Vàng lậu, vàng “ảo” hoành hành: Chỉ khách hàng là thua thiệt
Buôn vàng lậu lãi như… buôn ma túy
Mỗi cân vàng vận chuyển trót lọt qua biên giới vào Việt Nam sẽ được lãi khoảng 150 triệu đồng. Lợi nhuận khủng ngang với buôn… ma túy là nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn lậu vàng vẫn âm thầm diễn ra, cho dù thị trường vàng đã "hạ nhiệt" từ lâu.
Sau một thời gian điều tra, 11h ngày 11/1/2015, tại khu vực bãi gửi xe trước cửa siêu thị Metro (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (PC46, Công an Hà Nội) đã bắt quả tang 3 đối tượng đang có hành vi giao nhận 33 bọc vàng nhập lậu tổng trọng lượng gần 33,6kg, bao gồm 4.319 sản phẩm vàng trang sức 18K (vàng có hàm lượng 750) như dây chuyền, hoa tai, lắc đeo tay có in chữ Italia, trị giá khoảng 1 triệu USD, tương đương 21 tỉ đồng.
Chủ nhân số vàng "khủng" trên là Cơ Kiên Sơn (SN 1957), ở khu 628 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sơn đặt hàng sản xuất vàng tại Hồng Công, sau đó thuê Bùi Thị Loan (SN 1957) ở phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh vận chuyển về Việt Nam.
Để vận chuyển trót lọt số vàng trang sức trên về đến Hà Nội giao cho Sơn, Loan phải chia nhỏ, vận chuyển nhiều chuyến theo đường bộ từ Hồng Công, qua Trung Quốc, sau đó theo đường tiểu ngạch, qua cửa khẩu Móng Cái. Sau khi tập kết đủ số hàng, Loan vận chuyển bằng ôtô xuống Hà Nội để bàn giao cho Sơn thì bị Cơ quan Công an phát hiện bắt giữ.
Theo Thiếu tá Trương Quang, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu, Công an Hà Nội, hành trình vận chuyển vàng của Bùi Thị Loan chính là một trong những đường đi chủ yếu của vàng nhập lậu hiện nay. Vàng nhập lậu gồm 2 loại: vàng thỏi (vàng cân) và vàng trang sức. Sau một số vụ cơ quan chức năng qua soi chiếu phát hiện các vụ vận chuyển vàng lậu qua đường hàng không, thì các đối tượng đã chuyển hướng sang đường bộ vì an toàn hơn.
Cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét Công ty HGI. |
Tuy nhiên vàng nhập lậu từ Hàn Quốc chỉ chiếm số lượng nhỏ do chi phí vận chuyển cao hơn và phải đi qua đường hàng không, dễ bị cơ quan chức năng phát hiện. Thủ đoạn chính của các đối tượng vận chuyển vàng nhập lậu là ngụy trang lẫn trong hàng hóa khác, đi qua đường tiểu ngạch để "né" khai báo hải quan. Việc vận chuyển vàng lậu được chia thành nhiều công đoạn.
Giá "cước" vận chuyển từ Trung Quốc, qua biên giới vào Việt Nam là 2,5 triệu đồng/kg; từ biên giới vào nội địa là 300 USD/chuyến không tính số lượng hàng. Từ đây, vàng lậu được "hợp pháp hóa", đưa vào các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tiêu thụ. Tính trung bình, kinh doanh vàng lậu khi tới tay người mua sẽ lãi 10%/1 chỉ vàng.
Lý giải vì sao thị trường vàng đã "hạ nhiệt" từ lâu, nhưng buôn lậu vàng vẫn "sôi động", một chuyên gia về vàng phân tích, hiện giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn, cao hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng so với nước ngoài. Nhu cầu mua vàng tích trữ, làm đồ trang sức của người dân tuy có giảm so với trước nhưng sức tiêu thụ vẫn cao.
