Bi hài các vụ án với những cái tên “độc, lạ”…

Thứ Hai, 05/02/2024, 09:18

Xung quanh chuyện những cái tên “độc, lạ” của các đối tượng dính vào vòng lao lý, cũng có khá nhiều chuyện bi hài, đáng nói. Nhưng số phận của mỗi người liệu có bị ràng buộc bởi cái tên được đặt hay không? Tên người có ảnh hưởng tới số mệnh không... vẫn là câu hỏi được nhiều người duy tâm đặt ra.

1. Vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng ngày 26/12/2023 đúng ra cũng bình thường như bao vụ án khác. Tuy nhiên, một trong hai đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam có cái tên là Trần Văn Chó đã khiến nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi về cái tên kỳ lạ này.

1.jpg -0
Đối tượng Trần Văn Chó bị khởi tố tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Chó sinh năm 1985, thường trú ở thôn Phước Long, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ. Trần Văn Chó và Lê Văn Giàu (sinh năm 1994, thường trú thôn Phước Hiệp, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ) đã đến đập phá bàn, ghế quán cà phê D.N thuộc thôn Phước Hiệp, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ do ông Đ.T.A (sinh năm 1980) làm chủ. Sau đó, hai đối tượng tiếp tục chạy xe máy đến quán cà phê “Tẩm Quất” thuộc thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa do bà Đ.T.H (sinh năm 1978) làm chủ rồi chửi bới nhân viên trong quán và tiếp tục đập phá tài sản trong quán rồi bỏ đi.

Sáng ngày 28/10, Chó rủ Giàu tiếp tục đi đến quán cà phê của ông A. và quán của bà H. để yêu cầu thu tiền bảo kê với số tiền 2 triệu đồng/tháng nếu không sẽ gọi người tiếp tục đến đập phá quán.

Vì lo sợ nhóm của Chó và Giàu đến đập phá, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên ông A. và bà H. đã chấp nhận đóng tiền bảo kê cho nhóm đối tượng trong tháng 11/2023 và tháng 12/2023. Tuy nhiên, vì kinh doanh khó khăn và bức xúc trước việc coi thường pháp luật của nhóm đối tượng trên, nên ông A. và bà H. đã trình báo lên Cơ quan Công an.

Hành vi ngông cuồng và những lời la lối của Chó và đồng phạm càng khiến dư luận cho rằng chính cái tên đã vận vào người và lối hành xử bất chấp luật pháp của đối tượng này(?!)

2. Một vụ việc khác gần đây cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm về cái tên Vỏ Thị Mỷ Hạnh (cựu tiếp viên hàng không) của một trong những nhân vật cầm đầu đường dây hoa hậu, tiếp viên hàng không bán dâm bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá vào tháng 8/2023.

Vỏ Thị Mỷ Hạnh khiến cộng đồng xôn xao khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Môi giới mại dâm. Không chỉ vậy, cái tên độc lạ của cô cũng gây ra không ít tranh cãi khi nhiều người cho rằng báo chí viết sai chính tả. Bản thân phóng viên khi viết vụ án này cũng phải hỏi lại Cơ quan Công an về cái tên lạ này, bởi cảm thấy nó “không hợp lý”.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, tên trên giấy tờ của bị can này chính xác là “Vỏ Thị Mỷ Hạnh”. “Khi lấy lời khai, làm rõ nhân thân, chúng tôi cũng hỏi lại nhiều lần, nhưng trên các giấy tờ tùy thân của cô ấy đều là Vỏ Thị Mỷ Hạnh”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác nhận.

Bi hài các vụ án với những cái tên “độc, lạ”… -0
Cựu tiếp viên hàng không Vỏ Thị Mỷ Hạnh là một trong những nhân vật cầm đầu đường dây hoa hậu, tiếp viên hàng không bán dâm.

Thực tế câu chuyện về họ “Vỏ” đã từng được nhắc tới cách đây… 10 năm và đã được báo chí phản ánh. Cụ thể, năm 2013, Phòng Tư pháp huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, xác định có gần 1.100 trường hợp được cấp giấy khai sinh sai họ xảy ra trên địa bàn. Tất cả các trường hợp sai họ đều do lỗi đánh máy của ông N.V.K., cán bộ tư pháp - hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 đến năm 2004.

Chỉ vì một động tác đánh máy nhầm từ dấu ngã thành dấu hỏi mà cả ngàn người dân ở đây bỗng dưng bị đổi họ (thậm chí sai chính tả cả tên đệm), kéo theo vô số con cháu cũng bị đổi họ theo. Thời điểm đó, chính quyền địa phương xác định có trên 30 trường hợp sai họ “Vỏ” (Võ), 9 trường hợp sai họ “Đổ” (Đỗ), còn lại tất cả sai họ “Nguyển” (Nguyễn).

Hơn 3 năm sau ngày ông N.V.K. nghỉ hưu, lỗi đánh máy này mới được phát hiện. Từ sự nhầm lẫn này mà ông K. đã bất đắc dĩ thành người “khai sinh” ra ba dòng họ mới: Nguyển, Đổ và Vỏ (!?)

3. Trong nhiều vụ án “tình - tiền - tù - tội”, cái tên “Hận” đã gắn với không ít đối tượng gây án. Như trường hợp cái tên Thi Trường Hận khiến dư luận xôn xao một thời gian dài khi vụ án của “ông trùm” đồng tính này bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh phanh phui cách đây nhiều năm. Thi Trường Hận được xác định là kẻ cầm đầu đường dây chuyên cung cấp bé trai bán dâm cho những đối tượng đồng tính nam. Hàng chục em nhỏ từ 8 - 14 tuổi đã bị Trường Hận lạm dụng tình dục, biến các em thành nguồn hàng phục vụ những kẻ bệnh hoạn.

