Từ cuộc chiến trên mạng xã hội đến bạo lực học đường

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:05
Chỉ vì mâu thuẫn đơn thuần, các nữ sinh ở một trường THCS quận Thủ Đức đã lao vào ẩu đả nhau, trong đó một học sinh nữ đã dùng hung khí đâm loạn xạ khiến hai nữ sinh bị thương tích nặng.

Vụ việc này cùng nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian qua trên địa bàn cả nước mà đa số nguyên nhân đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ... Các vụ việc trên không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các học sinh và gia đình.

Hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn từ Facebook bằng… dao!

Theo thông tin ban đầu, trưa ngày 25-4, em Th., học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Chí Quốc, sau khi tan học đã đến khu vực bờ sông cuối con đường số 27 ngồi chơi cùng người bạn của mình. Một lúc sau có một nhóm nữ sinh lớp 7 cũng đi tới khu vực đó. Trong nhóm này có hai nữ sinh học cùng trường với Th. là Nguyễn Thị Tuyết V. và Nguyễn Thị Ngọc T..

Có lẽ do có mâu thuẫn từ trước nên hai nhóm xảy ra cãi vã rồi bất ngờ, Th. bị nhóm này xông vào đánh tới tấp. Do bị đánh đau bất ngờ nên Th. hoảng sợ tìm cách bỏ chạy nhưng nhóm của T. và V. vẫn đuổi theo. Bực tức, Th. rút trong túi ra một vật nhọn được cho là dao rạch giấy để chống đỡ và đe dọa, nhưng nhóm nữ sinh vẫn xông tới nên Th. đã đâm túi bụi vào nhóm đối phương khiến T. và V. bị thương. Trong đó, V. bị thương nặng và ngất xỉu sau đó.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân ban đầu được cho rằng do trước đó, em Th. có mâu thuẫn trên facebook với một nữ sinh trong nhóm. Cả nhóm đã hẹn sau khi thi xong ra khu vực bãi đất trống ngoài bờ sông để giải quyết mâu thuẫn.

Hiện vụ việc đã được Công an địa phương tiếp nhận điều tra nên Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức và nhà trường phối hợp, theo dõi để cùng xử lý.

Trao đổi với báo chí về vụ việc, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết đây là một sự việc đáng tiếc và hết sức đau lòng. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức và nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bệnh viện và gia đình để theo dõi và xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe hai nữ sinh bị thương. Bên cạnh đó, nhà trường cần có giải pháp để ổn định tâm lý học sinh toàn trường, đảm bảo việc học tập, ôn tập, kiểm tra của học sinh giai đoạn chuẩn bị kết thúc năm học.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phải cử giáo viên chủ nhiệm, giám thị thường xuyên tìm hiểu tâm lý, mối quan hệ bạn bè của học sinh để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa học sinh đánh nhau.

Sau sự việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo nhắc nhở các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với phụ huynh nắm bắt tâm tư, tình cảm và các vấn đề phát sinh của học sinh để kịp thời giải quyết, tránh sự cố đáng tiếc tương tự.

Vết thương trên tay em X.Q. do cứa tay vào thanh sắt cầu thang ở trường.

Thời gian trước vụ việc này hơn 1 tuần (ngày 13-4), cũng chỉ vì mâu thuẫn với một nhóm bạn sau những lần nói chuyện trên mạng, em Trần Thị X.Q., đang học lớp 10 ở một trường trung học tại TP Hồ Chí Minh đã lâm vào tình trạng mệt mỏi, bối rối.

Theo lý giải của em X.Q., do quá bối rối, áp lực không biết làm gì để giải tỏa nên em đã cứa tay vào thanh sắt cầu thang.

Mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường

Có tận mắt xem trên mạng những clip học sinh đánh nhau mới thấy mức độ tàn nhẫn, vô cảm từ hành động của những cô cậu đang ở tuổi học trò. Nhiều học sinh đánh bạn gần như mất đi tính "người" khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói xung quanh các vụ việc thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những chuyện hết sức nhỏ nhặt như hỏi không trả lời, nói xấu, mỉa mai trên trang mạng xã hội, chơi nhóm, nhìn thấy ghét hay vì bạn học giỏi hơn, xinh hơn…

Vậy nhưng nhiều khi chúng lại trở thành nguồn cơn cho những trận đánh đập tàn nhẫn, làm nhục bạn bè của mình. Chưa kể đến việc nhiều học sinh khi chứng kiến hành động sai trái của các bạn mình không can thiệp, giúp đỡ lại đừng cười cợt, hô hào, quay clip rồi tung lên mạng như một việc làm hết sức bình thường, trong khi hậu quả thực sự lại vô cùng nguy hại.

Theo các chuyên gia tâm lý, các em học sinh này bị thiếu trầm trọng những giá trị sống về tình bạn, tôn trọng bản thân và người khác cũng như các kỹ năng để giải quyết các vấn đề nhỏ nhất… nên nhiều học sinh đã "ưu tiên" sử dụng bạo lực để giải quyết mọi chuyện.

Hậu quả của cuộc xô xát giữa các nữ sinh.

Trong các chương trình đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh, nhiều học sinh đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng học sinh bị tấn công hội đồng, học sinh mang dao đến trường, bị "hù dọa" từ các mâu thuẫn trên mạng xã hội…

Nhìn nhận thực trạng này, trong chương trình đối thoại vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường khi nơi này chứa đựng nhiều nội dung tốt - xấu lẫn lộn.

Vì thế, ông đề nghị các trường tổ chức chuyên đề cho học sinh biết cách sử dụng mạng xã hội. Thầy cô cần phải quan tâm đến học sinh ở nội dung này, phát hiện kịp thời những nội dung tiêu cực để giải thích, uốn nắn các em kịp thời. Chính bản thân học sinh cũng cần học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, biết phản bác cái sai trái, cái xấu…

Phú Lữ
.
.