Bẫy lừa từ dịch vụ đổi tiền lẻ online
Đến hẹn lại lên, gần dịp Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại nhộn nhịp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo và vi phạm pháp luật.
Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lì xì Tết” trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi hấp dẫn... Khách hàng có thể đổi bao nhiêu tùy thích, mệnh giá nào cũng có. Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như “phí đổi thấp”, “cam kết tiền thật”, “tiền nguyên seri”, “mức chênh lệch cạnh tranh”... các chủ tài khoản còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền. Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn riêng.
Nhiều chủ tài khoản Facebook, Zalo, TikTok còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài. Trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt các group đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.
Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền giữa các đại lý, thành viên cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3 - 6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10 - 14%. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ càng được chiết khấu “phải chăng”.
Tuy nhiên mức phí khá bát nháo giữa những đầu nậu. Trong một hội nhóm, một thành viên quảng cáo mức phí đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, là khoảng 70.000 đồng/triệu đồng. Mệnh giá 50.000 đồng là 60.000 đồng/1 triệu đồng. 100.000 đồng, 200.000 nghìn đồng, phí đổi tiền là 50.000 đồng/triệu đồng. Đổi nhiều sẽ được giảm giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/1 triệu.
Không chỉ rao hàng mới, hàng nguyên seri mà hàng lướt dùng rồi nhưng vẫn còn mới 99% cũng được các đầu nậu rao bán. Một tài khoản quảng cáo: “Đổi tiền mới để lì xì , đi lễ chùa. Càng tết giá càng cao và ko còn tiền mới nguyên tập đâu ạ. Phí: Lướt đẹp bao từng tờ: đều 30k/1tr. Hiện tại thị trường đang là 70k-50k/1tr ạ. Có các mệnh giá : 1k;2k ;5k ;10k ; 20k ; 50k ; 100k ; 200k mới. Báo là em có tiền luôn ạ. Nhắn em là có”. Năm nay, tiền 500 đồng khá hiếm, rất ít thấy cá nhân nào rao đổi loại tiền này. Nếu có thì phí rất cao, từ 30-35%.
Không chỉ đổi tiền mới, mà người bán còn kinh doanh cả tiền số seri đẹp như seri “tứ quý”, “thất quý”, năm sinh thường, năm sinh kép, năm sinh cặp đôi… Mệnh giá của tờ tiền càng cao thì tỷ lệ giữa mệnh giá và giá bán càng giảm. Chẳng hạn, một tờ 5.000 đồng có đuôi số seri theo ngày tháng năm sinh (ví dụ như khách sinh ngày 20/3/68 thì đuôi số seri sẽ là 20368) có giá 160.000 đồng, nhưng một tờ polyme 200.000 đồng mang seri tương tự sẽ có giá 400.000 đồng.
Với hàng “độc” hơn như seri năm sinh kép (nếu khách sinh năm 1950 thì số seri sẽ là 19501950), một tờ polyme mệnh giá 10.000 đồng sẽ có giá bán là 400.000 đồng, mệnh giá 200.000 đồng với số seri tương tự có giá 800.000 đồng, còn mệnh giá 500.000 đồng sẽ có giá 1.200.000 đồng.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng Internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của loại tiền. Có rất nhiều chủng loại tiền với mẫu mã đa dạng (cả tiền giấy lẫn tiền xu), như tiền 2 USD rắn mạ vàng Ất Tỵ 2025; tiền 2 USD mạ vàng cung hoàng đạo; tiền rắn Macao; tiền 1 triệu USD rắn mạ vàng; tiền xu rắn, thần tài mạ vàng, bạc; tiền 100.000 tỷ Zimbabwe… Mỗi chủng loại có một cách trang trí với những biểu tượng khác nhau, nhìn khá bắt mắt.
Để tăng sức hút với người mua, người đổi tiền, người bán còn tặng kèm chương trình khuyến mại khủng. Như mua tờ tiền 2 USD rắn mạ vàng có giá 140.000 đồng/tờ, được tặng kèm một tờ 1 triệu USD thần tài; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ có giá 80.000 đồng/cặp; tiền xu Phật tổ Như Lai có giá 60.000 đồng/xu; tiền xu Hồng Kông thần tài mạ vàng giá 60.000 đồng/xu…
Một tài khoản Facebook quảng cáo: Càng mua nhiều thì càng rẻ, nếu người mua 11-20 tờ tiền USD rắn mạ vàng thì có giá 110.000 đồng/tờ. Mua 21-50 tờ thì giá còn 100.000 đồng/tờ. Một số mặt hàng khác như tiền 100.000 tỷ Zimbabwe có giá 30.000 đồng/tờ, tiền 2 USD thần tài mạ vàng có giá từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/tờ, tiền 2 USD mạ vàng cung hoàng đạo có giá 120.000 đồng/tờ… Tiền sẽ được đựng trong phong bao lì xì màu đỏ đẹp mắt và có thể được tặng kèm thêm 1 tờ tiền lưu niệm khác.
