Andrew Tate - Mối họa “giang hồ mạng”

Thứ Bảy, 03/09/2022, 16:19

Hiện tượng “giang hồ mạng” trong những năm gần đây đã gây xôn xao dư luận. Xã hội đã buộc phải đặt câu hỏi phải xử trí ra sao trước những hành động “ngông cuồng” của các nhân vật trên mạng, vốn quen thói “bán trời không văn tự”.

Những đối tượng này xuất hiện chưa lâu mà đã gây ra ảnh hưởng xấu lên thanh thiếu niên. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một kẻ trong số chúng sở hữu khối lượng khán giả lên tới hàng chục triệu người từ nhiều nước khác nhau?

Chân dung kẻ côn đồ

Andrew Tate sinh ra tại Mỹ, nhưng lại lớn lên ở Anh. Cha của hắn là kiện tướng cờ vua thế giới Emory Tate. Thuở nhỏ Andrew được cha hướng theo nghiệp cờ. Do nhiều lý do khác nhau, hắn ta lại trở thành võ sỹ kickbox chuyên nghiệp. Từng có một thời Andrew Tate được coi là võ sỹ trẻ có triển vọng nhất nước Anh với những huy chương vàng giành được trong các giải do Hiệp hội thể thao quốc tế tổ chức.

1.jpg -0
Andrew Tate điều hành một mạng lưới lừa đảo trị giá triệu đô.

Sự nghiệp trên sàn đấu của Andrew bất ngờ sụp đổ chỉ vì một đoạn video. Trong khi võ sỹ đang tham gia chương trình truyền hình thực tế “Big Brother”, trên Youtube xuất hiện một đoạn phim quay cảnh hắn ta dùng dây lưng đánh bạn gái thậm tệ. Tuy cả hai người sau đó đã lên tiếng làm rõ sự việc chỉ là họ diễn kịch, Andrew Tate vẫn trở thành nhân vật mà không ai muốn lại gần. Hắn bị cắt khỏi chương trình “Big Brother” và buộc phải từ giã sự nghiệp thi đấu.

Một người bạn giấu tên của Andrew Tate hé lộ với tờ The Daily Mail: “Andrew lúc đó đang ở điểm “đáy” cuộc đời. Anh ấy dành hết thời gian ở nhà lướt mạng. Lúc đấy có hai sự việc đã làm thay đổi con người Andrew. Cả hai đều diễn ra trên Twitter. Thứ nhất là việc Andrew công khai ủng hộ đạo diễn Harvey Weinstein sau khi ông này bị lộ ra là kẻ chuyên đi cưỡng hiếp diễn viên. Còn việc thứ hai là anh ấy cho đăng tải dòng tweet: “Bệnh trầm cảm là không có thật”. Andrew nhận được rất, rất nhiều sự ủng hộ từ những phát ngôn này. Có thể đấy chính là lúc anh ấy nghĩ ra một cách mới để “moi tiền” dân mạng”.

Động thái đầu tiên của Andrew Tate là thay đổi hình ảnh của mình. Từ chỗ tỏ ra khá là kín đáo về đời tư, Andrew xuất hiện đầy rẫy trên các mạng xã hội. Bức ảnh nào của Andrew cũng có cảnh hắn đeo kính râm, miệng phì phéo điếu xì gà. Đi kèm ảnh luôn là các phát ngôn “gây sốc”. Những câu nói như vậy nhanh chóng biến Andrew Tate thành người nổi tiếng(!) Có rất nhiều ý kiến phản đối quan điểm của cựu võ sỹ, nhưng cũng không ít người đứng lên bảo vệ hắn, trong đó có một bộ phận đáng kể là thanh thiếu niên.

Sau khi biến mình thành “người hùng” trong mắt nhiều cậu trai trẻ, Andrew Tate mở ra thứ gọi là “Đại học Hustler”. Đây thực ra là một khóa học online nhằm dạy cho thanh thiếu niên cách “làm tiền và cưa gái”. Người học được xem hàng trăm video dạy đủ thứ trên trời dưới biển, từ cách chuốc rượu cho phụ nữ say đến làm thế nào để “đào” tiền ảo crypto. Mỗi học viên còn có cơ hội được nhận tiền thưởng nếu như lôi kéo được thêm nhiều người đăng ký khóa học. Andrew thậm chí còn công khai kêu gọi người theo học đăng tải những đoạn phim có ghi hình hắn ta lên tài khoản mạng xã hội của họ để giúp hắn nổi tiếng hơn nữa.

