Ban Quản lý chợ Mía đã cưỡng đoạt tài sản các tiểu thương như thế nào?

Thứ Bảy, 03/09/2022, 15:35

Ngày 30-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng có hành vi về tội “cưỡng đoạt tài sản” tại khu vực chợ Mía, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), đồng thời truy nã Nguyễn Văn Nhận, sinh năm 1980, trú ở đường Đào Sư Tích 1, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) là Trưởng BQL chợ, là đối tượng cầm đầu, hiện đã bỏ trốn. Những đối tượng này lợi dụng danh nghĩa Ban quản lý (BQL) chợ để yêu cầu chủ xe và tiểu thương nộp khoản tiền trái quy định, gây bức xúc cho người dân.

Côn đồ quản lý chợ, chính quyền ngó lơ

Chợ Mía thuộc xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang là chợ đầu mối lớn của tỉnh, chuyên buôn bán các loại quả, nông sản. Hàng ngày, hàng nghìn tiểu thương từ các huyện, thành phố của tỉnh đều đến đây xuất, nhập hàng, giao thương, buôn bán. Dự án xây dựng chợ Mía do UBND xã Tân Mỹ làm chủ đầu tư với diện tích 7.717 m2, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng; được Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư xây dựng Hoàng Gia Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát) trúng thầu thi công từ tháng 5-2015.

Ban Quản lý chợ mía đã cưỡng đoạt tài sản các tiểu thương như thế nào? -0
Các tiểu thương chợ Mía buôn bán hàng hóa

Đến tháng 7-2016, thực hiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Công ty Hoàng Gia Phát được UBND TP Bắc Giang giao thầu tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý với thời hạn 25 năm. Chợ Mía chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1-2019, với 86 ki ốt và sân chợ. Đây là chợ đầu mối lớn của tỉnh, chuyên buôn bán các loại quả từ Trung Quốc về và các địa phương khác trong cả nước. Công ty Hoàng Gia Phát đã thành lập BQL chợ do Nguyễn Văn Nhận làm Trưởng ban. Cũng từ đó, Nhận lấy danh nghĩa BQL chợ, lập ra “tay chân” để cưỡng đoạt tiền của tiểu thương, lái xe hàng. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể, được chính quyền xã Tân Mỹ giao cho khai thác chợ Mía, Công ty Hoàng Gia Phát đã thành lập BQL chợ do Nguyễn Văn Nhận làm Trưởng ban. Nhận là đối tượng có tiền án về tội giết người, vừa chấp hành xong án phạt tù nhưng vẫn chứng nào tật nấy, vẫn thể hiện bản chất côn đồ, hung hãn. Với vai trò Trưởng ban quản lý chợ, Nhận lấy danh nghĩa BQL chợ, tuyển chọn những đối tượng côn đồ, hung hãn phục vụ mục đích để cưỡng đoạt tiền của tiểu thương, lái xe hàng. Các đối tượng trong Ban quản lý chợ đều xăm trổ, hung hãn nên khi chúng uy hiếp, ép các tiểu thương, lái xe phải nộp tiền, mọi người đều sợ hãi, không dám phản đối hoặc tố giác những hành vi vi phạm pháp luật.  Sự việc này diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân. Theo đó, các đối tượng đã ép các chủ xe chở hàng ra vào chợ phải nộp tiền cho bọn chúng cao hơn quy định; các xe giao, nhận hàng ở ngoài khu vực chợ vẫn phải nộp từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng. Nếu chủ xe không nộp tiền, các đối tượng sẵn sàng đe dọa, không cho giao, nhận hàng. Không chỉ thế, các đối tượng còn tự đưa ra lý do xe đến giao hàng muộn, hàng bị hỏng làm “mất uy tín của chợ” để bắt phạt các chủ xe với mức từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị H – một tiểu thương ở chợ Mía cho biết, “tôi kinh doanh ở chợ từ những ngày đầu tiên, khi chợ còn vắng vẻ nhưng đã bị các đối tượng trong Ban quản lý chợ chèn ép đủ cách. Khi chợ đông, các ô tô đưa hàng đến giao nhận nhiều thì những việc làm vô lý, không theo quy định của các đối tượng càng trắng trợn, vô lý hơn. Những ai không thực hiện theo quy định, chúng chửi bới, đe dọa, ngăn không cho nhập – xuất hàng. Hàng của chúng tôi đều là nông sản, nếu không bán được sẽ bị hư hỏng, thiệt hại lớn nên chúng tôi đều phải ngậm đắng nuốt cay, đưa tiền cho chúng.

