Bế tắc cuộc chiến chống ma túy ở Ecuador
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin BBC, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa kêu gọi chính phủ Mỹ, Brazil và các nước châu Âu phái quân sang Ecuador để hỗ trợ quốc gia này trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Phát biểu trên đến sau khi Quito công bố việc bổ nhiệm tỷ phú người Mỹ Erik Prince, nhà sáng lập và nguyên chủ tịch công ty lính đánh thuê Blackwater, làm cố vấn an ninh cấp cao. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống ma túy ở Ecuador đã đến giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng.
Cuộc chiến không hồi kết
Ecuador nằm cạnh hai quốc gia trồng nhiều cây côca nhất thế giới là Colombia và Peru. Ecuador không tự sản xuất được cocain, nhưng 70% nguồn cung cocain hằng năm của thế giới đi qua các hải cảng của Ecuador, trong đó nhiều nhất là qua thành phố cảng Guayaquil ở miền tây nước này. Khoảng 27% GDP của Ecuador (tương đương 30 tỷ USD) đến từ việc buôn bán ma túy và khai thác tài nguyên trái phép. Mặt khác cuộc chiến chống ma túy tại Ecuador đã kéo dài hơn hai thập kỷ nhưng chưa đạt kết quả gì đáng kể.

Một cựu tù sống ở Guayaquil kể lại con đường phạm tội của mình: “Vào năm tôi 14 tuổi, tôi được một người đàn ông gốc Albania thuê chất cocain lên thùng container. Đám mafia Albania để sẵn từng bao cocain tại nhà kho cảng để chờ lúc nào có container xuất sang châu Âu là có thể xếp hàng lên ngay... Đã có lần họ thưởng cho tôi tận 3.000 USD sau một phi vụ thành công... Tôi đã từng muốn bỏ nghề này, nhưng bao giờ cũng sợ bị ông chủ giết chết... Giá như người nước ngoài không dùng cocain nữa. Nếu họ không mua cocain thì cũng sẽ chẳng có ai đi buôn thứ đó cả”.
Tại một quốc gia mà mức lương trung bình chỉ trên dưới 400 USD, tội phạm ma túy Ecuador sẵn sàng trả gấp bốn lần con số đó cho những người làm cửu vạn, cảnh giới. “Chân rết” của chúng có mặt trong khắp các ngành nghề, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp chủ lực. Lấy ví dụ ngành xuất khẩu chuối. Hơn 30% sản lượng chuối của Ecuador được xuất khẩu sang châu Âu, và con số này đang tăng với tốc độ chóng mặt trong khi thị trường trên không có dấu hiệu mở rộng. Lý do chính cho hiện tượng này là vì rất dễ giấu ma túy trong những chiếc thùng carton đựng chuối xuất khẩu. Cảnh sát Ecuador đã nhiều lần triệt phá các công ty xuất khẩu hoa quả làm bình phong cho tội phạm ma túy.
Các băng đảng ma túy mới là “ông chủ” thật của những thành phố ven biển nơi tập trung phần đông dân cư Ecuador. Chúng manh động không kém gì các cartel Mexico hay Colombia. Vào tháng 1 vừa qua, số nạn nhân bị sát hại trong một tháng ở Ecuador đã đạt kỷ lục mới tại mức 781 người. Tính trung bình thì mỗi ngày trôi qua ở Ecuador lại có 12 người bị sát hại và 7 người bị bắt cóc.
Anh Jorge Elías León Maruri sống ở Guayaquil có bố bị bắt cóc bởi băng đảng Los Tiguerones. Anh kể lại với phóng viên BBC: “Buổi tối hôm trước chúng nhắn tin cho tôi là đã bắt cóc bố tôi để đòi tiền chuộc. Đến sáng hôm sau thì chúng gửi video quay cảnh chúng chặt một ngón tay của bố tôi. Chúng đòi tôi trả 100.000 USD nhưng tôi không có. Tôi phải cầu xin mãi thì chúng mới chịu chấp nhận mức 5.000 USD cùng với cái TV, máy PlayStation và cái xe hơi của nhà tôi. Tôi đang định cầm tiền đi gặp chúng thì nhận được điện thoại của cảnh sát. Họ báo rằng đã tìm thấy xác của bố tôi. Bọn bắt cóc còn bỏ ngón tay của bố tôi vào một các chai rồi buộc vào người ông.
Anh Jorge hiện giờ không dám đi làm vì sợ bị tội phạm trả thù. Lúc nào anh cũng ngồi ở nhà theo dõi máy quay an ninh trong trạng thái lo sợ. Vợ và con gái của Jorge đã phải bỏ anh mà rời khỏi Ecuador. Jorge không hề nhận được tin tức nào của người thân đã từ lâu lắm rồi.
