Vì sao Đặc nhiệm SEAL giải cứu hụt hai giáo sư bị bắt cóc?

Thứ Hai, 19/09/2016, 18:00
Con tin cần giải cứu trong chiến dịch này là hai giáo sư người Mỹ và Australia giảng dạy tại Đại học Mỹ ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Trường đại học này được mở cửa vào năm 2006, là một cơ sở giáo dục tư thục phi lợi nhuận với khoảng 1.700 sinh viên theo học. Đây được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa Afghanistan và Mỹ.

Hai giáo sư không được tiết lộ danh tính trên bị phiến quân vũ trang bắt cóc khi đang lái xe trên đường phố Kabul hôm 7/8. Mạng lưới Haqqani, một tổ chức nổi dậy ở Afghanistan, bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ bắt cóc táo tợn này.

Thông tin tình báo lúc đầu không hoàn toàn chắc chắn

Lầu Năm Góc vừa xác nhận lực lượng đặc nhiệm SEAL đã thất bại trong nỗ lực giải cứu hai con tin tại Afghanistan. "Hồi tháng 8, theo đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ tiến hành một sứ mệnh giải cứu hai dân thường bị bắt làm con tin ở Afghanistan", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook thông báo, theo Washington Examiner.

"Đáng tiếc là các con tin không có mặt ở địa điểm đột kích. Trong lúc thực thi nhiệm vụ, đặc nhiệm Mỹ đã đấu súng và tiêu diệt một số phiến quân. Không có quân nhân Mỹ hay dân thường nào bị thương", ông Cook nói thêm.

Hai con tin này là hai giáo sư người Mỹ và Australia. Nhóm phiến quân Haqqani bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra vụ bắt cóc. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ sẽ không tiết lộ thêm thông tin về nhiệm vụ này hay bất kỳ chiến dịch nào sắp tới vì vấn đề an ninh quốc gia và để đảm bảo sự an toàn cho các con tin.

Theo các nguồn tin, nhóm đặc nhiệm SEAL nhảy dù xuống mục tiêu ở Afghanistan, đọ súng và tiêu diệt 7 phiến quân, nhưng không tìm thấy hai con tin bị bắt cóc. Dù Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ không cung cấp thêm thông tin về chiến dịch này, một số quan chức quốc phòng có hiểu biết về vụ việc tiết lộ rằng, chiến dịch giải cứu bất thành này được lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ thực hiện.

Một số quan chức nói với Fox News rằng, chiến dịch giải cứu được lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành chỉ vài ngày sau khi hai giáo sư bị bắt cóc. Nhóm đặc nhiệm SEAL Team 6 lên máy bay và đang trên đường tiếp cận mục tiêu thì nhận được thông báo Nhà Trắng không phê chuẩn chiến dịch.

"Chiến dịch ban đầu diễn ra không theo ý muốn", một quan chức nói. Kế hoạch đột kích bị hủy bỏ, bởi những thông tin tình báo không hoàn toàn chắc chắn, và các cơ quan chính phủ có liên quan không đạt được sự đồng thuận về hoạt động giải cứu, khiến Nhà Trắng không thể "bật đèn xanh". Nhóm đặc nhiệm đành phải quay trở về căn cứ ở Afghanistan vào phút chót.

"Họ phải quay về vào đêm hôm đó vì không được phê chuẩn nhiệm vụ. Họ chỉ có thể tiếp tục tiến hành cuộc đột kích mà không cần sự cho phép nếu như có cơ sở cho rằng, tính mạng của con tin đang bị đe dọa", một nguồn tin cho biết. Một quan chức nói rằng, chiến dịch giải cứu đầu tiên bị trì hoãn vì sự "quan liêu" của Nhà Trắng, tuy nhiên một người khác phủ nhận điều này.

