Bẫy lừa từ bánh vẽ du học
Trong những năm gần đây, nhu cầu du học và tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của giới trẻ Việt Nam không ngừng tăng cao. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng lừa đảo đã làm giả con dấu, thư mời… của các tổ chức giáo dục quốc tế hoặc tự xưng là đối tác chương trình trao đổi sinh viên để lừa đảo du học sinh Việt Nam.
Hồ sơ ảo, mất tiền thật
Mới đây, một sinh viên năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) bị lừa 7 tỷ đồng vì nhận được thông báo trúng học bổng chương trình trao đổi y khoa tại Đức. Hồ sơ đi kèm có giấy mời, con dấu, chữ ký giống như thật. Để tạo thêm niềm tin, văn bản giả mạo này còn đề cập đến thông báo của Đại sứ quán Đức tại Đại học Y khoa Johannes Gutenberg Mainz (Cộng hòa Liên bang Đức) về việc Chính phủ Đức cấp các suất học bổng ngắn hạn. Và nêu rõ đối tượng sinh viên trúng tuyển là những sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (đối với ngành Y khoa) hoặc năm thứ 2 trở lên (đối với các ngành còn lại).

Chương trình giao lưu được chính phủ Đức tài trợ 100% (gồm: vé máy bay nội địa, phí sinh hoạt, phí tham quan trong suốt thời gian học). Lộ trình của chương trình kéo dài 2 tháng và tất cả chi phí còn lại sẽ do nhà trường hỗ trợ. Văn bản còn yêu cầu sinh viên muốn tham gia cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bao gồm một bộ sơ yếu lý lịch và một bản sao kê minh chứng khả năng tài chính.
Về sao kê minh chứng tài chính yêu cầu: “Sinh viên cần có số dư tối thiểu từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng của mình để làm biên bản sao kê điện tử. Đối với sinh viên có khả năng tài chính tốt, kèm theo kết quả học tốt sẽ nhận được suất du học 80% tại Trường ĐH Y khoa Johannes Gutenberg Mainz. Thời hạn đăng ký hồ sơ từ ngày 12/5 đến ngày 26/5”.
Sau khi nộp lệ phí hồ sơ và một số phí xác minh, sinh viên này bị lừa chuyển tiền nhiều lần với lý do hoàn thiện hồ sơ, mua vé máy bay, xin visa khẩn. Đến khi không còn liên lạc được, em mới vỡ lẽ mọi thứ chỉ là trò lừa được dàn dựng kỹ lưỡng. Bị lừa mất nhiều tiền, sinh viên này đã rất sốc nên bỏ nhà ra đi. Sự việc được thông tin đến trường khi gia đình trình báo lên Công an TP Hồ Chí Minh. Cơ quan Công an và phụ huynh đã liên hệ nhà trường để xác minh thông tin, đồng thời phối hợp tìm kiếm sinh viên.
Nhận được thông tin, nhà trường rất sốc vì không hiểu sao một sinh viên năm cuối lại bị lừa một số tiền lớn đến như vậy. Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình đã tìm được sinh viên này trong tình trạng sức khỏe chưa ổn định.
Ngay sau đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã ra thông báo: không triển khai bất kỳ chương trình trao đổi sinh viên quốc tế hay du học nào ngoài chương trình hợp tác với Đại học Johannes Gutenberg Mainz (CHLB Đức), chỉ dành riêng cho sinh viên lớp Y Việt - Đức. Mọi thông tin chính thức đều được công bố tại cổng thông tin điện tử của trường. Trường cũng cảnh báo, sinh viên và phụ huynh tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào nếu chưa được xác minh từ phía nhà trường.

Trước đó, một sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam cũng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 390 triệu đồng với thủ đoạn giả mạo trúng tuyển du học quốc tế. Một số đối tượng đã làm giả văn bản mang tên “Thông báo du học sinh viên quốc tế Chương trình liên kết đào tạo chứng chỉ chuyên ngành” có nội dung được cho là có xác nhận của Chính phủ Nga. Văn bản giả mạo này được soạn thảo với hình thức chuyên nghiệp, gắn mác tổ chức Talkshow “Học bổng quốc tế và Du học sinh viên quốc tế”, kèm theo thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm, tiêu chí xét học bổng và hướng dẫn nộp hồ sơ.
