Truy bắt nhanh hung thủ các vụ thảm án từ dấu vết máu

Thứ Ba, 11/10/2016, 14:35
Sau khi gây án, sát thủ Doãn Trung Dũng, kẻ ra tay tàn độc sát hại 4 bà cháu tại Quảng Ninh trở về nhà, vội vã rửa con dao gây án và giặt chiếc áo dính máu các nạn nhân để xóa dấu vết. Thế nhưng, với kit phát hiện nhanh dấu vết máu, các giám định viên Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã vạch mặt hung thủ từ chính dấu vết mà đối tượng cố tình tìm cách phi tang...

Phụ trách đoàn công tác của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tham gia khám nghiệm hiện trường vụ thảm án tại Quảng Ninh, Thiếu tá Lê Viết Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (Viện KHHS - Bộ Công an) cho biết, nhờ có đủ trang thiết bị hóa chất, kit phát hiện dấu vết máu, lực lượng khám nghiệm hiện trường đã kịp thời phát hiện dấu vết máu ở hiện trường và dấu vết máu trên các đồ vật tại nhà đối tượng Doãn Trung Dũng, giám định đủ căn cứ khoa học để cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Dũng và nhanh chóng bắt giữ hung thủ sau hơn 2 ngày lẩn trốn.

Trước đó, trong vụ án sát hại 4 người tại Tương Dương (Nghệ An), cũng nhờ kit phát hiện dấu vết máu này mà lực lượng kỹ thuật hình sự đã thu được chứng cứ vật chất (dấu vết máu của nạn nhân) trên đồ dùng của đối tượng Vi Văn Hai khi đối tượng trở về nhà tìm cách phi tang trước khi bỏ trốn.

Thiếu tá Lê Viết Việt (PGĐ Trung tâm giám định Sinh học pháp lý - C54) sử dụng kit thử nhanh định hướng dấu vết máu bằng dung dịch Phenolphthalein tại hiện trường vụ thảm án tại Quảng Ninh.

Theo Đại tá, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học pháp lý, trong các vụ án hình sự, đặc biệt các vụ xâm phạm tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của con người, máu là loại dấu vết thường gặp nhất do máu là hệ quả điển hình của sự tác động qua lại giữa đối tượng và nạn nhân trong cơ chế hình thành dấu vết của các hoạt động phạm tội hình sự. Dấu vết máu cũng là dạng dấu vết vật chất có vai trò là những nguồn cung cấp thông tin có giá trị trong công tác điều tra, xét xử các vụ án.

Đối với giám định dấu vết sinh học,  để xác định có phải là dấu vết máu hay không, thông thường phải qua quy trình chuẩn 3 bước: Đầu tiên thử định hướng bằng dung dịch Phenolphthalein để xác định đó có phải là máu không. Nếu xác định là máu, tiếp tục thực hiện bước 2: xác định loài của dấu vết máu (xác định là máu người hay máu động vật). Nếu kết quả xác định máu người thì tiến hành bước 3: xác định nhóm máu hoặc giám định ADN nếu điều kiện cho phép.

Để thực hiện các bước tiến hành giám định, cần sử dụng rất nhiều phương tiện, hóa chất khác nhau. Trước đây, để thử định hướng xác định có phải dấu vết máu hay không, phải sử dụng Benzidin là một loại hóa chất rất độc hại, có thể gây ung thư nên các nhà khoa học khuyến cáo không nên dùng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới, Viện Khoa học hình sự đã thực hiện nghiên cứu đề tài sử dụng dung dịch Phenolphthalein thay thế, có hiệu quả tương đương nhưng không gây độc hại nhiều như Benzidin.

Hiện trường vụ thảm án tại Quảng Ninh.

Trong các vụ án cần xác định dấu vết máu, kit thử nhanh bằng dung dịch Phenolphthalein được thực hiện ngay tại hiện trường các vụ án, có kết quả sau vài phút đã góp phần quan trọng  đối với công tác điều tra, truy bắt nhanh thủ phạm.

Thiếu tá Lê Viết Việt cho biết, kit phát hiện nhanh định hướng dấu vết máu, thử định hướng dấu vết tinh dịch, kit phát hiện dấu vết vân máu (gồm vân tay và vân chân)... ngay tại hiện trường là phương tiện không thể thiếu trong va ly khám nghiệm đường vân, dấu vết

sinh học của lực lượng kỹ thuật hình sự. Cùng với máy Polylight phát hiện dấu vết đường vân, dấu vết máu, tinh dịch, lông tóc, vải sợi... thì đây là những “bảo bối” giúp lực lượng khám nghiệm hiện trường phát hiện những dấu vết quan trọng tại hiện trường. Trong rất nhiều vụ án có sự tham gia của các chuyên gia Viện Khoa học hình sự, kết quả từ những kit thử nhanh này đã góp phần giúp cơ quan điều tra đưa ra những nhận định, đánh giá ban đầu khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, từ đó nhanh chóng định hướng và khoanh vùng đối tượng gây án, bắt giữ nhanh đối tượng.

