“Bẫy người” nơi xứ mình
Lừa đảo, đã là hành vi đáng lên án. Nhưng vì tiền, biết nơi xứ người là “địa ngục trần gian” vì đã từng thoát ra từ đó, song không ít kẻ vẫn táng tận lương tâm, lừa bán cả người quen, người thân để biến họ thành công cụ kiếm tiền cho các tổ chức lừa đảo, thậm chí là công cụ mua vui nơi đất lạ quê người.
Xót xa những chuyến “hàng người”
Cuộc sống khó khăn, Lê Gia Bảo (sinh năm 1996), trú tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An) khăn gói vào tỉnh Bình Dương để làm công nhân. Tại đây, tình cờ Bảo quen biết với Bùi Thị Thảo (sinh năm 1994), trú tại xã Diễn Kim, cùng huyện Diễn Châu. Thương cảm đồng hương làm việc lương ba cọc ba đồng, Thảo rủ Bảo sang Thái Lan “làm việc trên máy tính”. Trước lời hứa hẹn sẽ có mức lương ổn định khoảng 800 USD mỗi tháng, Bảo còn rủ thêm bạn cùng phòng trọ ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”.

Sau khi vượt biên trái phép, nhóm người này đã bị đưa sang Myanmar thay vì Thái Lan như hứa hẹn. Sau đó, nạn nhân bị ép bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu Tam Giác Vàng. Tại các khu tự trị trên lãnh thổ nước Myanmar, những người bị lừa bán bắt buộc phải ký hợp đồng, thu giữ hộ chiếu. Mỗi người được cung cấp 1 máy tính, 2 chiếc điện thoại và 1 tệp giấy A4, hướng dẫn cách tiếp cận khách hàng, cách lừa đảo, mỗi ngày đều phải làm việc từ 12 tiếng đến 17 tiếng, khi làm việc có người theo dõi, giám sát, nếu không làm việc sẽ bị đánh đập. Sau gần 5 tháng làm việc cực khổ tại các “trung tâm lừa đảo” ở nước ngoài, Lê Gia Bảo đã tìm cách trốn thoát và làm đơn tố cáo hành vi của Bùi Thị Thảo cùng đồng bọn đến cơ quan Công an.

Đầu tháng 4/2025, Bùi Thị Thảo đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một chung cư thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngày 1/4/2025, Lê Văn Hà (sinh năm 1999), trú xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn (Nghệ An) - một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây, vừa nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) cũng đã bị bắt giữ. Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An xác định hai đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội với 6 bị hại nên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng để điều tra về hành vi “Mua bán người”.
Thực tế trong những năm gần đây, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, đã có hàng trăm nạn nhân với những ký ức hãi hùng mỗi lần nhắc đến địa danh Tam Giác Vàng. Bởi, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, các đối tượng đã dẫn dụ, lôi kéo, lừa gạt xuất ngoại “việc nhẹ lương cao”, “làm việc trên máy tính”, nhưng thực chất là bán vào các đường dây lừa đảo xuyên quốc tế do các ông trùm là người nước ngoài điều hành. Trong năm 2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Bộ Công an Lào và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để đấu tranh, triệt phá thành công tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng, bắt giữ 162 nghi phạm, giải cứu 36 nạn nhân liên quan hành vi mua bán người đưa từ Lào về Việt Nam.

Cùng với đó, Công an các tỉnh Tây Ninh, Điện Biên, Quảng Trị... cũng liên tiếp phát hiện, chặn đứng nhiều trường hợp có âm mưu dẫn dụ người Việt Nam sang làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở Myanmar, Lào hoặc phục vụ khổ sai trong các casino tại Campuchia với giá 100 - 500 USD/người. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, tra tấn, dùng nhục hình, chích điện… Nếu không chịu nổi thì buộc phải liên hệ với gia đình, mang số tiền hàng trăm triệu đồng để qua bên kia biên giới chuộc mạng. Xót xa hơn, nhiều cô gái trẻ tuổi sau khi bị bán vào các tụ điểm này đã bị giam giữ; hầu hết họ đều bị các tên quản lý cưỡng bức, xâm hại tình dục nhưng không ai dám phản kháng vì sợ bị tra tấn, nhục hình.

