Bảo hiểm - không đơn giản chỉ là hợp đồng

Thứ Hai, 25/10/2021, 20:43

Sự việc một khách hàng dù biết mình mắc bệnh ung thư tuyến giáp, nhưng đã che giấu thông tin để mua 18 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng chục tỷ đồng của 13 công ty đang gây xôn xao dư luận trong giới kinh doanh bảo hiểm sau khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Tiếp nhận đơn tố giác tội phạm từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và nhiều doanh nghiệp, mới đây Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã xác định có tội phạm xảy ra và quyết định khởi tố vụ án. Liệu khách hàng nọ có trở thành bị can hay không, còn đợi kết quả hoạt động điều tra, nhưng câu chuyện đã cho thấy những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

1.jpeg -0
Luật sư Chu Thị Út Quỳnh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Vấn đề gây tranh cãi

Sự việc có thể tóm tắt như sau: từ tháng 5-2019, ông Kh (34 tuổi, cư trú tại quận Kiến An, TP Hải Phòng) được chẩn đoán có dấu hiệu mắc bệnh K giáp thể nhú, thể hiện qua kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ và đã có chỉ định phẫu thuật. Được một người bạn là nhân viên y tế tư vấn, từ tháng 9-2019 đến tháng 2-2020, ông Kh đã mua 18 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ của 13 công ty bảo hiểm, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trên hợp đồng bảo hiểm, ông Kh đã trả lời không đúng sự thật nhiều câu hỏi. Quá trình khám bệnh sau này tại Bệnh viện TW Quân đội 108, ông K không khai đúng tên của mình và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Ngày 26-2-2020, ông Kh đã làm phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn phần tại Bệnh viện K, ngày 28-2-2020 tại Phiếu trả lời kết quả giải phẫu bệnh của bệnh viện này đã kết luận ông Kh mắc “Carcinoma tuyến giáp thể nhú”. Sau đó, ông Kh đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo giá trị của 18 hợp đồng bảo hiểm đã mua trước đó.

Trước yêu cầu bồi thường của ông Kh, có 5 công ty đã chi trả số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, nhưng cũng có 5 công ty khác từ chối bồi thường, với lý do ông Kh đã không khai mua nhiều hợp đồng bảo hiểm, hoặc không khai đúng về tiền sử bệnh.

Không nhất trí với lý do trên, ông Kh đã khởi kiện dân sự tại Toà án nhân dân quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, với yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm đó phải thực hiện chi trả bồi thường bảo hiểm cho ông. Về phần mình, nhận thấy hành vi của ông Kh có dấu hiệu gian lận để trục lợi, thể hiện ở việc biết rõ mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn mua nhiều hợp đồng bảo hiểm, 9 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cùng Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam có đơn tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố gửi đến Bộ Công an, đề nghị vào cuộc điều tra xác minh làm rõ sự việc.

Bảo hiểm - không đơn giản chỉ là hợp đồng -0
Công an tỉnh Quảng Nam tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng gian lận bảo hiểm.

“Cuộc chiến” pháp lý này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia pháp lý và giới kinh doanh bảo hiểm, bởi giá trị của 18 hợp đồng rất lớn, đồng thời thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp bảo hiểm cho thấy đối với các trường hợp khai báo sai thông tin khi ký hợp đồng, thì hậu quả là khách hàng bị doanh nghiệp từ chối bồi thường, chứ không bị xử lý hình sự. Câu chuyện một Nghệ sĩ Nhân dân từng bị một hãng bảo hiểm từ chối bồi thường sau khi bà qua đời đột ngột vẫn mang tính thời sự dù đã xảy ra cách đây 20 năm. Lý do doanh nghiệp không chi trả bảo hiểm cho thân nhân nghệ sĩ, bởi vì khi tham gia bảo hiểm bà đã khai sai một số thông tin trong hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: “Theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, cần phải rất thận trọng, khách quan, toàn diện trong việc đánh giá chứng cứ, để tránh tội phạm hoá một tranh chấp dân sự. Theo chúng tôi, cần phải làm rõ ông Kh có ý định trục lợi bảo hiểm hay không, nếu có thì ý định đó hình thành từ khi nào. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần bắt đầu từ việc làm rõ lý do ông Kh khai báo không đúng sự thật trên các hợp đồng bảo hiểm. Nếu chứng minh được ông này biết rõ mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng đã cố ý khai gian dối nhằm mục đích trục lợi tiền bồi thường bảo hiểm, thì hành vi có dấu hiệu tội phạm. Nhưng nếu sự sai sót đó là do những nguyên nhân khác, như nhầm lẫn khi điền thông tin, không nhớ, thậm chí do chính nhân viên bán bảo hiểm tư vấn ghi như thế, thì hành vi không cấu thành tội phạm. Hậu quả chỉ là ông Kh bị từ chối bồi thường”.

