Vấn nạn nghiện ma túy trong lực lượng cảnh sát Afghanistan

Thứ Ba, 15/06/2010, 22:40
Bệnh viện cai nghiện ma túy của Bộ Nội vụ Afghanistan đồng thời là dấu hiệu cho thấy vấn nạn nghiện ngập ma túy của quốc gia này tồi tệ đến mức nào, và đó cũng là giải pháp khả thi nhằm đối phó với một trong những bộ mặt tệ hại nhất của đất nước.

Hầu hết các bệnh nhân của bệnh viện đặc biệt này đều là cảnh sát quốc gia! Tướng Daoud Daoud, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đảm trách nhiệm vụ chống ma túy của Afghanistan thì lại vô cùng hãnh diện với cơ ngơi bệnh viện mới thành lập được 3 tháng nay và sẵn lòng ký giấy cho phép các nhà báo tham quan nơi này.

Ban lãnh đạo bệnh viện tỏ ý  ngần ngại - với lý do khách tham quan có thể khiến cho những cảnh sát đang cai nghiện sẽ tức giận mà có hành vi tấn công họ - nhưng nhân viên của tướng Daoud Daoud vẫn yêu cầu cuộc viếng thăm này phải được thực hiện.

Trước cuộc viếng thăm này, tướng Daoud tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, một chương trình xét nghiệm nước tiểu có hệ thống đối với 95% quân số lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan đã phát hiện 1.231 người nghiện ma túy nặng - thường là là hêrôin và thuốc phiện - chiếm tỉ lệ khoảng 1,5% trong lực lượng.

Do lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan thiếu sĩ quan đã qua huấn luyện trầm trọng, nên thay vì kỷ luật sa thải, họ được gửi đến bệnh viện cai nghiện ma túy của Bộ Nội vụ để được điều trị trong thời gian 3 đến 4 tuần. Những con số thống kê nói trên không hề gây ngạc nhiên cho mọi người.

Một báo cáo của GAO (cơ quan tổng giải trình, thành lập năm 1921 để giúp Quốc hội kiểm soát các khoản chi tiêu của Chính phủ Mỹ) cho Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 3/2010 cho thấy 12 đến 41% số cảnh sát Afghanistan mới tuyển mộ được xét nghiệm dương tính với các chất ma túy, từ marijuana và hashish (cần sa) đến thuốc phiện.

Những tân binh qua xét nghiệm dương tính với loại ma túy nặng sẽ bị sa thải, nhưng những người khác (nhẹ hơn) được giữ lại nhưng bắt buộc tham gia chương trình liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, do chất ma túy biến mất khỏi cơ thể khá nhanh cho nên nhiều tân binh sử dụng ma túy không bị phát hiện - điều đó giải thích tại sao số người nghiện ma túy chiếm con số khá cao trong lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan.

Phần đông bệnh nhân cảnh sát - giống như trung úy cảnh sát tuần tra biên giới Juma Khan Asak, 40 tuổi, gốc ở miền Tây Afghanistan - đều nghiện ma túy lâu năm. Trung úy Asak nói anh bắt đầu hút thuốc phiện rồi sau đó là hêrôin từ lúc 17 tuổi, trước khi gia nhập lực lượng cảnh sát từ rất lâu.

Hiện giờ đứa con út trong số 8 đứa con của Asak đã bước vào độ tuổi này và anh cảm thấy lo lắng con cái bị lệ thuộc ma túy cũng giống như cha của chúng. Cũng giống như những bệnh nhân khác, Trung úy Asak mặc bộ đồ pijama kẻ sọc. Cơ ngơi bệnh viện khá khiêm tốn, bao gồm các trường học cũ và các lán trại tiền chế, với một chiếc tivi duy nhất phục vụ cho đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện và bệnh nhân và một ít thú tiêu khiển khác.

Bệnh viện đã thiếu thốn đủ thứ mà còn thường xuyên bị cắt điện và nước sinh hoạt. Nhưng tỉ lệ giữa bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện là con số mà bất cứ trung tâm cai nghiện ma túy nào cũng thèm muốn: đó là 12 bác sĩ, 2 trong số đó là bác sĩ tâm thần, cũng như các nhà hoạt động xã hội và chuyên gia tư vấn.

Doust Mohammed - bác sĩ tâm thần và Giám đốc Bệnh viện - cho biết, bệnh viện có 100 giường bệnh và đang điều trị cho 600 sĩ quan cảnh sát nghiện ngập; và trong vài tháng tới đây sẽ tiếp nhận thêm 600 bệnh nhân là cảnh sát nữa.

Bác sĩ Doust Mohammed nói: "Trong số 600 bệnh nhân này, chỉ có 2 người bị tái nghiện sau điều trị". Shafi Azim, bác sĩ tâm thần đã trải qua 13 năm công tác trong một trung tâm cai nghiện ma túy, hy vọng các cảnh sát này sẽ là những bệnh nhân tốt. Ông quan sát: "Họ đều là cảnh sát, tất cả đều quen tuân thủ mệnh lệnh. Và tất cả họ đều muốn lấy lại niềm kiêu hãnh và tư cách của mình".

Bác sĩ Shafi Azim (thứ hai từ trái qua ở hàng sau).

Mohammed Ishaq Rezia, Đại úy cảnh sát 34 tuổi ở tỉnh Daykondi miền Trung Afghanistan, đổ lỗi cho sự nghiện ngập của mình là do thất học, chiến tranh triền miên, ma túy quá dễ mua và "những bạn bè xấu". Anh nói: "Vài năm trước đây, cả nước Afghanistan lan tràn thuốc phiện và rất dễ có được thứ này. Điều tệ hại nhất là khi trở thành cảnh sát chúng tôi có điều kiện hút thuốc phiện công khai. Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ mà thôi".             

Trong những năm gần đây, Afghanistan đã thành công trong việc triệt hạ những cánh đồng thuốc phiện ở 20 trong số 34 tỉnh, thành của nước này nhờ vào nỗ lực của các chính quyền địa phương, sự can thiệp của quân đội Afghanistan cũng như những sự trợ giúp lớn lao của cộng đồng quốc tế dành cho một số chương trình như là canh tác những cây trồng khác thay thế v.v...

Tuy nhiên, Afghanistan vẫn còn cung cấp cho thế giới 90% hêrôin. Nhưng năm nay đã có sự thay đổi đáng kể do một bệnh dịch bí ẩn xuất hiện làm chết rất nhiều cây thuốc phiện và các chuyên gia dự đoán lượng thuốc phiện thu hoạch sẽ giảm trong năm nay sẽ giảm 70%.

Trước tình hình đó, những quan chức chống ma túy lo ngại giá thuốc phiện sẽ tăng cao trở lại kích thích nông dân Afghanistan quay lại trồng loại cây này. Các chương trình xét nghiệm ma túy đối với cảnh sát mới tuyển dụng cũng như cảnh sát đang phục vụ lực lượng hãy còn quá mới mẻ ở Afghanistan hiện nay.

Zemarai Bashary, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Afghanistan, nói: "Chống ma túy là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Nội vụ. Đặc biệt chúng tôi đang cố gắng làm hết sức để có được đội ngũ cảnh sát quốc gia khỏe mạnh và nói không với ma túy"

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.