Mặt khác, kỹ nghệ kim hoàn của Việt Nam hiện thua xa các nước trong khu vực. Đối với mặt hàng vàng trang sức, vàng trong nước vừa kém hơn cả về mẫu mã, thiết kế và công nghệ sản xuất, không cạnh tranh nổi so với vàng trang sức nước ngoài. Do đó, thị trường vàng trang sức hiện nay chủ yếu là vàng nhập lậu, được "hợp pháp hóa" bằng các lý do như thu mua trôi nổi trên thị trường hoặc sản xuất trong nước.
Đối với vàng thỏi cũng tương tự. Khi vận chuyển qua biên giới, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng khò mất dấu nhãn hiệu vàng dập nổi. Khi đưa vào nội địa, vàng lậu biến thành vàng trong nước bằng dấu nổi giả các thương hiệu của một số doanh nghiệp trong nước được phép sản xuất vàng miếng.
Chính vì vậy, theo Thiếu tá Trương Quang, hoạt động buôn lậu vàng hiện nay đương nhiên có sự tiếp tay của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng bạc. Tuy nhiên công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Một khi vàng lậu đã được đưa vào khâu lưu thông thì rất khó chứng minh vì thực tế các cửa hàng, doanh nghiệp được phép thu mua vàng trôi nổi trên thị trường.
Vàng lậu được hợp pháp hóa, cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó kiểm soát được chất lượng vàng hiện nay trên thị trường. Các đối tượng chỉ cần giảm từ 1/2 đến 1 tuổi vàng đã mang lại lợi nhuận rất lớn. Như vậy, chỉ có người tiêu dùng là thiệt hại.
Tang vật vụ buôn lậu 33,6kg vàng. |
Đầu tư vàng tài khoản: Coi chừng "vàng mắt"!
Trong một diễn biến khác. Ngày 12/1 vừa qua, Phòng PC50, Công an Hà Nội phối hợp PC45 và C50 - Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) có trụ sở tại tầng 3 - 4 tòa nhà Artex (172 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), tạm giữ 9 đối tượng là thành viên chủ chốt của công ty để điều tra về hành vi kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép.
Tối 14/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 6 đối tượng về tội "Kinh doanh trái phép" theo Điều 159 Bộ luật Hình sự gồm: Phùng Quốc Huy (SN 1985), Tổng giám đốc; Đặng Thị Kim Dung (SN 1977), thành viên HĐQT; Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1976), Chủ tịch HĐQT; Phan Thị Mỹ Linh, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng; Trần Việt Hưng, thành viên HĐQT và Nguyễn Đức Chung - người đầu tiên sáng lập ra Công ty HGI.
Theo điều tra của Cơ quan Công an, Công ty HGI được thành lập từ tháng 5/2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ đó đến nay, tổ chức giao dịch tại website hgi.com.vn.
Khi tham gia, nhà đầu tư được công ty cấp tài khoản và được hướng dẫn tải phần mềm MT4 trực tiếp từ website của công ty. Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng tài khoản bằng cách đến công ty nộp tiền mặt hoặc sử dụng Internet Banking chuyển vào tài khoản của công ty. Số tiền được quy đổi ra điểm, tương ứng 1 điểm = 21.000 đồng. Đến nay có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại HGI.
Ngoài kinh doanh vàng tài khoản, từ tháng 5/2012, HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với số lợi nhuận cam kết với khách hàng từ 1,5 đến 2%. Khi giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên được hưởng 0,3%, nhân viên kế toán được hưởng 2,5% số tiền của nhà đầu tư ủy thác.
Để hút nhà đầu tư, HGI tổ chức đội quân nhân viên tư vấn "rót mật" vào tai khách hàng về lãi suất cao, không có rủi ro khi tham gia kinh doanh tài khoản và ủy thác đầu tư cho HGI. Thời gian đầu, HGI thanh toán lãi đầy đủ khiến các nhà đầu tư tin tưởng và trở thành "công cụ truyền thông" kêu gọi, lôi kéo thêm nhiều người cùng tham gia.