Vẫn theo luật sư Phương, trường hợp xác định ông Kh phạm tội, thì việc định tội danh nào cho đúng với bản chất sự việc cũng là vấn đề phức tạp. Nếu chứng minh được ông Kh có ý định chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm trước thời điểm mua 18 hợp đồng, thì hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn nếu ông Kh mua bảo hiểm một cách ngay thẳng, sau đó mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bồi thường nên đã gian dối khi cung cấp thông tin thì có thể phạm vào tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” quy định tại Điều 213 – BLHS năm 2015. “Vấn đề thời điểm nảy sinh ý định phạm tội rất quan trọng trong việc định tội đúng với vi phạm” – Bà Phương nhấn mạnh.

Được biết sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ, ngày 11-10-2021, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174- BLHS năm 2015. 

Muôn nẻo đường gian

Chia sẻ thêm thông tin về những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực bảo hiểm, luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết mình cũng đang bảo vệ cho ông U - một khách hàng đang liên quan đến một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong lĩnh vực bảo hiểm tại Hà Nội. Theo đó, ông U đã mua 4 hợp đồng bảo hiểm tại 4 công ty bảo hiểm khác nhau. Lúc đó ông chưa hề nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm. Sau 11 tháng kể từ khi mua bảo hiểm, vì gia đình xảy ra sự cố đột xuất, cần nhiều tiền để chữa bệnh cho bố đẻ, ông U lợi dụng vị trí là điều dưỡng viên của một bệnh viện lớn, nên đã lấy mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân mắc ung thư, đề tên mình trong phiếu xét nghiệm và gửi đi giám định. Sau khi có kết luận mắc bệnh hiểm nghèo, ông U đã yêu cầu 4 công ty bồi thường và được chi trả 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, do áy náy và sợ bị phát hiện, nên ông U đã tự nguyện hoàn trả lại cho các công ty bảo hiểm toàn bộ số tiền nêu trên. Mặc dù vậy, các công ty này vẫn tố cáo ông U ra trước cơ quan điều tra.

Bảo hiểm - không đơn giản chỉ là hợp đồng -0
Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của đối tượng gian lận bảo hiểm.

Theo bà Quỳnh, vì ý định chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm của ông U nảy sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng đã kí ngay thẳng trước đó, nên hành vi thoả mãn dấu hiệu của tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Việc định tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể chưa chính xác với bản chất sự việc. 

Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đang ẩn chứa rất nhiều vấn đề. Trên thực tế, không chỉ có những “lùm xùm” khi người mua bảo hiểm bị từ chối bồi thường, mà hành vi gian lận bảo hiểm đã và đang diễn ra khá nhức nhối. Dư luận từng xôn xao trước vụ Nguyễn Thu Hằng – (đại lý Công ty bảo hiểm Prudential Quảng Ninh) cùng 16 đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của 65 khách hàng mua bảo hiểm. Ngày 16-6, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Giang (57 tuổi, là Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái) về tội “gian lận bảo hiểm y tế”. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi này…

Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường – (Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội), việc khách hàng có hành vi thu lợi bất chính từ doanh nghiệp bảo hiểm, hay nhân viên bán bảo hiểm vì lợi ích cá nhân có hành vi sai phạm đối với khách hàng… đều bị coi là gian lận bảo hiểm. Hiện nay, cùng với việc mở rộng các hình thức phân phối, đẩy mạnh khuyến mại, đồng nghĩa với việc ngành bảo hiểm phải đối mặt với các hình thức gian lận, trục lợi mới. Trên thực tế, hành vi gian lận bảo hiểm có thể đến từ nhiều phía, bao gồm cả bên bán bảo hiểm (là công ty bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, đại lý…) hay bên thứ ba, chứ không chỉ riêng người mua bảo hiểm.

