Ai Cập: Vùng đất vàng của người tị nạn Sudan

Thứ Tư, 16/10/2024, 15:31

Dọc theo con đường Corniche, con đường chính chạy dọc bờ sông Nile ở thành phố Aswan, miền Nam Ai Cập, có một biển báo ghi: “Aswan - vùng đất vàng”. Những quảng cáo như thế này có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi tại thành phố đã tồn tại từ thời cổ đại nằm ở trung tâm thương mại và văn hóa của miền Nam Ai Cập.

Sự hiện diện của vàng và khai thác vàng ở đây có từ thời các Pharaoh và hiện nay, khi chiến tranh ở Sudan khiến hàng nghìn người di tản tràn qua biên giới, vùng đất vàng lại một lần nữa bùng nổ.

Aswan đã trở thành bến cảng cho người Sudan chạy trốn chiến tranh ở quê hương họ và những người khác dừng chân ở miền Nam Ai Cập để kiếm tiền trong ngành khai thác vàng trước khi đến châu Âu. Bản thân quốc gia Sudan rất giàu vàng và nhiều người tị nạn vượt biên vào Ai Cập đã là thợ đào vàng nghiệp dư. Bên cạnh người Sudan là những người muốn thoát khỏi chiến tranh, bất ổn chính trị và khốn khổ kinh tế ở Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan và những nơi khác ở châu Phi. Họ đang bí mật đi đến Aswan trước khi đến Cairo và sau đó đến bờ biển Địa Trung Hải.

Khi các hoạt động khai thác vàng quanh Aswan và buôn lậu vàng vào khu vực này gia tăng, nạn buôn người cũng gia tăng, với hàng trăm người Sudan được đưa lậu vào Ai Cập mỗi ngày. Hoạt động buôn bán mờ ám này đã được nhiều người chứng kiến trong chuyến đi gần đây đến Aswan, hiện là một trong những nguồn thu nhập chính của những kẻ buôn lậu người Ai Cập và có cả người Sudan.

Ai Cập: Vùng đất vàng của người tị nạn Sudan -0
Vàng trên tay một công nhân mỏ ở bang River Nile. Ảnh: Mohamed Nureldin Abdallah.

Aswan là vùng đất đã có người sinh sống từ thời cổ đại. Ngày nay Aswan là một điểm du lịch lớn, nổi tiếng với các bảo tàng Pharaon và quần đảo Nile, cũng như là cửa ngõ vào các ngôi đền ở Abu Simbel. Thành phố này có một loại ma thuật châu Phi quyến rũ du khách từ khắp nơi trên thế giới. Cuộc chiến giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở nước láng giềng Sudan, bắt đầu vào tháng 4/2023, đã khiến khoảng 1,6 triệu người Sudan vượt biên giới vào Ai Cập. Trong đó có khoảng 450.000 người đến Ai Cập, gia nhập vào khoảng 4 triệu người Sudan đang sinh sống tại đó.

Aswan chỉ cách biên giới Ai Cập - Sudan 300 km và sự xuất hiện của những người mới đến, những người thuê nhà và họ mang theo vàng lậu từ các khu vực giàu vàng ở phía Bắc Sudan, sông Nile và các bang phía Đông, theo một số cách đã tiếp thêm sinh lực cho thành phố. Tuy nhiên, cư dân nghèo của thành phố Aswan đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, trong khi những người trẻ thất nghiệp chỉ có thể tìm được việc làm theo mùa trong ngành du lịch. Người dân địa phương đang phàn nàn về việc giá cả tăng cao do hoạt động buôn bán vàng bùng nổ ở Aswan.

Hamad Osman là một công nhân khai thác vàng ở khu vực Dar Mali gần Atbara ở phía Bắc Sudan khi chiến tranh nổ ra. Anh chuyển đến Aswan vào cuối năm 2023 sau khi hầu hết các thị trường vàng của Sudan đóng cửa và các băng đảng tràn vào khu vực khai thác vàng, cướp bóc thợ mỏ và công nhân. Osman là một trong số hàng nghìn thanh niên Sudan làm thợ mỏ hoặc lao động chân tay ở Sudan, những người đã chuyển đến Aswan, chi trả 100 USD để đi từ Atbara hoặc Abu Hamad đến Ai Cập như một phần của hoạt động buôn người.

“Có tình trạng mất an ninh rộng khắp ở khu vực tôi sống. Đây là tình hình ở nhiều mỏ vàng ở Sudan sau khi chiến tranh nổ ra”, Osman chia sẻ. “Những người thợ mỏ bắt đầu ổn định tình hình, tự mình bảo vệ các khu vực khai thác và đôi khi họ nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Nhưng, vấn đề lớn hơn - khiến nhiều người trong chúng tôi phải đến Ai Cập - là sự biến động giá vàng ở Sudan, giá cả tăng cao và tình trạng thiếu hụt lan rộng”, anh nói. Vì vậy, Osman chuyển đến Ai Cập, làm thợ đào vàng ở sa mạc phía Đông xung quanh Aswan và trên biên giới.

