An ninh trường học: Ngành “hái ra tiền” ở Mỹ

Thứ Sáu, 10/06/2022, 21:34

Sau vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại trường tiểu học Robb (Uvdale, bang Texas), Công ty TuffyPacks công bố doanh số các loại cặp học sinh chống được đạn của họ đã tăng 200%.

Thật khó tưởng tượng được bất kỳ ai lại có thể hưởng lợi từ những vụ xả súng trường học xảy ra liên tục ở Mỹ. Vậy nhưng quả thật có những người như vậy. Sau vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại trường tiểu học Robb (Uvdale, bang Texas), Công ty TuffyPacks công bố doanh số các loại cặp học sinh chống được đạn của họ đã tăng 200%. Ngay cả những miếng kevlar chống đạn để bỏ vào cặp sách được TuffyPacks sản xuất cũng đang trong tình trạng “cháy hàng”.

Các công ty sản xuất cặp chống đạn khác cũng báo cáo những con số tăng trưởng ấn tượng như vậy. Người đại diện công ty chuyên sản xuất áo giáp ArmorMe trả lời phỏng vấn: “Trung bình mỗi tháng chúng tôi bán được 100 sản phẩm. Hiện nay doanh số bán cặp sách chống đạn của công ty đã lên đến 300 sản phẩm/tháng. Các loại cặp sách chúng tôi sản xuất có khả năng chống chịu được gạch đá, dao đâm lẫn đạn súng lục nên đã gây dựng thành công chỗ đứng cho mình trên thị trường”.

o.jpg -0
Không nơi nào trên thế giới mà trường học có nhiều camera giám sát như ở Mỹ

Cặp sách chống đạn chỉ là một trong những sản phẩm đang “nở rộ” vì khủng hoảng súng đạn tại trường học Mỹ. Có cả một ngành công nghiệp trị giá 3,8 tỷ USD đang phát triển từng ngày nhờ vào những thảm kịch đẫm máu. Đặt sang một bên những câu hỏi về đạo đức, không ít nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các sản phẩm và giải pháp an ninh trường học đang được thương mại hóa.

Nấm mọc sau mưa

Hội đồng An toàn trường học (SSAC) là một tổ chức vận động hành lang do những công ty cung cấp sản phẩm và giải pháp an ninh trường học. Đến với hội chợ do SSAC tổ chức hằng năm, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng đủ loại mặt hàng lạ đến mức ít người tin là có thật: bảng đen chống đạn, rèm cửa kevlar, bút kết hợp bình xịt hơi cay, v.v… Hội chợ SSAC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, không lâu sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản chi 350 triệu USD cho các trường học để họ mua sắm thiết bị an ninh. Đây là cách Washington phản ứng vụ xả súng Parkland giết chết 17 nạn nhân và làm 17 người khác bị thương xảy ra không lâu trước đó.

nhieu.jpg -0
Nhiều trẻ em Mỹ đang đến trường với chiếc cặp chống đạn trên vai

“Tâm điểm” của hội chợ SSAC luôn là những chiếc camera giám sát. Theo báo cáo của Cục Thống kê Mỹ, đến 94% số trường học tại Mỹ đã được trang bị hệ thống camera theo dõi 24/24. Không ít trong số này sử dụng những chiếc máy quay sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt và âm thanh. Ngay sau khi ghi âm được tiếng súng, hệ thống máy quay sẽ tự động chĩa về phía kẻ gây án nhằm chụp được khuôn mặt của hắn, sau đó đối chiếu hình ảnh với các hệ thống cơ sở dữ liệu nhận dạng nhằm tìm xem hung thủ là ai.

phu.jpg -0
Phụ huynh bất an sau những vụ xả súng trong trường học ở Mỹ

Ông Harry Rhulen, đồng sáng lập viên Công ty Firestorm Solutions chuyên tư vấn an ninh cho các trường học, phát biểu: “Thảm kịch có thể xảy ra tại bất kỳ trường học nào. Bao giờ cũng có những học sinh, giáo viên đang gặp vấn đề trong cuộc sống riêng tư. Có thể họ đang nghiện ngập; có thể họ bị trầm cảm hoặc phải chịu đựng bạo hành gia đình. Chỉ cần một thứ rất, rất nhỏ thôi cũng có thể đẩy những người này đến chỗ gây ra thảm sát. Chúng ta không thể biết thủ phạm tiếp theo sẽ là ai, nhưng tất cả chúng ta đều có thể tự bảo vệ mình”.

Ngoài việc tư vấn cho nhà trường xem nên mua gì, các công ty như Firestorm còn là “cầu nối” giữa ban giám hiệu và giới chuyên gia an ninh. Những vị chuyên gia này đem kỹ năng họ giảng cho binh lính, cảnh sát mà dạy học sinh. Một học sinh lớp 4 tại Atlanta (bang Georgia) kể lại khóa “huấn luyện” chống khủng bố mà em được tham gia: “Chúng em được học cách đi zig-zag, cách trốn dưới đáy tủ, v.v… Chúng em còn phải làm diễn tập nữa. Khi nghe thấy tiếng chuông báo động thì bốn bạn to con nhất trong lớp sẽ phải đứng ở hai bên cửa, chờ cho kẻ xả súng đi vào thì nắm lấy tứ chi để khống chế hắn”.

