Vì an ninh nguồn nước sạch

Thứ Ba, 29/10/2019, 14:05
Ngày 23-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà. Đây là nỗ lực của Cơ quan công an trong hành trình tìm ra thủ phạm làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội.

Hiện, Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi, động cơ phạm tội của các đối tượng và những vấn đề liên quan. Từ vụ việc này cho thấy một quy trình sản xuất nước sạch có rất nhiều lỗ hổng cần bịt kín bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc của pháp luật.

Vấn đề an ninh nước sạch được đặt ra một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Công việc của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường sẽ ngày càng nặng nề.

Người dân khu chung cư Gemek 2, huyện Hoài Đức, Hà Nội, xếp hàng lấy nước sạch từ xe téc.

Lỏng lẻo trong quản lý, sản xuất và giám sát

Sau khi phát hiện vụ việc 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà gây ô nhiễm nước sạch cho cả một vùng dân cư rộng lớn của Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982) cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Thám (SN 1986) trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2, Điều 235, Bộ luật Hình sự năm 2015. Các đối tượng này được xác định là thủ phạm đổ dầu thải nói trên.

Chiều 24-10, trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết việc xử lý đầu nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu vẫn đang được tiến hành. Trong đó, khâu ứng phó khẩn cấp và quan trọng nhất là việc lắp đặt nhiều màng lọc, tấm chặn dầu tại suối Trầm đã hoàn thành từ ngày 17-10, đề phòng trời mưa, dầu có thể theo nước chảy vào kênh của Nhà máy nước sông Đà.

Hiện tại, phía Trung tâm vẫn đang rà soát từng mét suối, phát hiện chỗ nào đất đá còn mùi dầu tại khu vực bị xả thải và khu vực dầu chảy theo nước mưa xuống suối Trầm thì được múc và chuyển đi xử lý bằng vi sinh.

Khi nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dầu thải, lúc này, người ta mới chợt bàng hoàng và đặt ra hàng loạt câu hỏi về chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô. Người ta nghi ngại khi nghĩ đến nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt hằng ngày có thể bị nhiễm bẩn mà không được phát hiện và xử lý kịp thời. Và, nếu không phải dầu thải mà là chất độc không màu, không mùi vị bị hòa tan vào nước thì sẽ ra sao?...

Hà Nội hiện sản xuất nước sạch từ 3 nguồn chính là nước ngầm, nước mặt sông Đà và nước mặt sông Đuống. PSG.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho phóng viên An ninh thế giới biết, hiện có nhiều lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát nguồn nước.

Ông phân tích, nước sông Đà là một trong những nguồn nước sạch, chúng ta có nguồn nước sạch như hồ Ba Bể, hồ Thác Bà... Sử dụng nguồn nước sông Đà đưa về Hà Nội là đúng nhưng phải bảo vệ được an toàn nguồn nước này. Đã có biết bao trận mưa lũ kèm theo bùn, rác tràn vào kênh dẫn, rồi lợn, gà chết, chất thải của người dân...

Nguồn nước sông Đà không được giám sát dẫn đến nước sạch nhiễm bẩn.

Thực tế cho thấy có sự cẩu thả trong thiết kế hồ chứa (hồ Đầm Bài) và kênh dẫn. Như chúng ta đã biết, đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đã nhiều lần bị hỏng, có người phải lĩnh án tù vì vi phạm pháp luật khi xây dựng đường ống nước này. Hệ thống ống nứt, vỡ không chỉ gây lãng phí mà nước bẩn còn có thể chui vào... Đây chính là cái gốc đầu tiên mà Hà Nội phải xử lý. Phải nghiên cứu để trong bất cứ tình huống nào nước ở hồ Đầm Bài cũng không được ô nhiễm, nước thải của nhân dân cũng không được trôi xuống Đầm Bài.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng phân tích, hiện có rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước. Thứ nhất, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất nước sạch nói chung đều bất cập. Hiện nay các nhà máy sản xuất nước nói chung khi quy hoạch vùng nguyên liệu đều coi nguồn nước mặt ở các sông như sông Đà, sông Đuống, sông Hồng là đảm bảo chất lượng để đưa vào sản xuất nước sạch.

