Bê bối thuốc chữa rắn cắn ở Lục địa Đen

Chủ Nhật, 06/04/2025, 15:39

Rắn cắn là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong số 5,4 triệu bệnh nhân bị rắn cắn mỗi năm, từ 80.000 đến 140.000 trường hợp tử vong - tức là cứ 4 phút là lại có một người chết vì bị rắn cắn. Điểm nóng bị rắn cắn của thế giới là khu vực hạ Sahara. Các quốc gia như Angola, Rwanda, Eswatini v.v... không những là “quê hương” của những loài rắn hiểm độc mà còn phải hứng chịu cuộc khủng hoảng thiếu thuốc giải nọc độc rắn.

Mối nguy chết người

Ông Kamidikolo (60 tuổi, người Uganda) vẫn còn nhớ như in cái đêm mình bị rắn cắn. Ông đang nằm ngủ thì bừng tỉnh vì nghe thấy tiếng chuột chạy vào nhà. Nạn nhân với tay tìm cây đèn nhưng lại vớ phải con rắn. Đến lúc người nhà đưa ông Kamidikolo đến bệnh viện thì phần thịt xung quanh vết rắn cắn đã chết và thối rữa. Trong kho của bệnh viện chỉ còn có đúng một lọ thuốc giải độc rắn, hoàn toàn không đủ liều cho bệnh nhân.

Ông Kamidikolo may mắn thoát chết trong gang tấc. Tuy vậy việc thiếu thuốc giải độc đã để lại hậu quả tai hại cho nạn nhân. Ông Kamidikolo từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ phải uống hơn 10 viên thuốc ngủ, thuốc giảm đau mới đỡ được cơn đau để sinh hoạt bình thường. Ông cũng chỉ biết ở nhà chứ không thể lao động được. Năm đứa con của nạn nhân đã phải nghỉ học ở nhà vì không có tiền đóng học. Tuy vậy ông Kamidikolo vẫn còn may mắn. Hai bệnh nhân bị rắn cắn khác đến bệnh viện sau ông đều tử vong vì không còn thuốc.

Bê bối thuốc chữa rắn cắn ở Lục địa Đen -0
Giáo sư Juan Calvate cầm một lọ thuốc giải nọc độc rắn giả.

Tiến sỹ Nicholas Amani Hamman, Giám đốc Bệnh viện chữa trị rắn cắn Kaltungo ở Nigeria, trả lời phóng viên tờ The Guardian: “Vừa mới đây thôi tôi đã phải chứng kiến một em bé bốn tuổi mất vì không có thuốc giải. Cậu bé bị rắn cắn khi đang trên đường từ cánh đồng về nhà. Bệnh viện chỉ còn một lọ EchiTAb-Plus-ICP để cho em. Một lọ là không đủ để khiến máu nạn nhân đông lại và dừng hiện tượng xuất huyết. Bệnh viện đã liên lạc với tuyến trên và các tổ chức từ thiện nhưng không ai có thuốc”.

Một cơ sở chữa trị rắn cắn khác ở Nigeria là Trung tâm Nghiên cứu & can thiệp rắn cắn cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu thuốc giải. Theo giáo sư Abdulrazaq Habib, Giám đốc trung tâm thì: “Bởi vì không có đủ thuốc giải nên trung tâm chỉ tập trung cấp cứu giữ lấy mạng sống của nạn nhân, còn gia đình sẽ phải chi tiền để mua thêm thuốc ở ngoài. Nhiều gia đình phải vội vàng bán đi con cừu, con dê hay con bò để có tiền mua thuốc. Vậy nhưng nhiều trường hợp có tiền còn bị lừa. Nhiều nhà thuốc vô lương tâm nói là bán thuốc giải nọc rắn nhưng lại đưa cho người mua thuốc hen suyễn hay vaccine dại. Người nhà bệnh nhân không biết tiếng Anh nên khi nhìn thấy lọ vaccine trông giống lọ thuốc giải độc nên rất dễ bị lừa”.