Từ thực tiễn công tác, Trung tá Cường cho biết có những “chiêu trò” của bên bán bảo hiểm khiến khách hàng bức xúc, đó có thể là trường hợp khách hàng đã thay đổi thông số kỹ thuật của xe trước khi tham gia bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp không khuyến cáo gì, vẫn cấp đơn bảo hiểm cho họ. Khi xảy ra tổn thất thì doanh nghiệp bảo hiểm lấy lý do “khách hàng đã thay đổi thông số kỹ thuật của xe dẫn đến đăng kiểm của xe hết hiệu lực” để từ chối bồi thường. Lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm là đã cố tình không nói ra cho khách biết là họ không đủ điều kiện để được bồi thường ngay từ đầu, để thu được phí bảo hiểm. Nếu không có tổn thất xảy ra thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ được hưởng toàn bộ phần phí này.

 Một “chiêu” khác là đại lý bảo hiểm đưa tất cả khách hàng mua bảo hiểm sức khoẻ vào danh sách nhân sự của một công ty nào đó, để được hưởng phí thấp và quyền lợi bảo hiểm cao. Khi xảy ra tổn thất yêu cầu bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm “đánh đố” khách hàng mua bảo hiểm bằng việc yêu cầu họ phải xuất trình hợp đồng lao động với công ty đó, trong khi họ không phải là nhân viên. Trong những vụ việc này, có thể khách hàng biết về việc gom nhóm, nhưng họ vẫn tham gia vì ham cái lợi trước mắt. Hầu hết các vụ việc này xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm đều nói không liên quan, nhưng trên thực tế việc kiểm tra hay giải quyết bồi thường ban đầu của những hợp đồng gom nhóm kiểu này sẽ phát hiện ra được ngay có gian dối hay không, tuy nhiên lúc đầu doanh nghiệp vẫn không ý kiến gì mà chỉ lúc nào tỷ lệ giải quyết bồi thường cao quá mới có nhiều mâu thuẫn và đòi hỏi bổ sung các hồ sơ để hoàn thiện thủ tục bồi thường mà lúc đầu không yêu cầu.

 Ngoài ra, việc ép khách hàng phải mua bảo hiểm xe tại nơi ngân hàng chỉ định cũng gây nhiều bức xúc, hay vào gửi tiền tại ngân hàng nhưng lại được mời chào tham gia bảo hiểm và giải thích đó như một khoản tiền gửi khiến nhiều người bị hiểu nhầm. Khi khách hàng rút tiền không được thì mới biết mình đã nộp tiền vào để mua hợp đồng bảo hiểm, chứ không phải gửi ngân hàng. Một “mánh lới” khác là thoả thuận với khách hàng nếu mua hợp đồng bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất tiền vay, nhưng khi ký xong hợp đồng lại “lật kèo”, nói quy định thay đổi không áp dụng được việc giảm lãi suất. Việc doanh nghiệp bảo hiểm tự ý thay đổi hoặc bổ sung thêm điều kiện, điều khoản hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mà không có thoả thuận từ phía khách hàng, cũng khởi nguồn cho những tranh chấp mà phần thua thiệt thường thuộc về người mua bảo hiểm. Chẳng hạn như việc doanh nghiệp thay đổi về tỷ lệ đồng chi trả, về cơ sở y tế không thuộc phạm vi bảo hiểm… nhưng chỉ thông báo cho đại lý của mình, chứ không trực tiếp gửi tới khách hàng. Đây rõ ràng là vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, vì theo luật này, mọi việc thay đổi điều kiện, điều khoản trong hợp đồng đã giao kết đều phải được sự thoả thuận từ hai phía và lập thành văn bản... 

“Mua bảo hiểm là biện pháp bảo đảm về tài chính nếu chẳng may xảy ra những chuyện không mong muốn. Cùng với sự thịnh vượng của đời sống, nhu cầu được bảo hiểm đã và đang trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khi tham gia bảo hiểm, tránh được những rủi ro như bị từ chối bồi thường sau này, người dân cần lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có uy tín, ít điều tiếng trong dư luận. Trước khi ký hợp đồng, phải đọc kỹ và thực sự hiểu rõ các điều khoản, đồng thời cần cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan… Điều quan trọng là cần tham gia bảo hiểm một cách ngay thẳng, vì mọi hành vi gian lận đều sẽ phải trả giá” – Trung tá Cường khuyến cáo.

Đào Trung Hiếu
.
.