trắng" sẽ được tập kết bằng đường biển đến Guinée Bissau rồi sau đó được phân tán theo nhiều đường dây đến các quốc gia Bắc Phi và cuối cùng thâm nhập vào châu Âu qua ngã Địa Trung Hải. 1/3 lượng ma túy tiêu thụ tại châu Âu có nguồn gốc từ Đông Phi

Hoàng Phú (theo Le Figaro)
.
.