Những câu chuyện kể trên chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc khủng hoảng rắn cắn tại châu Phi. Các cơ sở chữa bệnh tại lục địa đen đang rất thiếu thuốc giải độc rắn, trong khi bệnh nhân không có đủ tiền để mua đủ thuốc điều trị. Mặt khác kho dự trữ thuốc giải độc của các nước châu Phi hiện có không ít lô thuốc kém chất lượng hay thậm chí là hàng giả. Bà Thea Litschka-Koen, chuyên gia về rắn độc và chủ tịch Quỹ Chống rắn cắn Eswatini, nhận xét: “Nhiều loại thuốc giải độc rắn đang lưu hành khi tiêm vào người bệnh còn có hại hơn là không tiêm. Đáng lẽ ra thứ thuốc kém chất lượng như thế phải bị tiêu hủy như hàng giả”.

Viện nghiên cứu Instituto de Biomedicina de Valencia (BV) ở Valencia, Tây Ban Nha là cơ quan duy nhất được WHO chọn làm cơ sở thử nghiệm và phân tích chất lượng thuốc giải nọc độc rắn. Giáo sư Juan Calvete, Giám đốc trung tâm nằm trong số các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của ông. Trong hơn 20 năm trở lại đây, vị giáo sư đã và đang chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại: “Nhiều quốc gia đang mua thuốc giải độc hoàn toàn không có tác dụng với các loài rắn bản địa của nước họ. Mỗi loài rắn lại sản sinh ra một loại độc tố khác nhau. Chất độc của hai cá thể rắn cùng một loài có thể khác nhau vì phụ thuộc vào yếu tố môi trường, thức ăn, gen di truyền v.v... Giả sử bệnh nhân bị rắn mamba đen ở châu Phi cắn, cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc cho các loài rắn ở Ấn Độ sẽ hoàn toàn không có tác dụng gì”.

Giáo sư Juan Calvete cho biết thêm: “Chúng tôi mới đây đã thử nghiệm hai loại thuốc giải độc được sản xuất bởi hai công ty dược Ấn Độ là Bharat Serums & Vaccines (BSV) và Premium Serums & Vaccines (PSV). Cả hai đều không có tác dụng đối với nọc độc của các loài rắn châu Phi... Có nhiều loại thuốc giải độc rắn do Ấn Độ sản xuất đang được lưu hành và sử dụng ở châu Phi. Họ đang bán hàng mà biết rõ rằng sản phẩm của mình không có tác dụng. Hành động này chỉ có thể coi là lừa đảo”.

Khi được phóng viên của hãng tin TBIJ đặt câu hỏi, cả hai công ty BSV và PSV đều phủ nhận việc đã xuất khẩu thuốc chữa nọc độc rắn Ấn Độ sang châu Phi. Tuy vậy theo giấy tờ hải quan thì hai doanh nghiệp trên trong năm 2024 đã xuất khẩu thuốc giải độc rắn cắn sang Mali, Somalia, Uganda và Tanzania. Người phát ngôn viên của PSV tìm cách trốn tránh trách nhiệm: “Thật đáng tiếc khi các cơ quan quản lý tại châu Phi lại cho phép nhập khẩu các loại thuốc giải độc không có tác dụng và không phù hợp với điều kiện sở tại”.

Riêng với BSV, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này dính dáng với bê bối về thuốc giải độc rắn cắn. Còn nhớ vào năm 2004, số người chết vì rắn cắn tại Ghana nhảy vọt. Các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc giải độc của BSV có tỷ lệ sống sót kém 7 lần so với bệnh nhân điều trị bằng các loại thuốc khác. Cuộc điều tra của nhà chức trách Ghana kết luận rằng BSV đã pha trộn kháng thể giải độc rắn châu Phi và Ấn Độ với nhau mà không tính đến độc tính sinh ra khi pha trộn các thành phần với nhau.