Các em còn được dạy cách quan sát, theo dõi bạn bè. Em nào phát hiện bạn có những biểu hiện bất thường thì phải báo ngay cho giáo viên. Còn bản thân các thầy cô giáo thì được giao trách nhiệm thường xuyên kiểm tra tài khoản mạng xã hội của học trò mình. Theo cách lý luận của các vị cố vấn thì đa số kẻ xả súng bị cực đoan hóa trên môi trường internet, nên theo dõi ngôn từ học sinh sử dụng trên mạng xã hội là cách tốt nhất để sớm xác định em nào có nguy cơ trở thành sát thủ.

cang.jpg -0
Ngày càng có nhiều trường học ở Mỹ được dựng hàng rào

“Như một cái chợ”

Không phải nhà quan sát nào cũng chia sẻ quan điểm rằng ngành an ninh trường học sẽ còn tăng trưởng trong dài hạn. Một vị chuyên gia giấu tên của công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit nhận xét: “Hầu hết các trường học đều đã mua sắm đầy đủ hệ thống camera, máy dò kim loại, v.v.... Các công ty an ninh không còn có thể chỉ dựa vào sản phẩm hiện có của mình mà buộc phải nghĩ ra những sáng kiến mới. Một số xu hướng đang nổi lên trên thị trường lúc này có cửa đóng mở tự động và máy đo tầm nhiệt cảnh giới”.

Nguy cơ thị trường sụt giảm cũng đang khiến các công ty an ninh nghĩ ra nhiều cách khác nhau nhằm mời chào sản phẩm của mình. Nhân viên bán hàng của họ nơi nào cũng có mặt: trường học, nhà riêng của giáo viên, sở giáo dục – đào tạo địa phương, hội chợ giáo dục. Một số công ty còn tổ chức những khóa đào tạo miễn phí để lôi kéo ban giám hiệu.

dat.jpg -0
Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở trường tiểu học Robb, thị trấn Uvalde, bang Texas khiến 19 trẻ em và 2 giáo viên thiệt mạng

Ông Joseph Erardi từng phụ trách các trường hiểu học công lập tại bang Connecticut vào thời điểm vụ xả súng kinh hoàng xảy ra ở trường tiểu học Sandy Hook, kể lại: “Họ gõ cửa từng trường một chỉ để nói với các thầy cô giám hiệu là: “Đừng để trường của anh/chị giống như Sandy Hook”. Tôi nhiều lần chứng kiến việc đó tận mắt. Lần nào tôi cũng chỉ nghĩ thầm: “Đuổi ngay cái thằng này đi”. Họ kiếm tiền trên một vụ thảm sát như thế đúng thật là không coi ai ra gì cả”.

Liệu có hiệu quả?

Những chiếc camera, cửa an toàn hay các buổi diễn tập, v.v… hiệu quả đến đâu trong việc bảo vệ học sinh? Ngay cả SSAC cũng thừa nhận rằng ít có số liệu chứng minh điều này. Một quan chức SSAC thú nhận với phóng viên tờ New York Times sau vụ xả súng Parkland: “Các sản phẩm và giải pháp an ninh do doanh nghiệp thành viên SSAC cung cấp chỉ mang tính phòng ngự bị động. Khi có người cầm súng bước qua cổng trường thì mọi chuyện đã quá muộn”.

viec.jpg -0
Việc tăng cường an ninh tại các trường học không hiệu quả như nhiều người Mỹ tưởng tượng

Xét về mặt chuyên môn, Bộ Giáo dục Mỹ đến nay vẫn chưa đặt ra bất kỳ quy chuẩn nào chứng nhận “trường học an toàn”. Việc mua sắm trang thiết bị và tập huấn đều được nhà trường tự quyết. Điều này đang tạo cơ hội cho các công ty không hề có chuyên môn xâm nhập vào thị trường. Ví dụ như ở trường tiểu học Littleton tại thành phố Littleton, bang Colorado, học sinh được một vị “chuyên gia” dạy rằng khi có kẻ xả súng, các em phải đồng loạt lao ra vật ngã hắn. Một giáo viên phàn nàn: “Tôi hỏi ông ta: “Trẻ con tay không mà sao ông lại bảo chạy về phía kẻ có súng?” thì ông ta trả lời: “Cùng lắm kẻ kia cũng chỉ bắn được một hai em, còn cứ có hơn chục em cùng xông vào thì chắc chắn hắn ta sẽ bị hạ gục”.

Việc chi quá nhiều tiền cho camera giám sát, hàng rào dây thép gai, v.v… còn khiến các nhà trường “bỏ quên” hỗ trợ chính các em học sinh. Một vị chuyên gia giải thích: “Phần lớn các vụ xả súng ở trường học bị gây ra bởi người đang hoặc đã từng theo học tại trường. Thứ nhất, họ hiểu quá rõ các biện pháp an ninh trong khuôn viên trường. Thứ hai, số tiền mua thiết bị an ninh đáng lẽ ra nên được dùng để điều trị tâm lý cho học sinh hay hỗ trợ gia đình các em”.

Một điều mà nhiều chuyên gia nhắc đến gần đây là việc bang Texas, nơi vừa xảy ra vụ sả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Robb, nằm trong số những bang có tỷ lệ người trẻ mắc các hội chứng về tâm lý cao nhất nước Mỹ. Đại đa số các hung thủ giết người ở trường học mắc một hay nhiều chứng bệnh tâm lý cùng lúc. Ý kiến chung của nhiều nhà quan sát là nhà trường và chính quyền cần phải làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho các em. Bằng cách tạo ra môi trường lành mạnh, ít áp lực hơn cho học sinh, người Mỹ hoàn toàn có thể cắt giảm nguy cơ xảy ra xả súng tại trường học.

Ở Mỹ đã có một số trường tổ chức tháo camera giám sát và thiết bị dò tìm kim loại. Ban giám hiệu các trường này hiểu rằng trẻ em cũng như người lớn khó chấp nhận được việc lúc nào cũng bị theo dõi. Nhà trường bỏ thiết bị giám sát cũng là cách để giảm áp lực lên các em.

Công Vũ (Tổng hợp)
.
.