Ông Hoàng Văn H – tiểu thương khác ở chợ Mía bày tỏ: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Tân Mỹ về việc BQL chợ tự ý thu tiền của các chủ xe trái quy định, song vẫn không được giải quyết triệt để; các đối tượng còn thách thức, có hành vi trả thù người tố cáo, gây hoang mang trong người dân”.

Còn anh Trần Văn K, lái xe nông sản từ phía Nam ra giao hàng cho các tiểu thương thì phàn nàn, “Tháng nào tôi cũng 2 lần chở hàng đến đây giao cho tiểu thương. Do đường đi xa, tôi không thể chủ động được thời gian đến chợ, chỉ đến lúc nào giao lúc đó, nhưng Ban Quản lý chợ không đồng ý, bắt phải giao hàng theo giờ quy định của chúng. Đến sớm hay đến muộn đều phải nộp thêm tiền. Nếu không nộp, chúng không cho vào chợ. Cả một xe hoa quả từ miền Tây ra đây, nếu không giao hàng được thì sẽ hỏng hết nên tôi đành nộp tiền cho chúng. Theo đó, mỗi xe hàng tôi mất thêm 1 triệu chi phí”.

Ban Quản lý chợ mía đã cưỡng đoạt tài sản các tiểu thương như thế nào? -0
Đối tượng Nguyễn Văn Nhận, Trưởng Ban quản lý chợ Mía đang bị truy nã

Không chịu được sự vô lý của các đối tượng trong BQL chợ, một số tiểu thương đã kiến nghị chính quyền xã Tân Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền không quan tâm giải quyết, mà còn có biểu hiện bao che, lấp liếm. Cụ thể, sau khi nhiều lần nhận đơn tố cáo của công dân, ngày 12-5-2021, UBND xã Tân Mỹ đã có Công văn số 76/UBND-TP trả lời đơn tố cáo của công dân có ghi: “Qua nghe ý kiến phản ánh của công dân, Chủ tịch UBND xã đề nghị BQL chợ kiểm tra lại việc thu phí dịch vụ xe ô tô tại chợ. Nếu trong quá trình thực hiện phát hiện trường hợp thu sai, đề nghị công dân báo ngay cho ông Nguyễn Văn Nhận, đại diện BQL chợ Mía để được giải quyết”(?!).

Đây là việc làm vô cùng tắc trách, thiếu khách quan, nghiêm túc, thậm chí có biểu hiện bao che, dung túng cho sai phạm vì đối tượng mà các công dân tố cáo là Ban Quản lý chợ, chính quyền lại giao cho Ban Quản lý xác minh, giải quyết.

Đặc biệt, ngày 1-11-2019, Ban quản lý chợ Mía đã tổ chức họp với các tiểu thương để thay đổi mức giá mới cho từng loại xe ô tô chở hàng vào chợ, không theo mức giá đã quy định trong Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 13-5-2016 của UBND TP Bắc Giang về việc phê duyệt Phương án. Theo Quyết định 1408, mức thu là 50 nghìn đồng/lượt xe ô tô chở hàng vào chợ, nhưng Ban quản lý chợ lại thống nhất với các tiểu thương đưa ra nhiều mức thu, có mức lên đến 200 nghìn đồng/xe/lượt. Đặc biệt, dù đã tự đưa ra quy định cao hơn mức thu của thành phố nhưng trên thực tế, các đối tượng đã ép các chủ xe nộp khoản phí còn cao hơn mức mà chúng đã tự ý đưa ra.

Ông Lương Ngọc Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, UBND xã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty Hoàng Gia Phát đến làm việc nhưng không được nên đành làm việc với BQL chợ để giải quyết những kiến nghị của người dân. Để xảy ra tình trạng trên, một phần do cơ quan chức năng ở địa phương chưa sâu sát nắm bắt tình hình.

