Bà chủ tiệm tạp hóa và đường dây ma túy xuyên biên giới
Cả đường dây ma túy xuyên quốc gia gồm đối tượng vượt biên sang Lào “nhập hàng” đến đối tượng vận chuyển, đối tượng tiêu thụ… đã bị cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa hốt trọn. Với danh nghĩa là chủ tiệm tạp hóa, cầm đồ, chủ tiệm nail…, các đối tượng đã tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo. Nhưng, chúng không ngờ, dù tinh vi đến đâu, cũng bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.
“Bà trùm” ẩn danh
Ở TP Thanh Hóa, “bà trùm” Tống Thị Bích (tức Phương Lâm, SN 1972, trú tại phố Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) hầu như chưa có “tì vết” gì. Nhà Bích ở 333 Lê Lai - ngôi nhà rất đẹp với mặt tiền rộng thênh thang, mặt đường từ TP Thanh Hóa đi Sầm Sơn. Một phần mặt tiền, Bích mở tiệm tạp hóa, phần còn lại cô ta mở tiệm cầm đồ, cho vay tài chính nên giàu có nhất nhì khu phố. Mọi người ai cũng nghĩ sự giàu có của cô ta là nhờ vào kinh doanh, không ai biết, cửa hàng chỉ là tấm bình phong che giấu chân tướng “bà trùm” ma túy.
Bích còn có tên là Phương, chồng cũ tên là Lâm nên người dân trong vùng thường gọi là Phương Lâm. Sau khi ly hôn, Bích cặp và sống như vợ chồng với Trần Quang Tiến (Tiến “kiu”), SN 1973, trú ở phố Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Tiến “kiu” là đối tượng hình sự cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, cực kỳ côn đồ, hung hãn nên ai cũng sợ. Đặc biệt, để “lấy le” và dằn mặt các đối tượng khác, Tiến luôn kè kè khẩu súng. Chính vì có sự “bảo kê” của Tiến nên tiệm cầm đồ, cho vay tài chính của Bích làm ăn phát đạt, không con nợ nào dám ho hoe hay bùng tiền của Bích. Tiến cũng chính là đối tượng cảnh giới, bảo kê cho Bích trong các hoạt động mua bán ma túy.
Dù vỏ bọc của “bà trùm” Tống Thị Bích chắc chắn như vậy nhưng cũng không qua được con mắt nhà nghề của CBCS Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an Thanh Hóa vì qua công tác nắm tình hình, các anh phát hiện Bích có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy, chuyên “nhập hàng” từ biên giới về bán buôn cho các đối tượng ở TP Thanh Hóa và các huyện lân cận.
Dưới vỏ bọc là chủ hiệu cầm đồ, Tống Thị Bích đã câu kết với một số đối tượng cộm cán, có tiền án về tội mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Mường Lát (Thanh Hóa) hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy khép kín từ Lào qua các đường tiểu mạch trên tuyến biên giới từ Mường Lát, sau đó vận chuyển về TP Thanh Hóa tiêu thụ. Các đối tượng trên biên giới sẽ gửi “hàng” về thành phố cho Bích bằng xe khách.
Để tránh bị phát hiện, cô ta không bao giờ trực tiếp nhận “hàng” mà thuê Nguyễn Thị Nhật Lệ (SN 1977, ở Phú Thọ 1, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) làm nhiệm vụ lấy “hàng” mang về cho mình. Lệ có tiệm nail trong chợ Tây Thành rất đông khách, thuê nhiều người làm, thi thoảng mới trực tiếp làm cho khách quen. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là vỏ bọc để che giấu việc giàu có từ ma túy của đối tượng này. Mỗi khi Bích yêu cầu, Lệ sẽ đi lấy ma túy đưa về nhà cho Bích và thực hiện các công việc khác mà “bà trùm” yêu cầu.
