Xung quanh vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng
- Tạm dừng xử vụ Vinasun kiện Grab để thu thập thêm chứng cứ
- Đề xuất dùng chung biển số màu vàng cho cả taxi, Uber, Grab
- Hà Nội yêu cầu Uber, Grab công khai giá cước vận tải
Vinasun khẳng định việc khởi kiện là có cơ sở
Sáng ngày 6-2, Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun - gọi tắt là Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Việt Nam (gọi tắt Grab).
Theo nội dung đơn khởi kiện của Vinasun do ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun, trình bày tại tòa thì Grab đăng ký kinh doanh với hình thức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Thế nhưng, thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Theo Vinasun, do Grab làm "náo loạn" thị trường vận tải taxi nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun. Grab thì khẳng định đơn vị chỉ cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng. |
Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống, trong đó Vinasun bị thiệt hại 41,2 tỷ đồng.
Đại diện Vinasun phân tích: Mặc dù tự nhận là "Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải" (theo Bộ Tài chính, Grab có ngành nghề kinh doanh là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan) nhưng về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Ngoài ra, theo Vinasun, việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương nhưng Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm.
Vinasun nêu dẫn chứng doanh thu của hãng bị sụt giảm theo từng năm. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế là 318,4 tỷ đồng, đến năm 2016 còn 295,6 tỷ đồng và kết quả kinh doanh quý I, quý II năm 2017 chỉ còn 53 tỷ đồng.
Đến hết quý 2-2017, hơn 8.000 người lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Vinasun cho biết: "Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber VN và GrabTaxi" do Công ty Nghiên cứu thị trường - Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỷ lệ thiệt hại mà Grab gây ra cho Vinasun từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017 là 52,52%. Ngoài ra, dựa trên văn bản của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2017, số xe đăng ký chạy Grab là 12.913 xe thì tổng thiệt hại Grab gây ra cho Vinasun đến hết quý 2-2017 là 41,2 tỷ đồng.
Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam và vi phạm luật Cạnh tranh của Grab gây ra. Do đó, Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng, đồng thời yêu cầu Grab bồi thường số tiền 41,2 tỷ đồng.
Vinasun khẳng định việc khởi kiện yêu cầu khoản tiền bồi thường kể trên là có cơ sở vì có hành vi trái pháp luật của Grab; có thiệt hại của Vinasun; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.
Bổ sung thêm, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc điều hành taxi Vinasun, trong cuộc trao đổi với báo chí trước đó, cho biết về cơ sở pháp lý chính cho nội dung Vinasun khởi kiện dựa trên quy định của Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Đơn cử như trường hợp cạnh tranh thông qua hình thức phá giá, nghị định này có quy định rõ về việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Tuy nhiên, theo ông Hỷ thì Grab liên tục khuyến mãi, bất kể giờ giấc là không đúng…
Tại phiên tòa, kèm theo đơn khởi kiện, Vinasun cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ để chứng minh Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam gồm văn bản, hình ảnh và hàng chục video... Đại diện phía Vinasun cho rằng Quyết định 24/QĐ-BGTVT chỉ được thực hiện thí điểm ở 5 tỉnh thành, nhưng Grab đã lợi dụng quyết định này để thực hiện ở những tỉnh thành ngoài phạm vi thí điểm.
Một thông tin đáng chú ý là phía Vinasun cho rằng hiện Vinasun có khoảng 6.000 xe, nhưng nộp thuế cho Nhà nước 1.200 tỷ đồng, còn phía Grab có 12.000 xe nhưng chỉ nộp 9,5 tỷ đồng.
Grab cho rằng các cáo buộc của Vinasun là không có căn cứ
Phản hồi lại những ý kiến trình bày của Vinasun, tại phiên tòa, đại diện ủy quyền cho Grab khẳng định đơn vị chỉ cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng. Ngành nghề đăng ký của Grab là đăng ký kinh doanh phần mềm theo "Quyết định 24" của Bộ GTVT và Grab cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải là đúng pháp luật. Vào năm 2012 tại Malaysia, sau đó phát triển tại Việt Nam.
Vị đại diện pháp lý của Grab tại phiên tòa. |
Trả lời hội đồng xét xử, đại diện Grab cho biết, công ty này được thành lập tại Việt Nam, Grab Taxi đưa ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho khách đi lại dễ dàng. Qua đó, tạo cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống - những hãng này phải đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để phát triển doanh nghiệp.
Đại diện Grab cũng trình bày đối với đề án thí điểm, nếu phía Vinasun cho rằng vi phạm thì cần khiếu nại lên Bộ GTVT. Bởi việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) của Grab được thực hiện theo "Quyết định 24" kể trên do Bộ GTVT ban hành sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, ngoài Grab, còn có 9 đơn vị khác cùng tham gia thí điểm (trong đó có Vinasun). Phía Vinasun cũng thừa nhận, Vinasun chỉ thực hiện nghiên cứu, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh của Grab mà không thực hiện với các đơn vị còn lại.