Cơ quan điều tra cho biết, tổng số HGI đã nhận của nhà đầu tư là 270 tỉ đồng, đến nay không có khả năng thanh toán. Trong số tiền nhận ủy thác đầu tư, HGI chỉ đầu tư mua 5ha đất tại Phú Quốc giá 10 tỉ đồng, xây dựng xưởng gồm 10 tỉ đồng, còn lại dùng để… trả lương thưởng và kinh phí hoạt động của công ty.
Tại chi nhánh Đà Nẵng của HGI, có 61 khách hàng ủy thác đầu tư 14,3 tỉ đồng, 531 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với số tiền 15,7 tỉ đồng. Số tiền này đã được chuyển ra trụ sở HGI tại Hà Nội và đầu tư vào một công ty tại Mỹ.
Trước đó, ngày 26/9/2014, C50 Bộ Công an cũng đã đánh sập sàn vàng trái phép của Công ty Cổ phần Đầu tư VGX có trụ sở tại Hà Nội. Từ năm 2012, VGX kinh doanh vàng tài khoản dù không được phép. Nhà đầu tư phải nộp vào trước khoản tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD để tham gia. Khoản này đảm bảo cho họ có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng gấp 100 lần số tiền ký quỹ.
VGX cũng đặt ra quy định phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch mới mức thấp nhất 10.000 đồng một lượng vàng. Cơ quan điều tra xác định có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại sàn VGX với tổng số tiền giao dịch hơn 110 tỉ đồng.
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50, Công an Hà Nội những khách hàng tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại HGI hầu như đều "mất trắng", bởi theo sự chỉ đạo của Trần Việt Hưng, thành viên HĐQT của HGI, Lưu Quang Tùng là nhân viên kỹ thuật có nhiệm vụ can thiệp vào hệ thống phần mềm để hủy các giao dịch của nhà đầu tư.
Đây là thủ đoạn của các sàn vàng "ảo" đã thực hiện trong thời gian qua. Chỉ cần lệnh khớp giá sớm hoặc trễ một chút là nhà đầu tư coi như mất trắng số tiền giao dịch. Sự can thiệp vào phần mềm giao dịch có chủ đích của các đối tượng tổ chức kinh doanh vàng tài khoản đã khiến nhiều nhà đầu tư lỗ hàng trăm nghìn USD trong nháy mắt.
Cũng theo Thượng tá Hà Thị Hằng, khả năng thu hồi số tiền 270 tỉ đồng mà HGI đã thu của các nhà đầu tư là rất khó. Bởi quá trình khám xét trụ sở công ty tại 172 Ngọc Khánh, Cơ quan Công an không thu được tiền. Hiện tại tài khoản của công ty cũng như tài khoản của các đối tượng đều đã bị rút hết tiền.
Thượng tá Hà Thị Hằng phân tích, thời gian qua, trước tình hình bất động sản "đóng băng", thị trường vàng "hạ nhiệt", chứng khoán phập phù, lãi suất ngân hàng xuống thấp… buộc nhiều người tìm đến những kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.
Sở dĩ kinh doanh vàng tài khoản thu hút được đông người tham gia, là bởi thủ đoạn quảng cáo lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng đã khiến nhiều người chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này. Việc đầu tư mà không có kiến thức, không có sự hiểu biết, chỉ theo tâm lý đám đông và hám lợi trước "bánh vẽ" lãi suất cao đã khiến các nhà đầu tư gánh hậu quả.
Phần lớn nhà đầu tư khi bỏ tiền vào loại hình kinh doanh này đều không thu hồi được. Không ít người đã bị mất trắng, thậm chí phá sản.
Cho đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản). Do đó, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là vi phạm quy định của pháp luật.
Qua các vụ triệt phá sàn vàng trái phép cho thấy hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, Cơ quan điều tra khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn vàng, không đầu tư kinh doanh vàng tài khoản. Cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn các kênh đầu tư an toàn, đúng pháp luật.