“Phòng tuyến 3 lớp” chủ công phát hiện đường dây buôn bán ma túy
Thực hiện sáng kiến “Phòng tuyến 3 lớp” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Công an Thanh Hóa đã phối hợp với Công an Hủa Phăn (Lào) cùng ngăn ngừa ma túy thẩm lậu vào Việt Nam. Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức điều tra cơ bản, xác định các điểm, tụ điểm về ma túy của Lào và các đối tượng chuyên cung cấp ma túy cho các đối tượng phía Việt Nam.
Trên cơ sở đó, thường xuyên trao đổi thông tin cho phía Lào để phát hiện sớm, hỗ trợ Lào để tác chiến từ xa và nắm thông tin các hoạt động, âm mưu phương thức của các đối tượng có ý định hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị vận chuyển ma túy sang biên giới để phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào ngăn chặn, bắt giữ; hỗ trợ lực lượng của Lào trong việc tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ việc trồng cây có chất ma túy. Công tác này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong chuyên án này bởi qua điều tra, cơ bản, nắm tình hình, Công an Thanh Hóa phát hiện đối tượng người Việt Nam là Hà Văn Khôi (SN 1972, người dân tộc Thái ở thị trấn Mường Lát) có biểu hiện thường xuyên vượt biên sang Lào để mua “hàng trắng” đưa về Việt Nam. Khôi là đối tượng có 2 tiền án về ma túy, lợi dụng việc quen biết với các đối tượng bên Lào nên đã trực tiếp móc nối, giao dịch mua ma túy rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Để tránh bị phát hiện, hắn thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn cất giấu ma túy. Nhà của Khôi cách biên giới chưa đến 10km nên hắn rất thông thạo địa bàn, có nhiều vị trí cất giấu, cả thậm chí tiêu hủy “hàng” nếu bị phát hiện. Sau khi đưa ma túy về Việt Nam, Khôi giao cho vợ là Hà Thị Pớt (SN 1979) chia nhỏ, đóng gói, giấu trong hàng hóa thông thường để gửi về xuôi cho Tống Thị Bích. Con gái Khôi và Pớt là Hà Thị Hồng (SN 1996, trú ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) có nhiệm vụ nhận tiền rồi chuyển cho bố mẹ.
Được biết, Hồng rất xinh đẹp, nổi tiếng là hoa khôi trong vùng. Nhờ mua bán ma túy nên Khôi - Pớt giàu có ở địa phương, hỗ trợ tiền để con gái mua nhà ở TP Thanh Hóa. Hồng mới lấy chồng ở thành phố và hiện đang mang thai. Dù vậy, cô ta vẫn tích cực tham gia đường dây ma túy của bố mẹ, vẫn tiếp tục tính toán tiền - hàng, giao nhận với Nguyễn Thị Nhật Lệ và trở thành mắt xích khép kín trong đường dây này.
Khớp nối các mắt xích
Xác định đối tượng “cung” ở biên giới, đối tượng “cầu” ở thành phố, CBCS Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa đã “khớp nối” thông tin, xác định đây là một đường dây hoàn chỉnh, khép kín để đưa ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ nên đã báo cáo Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho lập chuyên án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá. Theo đó, hàng tháng trời, các trinh sát, điều tra viên bám địa bàn, đối tượng, ngược xuôi hơn 300km từ biên giới Mường Lát về xuôi để thu thập tài liệu, chứng cứ.
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh rất sát sao, quan tâm công tác chuyển hóa địa bàn Mường Lát, đấu tranh với các đối tượng ma túy trên tuyến biên giới với phương châm “bám nghiện” (bám đối tượng nghiện), “chặn cung, chặn cầu” để đấu tranh các điểm, tụ điểm, đường dây; huy động toàn lực lượng phòng chống ma túy của tỉnh tham gia đấu tranh do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy làm tư lệnh, thực hiện nhiều biện pháp công tác để phát hiện, lập các chuyên án chung giữa các đơn vị để phối hợp đấu tranh.
