Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui”

Thứ Sáu, 25/03/2022, 15:50

Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của nhiều người, những thẩm mỹ viện mọc lên như “nấm sau mưa” bất chấp quy định của pháp luật. Tỉ lệ thuận với nó là các ca biến chứng sau phẫu thuật làm đẹp ngày một tăng. Nhiều khách hàng không tìm hiểu kỹ càng về cơ sở mà mình sẽ “gửi trọn niềm tin” để rồi phải nhận hậu quả là “tiền mất tật mang”.

Nhập viện vì làm đẹp

Mới đây, Bệnh viện E đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 20 tuổi trong tình trạng nhiễm khuẩn ở hai bên mặt, xuất hiện các ổ áp xe gây sưng tấy, chảy mủ liên tiếp nhiều ngày. Bác sĩ Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân này đã sử dụng dịch vụ botox để thon gọn cơ hàm tại một cơ sở spa của người quen. Quá trình điều trị tại spa khiến tình trạng bệnh tăng nặng.  Khi nhập viện, mủ đã lan rộng, gây khó khăn cho việc điều trị.

Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui” -0
Bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện A1

Còn tại Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã cấp cứu 2 nạn nhân bị biến chứng nghiêm trọng do phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín tại cơ sở thẩm mỹ “chui”. Theo gia đình bệnh nhân, do nghe theo những lời quảng cáo “có cánh” của các cơ sở làm đẹp nên người thân của họ đã tìm tới để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Gần đây nhất, vụ tử vong của một phụ nữ sau khi đi nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ ở khu biệt thự trong ngõ 147A Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Nạn nhân là chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An).

Theo xác minh ban đầu, qua quan hệ xã hội, Nguyễn Sỹ Giang (27 tuổi, quê Nghệ An) quen biết Hoàng Minh Phong (28 tuổi, chủ cơ sở thẩm mỹ, ở quận Ba Đình, Hà Nội), rồi theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Mặc dù biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Giang vẫn đồng ý làm cùng. Hàng ngày, Giang đăng bài quảng cáo lên mạng xã hội về việc cơ sở làm đẹp có dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ để tìm khách. Khi có khách làm phẫu thuật thẩm mỹ, Phong sẽ thu xếp phòng phẫu thuật để cho Giang trực tiếp tiến hành làm phẫu thuật cho khách.

Tháng 5-2021, chị P.T.D.H. đã liên hệ với Giang và đặt cọc 35 triệu đồng để làm phẫu thuật nâng mũi. Chiều 14-1-2022, chị H. được Giang đưa lên tầng 6 của cơ sở thẩm mỹ “chui” để tiến hành phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật, Lê Ngọc Anh - 32 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - là người gây mê cho chị H. bằng thuốc Midazolam 5mg/ml. Còn Giang và 2 người khác tham gia cuộc phẫu thuật cho chị H. Quá trình phẫu thuật, chị H. có biểu hiện bất thường về sức khỏe và hôn mê nên những người này thông báo cho Phong để đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau nhiều ngày không có chuyển biến, gia đình đã đưa chị H. về Long An điều trị. Đến tối 16-3, chị H. tử vong.

Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui” -0
Chị L. bị biến chứng sau phẫu thuật cắt mí

Chỉ sau đó 2 ngày, đêm 18-3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận được tin báo về trường hợp tử vong khi nâng ngực ở Bệnh viện 1A (quận Tân Bình). Ngay sau đó sở này đã cử người đã đến hiện trường, cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nữ bệnh nhân này sinh năm 1989 đến Bệnh viện 1A ngày 18-3 để phẫu thuật nâng ngực và tử vong trong quá trình phẫu thuật tại bệnh viện. Vụ việc đang được Công an quận Tân Bình xử lý.

Nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng khi liên quan đến quyền lợi khách hàng họ sẵn sàng phủi tay. Chị Trịnh Minh Tr. (Hà Nội) nghe một người bạn mách rằng thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A thực hiện liệu trình giảm béo rất hiệu quả. Tin bạn nên chị Tr. đã rủ cả người anh của mình cùng đến đó với hy vọng sau một liệu trình hai anh em sẽ có một cơ thể thon gọn. Chị Tr. đăng ký liệu trình giảm mỡ bụng hết 40 triệu đồng và giảm mỡ bắp tay 20 triệu đồng. Riêng người anh của chị Tr. chỉ đăng ký liệu trình giảm mỡ bụng nên trả 40 triệu đồng. Cả hai đã được cơ sở này cam kết sẽ giảm từ 12cm-15cm bụng dưới sau 3 đến 4 tuần sử dụng dịch vụ. Đồng thời thẩm mỹ viện V.B.A cũng khẳng định trong bản cam kết: “Nếu không đạt dưới 50% thì sẽ hoàn lại tiền”. Tuy nhiên sau liệu trình, cả chị Tr. và anh của mình đều không thấy có chút hiệu quả nào đáng kể. Bức xúc vì bị mất tiền oan nên chị Tr. đòi lại tiền thì được cơ sở thẩm mỹ viện này nói rằng không thể hoàn trả mà chỉ được chuyển sang gói khác. Nhưng theo lời chị Tr. chia sẻ thì “khi họ đã không đảm bảo cam kết thì sao tôi có thể tin tưởng mà làm những liệu trình khác được”.