"Tôi không thấy như vậy. Đối với chiến dịch này, chúng tôi không được tổng thống phê chuẩn kịp thời vì nguồn tin tình báo chưa chắc chắn", người này khẳng định. "Nếu con tin đang bị nguy hiểm, chúng tôi mới tiếp tục lên đường. Đây không phải là trường hợp đó, nên chúng tôi dời lại ngày hôm sau".

Đặc nhiệm SEAL Team 6 ở Afghanistan.

Thực thi sứ mệnh

Ngày hôm sau, khi Lầu Năm Góc trình yêu cầu thực hiện cuộc đột kích lên Tổng thống Barack Obama, ông nhanh chóng phê chuẩn sứ mệnh. "Sự phê chuẩn nhanh chóng của tổng thống mở đường cho quân đội thực hiện chiến dịch ở Afghanistan", quan chức trên cho hay.

Khi lên đường thực hiện chiến dịch lần thứ hai, đặc nhiệm Mỹ tin tưởng rằng, hai con tin đang bị giam giữ tại một địa điểm ở gần Jalalabad, miền đông Afghanistan. "Thật không may, khi chúng tôi đến đó, con tin đã không còn ở địa điểm này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo an toàn cho các con tin", người này nói.

Máy bay chở các thành viên SEAL Team 6 tới một khu nhà ở Jalalabad, địa điểm họ định tổ chức cuộc đột kích vào đêm hôm trước. Khi đến khu vực mục tiêu, nhóm đặc nhiệm thực hiện một kỹ thuật đổ bộ có từ thập niên 1960 được gọi là HALO (nhảy dù từ độ cao lớn). Khi thực hiện cú nhảy HALO, đặc nhiệm nhảy khỏi máy bay ở độ cao từ 4.600 mét đến 11.000 mét, tiếp tục rơi tự do trong một khoảng thời gian và chỉ bung dù khi còn cách mặt đất một khoảng cách ngắn, nhằm đảm bảo tiếp cận mục tiêu nhanh nhất và bí mật nhất. Kỹ thuật nhảy dù HALO thường chỉ được áp dụng khi không còn phương án đổ bộ khả thi nào khác.

Tuy nhiên, khi họ tiếp cận khu nhà được cho là nơi giam giữ hai con tin phương Tây, một cuộc đọ súng đã diễn ra. Nhóm đặc nhiệm nhanh chóng triển khai đội hình bắn trả, và tiêu diệt 7 phiến quân vũ trang. Không một lính đặc nhiệm nào bị thương hay thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

Sau khi kết thúc cuộc đọ súng, đặc nhiệm Mỹ lục soát toàn bộ khu nhà, nhưng không tìm thấy hai con tin. Họ chỉ thu được một số dữ liệu điện tử cho thấy, hai giáo sư phương Tây từng bị giam giữ ở khu vực này, cũng như chứng minh nhóm phiến quân đã bắt cóc và giam giữ họ.

Hiện không rõ hai con tin này có phải đã bị chuyển đi nơi khác trước khi cuộc đột kích thứ hai được tiến hành hay không, theo một quan chức Lầu Năm Góc. Đặc nhiệm Mỹ nhanh chóng triển khai kế hoạch rút về căn cứ sau cuộc đột kích hụt. Đến nay các cơ quan tình báo Mỹ vẫn chưa thể biết chắc được hai con tin đang bị giam giữ ở đâu.

Quân đội Mỹ vẫn lên kế hoạch triển khai 8.400 binh sĩ ở Afghanistan sau năm 2017, nhằm tiếp tục thực hiện các chiến dịch chống khủng bố và huấn luyện, cố vấn, hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan chống lại các nhóm phiến quân. Tổng thống Obama ban đầu dự định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước khi ông hết nhiệm kỳ, nhưng thay đổi kế hoạch vào đầu năm nay.

Kể từ khi phát động cuộc chiến Afghanistan năm 2001 nhằm lật đổ chế độ Taliban, Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cùng hàng ngàn binh sĩ đã tử vong tại nơi đây.

Văn Nguyễn - L.K. (tổng hợp)
.
.