Tiến sỹ David Williams, cố vấn về rắn độc cho WHO, cho biết: “Nhiều quan chức, bộ ngành phụ trách việc nhập khẩu thuốc giải độc rắn cắn hoàn toàn không có kiến thức về vấn đề này. Họ không hề biết rằng ở nước mình có những loại rắn độc nào, cần loại thuốc giải độc nào. Họ chỉ biết chọn sản phẩm rẻ nhất mà mua. Phải đến khi thuốc giải độc đến tay bác sỹ rồi thì mọi người mới nhận ra vấn đề”.

Bê bối thuốc chữa rắn cắn ở Lục địa Đen -0
Nhiều loại thuốc giải độc như Inoserp có dược lực vô cùng yếu.

Vô tác dụng

Ngay cả các loại thuốc giải độc được quảng cáo là dành riêng cho châu Phi cũng chưa chắc có tác dụng. Đơn cử như sản phẩm Inoserp Pan-Africa của Inosan Biopharma (Mexico) được quảng cáo là trị được nọc độc của 18 loài rắn châu Phi khác nhau. Vậy nhưng theo thử nghiệm của trung tâm BV thì Inoserp là loại thuốc giải độc có dược lực thấp nhất đang được lưu hành ở khu vực hạ Sahara. So với loại thuốc giải độc PANAF Premium đã được WHO kiểm chứng chất lượng, Inoserp có dược lực kém đến 10 lần. Giả dụ bệnh nhân bị một con rắn lục Gaboon cắn. Bác sỹ sẽ phải tiêm đến 70 liều Inoserp mới hóa giải hết độc tố trong người bệnh nhân.

Giáo sư Juan Calvete giải thích: “Thời gian là vàng trong việc điều trị rắn cắn. Theo quy trình thì sau khi bác sĩ tiêm thuốc giải độc sẽ phải chờ vài tiếng đẻ xem bệnh nhân có phản ứng gì không rồi mới được tiêm thêm liều nữa. Bác sĩ càng phải tiêm nhiều liều thuốc giải, chất độc càng có thêm thời gian ở trong người bệnh nhân, sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân lại càng gặp nguy hiểm”.

Chưa hết, một liều thuốc giải Inoserp hiện đang được bán với giá trung bình khoảng 50 bảng, tương đương với mức lương tháng trung bình ở nhiều nước vùng hạ Sahara. Kể cả trong trường hợp bệnh nhân có tiền, rất có thể bệnh viện địa phương cũng sẽ không có đủ số liều thuốc Inoserp để chữa trị dứt điểm cho bệnh nhân.

Ở Kenya có nhiều bác sỹ dứt khoát không sử dụng Inoserp để chữa trị cho bệnh nhân. Bác sỹ Eugene Erulu đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chữa rắn cắn ở Kenya. Ông cho biết: “Hiệp hội bác sỹ đã gửi khiếu nại tới Inosan nhưng họ vẫn không thay đổi thành phần Inoserp... Họ biết rõ rằng Inoserp càng có ít tác dụng thì bệnh viện lại càng phải mua thêm nhiều liều, họ càng kiếm thêm tiền”. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Inosan đã xuất khẩu sang 13 nước vùng hạ Sahara số thuốc Inoserp tổng trị giá 3,2 triệu USD.

Inosan không phải là công ty dược duy nhất đang xuất khẩu thuốc giải độc kém chất lượng sang châu Phi. Công ty dược phẩm Ấn Độ Vins Bioproducts hiện đang nằm trong “danh sách đỏ” của WHO. Các chuyên gia WHO đã phát hiện ra Vins làm giả một bản nghiên cứu về dược tính của sản phẩm thuốc giải độc Afriven của họ. Hai nhà khoa học được đề tên tác giả của bản nghiên cứu đều cho biết Vins đã ăn trộm tên tuổi, chức danh của họ. Vins “bào chữa” rằng một nhân viên của họ chịu mọi trách nghiệm về bản nghiên cứu giả, và người này đã bị công ty sa thải.