“Hốt trọn” Ban Quản lý chợ

Qua công tác nắm tình hình, CBCS Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Bắc Giang phát hiện có việc bảo kê, cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Mía nên đã tổ chức xác minh điều tra. Tuy nhiên, việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn do nhiều tiểu thương lo sợ bị trả thù nên không dám đứng ra tố cáo.

Chính vì vậy, nhiều tháng liền, các trinh sát, điều tra viên đã trực tiếp ăn ở tại chợ, thu thập các tài liệu, chứng cứ về hoạt động phạm tội của các đối tượng, báo cáo Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho lập chuyên án, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh. Từ đó, Ban chuyên án đã xác định được thủ đoạn, hành vi của các đối tượng. Sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ, Công an Bắc Giang đã đồng loạt tổ chức bắt giữ các đối tượng trong Ban quản lý chợ gồm Nguyễn Quốc Khánh, sinh năm 1985, tổ dân phố Tân Thành, phường Đa Mai; Trần Quốc Hưng, sinh năm 1983, tổ 4, phường Mỹ Độ (cùng ở TP Bắc Giang); Đào Văn Tùng, sinh năm 1991, tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền, Yên Dũng, Bắc Giang; Trịnh Quốc Trung, sinh năm 2000, thôn Trại Cháy, xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang. Các đối tượng này là tay sai của Nguyễn Văn Nhận, thường xuyên xuất hiện ở chợ Mía với danh nghĩa làm cho Ban quản lý chợ. Tuy nhiên, đối tượng Nguyễn Văn Nhận đã nhanh chân bỏ trốn nên bị Công an Bắc Giang truy nã.

Ban Quản lý chợ mía đã cưỡng đoạt tài sản các tiểu thương như thế nào? -0
Các đối tượng bị bắt giữ

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định, từ năm 2019 đến khi bị bắt, dưới sự điều hành của Nguyễn Văn Nhận, các đối tượng đã ép các chủ xe chở hàng ra vào chợ Mía phải nộp tiền cho bọn chúng cao hơn quy định; các xe đỗ giao, nhận hàng ở ngoài khu vực chợ vẫn phải nộp từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng. Nếu chủ xe không nộp tiền, các đối tượng sẵn sàng đe dọa, không cho giao, nhận hàng. Bên cạnh việc thu tiền trái quy định của các chủ xe hàng, đối tượng Nguyễn Văn Nhận còn tổ chức đội bốc xếp hàng hóa và tự đề ra mức giá dịch vụ cao hơn quy định cho mỗi thùng hàng vận chuyển lên xuống xe. Nếu tiểu thương hay chủ xe hàng không nhất trí với mức giá trên, bọn chúng lập tức đe dọa, không cho giao nhận hàng ở khu vực này. Được biết, qua điều tra ban đầu, các đối tượng đã chiếm đoạt của tiểu thương, chủ xe hơn 200 triệu đồng.

Đặc biệt, khi cơ quan Công an tổ chức điều tra, bắt giữ các đối tượng, Công ty Hoàng Gia Phát (đơn vị được giao quản lý chợ) đã đứng ra đại diện Ban quản lý chợ đưa ra các văn bản khống, yêu cầu các tiểu thương ký vào để hợp pháp hóa các sai phạm của mình.

Thượng tá Lại Minh Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sai phạm của các đối tượng trong Ban Quản lý chợ Mía xảy ra trong thời gian khá dài, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, không để sót người, lọt tội, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần làm ổn định tình hình, ANTT ở địa phương. Lúc đầu, do còn e ngại, sợ bị trả thù nên nhiều bị hại không dám cung cấp thông tin.

Hiện nay, khi thấy cơ quan Công an điều tra tích cực, nghiêm khắc nên nhiều bị hại trong, ngoài tỉnh đã cung cấp thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng trên. “Chúng tôi đề nghị các bị hại chủ động, tích cực tố giác tội phạm; các tiểu thương không ký khống vào các văn bản của Công ty Hoàng Gia Phát và Ban Quản lý chợ, vì việc ký khống các văn bản mà các đối tượng đưa ra sẽ là hành vi vi phạm pháp luật” – Thượng tá Lại Minh Tiến cho biết…

Phương thủy
.
.