Hay Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh cũng bị làm giả thông báo chương trình học bổng của trường năm học 2025-2026. Phía trên văn bản thể hiện tên và logo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, văn bản được gửi đến Ban giám hiệu, phòng đào tạo, các đơn vị trực thuộc trường. Tuy nhiên, người ký văn bản lại là Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và sử dụng con dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giá trị mỗi suất học bổng lên tới 950 triệu đồng với sinh viên từ các khoa, ngành có danh sách; 450 triệu đồng với sinh viên từ các khoa, ngành ngoài danh sách. Tuy nhiên, phần thủ tục hồ sơ, văn bản yêu cầu sinh viên trong danh sách phải tiến hành chứng minh tài chính theo đúng quy định pháp luật của Chính phủ Singapore hiện hành khi hoàn tất hồ sơ.
Cùng với thông báo này, nhiều sinh viên đã nhận cuộc gọi và tin nhắn giả là cán bộ giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, yêu cầu người học thực hiện các thao tác để chứng minh tài chính. Người này liên tục hối thúc sinh viên thực hiện thao tác chụp màn hình số dư tài khoản để gửi qua Zalo.
Phương Chi, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại thương đã suýt có lần bị lừa bởi chiêu trò này. Chi chia sẻ, em cũng đã từng nhận được cuộc gọi thông báo mình trúng tuyển một chương trình giao lưu sinh viên ở nước ngoài, cùng lời yêu cầu chuẩn bị hồ sơ bao gồm sơ yếu lý lịch cùng sao kê minh chứng khả năng tài chính. Trong đó, cần có tối thiểu 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình. Lúc đầu Chi khá bất ngờ và vui mừng nhưng khi thông báo cho bạn bè, thầy cô, và tìm hiểu thông tin trên trường, Chi mới vỡ lẽ đó là trò lừa đảo.
Cẩn trọng với “bánh vẽ” du học
Không chỉ giả mạo văn bản của các trường đại học, nhiều đối tượng, tổ chức còn mạo danh là “đơn vị liên kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “được đại sứ quán ủy quyền”, cung cấp chương trình học 6 tháng - 1 năm ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… với cam kết “được ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp” hay “được miễn phí học phí, chỉ cần đóng chi phí dịch vụ ban đầu”.
Sau khi thu tiền cọc hoặc trọn gói từ 100 đến 300 triệu đồng, các đối tượng này cắt liên lạc, hủy hợp đồng, thậm chí bỏ trốn. Nạn nhân không thể liên hệ lại, mất trắng số tiền tích góp và đánh mất cơ hội học tập thật sự.
Trước đó, Công an Thành phố Hà Nội đã bắt giữ Đỗ Thị Thu (sinh năm 1983, ở khu đô thị Vinhomes Smartcity, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra xác định, Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Global do Đỗ Thị Thu làm Giám đốc, có địa chỉ L7-56, khu đô thị Athena Fulland (Hà Nội), dù không có chức năng, nhiệm vụ trong việc tư vấn du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nhưng từ năm 2022 đến năm 2024, công ty này đã đưa ra thông tin gian dối về việc có khả năng xin được visa du học, lao động, du lịch tại Úc với các môi giới và người dân có nhu cầu để chiếm đoạt tiền của nhiều người với số lượng đặc biệt lớn theo hình thức ký hợp đồng tư vấn xin visa và thu tiền đặt cọc, tiền học phí.
Thủ đoạn của Đỗ Thị Thu là “nổ” trực tiếp cũng như quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội về việc mình có nhiều mối quan hệ với đối tác, lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước có thể làm được việc xin đi du học, xuất khẩu lao động...
Làm việc với cơ quan Công an, Đỗ Thị Thu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, cơ sở của Thu làm Giám đốc không được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhưng đã tư vấn, ký hợp đồng, thỏa thuận với khách hàng và lập các chứng từ giả liên quan việc xin visa du học - du học nghề tại Úc.

Chi phí trọn gói cho dịch vụ này mỗi trường hợp nộp khoảng 290 triệu đồng đến 353 triệu đồng. Trong đó bao gồm cả chi phí đào tạo tiếng, dịch thuật hồ sơ, phí lăn tay, xin thư mời của các trường tại Úc; học phí, phí bảo hiểm, hỗ trợ thuê nhà, xin công việc cho khách khi đã sang Úc.