Chính phủ Ecuador đã mất quyền kiểm soát các nhà tù vào tay tội phạm, và trại giam hiện chỉ là “ngôi nhà thứ hai” của các ông trùm. Còn nhớ vào ngày 9/3/2023, một nhóm sát thủ người Colombia đã sát hại nhà báo Fernando Villavicencio khi ông này đang vận động tranh cử tổng thống ở thủ đô Quito. Nhóm sát thủ được thuê bởi ông trùm Carlos Edwin Angulo Lara của băng đảng Los Lobos đang thụ án 4 năm tù tại trại cải tạo Latacunga. Chưa hết, 7 đối tượng tình nghi bị cảnh sát Ecuador tạm giam đều bị sát hại trong các nhà tù khác nhau. Việc tội phạm có thể thực hiện một chiến dịch ám sát nhằm “bịt miệng” có quy mô như vậy khiến ngay cả các nhà quan sát Ecuador kỳ cựu cũng phải ngạc nhiên.
Chỉ hơn một tháng sau khi lên nhận chức vào tháng 11/2023, Tổng thống Noboa tuyên bố áp đặt lệnh thiết quân luật trên toàn quốc và phái quân đội đến các nhà tù để trực tiếp kiểm soát. Các băng đảng liền gây chiến ngay trên đường phố bằng cách đặt bom xe và đột kích đồn cảnh sát. Vào ngày 9/1/2024, một nhóm tay súng xông vào trường quay đài truyền hình TC Televisión (Guayaquil) ngay giữa giờ phát sóng chương trình thời sự. Chúng dùng súng đe dọa phát thanh viên và đội ngũ quay phim, buộc họ phải nằm úp mặt xuống. May mắn là cảnh sát cơ động đã giải cứu thành công trường quay và bắt giữ toàn bộ các đối tượng phạm tội. Suýt chút nữa thôi người dân Ecuador đã chứng kiến một cuộc thảm sát được truyền hình trực tiếp.

Đi tìm giải pháp
Tổng thống tiền nhiệm của Ecuador, ông Guillermo Lasso, buộc phải từ chức sau khi bị điều tra về tội biển thủ công quỹ và nhận tiền hối lộ của tội phạm. Ông Daniel Noboa thắng cử chức tổng thống vì những lời hứa sẽ giải quyết vấn đề tham nhũng và tội phạm lộng hành. Sau hơn một năm rưỡi tại vị, ông Noboa đã cho thấy quyết tâm của mình qua các chính sách tăng cường lực lượng và giao thêm quyền hạn cho cảnh sát và quân đội. Tuy vậy các chính sách này vẫn chưa thu được nhiều hiệu quả trên thực tế, từ đó buộc ông Noboa phải kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài.
Tổng thống Noboa phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC: “Quân đội Ecuador hiện có khoảng 35.000 người, trong khi có đến 40.000 tên tội phạm được vũ trang đầy đủ. Chúng tôi đang ở giữa một cuộc chiến tranh du kích đường phố. Quân đội Ecuador rất cần những chuyên gia có kinh nghiệm chống khủng bố như ông Erik Prince, bởi vì các băng đảng Los Lobos, Los Choneros và Los Tiguerones thực chất không khác gì các tổ chức khủng bố”.
Theo giới chuyên gia thì một lý do khác cho việc bổ nhiệm Erik Prince làm cố vấn là phía Quito muốn lợi dụng quan hệ thân mật giữa vị tỷ phú và Tổng thống Mỹ Donald Trump để kêu gọi Mỹ can thiệp. Từ năm 1999 đến năm 2009, quân đội Mỹ từng thuê căn cứ không quân & hải quân Eloy Alfaro tại thành phố cảng Manta của Ecuador. Căn cứ Eloy Alfaro là một trong các đầu não chính của cuộc chiến chống ma túy ở Nam Mỹ của quân đội Mỹ. Dưới thời nguyên Tổng thống Rafael Correa, Quito quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê với phía Mỹ, đồng thời ra điều luật hiến pháp cấm chính phủ Ecuador cho quân đội nước ngoài thuê hải cảng, sân bay, v.v... Tổng thống Daniel Noboa từng nhiều lần công khai ý định dỡ bỏ lệnh cấm trên. Biên bản thay đổi hiến pháp đã được phủ tổng thống Ecuador trình lên quốc hội để bàn thảo.
Vấn đề mà ông Noboa đối mặt là thuyết phục được các nước phương Tây bỏ tiền của, nhân lực để hỗ trợ Ecuador trong cuộc chiến chống ma túy. Vị tổng thống cho biết: “Các băng đảng Ecuador không chỉ hoạt động một mình mà là một phần trong một mạng lưới xuyên biên giới giữa Peru, Colombia, Mexico, Mỹ và Châu Âu. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi tội phạm ma túy.. Nền kinh tế Ecuador nhỏ hơn nền kinh tế của Mỹ và châu Âu, nhưng Ecuador lại phải chịu đựng phần lớn hậu quả của tội phạm ma túy... Chúng tôi không thể đứng một mình trong cuộc chiến này được. Tội phạm ma túy là vấn đề quốc tế chỉ có thể giải quyết được bằng chính sách an ninh đa quốc gia”.
