Anh dập tắt các vụ bạo loạn chống nhập cư, nhưng phần khó hơn còn ở phía trước
Sau khi dập tắt các vụ bạo loạn chống nhập cư, chính phủ Thủ tướng Keir Starmer đối mặt với nhiệm vụ khó hơn, đó là giải quyết tận gốc rễ vấn đề người di cư vào Anh.
Lửa bạo loạn đã được dập tắt...
Chính phủ mới của Anh đã dập tắt được tình trạng bạo loạn chống nhập cư gần đây bằng cách nhanh chóng bắt giữ và truy tố hàng trăm người tham gia những vụ bạo lực đường phố kéo dài 7 ngày, bao gồm cả đám đông phá hoại các nhà thờ Hồi giáo và đốt các khách sạn nơi người di cư trú ngụ.
Cuộc bạo loạn khởi đầu từ việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh 3 bé gái bị đâm chết bằng dao ở Southport (gần Liverpool), được cho là do một người nhập cư Hồi giáo nhập cảnh bất hợp pháp gây ra. Mồi lửa này đã châm ngòi cho những ngày kinh hoàng ở Vương quốc Anh, khi những người biểu tình chống nhập cư làm loạn, đập phá và tấn công cả cảnh sát tại nhiều thành phố và thị trấn.
Xét về tổng thể, sự tức giận do phân biệt chủng tộc ở Anh đã bị đẩy lên mức cao nhất kể từ những năm 1980 và khiến nhiều nhóm thiểu số của đất nước tự hỏi họ thực sự được chào đón như thế nào trong một xã hội bình thường vốn khoan dung và ngày càng trở nên đa dạng?
Các cuộc bạo loạn là một phép thử bằng lửa đối với Thủ tướng Keir Starmer, người lên nắm quyền vào tháng 7 khi đảng Lao động của ông giành chiến thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ. Sir Starmer đã được ghi nhận vì phản ứng nhanh chóng, tái khẳng định luật pháp và trật tự trên đường phố. Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo 61 tuổi, giờ đây nhiệm vụ khó khăn hơn mới bắt đầu: giải quyết tận gốc rễ các cuộc bạo loạn, cụ thể là thực hiện lời hứa giảm mức nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp vốn gần như đạt kỷ lục, cả hai đều tăng mạnh trong những năm gần đây khiến vấn đề nhập cư trở thành mối quan tâm hàng đầu của cử tri Anh.
Sau các cuộc bạo loạn, một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường và điều tra xã hội học YouGov cho thấy hơn một nửa người Anh đã chọn “người nhập cư và tị nạn” là một trong những vấn đề hàng đầu mà đất nước phải đối mặt - gần như ngang bằng với những lo lắng về nền kinh tế. Và, mức độ lo ngại đó của cử tri đã tăng lên cao nhất kể từ năm 2016 - thời điểm Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Nhưng than hồng vẫn âm ỉ cháy
Thủ tướng Starmer quy kết các vụ bạo loạn vừa qua là “hành vi côn đồ cực hữu”. Nhưng, một số nhà phân tích chính trị cho rằng sẽ là sai lầm nếu chỉ đổ lỗi cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc bỏ qua một số sự ủng hộ rộng rãi hơn dành cho những kẻ gây rối.
Theo khảo sát của YouGov, 16% người được hỏi cho rằng những kẻ gây ra các bạo loạn có “mối quan ngại chính đáng” và một số lượng lớn hơn nhiều ủng hộ quan điểm rằng chính sách nhập cư là một lời giải thích cho các cuộc bạo loạn. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, có tới 57% người được hỏi cho biết tình trạng nhập cư tại Anh hiện tại là “quá cao” và chỉ 4% cho rằng “quá thấp”.