Để vỏ bọc lừa đảo hoàn hảo, Thu thuê giáo viên cho khách học tiếng Anh tại công ty, hứa hẹn, cam kết với khách là sẽ đào tạo để đạt IELTS 6.5 hoặc đạt điểm PTE đủ điều kiện xin visa.
Và trong quá trình học, để thúc đẩy khách nộp thêm tiền, Thu đưa ra thông tin gian dối là đã có thư mời, giới thiệu mình là đại lý của các trường ở Úc nên nếu nộp tiền học phí cho Thu sẽ được hưởng chế độ ưu đãi là giảm 30% học phí toàn khóa, miễn tiền bảo hiểm. Việc hoàn tiền sẽ nhanh chóng hơn khách tự nộp cho trường nên nhiều khách hàng đã nộp tiền học phí cho Thu từ 100 triệu đồng/người đến 350 triệu đồng/người mà không nộp trực tiếp cho trường ở Úc.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các thỏa thuận giữa Thu với các nạn nhân chỉ là sự thất hứa. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người có nhu cầu du học và xuất khẩu lao động đã bị Thu lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Trong đó, nhiều người dân ở tỉnh xa, vay lãi nộp tiền cho Thu xong khiến gia đình điêu đứng vì nợ nần. Bằng thủ đoạn nói trên, Thu đã ký hợp đồng “tư vấn du học”, tư vấn xin visa” với nhiều người, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Theo Cơ quan chức năng, thủ đoạn chính của các đối tượng lừa đảo là lập các trang Facebook giả mạo, sử dụng logo, tên gọi và hình ảnh giống các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, sau đó chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Chúng đăng thông tin tuyển sinh với nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn học phí, học bổng toàn phần, xét tuyển đơn giản, chỉ cần học bạ hoặc phỏng vấn online…
Điểm chung là các thông tin này tạo cảm giác “cơ hội dễ dàng”, đánh vào tâm lý muốn “đi tắt đón đầu” của phụ huynh và học sinh. Khi đã thu hút được sự quan tâm, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như học bạ, địa chỉ, mã số học sinh...
Tiếp đó, chúng giả mạo email, website của trường để gửi thông báo trúng tuyển và đề nghị chuyển khoản học phí, phí hồ sơ hay giữ chỗ. Thường kèm theo là yêu cầu chuyển tiền gấp để nhận ưu đãi, sau đó chiếm đoạt số tiền.
Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan An ninh mạng và phòng chống tội phạm sự dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân: Xác minh thông tin chính xác: Kiểm tra thông tin trường hoặc trung tâm trên website chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan chức năng tại nước sở tại như “www.moet.gov.vn” (Việt Nam), “teqsa.gov.au” (Úc), “nces.ed.gov” (Mỹ)... Nên yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của tổ chức tư vấn du học.
Không tin vào quảng cáo cam kết đỗ 100%: Tổ chức uy tín không bao giờ yêu cầu nộp tiền khi chưa có thư mời nhập học, hay thu phí “xử lý hồ sơ” để nhận học bổng.
Chỉ giao dịch qua tài khoản công ty rõ ràng: Đọc kỹ hợp đồng, yêu cầu hóa đơn chứng từ đầy đủ, làm việc trực tiếp, không chuyển tiền cho cá nhân hay tài khoản mờ ám.
Tránh truy cập các đường link lạ: Không mở liên kết, tập tin đính kèm trong email hay tin nhắn đáng ngờ. Cập nhật thông tin phòng chống lừa đảo: Tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là học sinh, sinh viên để nhận biết thủ đoạn lừa đảo. Phát hiện dấu hiệu bất thường, lập tức dừng giao dịch: Báo ngay cho Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời, đồng thời thay đổi mật khẩu, khóa tài khoản nếu cần.
Du học là một hành trình quan trọng và tốn kém, vì vậy mỗi người cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin và tránh tin vào những lời mời gọi hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức trá hình để bảo vệ quyền lợi của học sinh, sinh viên Việt Nam và giữ uy tín quốc gia trong hợp tác giáo dục quốc tế.