Trong khi đó, những người đàn ông trẻ Sudan đang làm việc ở Ai Cập, họ cũng đang sắp xếp để mang vàng qua biên giới. “Chúng tôi có rất nhiều đồng nghiệp ở Sudan mà chúng tôi đang phối hợp để mang vàng từ Sudan đến Ai Cập để bán”, Osman cho biết. “Đây là một hoạt động kinh doanh rất phát đạt hiện nay”. Nhưng, chính quyền Ai Cập cũng đã bắt giữ hàng nghìn người Sudan đang trên đường đến Ai Cập, giam giữ một số người và trả lại những người khác về Sudan.

Một trong số đó là Muwaia Alnur, người đã bị bắt tại một khu vực gần Aswan và bị giam giữ gần một tháng trước khi trở về Sudan. “Tôi đã bị bắt cùng với hàng trăm người Sudan khác, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ tại một trung tâm giam giữ gần biên giới với Sudan. Người Ai Cập đã đưa tôi cùng 11 người Sudan khác trở lại Wadi Halfa, nơi chính quyền Sudan đã tiếp nhận trước khi thả chúng tôi”, Alnur, hiện đang ở Dongola, miền Bắc Sudan, cho biết.

Ai Cập: Vùng đất vàng của người tị nạn Sudan -0
Máy nghiền đá phun cát và bụi để vàng có thể được tách ra khỏi đá. Ảnh: Francoise Beauguion.

Cách Aswan khoảng 30 km về phía Nam, có thể thấy rõ quy mô và phạm vi khai thác vàng trong khu vực tại al-Kassarah, một khu vực khai thác vàng và là một trong những điểm trung chuyển cuối cùng của những kẻ buôn lậu người Sudan trước khi đến Aswan. Dọc theo con đường từ Aswan có một khu công nghiệp nhỏ chứa đầy xi măng, hóa dầu và các nhà máy công nghiệp nhỏ khác, bao gồm cả các nhà máy vàng.

Tại al-Kassarah, có thể nhìn thấy hàng trăm nhà máy khai thác vàng, kho thủy ngân và xyanua ở khắp mọi nơi. Những cỗ máy lớn và những thùng chứa khổng lồ nằm ngoài trời. Hàng nghìn người Ai Cập, Sudan và những người khác từ những nơi khác ở châu Phi đang làm việc tại đây hoặc làm việc tại các khách sạn, nhà hàng và nhà máy địa phương sử dụng thủy ngân và xyanua bất hợp pháp để khai thác vàng.

Những người lao động khai thác vàng từ Sudan, những người chạy trốn khỏi tình trạng bất ổn xung quanh các khu vực khai thác vàng của Sudan ở Darfur và những nơi khác, đang mang những tảng đá trên những chiếc xe tải lớn để khai thác vàng. Những người khác có thể được nhìn thấy đang nghỉ ngơi sau giờ làm việc cùng với những người bán trà Ethiopia.

Hàng trăm người được đưa lậu vào Ai Cập từ Sudan mỗi ngày. Trong vòng 2 giờ ở al-Kassarah, đã có 4 xe bán tải Toyota vào chợ, mỗi xe chở khoảng 40 người. Mohamed Ansari, thương nhân vàng người Ai Cập, cho biết sản lượng vàng ở khu vực Aswan rất cao và điều này đã thu hút hàng nghìn thợ mỏ và công nhân vàng người Sudan sau khi chiến tranh nổ ra. “Một số người Sudan cũng đã thuê các mỏ vàng trong khu vực này”, ông nói.

“Nếu các mỏ được trang bị đầy đủ nhà máy, máy móc, điện từ năng lượng mặt trời và các cơ sở hạ tầng khác, chúng có thể được thuê với giá gần 20.000 USD một năm, nhưng với tư cách là chủ sở hữu, tôi phải lấy một nửa lượng vàng còn lại sau quá trình khai thác”. Ansari cho biết Aswan và khu vực xung quanh đã trở thành “trung tâm chính cho sản xuất vàng, cũng như mua - bán vàng đến từ Sudan và các khu vực biên giới”.