Kể từ năm 2000, tỷ lệ dân số Vương quốc Anh sinh ra ở nước ngoài đã tăng gấp đôi, lên mức 17%. Để tiện so sánh, con số này cao hơn tỷ lệ 14% của Mỹ dù khác với Mỹ, Anh không phải là quốc gia nhập cư. Trong nhiều thập kỷ cho đến những năm 1990, số người rời đi bằng số người đến - duy trì tỷ lệ nhập cư ròng tại Anh ở mức khoảng 0. Tuy nhiên, kể từ thập kỷ đó, số người đến bắt đầu nhiều hơn số người rời đi, một quá trình diễn ra nhanh hơn khi Anh thu hút thêm nhiều người di cư hợp pháp từ khắp Liên minh châu Âu (EU): từ công nhân xây dựng Ba Lan cho đến bồi bàn Croatia. Vào thời điểm nước Anh chọn Brexit, tỷ lệ nhập cư ròng đã lên tới hơn 300.000 người/năm.
Brexit được kỳ vọng sẽ làm giảm lượng nhập cư hợp pháp ròng vì hầu hết công dân EU sẽ không còn có thể sống ở Anh mà không cần thị thực. Nhưng, trong khi Brexit trao cho Anh quyền kiểm soát nhiều hơn với những người nhập cư từ EU, các quy tắc về thị thực mà London đưa ra lại cho phép nhiều người hơn từ các nơi khác trên thế giới nhập cảnh vào Anh. Kết quả là lượng nhập cư hợp pháp ròng tăng nhanh, đạt mức kỷ lục là 764.000 người vào năm 2022 trước khi giảm nhẹ xuống còn 685.000 người vào năm 2023, theo số liệu thống kê của Chính phủ Anh.
Điều này diễn ra bất chấp lời cam kết chính thức của chính phủ do đảng Bảo thủ đưa ra là sẽ giữ số lượng nhập cư ròng dưới 100.000 người/năm. Trong vài năm qua, một số người mới đến là một phần của chương trình nhân đạo giúp đỡ người Ukraine và công dân của cựu thuộc địa Hong Kong. Nhưng, tổng số đó chỉ là 102.000 người vào năm ngoái. Phần lớn người nhập cư vào Anh là những người lao động, sinh viên và những gia đình được cho phép đoàn tụ.
Thuận lợi ít, thách thức nhiều
Chính phủ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak gần đây đã thắt chặt các quy định về thị thực, khiến những người đến Anh khó mang theo thân nhân. Điều đó có nghĩa là số lượng người nhập cư hợp pháp sẽ bắt đầu giảm trong năm nay và những năm tiếp theo. Các chương trình nhân đạo cho Ukraine và Hong Kong cũng đang dần kết thúc. Đấy là những bối cảnh thuận lợi để Thủ tướng Starmer đưa ra lời hứa giảm số người nhập cư ròng. “Chính quyền của ông Starmer sẽ thừa hưởng một làn gió thuận về số lượng di cư hợp pháp”, Rob McNeil, Phó Giám đốc Đài quan sát di cư tại Đại học Oxford, nhận định.
Nhưng, thách thức vẫn còn rất nhiều. Thủ tướng Starmer sẽ phải cố gắng cân bằng giữa việc giảm người nhập cư ròng với thiệt hại tiềm tàng cho nền kinh tế do tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc người già. Bên cạnh đó còn khả năng khôi phục quyền tự do đi lại với EU.
Tờ Times dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết đảng Lao động sẽ nhượng bộ về vấn đề này như một phần trong nỗ lực thiết lập lại quan hệ với EU. Nhiều khả năng sẽ có một thỏa thuận cho phép công dân EU dưới 30 tuổi đến sống và làm việc tại Anh trong 3 năm và đổi lại, những người Anh dưới 30 tuổi có thể nhận được các quyền tương hỗ tại bất kỳ quốc gia EU nào được chỉ định.
Việc đặt ra giới hạn thời gian và độ tuổi đối với công dân EU được làm việc tại Anh sẽ cho phép Thủ tướng Starmer tuyên bố rằng ông đã giữ lời hứa không mang lại quyền tự do đi lại hoàn toàn. Tuy nhiên, đây sẽ là một sự phân biệt mà không có nhiều khác biệt thực sự. Bởi, trong các khảo sát tại Anh chỉ ra rằng nhóm tuổi lớn nhất nhập cư ròng vào nước này là từ 20 đến 24 tuổi, tiếp theo là những người từ 25 đến 29 tuổi. Và, tự do di chuyển luôn là xu hướng của thanh niên trong khi tại EU nói chung và Nam Âu nói riêng, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên đang rất nghiêm trọng.
