Điểm mặt mánh khóe tội phạm sử dụng công nghệ cao

Dùng tài khoản ảo kêu gọi đầu tư trực tuyến (bài 3)

Thứ Hai, 18/07/2022, 13:49

Với thủ đoạn tạo lập hàng trăm tài khoản ảo “nickname Telegram”, cùng với 100 nhóm “Telegram VIP” và hơn 2.000 nhóm “Telegram thường”, các đối tượng sẽ sàng lọc, phân loại mức tiền khách đầu tư, tìm kiếm những người có khả năng tài chính cao để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các bị hại tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch nhị phân, đánh bạc qua mạng Internet...

Đặc biệt, các đối tượng cam kết rằng nhà đầu tư sẽ chỉ có lời chứ không lỗ… Theo lời khai của các đối tượng, số tiền mà nhóm này chiếm đoạt được cho đến nay khoảng 60 tỷ đồng…

1.jpg -0
Đối tượng cầm đầu Nguyễn Hữu Đạt đầu thú tại cơ quan Công an.

Cái gọi là “sàn nhị phân quốc tế”

Có chút vốn liếng, bà L.T.K.P (sinh năm 1963, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu) đã tìm nhiều cách để đầu tư kiếm lợi. Thời gian gần đây, bà lên mạng xã hội Telegram và được nhiều “nickname” rủ rê, kêu gọi góp vốn kinh doanh vào sàn nhị phân quốc tế Hollmann.

Theo bà P., sau khi đã được mời chào cặn kẽ, được một “nickname Telegram” tên “Quốc Trường” đưa vào nhóm Vip “Vip member - Tự do tài chính 4.0”. Trong nhóm này, ngoài “Quốc Trường”, bà còn thấy rất nhiều nickname khác như “Thế Bảo Đỗ”, “Hoa tươi Yến Nhi Nguyễn”, “Dương Nam”, “Minh Nhật 68”, “Kim Chi Vũ”, “Phạm Văn Cường”… cũng mời chào bà đầu tư vào sàn giao dịch nhị phân. Bà P. đã tin tưởng, trong khoảng thời gian từ ngày 31-5 đến ngày 1-6-2022, đã nhiều lần chuyển tiền đầu tư cho nhóm này qua tài khoản ngân hàng tên chủ tài khoản “Hồ Tạ Quang Huy” với tổng số tiền hơn hai tỷ đồng. Sau đó, bà P. được chuyển lại số tiền đầu tư lời là hơn 313 triệu đồng… Tuy nhiên, sau đó nhóm này đã thông báo cho bà P. rằng tiền đầu tư của bà thua hết kèm theo các hình ảnh bảng kết quả đặt cược, đầu tư không thành công trong các phiên giao dịch.

Thấy quá vô lý và bị chiếm đoạt số tiền lớn, bà P. đã đến Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình báo vụ việc… Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ và triệu tập ghi lời khai đối với các đối tượng liên quan để làm rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng này.

Hiện Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố 15 bị can về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 290 Bộ luật hình sự. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các đối tượng có liên quan nhanh chóng ra trình diện để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trong đó, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Hữu Đạt (23 tuổi, quê tỉnh Bình Định) là kẻ chủ mưu, cầm đầu.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng (hầu hết còn trẻ, có năm sinh từ 1995-2003, quê ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định và TP Hồ Chí Minh) khai nhận tham gia cùng đồng bọn sử dụng mạng máy tính để chiếm đoạt tiền của nhiều người từ đầu năm 2021 cho đến cuối tháng 6-2022.

Theo đó, từ đầu năm 2021, Nguyễn Hữu Đạt tham gia đầu tư sàn giao dịch nhị phân Worf Broker nhưng thua lỗ. Sau đó, Đạt làm môi giới để hưởng hoa hồng nhưng thu nhập thấp, do đó đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư thông qua huy động vốn của khách hàng. Để thực hiện hành vi, Đạt đã liên lạc với 10 đối tượng khác để bàn bạc, phân công nhiệm vụ từng người, sau đó thuê nhà tại phường An Phú (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), mua nhiều máy tính để bàn và hàng ngàn sim điện thoại để tạo các nick ảo trên nền tảng Telegram.

Cụ thể, Đạt thành lập sàn giao dịch nhị phân quốc tế ICM, Broker, In Broker, Hollmann rồi giao cho Nguyễn Tam Lợi (28 tuổi, thường trú tỉnh Gia Lai) quản lý nhóm làm việc của 8 đối tượng khác tham gia sử dụng mạng máy tính hoạt động tại nhà số 9 đường số 3, khu dân cư Lakview, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (sau này nhóm đối tượng chuyển đến số 9/13, đường số 63, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức).