Thậm chí, mờ mắt vì tiền, một số đối tượng đã cấu kết với nhóm người Việt ở nước ngoài, hình thành nên đường dây lừa bán phụ nữ ra nước ngoài để làm gái mại dâm. Điển hình, vào cuối tháng 2/2025, Công an tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án, bắt giữ hai đối tượng Lê Thị Ánh Sương (sinh năm 1985), trú tại xã An Thủy và Lê Thị Giang (sinh năm 1977), trú tại xã Phong Thủy, cùng huyện Lệ Thủy về hành vi mua bán người.
Để các nạn nhân tin tưởng và sập bẫy, Sương và Giang đã giả vờ tuyển dụng nữ lao động sang Úc để làm việc. Tuy nhiên, khi nạn nhân tin tưởng làm hồ sơ, các đối tượng đã đưa thẳng sang Trung Đông, đến đất nước Kuwait rồi bán vào các động mại dâm. Với thủ đoạn tinh vi này, các đối tượng nói trên đã dẫn dụ thành công 7 nạn nhân sang Kuwait bám dâm dưới sự điều hành của Sương và Giang.
Ký ức hãi hùng của người trở về từ Tam giác Vàng
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hàng năm Công an các địa phương giáp ranh với nước bạn Lào đã khám phá, điều tra, bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan đến mua bán người, đưa lao động làm việc bất hợp pháp tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan... Qua đó, phối hợp giải cứu hàng trăm nạn nhân bị lừa bán để cưỡng ép lao động, thậm chí cưỡng bức tình dục. Để có cơ hội trở về, đứng ra tố giác người đã bán mình vào chốn lừa đảo, hai anh em ruột Vy Văn M. (sinh năm 1983) và Vy Văn L. (sinh năm 1989), cùng trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã phải trải qua chặng đường đào thoát ly kỳ.

Thông qua các mối quan hệ xã giao, anh M. biết đến Phạm Thị Tuyết Chinh (sinh năm 1988), trú thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy (Nam Định). Nghe Chinh rủ sang Lào “làm việc trên máy tính” sẽ có mức lương ổn định từ 18 - 20 triệu đồng mỗi tháng, M. đã rủ em trai cùng một số người bạn khác theo chân Chinh vượt biên trái phép sang Lào mà không biết rằng, nữ quái này là mắt xích trong đường dây săn người đưa vào làm công ty lừa đảo cho ông chủ Trung Quốc. Tại xứ người, nhóm 6 nạn nhân được đưa lên khu vực Tam Giác Vàng, làm việc cho một công ty nằm trong lãnh thổ nước Myanmar. Chỉ đến lúc này, các lao động mới biết đã bị lừa, công việc trên máy tính mà họ được hứa hẹn thực chất là lừa đảo trên không gian mạng.
Các nạn nhân bị ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng. Hàng ngày, họ đều bị chủ áp chỉ tiêu số tiền lừa đảo, nếu không đủ chỉ tiêu, họ phải làm việc từ 7h đến 3h sáng ngày hôm sau. Việc liên tục bị dọa nạt, ép buộc làm việc phạm pháp khiến họ luôn trong tình trạng lo âu, hoảng sợ. Một ngày đầu tháng 1/2024, lợi dụng lộn xộn trong đợt truy quét của công an nước bạn, anh L. cùng nhiều nạn nhân khác đã trốn chạy, đào tẩu khỏi “địa ngục trần gian”, về Việt Nam làm đơn tố giác tội phạm.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, Phạm Thị Tuyết Chinh cùng với một người đàn ông khác là Vy Văn Nhập (sinh năm 1982), trú tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đưa hàng chục nạn nhân bán sang các công ty lừa đảo ở nước ngoài. Với hành vi nói trên, cuối tháng 3/2025, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Chinh 9,6 năm tù, Vy Văn Nhập 9 năm tù về tội “Mua bán người”.

Mới đây nhất, ngày 24/3, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt 4 đối tượng trú tại các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc và Phú Thọ tổng cộng 33 năm về tội “Mua bán người” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn, cùng trú tại Hà Tĩnh từng có thời gian làm việc tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng thuộc tỉnh BoKeo (Lào) cho chủ là người Trung Quốc và biết khi vào làm việc ở đây thì sẽ bị cưỡng bức lao động. Nhưng mờ mắt vì tiền, các đối tượng đã đưa ra thông tin không đúng sự thật để lừa gạt 21 lao động Việt Nam, đưa họ đến Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng bán cho ông chủ Trung Quốc. Khi biết các lao động này muốn bỏ trốn, Bùi Duy Hiếu (Vĩnh Phúc) và Bùi Thanh Tuyền (Phú Thọ) đã nhận của 19 bị hại số tiền hàng trăm triệu đồng để giúp bỏ trốn nhưng thực chất là đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Thực tế cho thấy, giấc mơ về “việc nhẹ lương cao” ở Tam Giác Vàng, Tam Thái Tử vẫn thôi thúc không ít nạn nhân kém hiểu biết nhắm mắt đưa chân. Và đây chính là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo có cơ hội tiếp tục gieo rắc nỗi phiền muộn cho không ít cá nhân, gia đình. Vì tiền, chúng bất chấp tất cả, biến bạn bè, người thân, thậm chí là anh em ruột thịt thành những chuyến “hàng người” xuyên biên giới. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu bài “làm việc trên máy tính” hay “việc nhẹ lương cao” ở xứ người, bởi thực chất của các công việc này là lừa đảo, thậm chí được đào tạo kỹ năng để quay lại lừa chính người thân, bạn bè của mình mà không dám phản kháng.