Bán “chui” cổ phiếu và văn hóa đổ lỗi của các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị

Thứ Sáu, 25/08/2023, 11:30

Sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC bán “chui” cổ phiếu, rồi bị bắt về hành vi thao túng chứng khoán, tưởng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên trong sạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thế nhưng vẫn liên tiếp nhiều vụ bán “chui” cổ phiếu xảy ra. Phải chăng chế tài không đủ sức răn đe, còn các vị Chủ tịch HĐQT dường như không màng đến đạo đức kinh doanh, bỏ qua chữ tín vì mức xử phạt chỉ như “muối bỏ biển” so với lợi nhuận thu về nếu trót lọt.

Nhiều vụ bán “chui” tai tiếng

Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, người nội bộ và người có liên quan phải đăng ký giao dịch trước ngày dự kiến thực hiện tối thiểu 3 ngày làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà không tuân thủ quy định này và bán “chui” cổ phiếu với những lý do khác nhau.

ảnh 1.jpg -0
Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng

Mới đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (mã LDG) khi bán ra 2,6 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 15/8/2023 nhưng không đăng ký giao dịch trước đó.

Ngay trong ngày 15/8, khi phát hiện sai sót, Chủ tịch LDG cho biết đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch. Đến chiều ngày 16/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra thông báo hủy bỏ giao dịch bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng.

Giải trình về việc này, ông Nguyễn Khánh Hưng đổ lỗi cho thư ký là nhân sự mới chưa nắm được quy định. Theo đó từ ngày 8/8 đến ngày 15/8/2023, ông có một số chuyến công tác xa nên đã thực hiện “thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ” và giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, do nhân sự mới chưa nắm quy định nên dẫn đến sai sót, chậm trễ trong quá trình công bố thông tin.

Nhiều nhà đầu tư sẽ bật cười chua chát vì lý do vị chủ tịch LDG đưa ra. Chúng ta lại bắt gặp đâu đó bóng dáng của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC hiện đã bị bắt vì hành vi thao túng chứng khoán). Cách đây 1 năm, ông Quyết cũng đã thực hiện hành vi bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu cũng với lý do đi công tác dài ngày, giao quyền cho thư ký và thư ký không nắm được quy định. Có vẻ như câu chuyện “quýt làm cam chịu” và văn hóa đổ lỗi đã trở thành chiêu bài ứng phó của các vị chủ tịch đạo mạo mỗi khi thực hiện chiêu trò bán “chui” cổ phiếu.

Và người gánh hậu quả lớn nhất vẫn là các nhà đầu tư. Kết quả, cổ phiếu LDG sàn liên tục kể từ khi thông tin ông Hưng bán “chui” cổ phiếu lộ ra. Trước đó 1 ngày, cổ phiếu LDG đang vươn lên giá cao nhất trong vòng một năm qua, với giá 6.420 đồng. Phiên ngày 17/8/2023, cổ phiếu lập tức bị nhà đầu tư dồn dập bán ra, giảm một mạch 7%, lao xuống giá sàn 5.980 đồng. Áp lực dâng cao, chỉ trong vài giờ đầu đã có hơn 23 triệu cổ phiếu LDG rơi vào trạng thái dư bán.

Nhiều ngày sau, cùng với phiên lao dốc của thị trường chứng khoán khi chỉ số Vnindex mất hơn 55 điểm trong phiên ngày 18/8, tâm lý bán tháo trên diện rộng xuất hiện, LDG tiếp tục nằm sàn. Thiệt hại nhà đầu tư là rất lớn khi có sự cộng hưởng của cả thị trường lẫn tin bán “chui” cổ phiếu của vị chủ tịch LDG.

Thời gian vừa qua, ông Nguyễn Khánh Hưng còn khá “nổi” trên thị trường chứng khoán khi thường xuyên góp mặt trong danh sách nhân vật bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Gần đây nhất, từ ngày 18 - 19/5/2023, ông bị công ty chứng khoán bán giải chấp gần 5 triệu cổ phiếu LDG. Trước đó, ông bị công ty chứng khoán bán 3,5 triệu cổ phiếu vào ngày 13 - 14/4/2023.

Bán “chui” cổ phiếu và văn hóa đổ lỗi của các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị -0
Ông Trịnh Văn Quyết từng khiến nhà đầu tư “điêu đứng” vì bán “chui” cổ phiếu

Hồi tháng 3/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng cũng bị bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ. Việc này cũng xảy ra vào các năm 2022 và 2020.

Trước đó, cuối tháng 6/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) do giao dịch “chui” cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (SJC).

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23/6 đến 30/12/2022, ông Phương đã có nhiều giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu tăng lên trên 25% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cá nhân này còn không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Sau khi mua vào lượng lớn cổ phiếu, ông Phương đã chính thức tham gia HĐQT của Sông Đà 1.01 từ cuối năm ngoái. Liên quan đến sự việc, trả lời báo chí, ông Phương thừa nhận mình có lỗi nhưng đồng thời cũng cho biết: “Tôi không cố tình gian lận trong việc mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục đăng ký chào mua công khai, bộ phận pháp chế bên tôi đã làm chậm trễ. Đây là cũng là sai sót của tôi dẫn đến việc bị phạt số tiền gần 250 triệu đồng”.