Afriven vẫn đang được lưu hành tại các quốc gia như Ghana. Tiến sỹ Abdul-Subulr Yakubu, Trưởng khoa tim mạch tại bệnh viện Đại học y Tamale (Ghana), cho biết: “Các bác sỹ luôn phải cho bệnh nhân gấp ba lần liều Afriven so với mức tiêu chuẩn. Afriven có dược lực thấp hơn hẳn các loại thuốc giải độc khác. Trong khi đó thì có nhiều bệnh nhân ở trạng thái khẩn cấp khi đã đến được bệnh viện vì nhà họ quá xa hay là bởi bệnh nhân tự ý dùng thuốc. Không ai muốn kê Afriven cho những bệnh nhân nặng”.

Hậu quả để lại

Một số loài rắn tiết ra nọc độc có tính giết chết tế bào và để lại những vết thương mà hơn một năm vẫn chưa khỏi. Một số loài rắn khác thì lại khiến máu người bị cắn không đông được và xuất huyết liên tục. Nọc độc của các loài nguy hiểm nhất rắn mamba giống như thuốc gây mê làm tê liệt hoàn toàn mạng lưới thần kinh của nạn nhân. Cho dù là loại rắn nào đi nữa, hậu quả mà nọc độc rắn để lại cho nạn nhân là quá lớn.

Bà Thea Litschka-Koen chỉ ra một khía cạnh khác của vấn đề: “Rắn cắn là căn bệnh của người nghèo. Đa số các nạn nhân là người nghèo sống tại các vùng hẻo lánh ở châu Á và châu Phi. Trẻ em và nông dân là đối tượng hay bị rắn cắn nhất... Nhiều nạn nhân khi bị rắn cắn không chịu đến bệnh viện ngay vì bệnh viện quá xa mà lại đắt tiền”.

Tỷ lệ sống sót của người bị rắn cắn khi được điều trị đúng thuốc cao gấp 6 lần so với người không được điều trị. Các quốc gia phát triển như Úc có sẵn thuốc giải độc với giả thành vừa phải, thậm chí là miễn phí theo chế độ bảo hiểm y tế. Mặt khác khu vực hạ Sahara hiện đang chỉ nhận được số thuốc giải đáp ứng khoảng 2,5% nhu cầu của họ. Điều này đã để lại không ít hậu quả tai hại. Bà Thea Litschka-Koen cho biết: “Tôi từng thấy những ông bà 80 tuổi đến các cô cậu bé 18 tuổi bị cụt chân tay, bị làng xóm ruồng bỏ và sống trong nghèo đói bởi vì không có đủ thuốc giải độc rắn cắn cho họ”.

Cuộc khủng hoảng thiếu thuốc giải độc rắn cắn bắt đầu từ thập niên 1990 khi tập đoàn dược phẩm Đức Behringwerke ngừng hẳn việc sản xuất thuốc giải độc. Sau đó đến năm 2016 thì lại đến tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp ngừng sản xuất thuốc giải độc FavAfrique. Hiện chỉ có công ty South African Vaccine Producers (SAVP) là đơn vị duy nhất sản xuất thuốc giải nọc độc rắn ở châu Phi. Tuy vậy SAVP đã tăng giá sản phẩm vượt quá khả năng chi trả của nhiều chính phủ khu vực hạ Sahara.

Một số quốc gia trong khu vực đã và đang có thử nghiệm việc tự sản xuất thuốc giải độc rắn. Công cuộc thử nghiệm tuy vậy lại đang phải tạm dừng do mất các nguồn tài trợ nước ngoài, đặc biệt là khoản tiền từ tổ chức USAID của Mỹ. Đơn cử như ở Eswatini, bệnh viện The Luke Commission - trung tâm chữa trị rắn cắn tiên tiến nhất trong nước - đã phải đóng cửa vào ngày 15-2 vừa rồi. Trong vòng 15 năm trở lại đây, ¼ ngân sách hoạt động của bệnh viện là do USAID tài trợ. Trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác cắt giảm viện trợ nước ngoài, những trường hợp tương tự như bệnh viện The Luke Commission hoàn toàn có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra.

Lê Công Vũ
.
.