Nazar al-Sadig, một thợ đào vàng người Sudan, chia sẻ rằng anh đã rời khỏi nhà ở Bắc Kordofan, đi bộ nhiều ngày để đến Abu Hamad ở miền Bắc Sudan, trước khi tự mình trốn sang Ai Cập, nơi anh hiện đang làm việc trong ngành khai thác vàng gần Aswan. “Tôi đã chạy trốn khỏi Sudan vì chiến tranh. Tôi có một lượng vàng lớn mà tôi mang về từ Kordofan”, al-Sadig nói. “Tôi đã bán nó cho các thương nhân Ai Cập gần Aswan và tôi đã mua một số nhà máy vàng và bắt đầu làm việc. Mặc dù tôi không thể trở về đất nước của mình vì chiến tranh và các hạn chế của cảnh sát Ai Cập, nhưng tôi vẫn có thể làm việc và kiếm tiền”.

Trong khi một số người đang ở lại Aswan, nhiều người khác - bao gồm những người lao động nghèo từ Sudan và những người tị nạn Ethiopia cũng chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Sudan - vượt biên vào Ai Cập với hy vọng đến được Địa Trung Hải và sau đó là châu Âu.

Tarhas Ibraham, một phụ nữ Ethiopia, đã làm nghề bán trà trước khi phải chạy trốn khỏi Sudan. Hiện cô đang làm việc tại một nhà hàng ở một khu vực khai thác vàng xa xôi của tỉnh Aswan, nấu ăn và làm các công việc khác. “Tôi đã từ Ethiopia đến Sudan cách đây vài năm, sau đó đến Ai Cập. Đó là một hành trình khó khăn và dài qua tất cả khoảng cách và quốc gia này. Tôi muốn kiếm đủ tiền để đi qua Địa Trung Hải đến châu Âu”, cô nói.

Ai Cập: Vùng đất vàng của người tị nạn Sudan -0
Làm việc dưới lòng đất khá nguy hiểm, có rất ít ánh sáng và nguy cơ sập hầm mỏ rất cao. Ảnh: Francoise Beauguion.

Trong khi đó, Ai Cập đã hạn chế nghiêm ngặt các tuyến đường nhập cảnh hợp pháp từ Sudan kể từ khi chiến tranh nổ ra ở đó, khiến người tị nạn phải trả tiền cho những kẻ buôn lậu có liên hệ với cảnh sát để đưa họ qua biên giới. Một người lao động Sudan tên là Adam Mohamed chia sẻ rằng anh nghe nói có những kẻ buôn người có thể giúp đưa anh đến châu Âu qua Địa Trung Hải, nhưng họ tính phí ít nhất 2.000 USD. “Họ yêu cầu rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi muốn ở lại một thời gian để làm công nhân tại các khu vực khai thác vàng ở đây để có thể kiếm tiền trước khi chuyển đi”.

Trong một bối cảnh khác, dù đứng ở bất kỳ điểm nào trong sa mạc Aswan và nhìn ra bãi cát rộng lớn trải dài về phía chân trời theo mọi hướng, sự bao la, sự trống trải có vẻ thật khó để tưởng tượng rằng nơi đây đang diễn ra một cuộc chiến tranh âm ỉ. Vài năm trở lại đây, sa mạc phía Đông đã trở thành một vùng chiến sự. Máy bay chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ do thám. Có những cuộc phục kích dọc theo các con đường sa mạc, các cuộc đột kích, các phiên tòa quân sự, cái chết của lực lượng an ninh, những người đàn ông mang súng khoe khoang sức mạnh của họ.

Nhưng, đây không phải là một cuộc chiến về ý thức hệ hay một cuộc đấu tranh chính trị về hậu quả của cách mạng và phản cách mạng, mà vùng đất biên giới Aswan là nơi diễn ra một cuộc xung đột khác: một cuộc chiến tranh giành vàng. “Vàng giống như cá và sa mạc giống như biển cả”, một người thợ mỏ không chính thức ở Aswan nói khi mô tả công việc của họ. Đã có rất nhiều “ngư dân” ở đây, từ những kẻ buôn lậu và người dân bộ lạc địa phương đến các nhóm lao động, người di cư và thợ mỏ Ai Cập. Theo ước tính, trữ lượng của riêng mỏ Sukari, một trong những mỏ lớn nhất ở sa mạc phía Đông, vào khoảng 6 triệu ounce vàng. Giá 1 ounce vàng ở Ai Cập hiện là hơn 1.900 USD.

Khoản tiền tiềm năng từ trữ lượng vàng phong phú này đồng nghĩa với việc những “ngư dân” này không đơn độc. Họ cũng được các lực lượng dân quân vũ trang bảo vệ cổ phần của họ trong loại hàng hóa có giá trị dưới cát. Và, trong khi có xung đột giữa các lực lượng dân quân thì tình trạng bạo lực ở sa mạc đã leo thang kể từ khi nhà nước quyết định tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác vàng, vốn đã phần lớn thoát khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý an ninh trong nhiều năm. Một cuộc chiến tranh giành vàng đang tiếp diễn không có hồi kết.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)
.
.