Ngoài ra năm 2023 cũng ghi nhận một số trường hợp bị xử phạt do bán “chui” cổ phiếu như trong tháng 4, vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) ông Đỗ Quý Hải - bà Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường đã bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022.

Chế tài chưa đủ sức răn đe?

Hành vi bán “chui” cổ phiếu có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính. Mặc dù cơ quan chức năng vẫn không ngừng nâng cao công tác thanh tra, giám sát nhằm bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên những trường hợp vi phạm pháp luật về giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó bao gồm hành vi bán “chui” cổ phiếu vẫn diễn ra. Tại nhiều công ty chứng khoán, phần mềm đã cập nhật danh sách tài khoản người nội bộ, người có liên quan trên hệ thống giao dịch. Khi khách hàng đặt lệnh giao dịch chứng khoán, hệ thống có cảnh báo cho khách hàng biết rõ, khách hàng đang là người nội bộ, người có liên quan thuộc đối tượng phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn bất chấp tất cả thực hiện hành vi mua bán “chui” cổ phiếu.

Bán “chui” cổ phiếu và văn hóa đổ lỗi của các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị -0
Nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Chủ tịch LDG bán “chui” cổ phiếu

Theo quy định của Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ, những trường hợp có hành vi mua bán "chui", hay giao dịch nội gián sẽ bị xử phạt dân sự lẫn hình sự. Với quy định xử phạt hình sự, các tội giao dịch nội gián (các giao dịch chứng khoán của người nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này) có thể bị phạt 5 triệu USD, trong khi các tội gian lận chứng khoán khác có thể bị phạt 10.000 USD. Mức án tối đa với vi phạm giao dịch nội gián là 20 năm tù, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 5 triệu USD và với tổ chức là 25 triệu USD.

Về quy định xử phạt dân sự, những cá nhân vi phạm sẽ phải chịu mức phạt hành chính gấp 3 lần số tiền lãi hoặc lỗ từ việc giao dịch. Với các tổ chức, doanh nghiệp, mức phạt lên tới gấp 3 lần số tiền lãi (lỗ) mà tổ chức đó kiếm được từ các giao dịch nội gián, nhưng không được quá 1 triệu USD.

Thế nhưng ở Việt Nam việc bán “chui” vẫn bị xử phạt ở mức hành chính, như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ là nộp phạt 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 5 tháng. Và “án lệ” ngăn bán “chui” cổ phiếu từ vụ FLC dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Cụm từ bán “chui” cổ phiếu được các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng khi nói đến việc cổ đông sáng lập và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu 3 ngày làm việc theo quy định của Thông tư 96/2020/TT-BTC. 

Trong những năm gần đây, đi cùng sự phát triển thị trường chứng khoán thì tình trạng bán “chui” cổ phiếu ngày càng phát triển, làm mất đi sự ổn định của thị trường chứng khoán và ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến quyền lợi nhà đầu tư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Thứ nhất, do tình trạng cố tình bán “chui” cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán. Khi thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ thì sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán vì ảnh hưởng tới tâm lý của người đầu tư. Cung tăng trong khi cầu giảm, việc bán cổ phiếu với số lượng lớn muốn được giá cao sẽ phải bán trong thời gian dài, trong khi bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu và không thu được nhiều tiền. Từ những bất lợi trên mới dẫn đến hiện trạng cố tình bán “chui” cổ phiếu của các thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn nhằm đem lại giá trị cao nhất cho người bán. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bán “chui” cổ phiếu như hiện nay.

Thứ hai, do chế tài xử phạt hành vi này chưa đủ mức răn đe nên tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến. Theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức phạt nặng nhất đối với hành vi bán “chui” cổ phiếu là xử phạt hành chính 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Chưa có căn cứ pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi bán “chui” cổ phiếu này.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để ngăn chặn tình trạng bán “chui” cổ phiếu diễn ra như hiện nay, làm sạch thị trường chứng khoán, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, cần xử lý mạnh tay đối với hành vi bán “chui" cổ phiếu, vì không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Luật đã quy định các chế tài xử phạt hành vi này. Hiện nay cũng đã xảy ra một số trường hợp tương tự. Vì vậy, cần sửa luật chứng khoán theo hướng xử lý những hành vi vi phạm này với mức phạt tăng nặng hơn. Đặc biệt, có thể xem xét ở góc độ hình sự nếu hành vi đó ảnh hưởng, làm thiệt hại lớn tới thị trường và nhà đầu tư. Pháp luật Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn. Cùng với việc sửa quy định, sửa luật để gia tăng minh bạch cho thị trường, cần phải kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm thật nghiêm minh, mạnh tay với những trường hợp làm giá, bán “chui" cổ phiếu để làm bài học răn đe”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Hiền Trâm
.
.