Đạt là người bỏ tiền mua thiết bị máy tính để bàn, bàn phím, con lăn chuột cung cấp cho đồng bọn sử dụng và chi trả tiền thuê nhà, lắp đặt các dịch vụ internet. Đạt cũng là người phân công cụ thể công việc cho từng đối tượng trong nhóm. Theo đó, Lê Cao Phúc là người mua các sim số rác của các mạng điện thoại để cung cấp cho đồng bọn sử dụng tạo lập các “nickname Telegram” để cung cấp các tài khoản cho trang mạng sàn quốc tế nhị phân như: ICM, Broker, In Broker, Hollmann do Lợi quản lý. Huỳnh Quang Khải là người làm giả các hóa đơn giao dịch; Nguyễn Ngọc Nhân và Nguyễn Đình Kỳ Sơn có nhiệm vụ trả lời và tư vấn cho người bị hại. Lợi là người trực tiếp dùng các tài khoản do Phúc cung cấp để lên mạng trực tiếp dùng thay đổi các mã code trang mạng ICM, Broker, In Broker, Hollmann để chỉnh sửa hình ảnh theo ý định nhằm mục đích cho bị hại tin tưởng việc đầu tư là có thật.

2.jpg -0
Đối tượng Nguyễn Tam Lợi giữ vai trò quan trọng chỉ sau Đạt.

Ngoài ra, Lợi còn tham gia tuyển mộ Lê Ngọc Sơn, Hồ Tạ Quang Huy, Trần Nguyễn Công Thành, Nguyễn Thành Lộc và Bùi Trung Anh (đều thường trú tỉnh Gia Lai) để tham gia tạo lập các “nickname Telegram” lên các hội nhóm tìm kiếm thông tin bị hại gửi về cho Lợi cùng đồng bọn để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư.

Riêng Hồ Tạ Quang Huy, Trần Nguyễn Công Thành, Lê Ngọc Sơn còn tạo lập các tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại chuyển vào và chuyển một phần tiền lại cho bị hại để bị hại tin tưởng việc đầu tư là có thật. Trong khi đó, nhóm Lợi, Phúc, Tuấn, Khải, Nhân, Sơn cùng với Nguyễn Tiến Đạt, Hùng và Sang trực tiếp tạo hàng trăm “nickname Telegram” để tạo lập khoảng 100 nhóm “Telegram Vip” và hơn 2.000 nhóm “Telegram thường” nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Lệnh BUM và quy tắc giả dối “bảo toàn vốn cho nhà đầu tư”

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng là sau khi dùng sim điện thoại do Phúc cung cấp để tạo các “nickname Telegram”, chúng sử dụng căn hộ tại địa chỉ 9/13, đường 63, phường Bình Trưng Hòa, TP Thủ Đức tìm kiếm bị hại dưới hình thức sử dụng các “nickname Telegram” tham gia các nhóm về lĩnh vực giao dịch nhị phân hoặc tham gia vào các lĩnh vực về tài chính, đánh bạc qua mạng Internet để tìm kiếm những người có khả năng tài chính cao hoặc nhận thông tin bị hại từ nhóm đối tượng khác (ở tại địa chỉ chung cư Jamila Khang Điền, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) gửi về. Sau đó, nhóm của Lợi cùng với các đối tượng cho bị hại vào các group thường như: “Đầu tư thu lãi 4%-10% mỗi ngày”, “Đầu tư thu lợi nhuận cùng ban chuyên gia”, “Giao dịch ngoại hối”… Các nhóm thường có khoảng 45 “nickname” nhưng chỉ khoảng 3-5 “nickname” khách hàng có thể chiếm đoạt tiền, còn lại là những “nickname” khác trong nhóm của Lợi.

Ngoài ra, các đối tượng trong nhóm của Lợi sử dụng phần mềm “Macro Jibit” để chạy tự động quảng cáo các tin nhắn, hóa đơn về việc mời chào tham gia đầu tư các sàn nhị phân của “Ban chuyên gia” để thu lợi nhuận và các tin nhắn giới thiệu cách thức chơi, đưa ra thông tin giả về việc người chơi đầu tư thắng trước đó, các tin nhắn cảm ơn “Ban chuyên gia”, hóa đơn giả chuyển tiền cho khách thắng… để kích thích người chơi.

