Bi kịch của những nạn nhân bị mua bán

Thứ Sáu, 24/02/2023, 18:39

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bạc Liêu vừa triệt phá thành công đường dây mua bán người; khởi tố, bắt giam nhiều bị can về các hành vi “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi từ việc kết hôn với người nước ngoài đến dụ dỗ đi xuất khẩu lao động… Vì vậy, để ngăn chặn loại tội phạm này, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền và nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Vỡ mộng khi sang Trung Quốc lấy chồng

Năm 2015, Lương Thị Hải (SN 1994, quê huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Trong thời gian này, thông qua các trang mạng xã hội, Hải quen biết với Thái Thị Hậu (SN 1997, quê thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) và Huỳnh Mộng Linh (SN 1987, quê xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cũng lấy chồng Trung Quốc, sinh sống cùng địa phương.

nganchan 1.jpg -0
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu làm việc với đối tượng Lương Thị Hải

Năm 2020, thông qua đối tượng Hậu, Hải làm quen với Phạm Thị Tú (SN 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau đó các đối tượng cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, Tú đóng vai trò trực tiếp tìm kiếm phụ nữ để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những phụ nữ này sẽ được nhận từ 90-100 triệu đồng. Sau khi tìm được những “con mồi” thích hợp, Tú đưa họ xuất cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới.

Khi những phụ nữ đã vượt biên, Hải thuê Hậu và Linh tìm những đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối. Tùy thuộc vào độ tuổi, ngoại hình của từng phụ nữ, những đàn ông Trung Quốc sẽ phải trả cho Hải số tiền từ 300-400 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, từ đầu năm 2020 đến năm 2021, các đối tượng đã tổ chức cho nhiều phụ nữ tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Bình Dương… xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Đặc biệt trong số những phụ nữ này có những trường hợp nằm trong độ tuổi vị thành niên. 

nganchan 4.jpg -0
Anh L (áo đậm) may mắn được gia đình vay mượn tiền chuộc về

Tuy nhiên, sau khi lấy chồng Trung Quốc, một số phụ nữ đã bị đánh đập, ngược đãi. Muốn về Việt Nam thì gia đình họ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đây đồng thời lo cho phí nhập cảnh trái phép với số tiền 20 triệu/người.

Hiện các đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam; riêng bị can Thái Thị Hậu đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm. Vụ án đang được Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều tra, xử lý.

Hãi hùng sau những ngày đi làm “việc nhẹ lương cao”

Chỉ vì tin lời “việc nhẹ, lương cao” mà trong năm 2022, hàng chục thanh niên ở tỉnh Bạc Liêu bị bọn buôn người thông qua mạng xã hội lừa đảo dẫn sang Campuchia làm việc, rồi buộc gia đình phải chuyển hàng trăm triệu đồng để chuộc thân. Được trở về với gia đình nhưng em H.H.L (SN 2005, ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) vẫn chưa hết sợ hãi về những ngày tháng kinh hoàng nơi xứ người mà em tận mắt chứng kiến những người khác bị đánh đập, chích điện, bỏ đói…

Sau nhiều tháng không tìm được việc làm, cũng như nhiều nạn nhân khác, đầu tháng 5/2022, thông qua mạng xã hội L. kết bạn với một cô gái tên Duyên (ở Bà Rịa – Vũng Tàu). Từ mối quan hệ này, Duyên hướng dẫn L. lên TP Hồ Chí Minh để làm công việc nhẹ nhàng trên máy vi tính với mức lương khởi điểm khoảng 18 triệu đồng. Mức lương quá hấp dẫn nên L. đồng ý lên TP Hồ Chí Minh không chút do dự.

nganchan 2.jpg -0
Tống đạt quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Thị Tú

Sau khi lên Bến xe Miền Đông ở TP Hồ Chí Minh vào chiều tối ngày 8/5/2022, L. được một người chạy xe máy đưa vào một khách sạn để nghỉ ngơi, sau vài tiếng thì được đưa lên 1 xe ô tô 16 chỗ ngồi rồi đưa đi đâu không rõ, khi biết thì đã ở bên Campuchia. Tại Campuchia, L. làm việc cho một công ty máy tính và bị thu hết giấy tờ tùy thân. L. được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội. Các đối tượng yêu cầu trong 1 phút L. phải đánh được 30 chữ. Do không đáp ứng được nên L tiếp tục bị bán cho một công ty khác, sau đó tiếp tục bị bán cho một casino gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Đến ngày 25/5/2022, sau hơn 10 ngày bị bán qua Campuchia, các đối tượng yêu cầu L. gọi cho gia đình ra giá chuộc em về thì phải nộp 2.500USD (khoảng 62 triệu đồng). Nếu trễ 1 ngày, tiền chuộc tăng thêm 20 triệu đồng và sẽ bị đánh đập, tra tấn. Nghe tin dữ, cha mẹ L. như ngồi trên đống lửa, vì gia đình sống bằng nghề nông nên số tiền kia quá lớn, vả lại trong thời gian ngắn, gia đình L không biết đào đâu ra. Bà Quách Thị T, (mẹ L.), cho biết, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một cô hàng xóm cho mượn 55 triệu đồng và 1 người khác cho mượn 20 triệu đồng để chuộc L. về. Có tiền, cha mẹ L. vội vàng tìm cách chuyển tiền vào tài khoản đối tượng yêu cầu rồi bắt xe lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tại đây nhờ người quen và một người xe ôm tốt bụng hỗ trợ đón con trai về. Do gia đình đã đồng ý chuộc L. với số tiền nêu trên nên may mắn trong thời gian này không bị đánh đập như những người khác.

nganchan 3.jpg -0
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tống đạt quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can Huỳnh Mộng Linh

Cũng như L., em V.H. (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cũng là 1 trong số những nạn nhân được may mắn trở về nhà an toàn. Sau 5 tháng lưu lạc bên Campuchia, đến ngày 12/9/2022, được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu, H. đã được giải cứu trao trả về địa phương.

H. kể lại, do không có việc làm, em đã liên hệ với một người bạn và được giới thiệu việc làm với mức lương rất cao. Khăn gói lên đường H. không ngờ bị lừa bán sang Campuchia bằng con đường vượt biên. “Em không nghĩ mình còn có thể được về nhà. Quả thật thời gian qua rất khủng khiếp, đầy ám ảnh. Được đoàn tụ với gia đình em như sống lại lần thứ hai và không bao giờ nhẹ dạ cả tin nữa”, H. nghẹn ngào.

Trước đó, ngày 21/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Yến Nhi (SN 1981, ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) về hành vi “Mua bán người”. Theo đó, cuối tháng 11/2021, Công an huyện Hồng Dân nhận được đơn tố giác của bà N.T.L. (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) về việc cháu gái của bà bị bán cho Nhi với số tiền 20 triệu đồng. Sau đó, Nhi tiếp tục bán cháu của bà L. cho một đối tượng khác ngụ huyện Hồng Dân, với số tiền 60 triệu đồng. Khi liên hệ, các đối tượng yêu cầu tiền chuộc cháu là 110 triệu đồng. Bà L. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. 

Ở Việt Nam nói chung và khu vực biên giới nói riêng, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều đối tượng nằm trong đường dây mua bán người từ các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới cho đến người nhà nạn nhân và thậm chí là chính nạn nhân của các vụ mua bán người trước đó. Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng mạng xã hội trực tuyến để tiếp cận, kết bạn, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài móc nối với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó, đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), rồi ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến, tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đưa ra các khoản tiền chuộc lớn mới có thể về nước.

V.Đức - T.Nguyễn
.
.