Thực tế, nguồn nước mặt của các con sông này đều không đảm bảo chất lượng khi nó vừa là môi trường hoạt động của tuyến giao thông vận tải đường thủy, vừa để đánh bắt thủy sản, rồi tưới tiêu đồng ruộng và đồng thời là nguyên liệu sản xuất nước sạch. Nước sông được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau sẽ không thể đảm bảo độ sạch. Chưa kể nước thải từ các khu sản xuất, làng nghề, trại chăn nuôi nằm dọc hai bên bờ sông không qua xử lý chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước.

Thứ hai là về công nghệ sản xuất nước sạch. Chính vì quan niệm nguyên liệu nước đầu vào đã được đảm bảo, nên công nghệ sản xuất không chặt chẽ và tối ưu. Hiện tại, nguồn nước đầu ra được đánh giá qua các tiêu chí: độ đục, độ pH, nhiệt độ. Các chỉ tiêu khác thì lấy mẫu phân tích theo quy chuẩn hằng tuần với các chỉ tiêu nhóm A, 6 tháng với nhóm B, 2 năm với nhóm C và chờ kết quả. Như vậy, những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... không có quan trắc.

Thứ ba, khâu giám sát, kiểm định chất lượng nước sạch đầu ra còn lỏng lẻo. Nước là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng lại không có cơ quan chuyên trách thực hiện việc giám sát, kiểm định chất lượng. Hiện tại vẫn diễn ra tình trạng các nhà máy sản xuất nước sạch tự kiểm định sản phẩm. Thế nên khi có sự cố về nguồn nước, doanh nghiệp vẫn tuyên bố nước trong ngưỡng an toàn. Không những thế, việc lấy mẫu nước đi xét nghiệm, ngoài Sở Y tế Hà Nội, chưa có một đơn vị nào khác thực hiện việc này. Do đó, kết quả xét nghiệm do duy nhất một đơn vị kiểm định cấp, không có điều kiện đối chứng.

Giải pháp nào vá lỗ hổng?

Sau khi xảy ra sự cố với nước sông Đà, nhiều người dân cảm thấy hoang mang, thiếu tin tưởng vào đơn vị cấp nước và nghĩ đến những giếng khoan ở vùng nông thôn. Đồng thời, họ cũng đặt câu hỏi vì sao không dùng nước ngầm mà lại dùng nước mặt để sản xuất nước sạch?

Trả lời thắc mắc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, việc sử dụng nước mặt là đúng, các nước trên thế giới cũng sử dụng nước mặt để sản xuất nước sạch. Nước mặt dễ xử lý bởi trong thành phần chỉ có tạp chất chứ không có chất khoáng hòa tan.. Sử dụng nước mặt chỉ cần diệt khuẩn là xong mà diệt khuẩn lại rất dễ. Các nước khác trên thế giới cũng dùng nước mặt để sản xuất nước sạch.

Trong khi đó, nước ngầm rất khó xử lý, mặc dù vi sinh vật ít nhưng lại có nhiều khoáng chất gây hại hòa tan trong nước, ví dụ kim loại nặng, sắt, chì, thủy ngân, can xi... Trong khi đó, nhiều nơi dùng giếng khoan cũng không sử dụng được, chỉ ở vùng trung du, nước giếng khoan của người dân còn sạch nhưng ở khu vực đồng bằng như Hà Nội, Nam Định... người dân sử dụng nước giếng khoan không sạch.

Hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

Trong khi đó, nếu sử dụng nước ngầm để sản xuất công nghiệp thì việc tạo ra những lỗ khoan trong lòng đất sẽ xuyên thủng các tầng đất, lỗ giếng khoan bỏ đó, nước tầng trên sẽ chui xuống tầng dưới và gây ô nhiễm, mạch nước ngầm ở các tầng chảy rất xa, có thể từ Hưng Yên xuống Thái Bình nên ô nhiễm cũng có thể lan rộng, xử lý chất khoáng độc hại rất khó.