Trong đó, các đối tượng quảng cáo cách thức chơi là người chơi góp vốn cùng “Ban chuyên gia” - vốn của “Ban chuyên gia” là 60%, vốn nhà đầu tư (tức của khách hàng) là 40%. “Ban chuyên gia” sẽ thanh khoản sau mỗi phiên giao dịch vào trực tiếp tài khoản các nhà đầu tư: Vốn đầu tư gói thường tối thiểu là 3.600 USD (tương đương 90 triệu đồng) sẽ được lợi nhuận cố định 2 phiên mỗi ngày, mỗi phiên là 1,6 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng; Vốn đầu tư gói VIP tối thiểu 20.000 USD (tương đương 500 triệu đồng) sẽ được lợi nhuận cố định 6 phiên mỗi ngày, mỗi phiên 1.800 USD (tương đương 45 triệu đồng), cam đoan sau 2 ngày sẽ hoàn vốn đầu tư.

5.jpg -0
Các tài khoản ảo và các nhóm VIP do các đối tượng tạo lập ra để lừa đảo.

Tuy nhiên, quy tắc đội ngũ “Ban chuyên gia” là ba lệnh thua sẽ ngưng không giao dịch nữa. “Ban chuyên gia” sẽ đầu tư trên sàn giao dịch bằng cách dự đoán sự lên xuống của sàn giao dịch, khi dự đoán sàn lên mà thực tế sàn lên thì sẽ thắng và ngược lại. Thua ba lệnh liên tiếp, “Ban chuyên gia” sẽ ngưng giao dịch để bảo toàn vốn cho các nhà đầu tư nhằm mục đích để bị hại tin tưởng đầu tư chỉ có lời.

Dù hứa chắc nịch như vậy nhưng khi bị hại đồng ý tham gia đầu tư, các đối tượng sẽ đề nghị bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng được chỉ định. Ngay lập tức bị hại sẽ được đưa vào các nhóm “Telegram VIP” như “Vip member-Tự do tài chính 4.0”, “Vip siêu lợi nhuận mỗi ngày”, “Vip đẳng cấp đầu tư tài chính”… Trong đó, mỗi nhóm VIP có khoảng 200 nickname, nhưng chỉ có “nickname” của một người bị hại, còn lại là “nickname” ảo của các đối tượng trong nhóm.

Lúc này, Lợi đăng nhập vào các sàn giao dịch, dùng mã code chỉnh sửa hình ảnh dòng lên xuống sàn giao dịch theo ý muốn để gửi hình ảnh về cho đồng bọn và gửi vào các nhóm VIP của người bị hại. Ban đầu Lợi gửi những hình ảnh đặt cược tỷ lệ theo dòng lên xuống của sàn thắng nhiều và gửi tiền lợi nhuận như đã cam kết (lấy từ chính tiền của bị hại) cho bị hại khiến người chơi tưởng mình đã thắng. Thường là mỗi phiên 1,6 triệu đồng đối với gói thường và 45 triệu đồng đối với gói VIP. Sau đó, các đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ “con mồi” gửi tiền đầu tư với số tiền lớn hơn.

Trong khoảng 1-5 ngày nếu bị hại tiếp tục đầu tư gửi thêm tiền vào các tài khoản ngân hàng nêu trên thì Nguyễn Hữu Đạt chỉ đạo BUM (chiếm đoạt tiền bị hại) sẽ thông báo cho bị hại là “Ban chuyên gia” đặt cược tiền đầu tư của khách thua hết tiền kèm theo hình ảnh bảng kết quả đặt cược các phiên trong ngày.

Khi bị hại hỏi lý do tại sao cam kết thua ba lệnh sẽ ngưng bảo toàn tiền đầu tư nhưng lại thua hết thì những người trong nhóm của Lợi sẽ dùng các “nickname Telegram” ảo trong nhóm VIP thay nhau vào nhắn tin để bị hại tin tưởng việc mất tiền là do ngoài ý muốn của “Ban chuyên gia” sau đó chiếm đoạt tiền của bị hại…

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, từ ngày 31-5 đến 2-6, nhóm này đã lừa đảo, chiếm đoạt của bà L.T.K.P số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Đáng nói, đến sáng ngày 30-6, Nguyễn Hữu Đạt đã chuyển lại số tiền gần 1,8 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của bà L.T.K.P. Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo lời khai của Nguyễn Hữu Đạt và đồng bọn, số tiền mà nhóm này chiếm đoạt được cho đến nay khoảng 60 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành trên toàn quốc. Số tiền chiếm đoạt, nhóm lừa đảo chia nhau mua ô tô, hàng hiệu...

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã liên tục cảnh báo hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) trên không gian mạng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tham gia. Giao dịch quyền chọn nhị phân là hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số... tại thời điểm dự đoán. Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỷ lệ sàn đưa ra; nếu dự đoán sai, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch đó.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các tổ chức, cá nhân không quảng cáo, môi giới, tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

(Còn tiếp)

Phú Lữ - An Nhiên
.
.