Andrew Tate - Mối họa “giang hồ mạng” -0
TikTok đã trở thành kênh truyền thông chính của Andrew Tate

Nếu chỉ như vậy thì Andrew Tate có thể chỉ là một kẻ lừa đảo đa cấp. Nhưng hắn còn kiếm tiền theo một cách khác hiểm độc hơn. OnlyFan là một trang web cho phép người dùng trực tiếp “tài trợ” cho các cá nhân mình hâm mộ. Báo The Guardian đã điều tra và phát hiện ra 75 tài khoản OnlyFan khác nhau có quan hệ với Andrew Tate. Hắn ta buộc những người tình của mình lên OnlyFan viện lý do mình bị bệnh, nhà bị cháy, v.v… để cầu xin tiền ủng hộ. Những cô gái có nhan sắc, lại đang rơi vào cảnh khổ cực nên rất dễ làm mủi lòng người khác. Tất nhiên là tiền sẽ chảy vào túi kẻ chủ trang. Nhờ OnlyFan mà Andrew trở thành triệu phú vào năm 33 tuổi.

Một trong số những cô gái được Andrew Tate “quản lý” thuật lại với phóng viên báo The Guardian: “Chúng tôi quen nhau qua lời giới thiệu của người bạn thân của tôi. Anh ta (Andrew Tate) mua cho tôi rất nhiều quà, rồi chúng tôi trở thành người yêu của nhau. Một ngày nọ, anh ta bất ngờ yêu cầu tôi hoặc là trả hết quà cho anh ta, hoặc là làm việc cho anh ta qua OnlyFan… Cứ mỗi phút tôi ngồi nói chuyện qua webcam với người đàn ông nào thì Andrew bắt họ trả $4. Anh ta lấy đi khoảng 20-30% số tiền tôi kiếm được”.

Tờ Daily Mirror từng có một cuộc phỏng vấn với Tristan Tate, em trai của Andrew Tate và là chủ mưu thứ hai. Hắn ta thẳng thắn nói với phóng viên rằng, “Tất cả chỉ là một trò lừa đảo”, nhưng sau đó lại lấp liếm là: “Chúng tôi không làm gì sai. Họ đều tự nguyện cho tiền chúng tôi”. Theo lời Tristan, anh em hắn kiếm được khoảng $600,000 từ OnlyFan.

Anh em nhà Tate còn trắng trợn hơn nữa khi quảng cáo những khóa học “kiếm tiền” trên OnlyFan. Chỉ với $2.000, người học sẽ được tiếp thu tất cả các thứ “chiêu trò” của Andrew. Phóng viên Adin Ross của đài BBC nhận xét sau khi tham gia một khóa học như vậy: “Trước khi nghe Andrew Tate giảng, tôi nghĩ anh ta giống như một gã ma cô dắt gái điếm. Sau khi nghe anh ta giảng, tôi vẫn nghĩ thế”.

Lẩn trốn

Cảnh sát Anh buộc phải vào cuộc sau khi nhận được nhiều lời tố cáo từ các nạn nhân của Andrew Tate, trong đó có một cô gái bị hắn ta đánh đến trọng thương. Theo báo chí Anh, nạn nhân bị hành hung sau khi không kiếm đủ hạn mức do Andrew Tate áp đặt. Trước khi hắn ta bị tạm giữ và đưa ra tòa vì 11 tội danh khác nhau, Andrew Tate đã kịp chạy trốn sang Romania. Hắn hiện đang sống tại một khu biệt thự đắt tiền với 20 lính gác có vũ trang túc trực 24/24.

Trong một đoạn phim đăng tải trên tài khoản TikTok của mình, Andrew Tate chìa ra 10 quyển hộ chiếu của mình và nghênh ngang phát biểu: “40% lý do tôi chuyển nhà là vì tại Đông Âu dễ thoát tội”.