“Trong đường dây ma túy này, các đối tượng hoạt động rất tinh vi theo nhiều tuyến, địa bàn khác nhau, trải dài từ biên giới Lào qua huyện Mường Lát về TP Thanh Hóa. Chúng chia ngắn và thường xuyên thay đổi các cung đường để vận chuyển, che giấu dưới nhiều loại hàng hóa khác nhau. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, chúng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để liên lạc, gây khó khăn cho cơ quan chức năng” - Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết.
Sau khi xác định chính xác thủ đoạn, hành vi của các đối tượng, ban chuyên án đã quyết định phá án.
Theo đó, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo các lực lượng đồng loạt tổ chức các mũi công tác để đấu tranh, bắt giữ tất cả đối tượng trong đường dây. Ban chuyên án đã chia thành 4 mũi tấn công do CBCS Phòng CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với Công an huyện Mường Lát, Công an TP Thanh Hóa và các đơn vị nghiệp vụ tổ chức bám các địa bàn để thực hiện nhiệm vụ công tác.
Mũi bắt chính tại nhà “bà trùm” Tống Thị Bích do trực tiếp Thượng tá Lê Khắc Minh chỉ huy; mũi bắt đối tượng giao nhận hàng, tay sai cho Bích là Nguyễn Thị Nhật Lệ do Thượng tá Lê Đình Anh, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy chỉ huy. Để bắt giữ các đối tượng thành công, an toàn, ban chuyên án đã tính toán rất kỹ các phương án, đặc biệt là bắt đối tượng Bích và Tiến “kiu” vì đây là những đối tượng chính, thủ đoạn rất tinh vi, Tiến côn đồ, hung hãn, có vũ khí “nóng”, sẵn sang chống trả đến cùng nếu bị bắt giữ. Vì vậy, ban chuyên án phải tính toán bắt thế nào đảm bảo an toàn nhất, không để đối tượng có cơ hội chống trả. “Khi Tiến đi ra ngoài thường mang theo vũ khí, ở nhà thì thường để trên đầu giường ở tầng 2 để dễ lấy, dễ sử dụng nếu bị bắt giữ. Vì vậy, chúng tôi phải tính toán làm sao để khớp nối tất cả các mắt xích, bắt giữ được các đối tượng nhưng phải đảm bảo an toàn, thu được tang vật, vũ khí” - Thượng tá Lê Khắc Minh chia sẻ.
Đúng 12h trưa 19/11, sau lệnh tấn công của trưởng ban chuyên án, đồng loạt các mũi trinh sát đã tấn công, bắt giữ đối tượng. Mũi trinh sát do Thượng tá Lê Đình Anh chỉ huy triển khai trước, bắy quả tang Nguyễn Thị Nhật Lệ vừa nhận “hàng” từ xe khách, đang mang về cho Tống Thị Bích.
Tang vật thu giữ gồm 1 bánh heroin và 6.000 viên ma túy tổng hợp. Mũi trinh sát do Thượng tá Lê Khắc Minh chỉ huy đã giám sát chặt chẽ nơi ở của Tống Thị Bích và Trần Quang Tiến, chọn đúng thời cơ Tiến và Bích đang ở tầng 1, cách vị trí giấu súng và các hung khí khá xa, bất ngờ ập vào bắt giữ cả hai khiến chúng không kịp trở tay. Khám xét nhà Bích, lực lượng chức năng thu giữ 1 khẩu súng, 1 bình xịt hơi cay, 20 nghìn USD, 593 triệu đồng, 2 ô tô và nhiều hung khí nguy hiểm. Mũi trinh sát thứ ba khống chế, bắt giữ Hà Thị Hồng tại phường Quảng Thắng. Mũi trinh sát ở Mường Lát có nhiệm vụ bắt giữ Hà Văn Khôi và Hà Thị Pớt, “hốt trọn” đường dây trong sự ngỡ ngàng của chúng.