Hiện tại, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, Romania và Bồ Đào Nha đều nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 20%. “Vậy, có bao nhiêu người trẻ châu Âu có thể mong đợi đến Anh nếu một thỏa thuận như vậy được nhất trí?” - Patrick O'Flynn - cựu Nghị sĩ châu Âu và biên tập viên chính trị của tờ Daily Express đặt câu hỏi.
Phần còn lại khó khăn hơn nữa là nhập cư bất hợp pháp, vốn đã tăng mạnh gần đây. Trong thập kỷ qua, Chính phủ Anh và Pháp đã cố gắng phối hợp để ngăn chặn người nhập cư đi qua đường hầm eo biển Manche bằng cách ẩn mình trong xe tải và các container. Nhưng, điều đó lại khiến một lượng lớn người nhập cư đi đến eo biển Manche để vượt qua biển tới Anh bằng thuyền hơi.
Số lượng nhập cư bằng con đường này đã tăng nhanh, từ chỉ 299 người vào năm 2018 lên mức kỷ lục 45.774 người vào năm 2022 trước khi giảm xuống còn 29.437 người vào năm 2023. Nhưng, các cuộc vượt biển năm nay lại đang trên đà lập kỷ lục. Chỉ 6 tháng qua, đã có khoảng 31.000 người nhập cư vào Anh bất hợp pháp sau khi vượt Manche bằng những con thuyền mỏng manh.
Thủ tướng Starmer đã hủy bỏ kế hoạch gửi những người xin tị nạn đến Rwanda của chính quyền trước và cho biết sẽ tập trung vào việc phá vỡ các băng nhóm tội phạm chuyên chở những người tị nạn tiềm năng. Ông cũng có kế hoạch đẩy nhanh quá trình xử lý những người xin tị nạn khi họ đã đến Anh.
Nhưng, việc ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp luôn đi đôi với vấn đề đạo đức và áp lực từ các đảng đối lập cũng như các nhóm nhân quyền. Theo tờ Independent, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội về kế hoạch mới nhất của chính phủ nhằm chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp vào Anh.
Bà Cooper đã công bố việc mở rộng thêm 290 giường cho 2 trung tâm giam giữ người nhập cư (Campsfield House ở Hampshire và Haslar ở Oxfordshire) và trục xuất hơn 14.500 người nhập cư bất hợp pháp trong vòng 6 tháng tới, con số cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, các quyết định này được mô tả là “một bước lùi” khi 2 trung tâm giam giữ người nhập cư kể trên từng bị đóng cửa do "gặp phải nhiều vấn đề" bao gồm cả tuyệt thực và tự tử. Trong khi đó, Giám đốc chương trình Quyền tị nạn và di cư của Tổ chức Ân xá quốc tế, Steve Valdez-Symonds, chỉ trích kế hoạch trục xuất người di cư là một sự “làm nóng lại” thông điệp cũ của đảng Bảo thủ về an ninh biên giới, đồng thời cảnh báo rằng cách tiếp cận “an ninh hóa” này có thể ngăn cản những người xin tị nạn thực sự tìm kiếm được nơi ẩn náu.
Theo các nhà phân tích, kế hoạch trục xuất 14.500 người nhập cư bất hợp pháp cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho phe cực hữu. “Thay vì mở đường an toàn cho những người tị nạn cần được bảo vệ, chúng ta lại mở đường cho phe cực hữu phát triển. Kế hoạch này sẽ nuôi dưỡng cơn điên cuồng của những người cảm thấy có mối liên hệ giữa đói nghèo và nhập cư”, Weyman Bennett - đồng sáng tập tổ chức nhân quyền Stand Up To Racism, cảnh báo.
Rõ ràng, giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào Anh một cách nhân đạo nhưng hiệu quả là thách thức rất lớn với chính phủ Thủ tướng Starmer, lớn hơn nhiều so với việc trấn áp những kẻ gây bạo loạn trên đường phố gần đây.