Đồng thời tài khoản này cũng quảng cáo những lời có cánh: “Tiền mạ vàng 24k đẳng cấp và ý nghĩa. Sản phẩm sang trọng, độc đáo, phù hợp làm quà lì xì và sưu tầm dịp Tết. Mẫu nổi bật: 2 đô mạ vàng Ất Tỵ 2025: May mắn, thịnh vượng cho năm mới. 2 đô mạ vàng Thủ tướng Trump: Đẳng cấp, quyền lực. Tặng kèm bao lì xì + bao da + giấy chứng nhận. Tiền thật 100%, mạ vàng 24K sắc nét. Giá hấp dẫn - Nhận in logo doanh nghiệp. Đặt hàng ngay - Giao hàng toàn quốc”.
Coi chừng sập bẫy lừa đảo
Theo cảnh báo của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.
Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả bởi theo quy định, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật, phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Thậm chí, kể cả những người “kinh doanh” dịch vụ này cũng làm mồi cho kẻ xấu. Mới đây, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Chu Thị Diệu Châu, sinh năm 2006 ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn về hành vi cướp tài sản. Do cần tiền để chi tiêu, Châu đã tìm người kinh doanh dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền mới trên mạng để lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói đối tượng Châu là nữ giới nhưng có nhận dạng của nam thanh niên, nên đã gây khó khăn cho lực lượng Công an truy bắt.
Ngày 11/12/2024, Châu sử dụng tài khoản Facebook “Minh Minh” liên hệ với anh T, sinh năm 1991 ở Long Biên, để đổi 80 triệu đồng tiền mới. Hai bên thỏa thuận mức phí đổi tiền là 950.000 đồng và 200.000 đồng vận chuyển đến khu vực xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.
Khoảng 9h ngày 12/12/2024, anh T thuê ông Đ, sinh năm 1955 ở Hà Nội mang 80 triệu đồng đến điểm hẹn. Còn Châu mang theo 1 bình xịt hơi cay để làm công cụ gây án.
Đến 10h30 cùng ngày, Châu hướng dẫn ông Đ đi đến địa điểm chờ sẵn. Khi ông Đ bỏ tiền ra để kiểm tra thì đối tượng dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mặt ông rồi cướp lấy số tiền. Sau khi gây án, Châu để lại xe máy và bỏ chạy.
Số tiền cướp được, đối tượng mua 1 điện thoại iPhone 16 Pro Max, 1 đồng hồ APPLE Watch, 0,5 chỉ vàng… Ngoài ra, Châu còn rủ bạn đi ăn uống và đi bar chơi hết hơn 20 triệu đồng.
Anh Trần Văn Thu, cư dân một tòa chung cư ở đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm ngoái anh đã từng gặp phải xui xẻo khi đổi tiền lẻ qua mạng. Vì đổi cả trăm triệu cho người thân, gia đình nên anh lên hội nhóm tìm dịch vụ đổi tiền mới để được giảm giá rẻ so với thị trường. Khi nhận hàng, thấy nguyên seri, nguyên thếp nên anh kiểm tra qua loa. Khi về nhà anh mới tá hỏa, bên trong không đúng theo seri, thậm chí có nhiều đồng cũ, đã được lau rửa lại. Có tập bị rút lõi 1-2 tờ.
Khi liên hệ lại người bán qua Facebook thì lúc đầu người này đổ cho anh không kiểm tra kĩ khi nhận tiền, sau đó chặn số khiến anh không liên lạc lại được. Năm nay rút kinh nghiệm anh nhờ người quen đổi tại ngân hàng nhưng số lượng có hạn nên đành tặc lưỡi “có ít dùng ít”, tránh tình trạng mất tiền như năm ngoái.
Theo Điều 12 và Điều 13 của Thông tư 25/2013/TT-NHNN, người dân muốn đổi tiền mới có thể đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có quyền thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời niêm yết mẫu tiêu biểu và quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tuyển chọn, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, thực hiện thu, đổi tiền và niêm yết mẫu tiêu biểu, quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại nơi giao dịch.
Do đó, chỉ các cơ quan và tổ chức tín dụng có thẩm quyền mới được phép thu đổi tiền. Việc thu đổi tiền mới chỉ được thực hiện đối với các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các cá nhân hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ đổi tiền mới nhằm thu lợi từ chênh lệch là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Ngoài ra, theo Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Để tránh rủi ro, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường, cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.