Nói về các giải pháp khắc phục những lỗ hổng trong khâu quản lý, giám sát chất lượng nước như đã phân tích ở trên, ông Phạm Văn Sơn cho rằng, phải quy hoạch tổng thể nguồn nước mặt trên các con sông một cách hợp lý, khoanh vùng và cách ly diện tích nước mặt dùng làm nguyên liệu sản xuất nước sạch. Di dời các tuyến giao thông đường thủy khỏi vùng nước nguyên liệu.

Nếu trong trường hợp vùng nước đó đồng thời cũng là nơi có tuyến giao thông đường thủy không thể di dời thì phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tránh các sự cố do tai nạn đường thủy gây ra như tràn dầu, rò rỉ dầu...

Tiếp theo là phải đổi mới công nghệ kiểm tra chất lượng nước để kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định. Ngoài ra, bắt buộc phải quan trắc liên tục với nguồn nước đầu vào. Dầu tràn có thể nhận biết bằng mắt thường, còn với các chất thải độc khác, phải nhận biết sớm bằng thiết bị công nghệ tự động. Đồng thời, phải lập ra cơ quan độc lập chuyên trách việc kiểm định chất lượng nước đầu ra trước khi cấp cho người dân sử dụng.

Các mẫu nước xét nghiệm cần được mã hóa để đảm bảo độ chính xác và khách quan. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì cho rằng bên cạnh việc giám sát của các cơ quan chức năng, lập chương trình hành động để khắc phục ô nhiễm thì thành phố nên nghiên cứu thành lập ban dân cử giám sát chất lượng nguồn nước. Kiểm tra chỉ là khâu cuối cùng.

Đã hơn 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người. Thế nhưng, sự cố liên quan đến nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân Thủ đô vừa qua cho thấy vấn đề an ninh nước sạch, vấn đề quản lý tài nguyên nước đang có rất nhiều lỗ hổng.

Nếu không kịp thời vá những lỗ hổng này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường, có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Và, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Thiếu kịch bản ứng phó với sự cố môi trường

Ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, không chỉ đến sự cố nước nhiễm dầu mà các sự cố xảy ra trước đây như sự cố Formosa, hay gần đây là vụ cháy nhà máy Rạng Đông,... đều có tình trạng chung là khi xảy ra sự cố mới tập trung phân tích, tìm cách giải quyết sự cố. Khi gặp các tình huống bất ngờ, do không dự đoán trước, không có trước các kế hoạch ứng phó thì việc chậm trễ, lúng túng là điều đương nhiên.

Ví dụ, hiện tại, theo ông Sơn, dọc sông Đà có nhiều cửa hàng bán xăng dầu, ở đó nhiều bồn chứa xăng dầu, nguy cơ xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn dầu xuống sông Đà nhưng chưa được cảnh báo, chưa có các kế hoạch ứng phó nếu sự cố xảy ra.

Bởi vậy, giải pháp cho vấn đề này là các nhà máy sản xuất nước sạch phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong đó phải nhận diện đầy đủ các nguy cơ, rủi ro về nguồn nước. Cần xây dựng các kịch bản sau khi các thiết bị nhận diện được hóa chất vượt ngưỡng quy định, nguồn tiếp nhận sẽ dừng lấy nước vào, xử lý nguồn ô nhiễm này trước khi đưa vào hệ thống sản xuất.

Nếu không phát hiện kịp, phải kiểm soát được chất lượng nước đầu ra và tạm dừng cấp nước vào hệ thống. Nếu đã đi vào hệ thống cung cấp cho người dân khi đó phải lập tức cảnh báo tới toàn bộ người dân. Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý như bộ, các cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh cũng phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hàng năm.

Việt Hà - Huyền Châm
.
.