Một vấn đề khác mà Tổng thống Daniel Noboa đang rất quan tâm là dòng người tị nạn đổ sang Ecuador. Hằng ngày vẫn có hàng trăm người dân Ecuador liều mạng vượt qua những khu rừng nổi tiếng là nguy hiểm ở biên giới giữa Ecuador và Colombia. Mặt khác thì tội phạm buôn người cũng đang lợi dụng những tuyến đường của người tị nạn. Theo nhà chức trách Ecuador thì trong ba tháng đầu năm 2025 có đến 60.000 công dân Trung Quốc đã đáp xuống sân bay Quito, nhưng chỉ một nửa trong số đó đã lên máy bay rời đi. Đa phần những trường hợp còn lại là nạn nhân của bọn buôn người, và họ đang liều cả mạng sống của mình để tìm đường vượt biên trái phép sang Mỹ.
Tổng thống Noboa trả lời phỏng vấn: “Ecuador sẵn sàng nhận lại công dân nước mình trở về từ Mỹ. Những đối tượng trở về trong diện khó khăn sẽ nhận được ba tháng lương cơ bản và được tham gia khóa học nghề miễn phía... Chính phủ Ecuador coi việc phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu là “chìa khóa” lâu dài cho vấn đề người di cư... Tôi kêu gọi mọi người dân Ecuador hãy ở lại thay vì đi tị nạn. Tình hình kinh tế đang hồi phục, tỷ lệ lạm phát đã giảm và các công ty đã bắt đầu tuyển người trở lại”.
Liệu đã đi đúng hướng?
Đa số người dân Ecuador ủng hộ các chính sách mạnh tay với tội phạm của Tổng thống Daniel Noboa. Tuy vậy sau hơn một năm thi hành đã xuất hiện một số trường hợp cảnh sát và quân đội lạm quyền, gây mất lòng cử tri. Ví dụ như vào ngày 8/12/2024, một đơn vị quân đội Ecuador đã vô cớ bắt giữ 4 đứa trẻ tuổi từ 11 đến 14 khi đang chơi bóng trên đường phố Guayaquil. Thi thể của chúng được tìm thấy vài ngày sau đó. Những đứa trẻ đã bị tra tấn, sát hại, thi thể thì bị ném vào lửa để phi tang. Sau 15 ngày không có động thái gì, cuối cùng quân đội Ecuador đã phải bắt giữ 16 sĩ quan bị nghi vấn có liên quan đến vụ án. Hiện vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.
Mặt khác nhiều người dân không còn tin vào khả năng của chính phủ ông Noboa. Một tài xế xe bus sống ở thành phố Durán trả lời tờ báo El Universo: “Mỗi lần cảnh sát, quân đội ra quân là lại bắt vài tên tội phạm vào tù. Vậy tại sao chúng vẫn được gọi điện từ trong tù ra cho tôi để đòi tiền bảo kê? Một số bạn đồng nghiệp của tôi hoặc là bị phá sản vì trả tiền bảo kê, hoặc là bị đánh đến tàn phế vì không trả tiền. Tôi cũng nhiều tuần chỉ có ngồi nhà vì không có tiền để trả. Chính phủ đầu tư cho cảnh sát là tốt, nhưng điều đó là vô ích nếu như họ không quản nổi nhà tù”.
Vào tháng 1/2024, ông trùm José Adolfo Macías của bang Los Choneros đã trốn thoát trên đường đi đến trại cải tạo Litoral Penitentiary (ngoại ô Guayaquil). Adolfo Macías là một trong những đầu đảng ma túy quyền lực nhất ở Ecuador. Hắn đã bị tòa án kết án 34 năm tù vì tội giết người, buôn bán ma túy và buôn người. Tuyến đường di chuyển Macías là bí mật chỉ có các cấp lãnh đạo cao nhất của quân đội và cảnh sát biết, vậy mà đồng bọn của hắn đã biết tin mà tổ chức mai phục cướp tù nhân. Tổng thống Noboa sau đó đã công khai cáo buộc có nội gián trong chính phủ, đồng thời ra lệnh cho Tổng chưởng lý Diana Salazar mở cuộc điều tra. Cục công tố đã phát hiện ra một loạt quan chức chính phủ và tướng lĩnh cảnh sát, quân đội đã nhận hối lộ của tội phạm, trong đó có cả tư lệnh ba ngành lục quân, không quân và hải quân.
Không chỉ người dân Ecuador tỏ ra băn khoăn trước những hành động quyết liệt của chính phủ nước này. Vào ngày 5/4/2024, Tổng thống Noboa ra lệnh cho lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đột kích vào đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ nguyên Tổng thống Ecuador Jorge Glas. Ông Glas trước đó đã bị tòa án Ecuador kết án 14 năm tù vì tội tham nhũng và nhận hối lộ trong thời gian tại vị (2013-2017). Trong khi bị quản thúc tại gia, ông Glas đã chạy đến đại sứ quán Mexico để xin tị nạn.
Cảnh sát Ecuador tuy bắt được Jorge Glas nhưng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ ngoại giao của nước này. Mexico và Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, và các tổ chức quốc tế mà quan trọng nhất là Liên hiệp quốc đều lên tiếng phản đối hành động trên. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh này là liệu chính phủ của tổng thống Noboa có còn đủ uy tín để kêu gọi giúp đỡ từ nước ngoài?