Trường hợp của chị Nguyễn Minh L. còn bi đát hơn nhiều. Trước đó chị L. đã đến một cơ sở thẩm mỹ tại khu vực quận Hoàng Mai để cắt mí. Sau đó mắt bị sưng đỏ có dấu hiệu biến chứng, các đường khâu hằn rõ. Chị L. đã đến cơ sở này bắt đền thì chủ cơ sở trả lời lạnh lùng rằng do chị không biết tự giữ vệ sinh nên đã xảy ra việc đáng tiếc này. Cuối cùng chị L. đành phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận.

Ẩn họa từ các cơ sở thẩm mỹ “chui”

Trên địa bàn Hà Nội, hiện nay các bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ gồm 10 bệnh viện: BV Hồng Ngọc, BV Thu Cúc, BV Việt Pháp, BV Trí Đức, BV Vinmec, BV Đa khoa An Việt, BV Đa khoa quốc tế Bắc Hà, BV Đa khoa Tư nhân Hà Thành, BV Đa khoa Tư nhân Hà Nội, BV Phương Đông.

Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui” -0
Cơ sở thẩm mỹ nơi chị H. nâng mũi

Theo quy định của pháp luật, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn, như nhấn mí, tiêm filer, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ… phải được cấp phép và chỉ được thực hiện tại bệnh viện. Đặc biệt những bệnh viện thẩm mỹ phải trải qua khâu thẩm định của Sở Y tế các tỉnh, thành phố với những yêu cầu rất khắt khe, được đánh giá hết sức chặt chẽ mới được cấp phép. Sau khi cơ sở đi vào hoạt động, Sở Y tế còn phải kiểm tra đột xuất không chỉ về thủ tục giấy tờ mà còn kiểm tra cả trình độ và việc cập nhật kiến thức của bác sĩ, vì theo quy định, trong 2 năm bác sĩ phải trải qua 48 tiết học liên tục để tiếp nhận kiến thức mới, nâng cao tay nghề.

Tuy nhiên, việc mua một chứng chỉ hành nghề về thẩm mỹ nhiều khi dễ như ăn kẹo. Bản thân phóng viên, trong quá trình đi tìm hiểu về “mua bán chứng chỉ” thẩm mỹ cũng đã có trong tay một tấm chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ do một trường đào tạo nghề cấp chỉ với giá 2 triệu đồng mà không cần qua một buổi đào tạo nào. Đây chính là lỗ hổng trong công tác quản lý của ngành nghề này.

Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui” -0
Dù không tham gia thi chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ nhưng phóng viên vẫn có bài thi đạt điểm 9

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huân công tác tại đơn vị tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh cho hay: “Có 2 điều kiện để có thể mở cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ: Thứ nhất, người làm phải có chức danh nghề của Sở Y tế cấp. Chức danh nghề đó thuộc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, và người đó phải là bác sĩ mới thực hiện được. Thứ 2 là cơ sở thẩm mỹ đó phải thuộc phòng khám thì mới được mổ xẻ. Về cơ sở, trước tiên phải có giấy phép của sở y tế địa phương. Đối với khách hàng, khi có ý định phẫu thuật thẩm mỹ thì việc đầu tiên là phải tìm hiểu người sẽ phẫu thuật cho mình có đủ giấy phép, giấy tờ cần thiết không, còn vấn đề đẹp xấu thì đừng nên quá tin vào những lời quảng cáo có cánh của các cơ sở thẩm mỹ”.

Ẩn họa từ những thẩm mỹ viện “chui” -0
Một ca biến chứng sau khi phẫu thuật nâng mũi

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Vũ Huân thì khi thực hiện những kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ, bản thân bác sĩ sẽ biết xử lý các vấn đề về nhiễm trùng hay biến chứng trong quá trình làm, thậm chí là vấn đề về cấp cứu. Những việc đó chỉ có bác sĩ đa khoa được đào tạo bài bản mới biết sử dụng thuốc để cấp cứu cho khách hàng nếu chẳng may gặp sự cố. Phẫu thuật thẩm mỹ được coi là đa ngành nghề, tức là phải làm nhiều kỹ thuật như gây tê, gây mê…  Những người không phải là bác sĩ được đào tạo đúng chuyên môn thì khi có biến chứng xảy ra sẽ không biết cách xử lý, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng khách hàng.

Thạc sĩ Huân cảnh báo, người dân nên tìm hiểu kỹ những cơ sở mình định làm phẫu thuật thẩm mỹ, không nên tin vào những quảng cáo hào nhoáng. Có những cơ sở thẩm mỹ mượn danh bác sĩ giỏi để lừa khách hàng. Khi khách hàng đã lên bàn mổ, gây mê thì hoàn toàn không nhận thức được bác sĩ nào phẫu thuật cho mình. Đây là một trong những chiêu trò của các phòng khám “chui” nhằm thu hút khách, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do làm đẹp.

Song Ngọc
.
.