Andrew Tate - Mối họa “giang hồ mạng” -0
Cảnh sát Mỹ đã tịch thu không ít súng đạn từ biệt thự của Andrew Tate

Dư luận quốc tế hiện nóng lòng muốn biết những gì đã và đang xảy ra trong biệt thự của Andrew Tate. Vào hồi đầu năm nay xuất hiện thông tin rằng một người phụ nữ Mỹ bị anh em nhà Tate bắt cóc và giam giữ tại biệt thự. Đại sứ quán Mỹ ở Romania sau đó đã thông tin cho cảnh sát nước này. Sau cuộc đột kích của Cơ quan Chống tội phạm và khủng bố Romania (DIICOT) vào biệt thự của Andrew Tate, cảnh sát đã giải cứu được một phụ nữ Mỹ và một phụ nữ Romania. Cả hai đều có thương tích trên người. Người phụ nữ Mỹ khai rằng cô bị Tristan Tate lừa sang Romania, sau đó bị giam lỏng tại nhà của anh em Tate để kiếm tiền qua OnlyFan cho họ. Cả hai anh em từng đe dọa giết cô gái nếu tìm cách chạy trốn. Chỉ nhờ may mắn mà cô ăn trộm được một chiếc điện thoại để nhắn tin cầu cứu bạn trai ở Mỹ.

Hiện vụ việc vẫn đang được nhà chức trách Mỹ và Romania tiếp tục điều tra. Cả hai bên từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào cho báo giới nhằm bảo vệ nhân thân của các nạn nhân. Về phần mình, Andrew Tate công khai phủ nhận mọi hành vi phạm tội của mình.

Mối họa lâu dài

Điều đáng sợ là kể cả khi thông tin về những hành động phạm pháp của Andrew Tate phủ đầy những phương tiện truyền thông, hắn vẫn thu hút được một lượng lớn khán giả. Mỗi video của hắn trên TikTok trung bình vẫn có khoảng 14 triệu lượt người xem. Có thông tin rằng Andrew Tate vẫn đang tiếp tục kiếm tiền từ Đại học Hustler qua các trung gian ở Mỹ và Anh. Tại sao một kẻ tội phạm như vậy vẫn có những fan hâm mộ cuồng nhiệt đến thế?

Andrew Tate - Mối họa “giang hồ mạng” -0
Hình ảnh Andrew Tate xuất hiện trên các nền tảng xã hội

Tờ The Morning Star (Anh) có lẽ là bên đến gần nhất với sự thật. Báo nhận xét: “Ai cũng biết rằng thanh thiếu niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, nhưng chẳng có ai chịu đứng ra làm hình mẫu cho các em. Andrew Tate đã nhìn thấy lỗ hổng này và nhảy vào. Hắn ta tỏ ra như một người bạn và một người thầy với những chàng trai vẫn chưa có cái nhìn đời hoàn thiện. Nhiều người trẻ không biết rằng chẳng phải cứ có thật nhiều tiền thì mình nghiễm nhiên là người thành công”.

Phải sau khi một số mạng xã hội như Facebook và Twitter chịu áp lực khủng khiếp từ công luận, họ mới chịu cấm anh em nhà Tate không được sử dụng dịch vụ. Động thái muộn màng này đã và đang thu hút nhiều lời chỉ trích khác nhau. Không ít ý kiến cho rằng các mạng xã hội vì muốn lợi dụng tối đa danh tiếng của Andrew Tate nên đã “quay mặt làm ngơ” trước tội ác hắn gây ra. Điều này lại một lần nữa cho thấy sự mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của mạng xã hội và sự an toàn thông tin của người dùng.

Andrew Tate không phải kẻ lừa đảo đầu tiên lợi dụng lòng tin của giới trẻ nhằm kiếm tiền. Điều đáng chú ý là tầm ảnh hưởng của hắn lớn hơn tất cả các đối tượng khác. Nếu Andrew Tate thoát được tội, điều đó chẳng khác gì nói với giới trẻ rằng các hành vi lừa đảo đa cấp, hành hạ phụ nữ, kinh doanh mại dâm, v.v… là cách kiếm tiền nhanh chóng mà lại an toàn? Trong khi chờ đợi những kết quả tích cực từ cuộc điều tra, từ những bậc cha mẹ đến nhà chức trách cần phải nhanh chóng có biện pháp cách ly con trẻ khỏi anh em Tate. Về lâu dài, vấn đề cần được giải quyết là tạo ra được những hình mẫu mới tích cực để mà thanh thiếu niên có thể noi theo. Chúng ta không thể tiếp tục để mạng xã hội làm việc dạy dỗ trẻ con thay chúng ta nữa.

Lê Công Vũ
.
.