Điều đáng nói, Thi Trường Hận (tự Thuận, sinh năm 1992, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) - kẻ điều hành đường dây này lại là một nam sinh lớp 12. Đằng sau cái tên đậm chất bất hạnh của đối tượng, là cả một câu chuyện dài và buồn.

Theo người thân của Hận, thì Hận là đứa trẻ bất hạnh, chưa sinh ra đã bị cha ruồng bỏ. Lúc đó, bà ngoại của Hận cho biết: “…Vì quá hận cha nó, tôi mới đặt tên cháu là Trường Hận. Ai ngờ đâu cái tên này lại vận vào cả đời nó...”. Theo như lời bà ngoại thì cha mẹ Hận có cưới xin. Nhưng lúc người mẹ đang mang thai Hận thì gia đình gặp biến cố lớn, mất hết đất đai, tài sản. Cả nhà phải lang thang xin ở nhờ khắp nơi. Người đàn ông không chịu được cực khổ đã bỏ vợ và đứa con còn chưa chào đời, về quê lấy vợ khác. Từ đó, anh ta không hề ngó ngàng đến giọt máu của mình.

Bi hài các vụ án với những cái tên “độc, lạ”… -0
Đối tượng Thi Trường Hận.

Trước cảnh khốn cùng, hận con rể, bà đặt tên cháu là Trường Hận, nghĩa là hận mãi mãi, hận suốt đời. Ghép với họ của người cha, bé ra đời với cái tên Thi Trường Hận. Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, Hận theo bà ngoại, mẹ, dì, lang thang khắp nơi. Xin ở nhờ, ở trọ suốt hơn 10 năm trời… Sau khi mẹ Hận lấy chồng mới, Hận chủ yếu ở với bà ngoại và dì dượng. Tuy nhiên, người thân không hề biết rằng trong cuộc sống hàng ngày Hận đã âm thầm có những hành vi phạm tội tày đình như kể trên…

4. Người nào ra đời cũng sẽ được cha mẹ, ông bà đặt cho một cái tên để làm giấy khai sinh. Và ai cũng đều mong muốn cái tên đó có ý nghĩa tốt đẹp, mong con cháu có sức khỏe tốt, thông minh, thành đạt, cuộc sống an nhàn, sung sướng… Nhưng thực tế cuộc đời của mỗi người lại rẽ theo những hướng khác nhau. Câu hỏi đặt ra là số phận của mỗi người liệu có bị ràng buộc bởi cái tên được đặt không? Tên người có ảnh hưởng tới số mệnh không?...

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm - Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân - cho biết, xét về mặt khoa học thì một cái tên bình thường là một khái niệm để định vị cho một con người, để xác định người này khác người kia. Riêng việc đặt tên thì về mặt ngữ nghĩa và ý nghĩa thực chất vấn đề không có tên nào xấu và tên nào đẹp, mà tên xấu tên đẹp phụ thuộc vào quan niệm và văn hóa của một dân tộc, của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

“Văn hóa của một địa phương hay một quốc gia, dân tộc nào đó, đôi khi cái tên đối với người này là bình thường nhưng với người khác thì có thể nó bất bình thường. Do đó, những cái tên, chẳng hạn như Chó hay Hận như kể trên…, có hình thành hay ảnh hưởng đến nhân cách hoặc hành vi của họ hay không là một câu chuyện khác… Tôi lấy ví dụ như ngày xưa muốn các con cháu dễ nuôi, nên ông bà, cha mẹ thường đặt “tên xấu, tên tục” cho con cháu, nhưng như ở quê tôi hầu như không có ai đi ăn trộm cắp hay giết người cả…”, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lý giải.

Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nếu chỉ nói việc đặt một cái tên mà họ sẽ trở thành người xấu thì hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, những cái tên “xấu, độc” đôi khi nếu họ sinh sống trong một môi trường xã hội, gia đình không thuận lợi, về mặt tâm lý tội phạm, thì nó cũng có thể tác động tiêu cực vào tâm lý của chính người đó rồi dẫn tới hành động tương ứng... 

Chẳng hạn như với cái tên riêng của mình, họ sẽ bị mặc cảm, thua thiệt hoặc bị những người xung quanh chọc ghẹo, xa lánh, khu biệt; ở một góc độ nào đó người đó sẽ khó hòa đồng được với cộng đồng, họ sẽ không tiếp cận được những văn hóa, đạo đức phổ biến… Do đó, họ có thể có những nét tâm lý riêng biệt, tác động từ chính cái tên đó, chứ không phải bản thân cái tên tạo ra tội phạm hay là yếu tố tiêu cực…

Nhưng ở một góc độ nào đó, thì những cái tên như vậy cũng thường mang lại những yếu tố bất lợi và hình thành tâm lý có thể nổi loạn, mặc cảm, nhận thức tiêu cực, dần dần người mang tên quá khác biệt sẽ hình thành đặc điểm tính cách khác lạ và sẽ dễ dẫn tới những số phận khó lường trước được…”, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nhận định.

T34EPH_E-1707095963262.JPG
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn.

“Những điều này là do quan điểm cộng đồng và cũng do quan niệm của mỗi vùng miền hay một khu vực nào đó. Nếu chúng ta kết luận những cái tên đó dẫn tới ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức và nhân cách của các đối tượng mang tên đó sẽ không hợp lý và không mang tính khoa học.

Phú Lữ
.
.