"Điều này cho thấy, Vinasun chỉ lựa chọn nhắm vào Grab để tấn công", đại diện Grab nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phía Grab khẳng định công ty mình luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có cả pháp luật cạnh tranh. Cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh, nhằm triệt hạ Vinasun là không có cơ sở và cố tình làm dư luận hiểu sai vấn đề. Đặc biệt, Grab đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Dù thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí, nhưng phiên tòa được diễn ra trong một căn phòng khá chật hẹp. |
Gần đây nhất, kết quả thanh tra 3 năm hoạt động 2014-2016 được công bố trong họp báo thường kỳ ngày 27-10-2017 của Tổng cục Thuế đã xác nhận Grab Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2016. Thông báo số 14393/TB-CCT-KK,KTT&TH của Chi cục Thuế quận 10 ngày 27-11-2017 cũng đã xác nhận: kỳ kê khai thuế 10 tháng đầu năm 2017 Grab đã nộp Ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là 142.355.182.448 đồng. Vì vậy, Grab cho rằng Vinasun cáo buộc Grab Việt Nam vi phạm nghĩa vụ thuế là không có căn cứ...
Ngoài ra, Grab cũng nhấn mạnh rằng dịch vụ Grab hoạt động hợp pháp theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Theo đó, Bộ Công thương đã xác nhận đăng ký ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử của Grab với phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Cáo buộc của Vinasun về việc Grab Việt Nam vi phạm pháp luật, làm rối loạn thị trường giao thông vận tải là hoàn toàn sai, và làm dư luận hiểu sai về các dịch vụ hoàn toàn hợp pháp của Grab.
Điều đáng nói, theo vị đại diện Grab thì cách tính toán thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở, đồng thời không có quan hệ nhân quả giữa vi phạm của Grab (nếu có) và thiệt hại của Vinasun. Vì vậy, Grab cho rằng Vinasun không có đủ điều kiện để khởi kiện nên yêu cầu tòa đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu không đình chỉ thì bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Cần "định danh" đúng các công ty hoạt động cung ứng phần mềm kết nối?
Như trên đã đề cập, có lẽ do đụng đến một lĩnh vực khá "hot" nên phiên tòa buổi sáng 6-2 đã thu hút rất đông báo chí và dư luận quan tâm, đặc biệt nhiều cán bộ, tài xế các hãng xe có liên quan đã đến theo dõi phiên xử.
Lặn lội từ TP Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh theo dõi phiên tòa, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, cho biết ông rất quan tâm tới những diễn tiến của phiên xử, bởi mọi thông tin của vụ xử đều liên quan đến quyền lợi và hoạt động của các hãng taxi kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Nhận định trên bình diện cả nước, ông Võ Thành Nhân phân tích về bản chất, Uber và Grab cũng giống như taxi, là loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách đường ngắn trong nội đô và là loại hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cho các cá nhân tham gia thông qua phương thức kết nối là phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Không có chức năng kinh doanh vận tải, nhưng Uber và Grab đã sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng để kết nối giữa công ty kinh doanh - tài xế taxi - người tiêu dùng nhằm kinh doanh vận tải mà không phải xin phép.
Chưa kể, với danh nghĩa hợp đồng điện tử (là phương thức tính tiền và thanh toán thay đồng hồ tính tiền), Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế, phí và hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào trong khi hoạt động taxi truyền thống phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị, logo nhận diện thương hiệu...
Hơn nữa, các công ty taxi truyền thống một mặt phải đầu tư phát triển khoa học công nghệ để theo kịp nhu cầu và xu thế phát triển của thời đại, mặt khác phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ mà luật pháp quy định cho hoạt động vận tải taxi, đảm bảo quyền lợi cho người lao động thông qua nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp cũng như mức lương tối thiểu tăng hàng năm (trong khi với Grab và Uber thì hầu như không phải lo các khoản nghĩa vụ này), chịu trách nhiệm và nghĩa vụ với Nhà nước thông qua nghĩa vụ thuế.
Thông tin này cũng được chính ông Trương Đình Qúy, đại diện Vinasun cho rằng hiện nay để kinh doanh dịch vụ taxi, hãng Vinasun phải chấp hành đến 13 điều kiện, trong khi phía Grab chỉ phải chịu 3 điều kiện. Chính một trong những "bất cập" này đã dẫn đến những thiệt thòi cho hãng taxi truyền thống(?!).
"Những bất cập từ Quyết định 24 và hoạt động của Grab, phía Vinasun đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng. Nếu điều kiện kinh doanh như nhau thì mới có thể cạnh tranh công bằng, lành mạnh được...", ông Trương Đình Qúy nhấn mạnh.
Trong khi đó, từng thay mặt Hiệp hội Taxi TP. Đà Nẵng có Công văn gửi Bộ GTVT và một số cơ quan liên quan về việc này, ông Võ Thành Nhân nêu quan điểm rằng Bộ GTVT cần "định danh" đúng các công ty hoạt động cung ứng phần mềm kết nối như Uber và Grab hiện nay là "Công ty ứng dụng phần mềm kết nối kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi".
Bắt buộc hai công ty này phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như quy định của các địa phương về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, nếu hai công ty trên tiếp tục kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sau khi kết thúc thí điểm…
Chiều 7-2, phiên tòa đã được Hội đồng xét xử quyết định cho tạm ngưng để thu thập, bổ sung một số chứng cứ, tài liệu. Tuy nhiên, thời gian tạm ngưng không quá một tháng kể từ ngày tạm ngưng phiên tòa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.