Điển hình như vụ án mạng xảy ra ngày 5-1-2016 tại  phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị H. (62 tuổi), sống độc thân, được người nhà phát hiện đã tử vong trên nền nhà, trước két bạc, bên cạnh có chiếc xà beng và con dao, đồ đạc trong nhà bị lục tung. Nạn nhân tử vong trong tình trạng “lõa thể” nên ban đầu, nghi vấn đây là một vụ án hiếp dâm.

Sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong công tác nhận định hung thủ nên đã đề nghị Viện Khoa học hình sự phối hợp khám nghiệm hiện trường.

Khoảng 22 giờ đêm 5-1, nhận được đề nghị phối hợp, tổ công tác khám nghiệm hiện trường của Viện Khoa học hình sự đã nhanh chóng lên đường, rạng sáng ngày 6-1 thì đến Công an thị xã Hoàng Mai. 7 giờ sáng cùng ngày, tổ công tác phối hợp PC54 và cơ quan CSĐT Công an Nghệ An  tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Nhờ sử dụng đèn Polylight và kit phát hiện nhanh dấu vết tinh dịch, cùng với nhóm giám định viên pháp y C54 tiến hành khám nghiệm, giám định tử thi, khi họp án, tổ công tác đã đưa ra nhận định đây là hiện trường giả một vụ hiếp dâm, giả cậy phá két. Đồng thời, qua những dấu vết thu được tại hiện trường, các chuyên gia Viện Khoa học hình sự nhận định, thủ phạm gây án là đối tượng nữ. Từ nhận định này đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng  đối tượng gây án.

Đến ngày 11-1, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ thủ phạm là Hồ Thị Huệ (25 tuổi), cháu họ của nạn nhân. Qua thẩm vấn, đối tượng Huệ khai nhận trước đó nợ bà H. 5,6 triệu đồng. Khoảng hơn 6 giờ sáng ngày 5-1, Huệ mang 2 triệu đồng sang nhà bà H. trả. Thấy cổng và cửa mở, Huệ gọi bà H. nhưng không thấy trả lời nên đẩy cửa vào.

Khám nghiệm hiện trường vụ sát hại 6 người ở Bình Phước.

Khi vào phòng ngủ của bà H., Huệ bị bà trùm chăn lên người và hô hoán. Hai bên vật lộn, Huệ bóp cổ bà H. cho đến khi tử vong. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Huệ đã tạo hiện trường giả một vụ giết người cướp tài sản.

Cũng theo Thiếu tá Lê Viết Việt, trong thời gian gần đây, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ “thảm án” giết hại nhiều người cùng lúc. Tất cả những vụ án này, trực tiếp hay gián tiếp đều có sự tham gia của các chuyên gia khám nghiệm, giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.

Đặc biệt là giám định ADN đã góp phần xác định số lượng đối tượng tham gia gây án, truy nguyên cá thể từng đối tượng; xác định công cụ, phương tiện gây án, diễn biến vụ việc, góp phần giúp cơ quan điều tra xây dựng giả thuyết án, xác định hiện trường vụ án. Trên cơ sở đó xác định phương thức, thủ đoạn và kế hoạch điều tra.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cải cách tư pháp, chứng cứ vật chất đóng vai trò rất quan trọng, việc kết luận giám định kỹ thuật hình sự các loại dấu vết, trong đó có ADN là một nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.     

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các  trang thiết bị phục vụ việc khám nghiệm hiện trường, giám định nhanh các dấu vết sinh học tại hiện trường trang cấp tới Công an các tỉnh, thành còn thiếu, đặc biệt là cấp huyện. Bên cạnh đó là công tác đào tạo lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường. Hiện Viện Khoa học hình sự mở các lớp giảng dạy công tác khám nghiệm hiện trường cho Công an các tỉnh, thành nhưng để lâu dài, chuyên nghiệp và bài bản, Viện đang đề xuất  thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự.

Theo thiếu tá Lê Viết Việt, nếu được trang cấp các thiết bị, hóa chất phục vụ khám nghiệm, giám định nêu trên, kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng khám nghiệm hiện trường các cấp, nhất là cấp huyện của Công an các địa phương thì chính lực lượng kỹ thuật hình sự tại chỗ sẽ đáp ứng được yêu cầu, góp phần rút ngắn thời gian phát hiện các dấu vết sinh học tại hiện trường, giải quyết kịp thời công tác khám nghiệm hiện trường, góp phần bắt giữ nhanh đối tượng gây án.

H.Vũ
.
.