Bi kịch của những nạn nhân trong vụ Trung tâm Hỗ trợ người nghèo lừa đảo
Ngày 2-8-2022, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đức Trung (SN 1961, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa kéo dài từ ngày 2 đến ngày 12-8 mới kết thúc.
Lấy danh nghĩa là tổ chức từ thiện, hỗ trợ người nghèo, Trần Đức Trung và 4 đồng phạm đã lừa đảo hơn 45.000 thành viên trong cả nước với chiêu bài đóng nhiều tiền từ thiện vào để có cơ hội giúp người khác thì sẽ nhận được phần trăm hoa hồng nhiều hơn số tiền mình đóng.
Khi người nghèo bị lừa
Gọi đây là một phiên tòa đặc biệt bởi số lượng bị hại lên đến hơn 1.000 thành viên, trong đó có hơn 800 bị hại có danh sách, địa chỉ cụ thể được phiên tòa triệu tập. Các bị cáo bị khởi tố bắt giam từ năm 2017 đến nay mới được đưa ra xét xử công khai, trong khi có rất nhiều bị hại là những người nghèo, người già cả, neo đơn đã về bên kia thế giới, chưa kịp lấy lại số tiền đã mất, chưa kịp chứng kiến ngày các đối tượng lừa đảo bị đưa ra xét xử. Để thuận tiện cho việc xét xử, danh sách các bị hại được đánh dấu theo số thứ tự và đưa thành từng nhóm cho tiện gọi tên, xác minh tư cách tham gia phiên tòa.
Trên thực tế, số lượng nạn nhân bị lừa đảo lên đến hơn 45.000 người, trải khắp các tỉnh thành. Bởi cứ một bị hại hoặc một nhóm bị hại tại phiên tòa lại đại diện cho rất nhiều bị hại ở các tỉnh, thành khác nhau, nhận tiền rồi nộp về trung tâm với mong muốn được hỗ trợ khi khó khăn. Những bị hại có mặt ở phiên tòa và cả những người không đến dự được đều là những người đã lớn tuổi, người về hưu, chỉ vì nhẹ dạ cả tin mà mang hết những đồng tiền tích cóp dưỡng già để đóng vào trung tâm cũng như kêu gọi bạn bè, anh em, người thân, họ hàng tham gia, chỉ vì đơn giản nghĩ rằng, đóng tiền vào trung tâm từ thiện vừa giúp đỡ được người khác, vừa có tiền lãi mang về để trang trải cuộc sống của bản thân.
Bà Lê Thị Bình năm nay đã 70 tuổi. Lọ mọ đến tòa từ sáng sớm, bà bảo bà là trưởng một đoàn từ thiện ở Ứng Hòa, Hà Nội. Nghe Trần Đức Trung giới thiệu, bà thấy chính sách nhân đạo vì nghĩ rằng đóng tiền vào sẽ giúp đỡ được nhiều người nghèo khó, đồng thời mình cũng có chút tiền lãi để trang trải lúc về già. Vậy là bà và những người trong nhóm từ thiện lại kêu gọi, vận động hơn 200 người cùng đóng tiền vào tổ chức của Trần Đức Trung, cuối cùng cũng mất trắng. Số tiền bà mất tuy không nhiều, chỉ 36 triệu nhưng là số tiền tiết kiệm cả đời của bà phòng lúc tuổi già đau ốm.
Còn bà Phạm Thị Sâm (sinh năm 1949, quê ở Nam Định) cũng đến tòa từ sáng sớm. Bà bảo đoàn của bà gồm 20 thành viên ở Thái Bình, Nam Định thuê xe đi Hà Nội từ 5h sáng. Cứ chiều xong phiên tòa, lại về quê vì còn việc gia đình, cháu chắt, hôm sau lại thuê xe lên. Mấy ngày diễn ra phiên tòa là bằng ấy ngày bà và các thành viên đi về giữa Hà Nội và Nam Định. Hỏi bà sao ở nhà người quen để không phải đi lại vất vả thì bà bảo về lo việc ở quê, ở Hà Nội cũng chẳng có ai thân quen mà nhờ vả. Trưa thì mang ít bánh mì, xôi và nước lọc ăn tạm rồi vạ vật ở tòa chờ đến chiều xét xử tiếp. Nhóm của bà cũng bị lừa hơn 300 triệu. Lúc đầu bà giấu con cái, nhưng về sau cũng phải công khai vì nhận được giấy triệu tập của tòa. Thêm vào đó, số tiền đã mất là số tiền con cháu cho bà và bà tích cóp được sau nhiều năm để dưỡng già nên không thể nào giấu mãi được.
Còn bà Nguyễn Thị Tư (inh năm 1950, nhà tận quận 2, TP. Hồ Chí Minh cũng bay ra từ sáng sớm để kịp dự phiên tòa. Nhưng, khi đến nơi thì lại không nằm trong diện được triệu tập dù cũng bị lừa khá nhiều tiền. Ngậm ngùi, bà bảo lại phải tốn tiền máy bay trở về trong khi tiền bị mất thì không biết bao giờ mới lấy lại được.
Ông Lưu Văn Bình (Nho Quan, Ninh Bình) cũng vô cùng bức xúc, bởi bản thân ông bị mang tiếng suốt mấy năm nay là kẻ lừa đảo chỉ vì trót tin những lời hứa của các đối tượng tại trung tâm. Ông cũng như bao nhiêu người đi xin chữ ký của những người nghèo trong xã, thu tiền của họ để nộp về trung tâm với mong muốn sẽ giúp đỡ, hỗ trợ được họ một khoản tiền lãi trang trải hằng tháng. Thế nhưng, tiền mất tật mang, bản thân ông mùng 2 Tết năm nay bị chặn đánh vì bị cho rằng ông là kẻ lừa đảo. Ông và nhiều nạn nhân đau đớn, xót xa vì nghĩ mình mang tiếng với nhiều người, khiến nhiều gia đình tan nát vì vay mượn, li tán chỉ vì vay nợ nộp tiền vào trung tâm, thậm chí nhiều cụ già chưa lĩnh được tiền lãi, chưa được hưởng một đồng lợi nhuận nào từ trung tâm thì đã sang bên kia thế giới. Ông mong tòa xử đúng người đúng tội, trả lại công bằng cho ông và nhiều người khác. Bởi, theo ông, không chỉ có hơn 800 người có mặt tại phiên tòa, mà còn hơn 45.000 người khác bị lừa trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Lợi dụng hỗ trợ người nghèo để lừa đảo
Cùng hầu tòa với bị cáo Trung về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là các bị cáo: Bùi Thị Oanh (SN 1956, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cán bộ hưu trí; Phạm Văn Lực (SN 1978, ở phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương); Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967, ở phường Phú Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Phạm Thị Thoa (SN 1989, ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đều là lao động tự do.
Liên quan đến vụ án này còn có Lê Thị Hằng (SN 1963, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, do Lê Thị Hằng đã chết vì bệnh lý nên cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Hằng. Bị cáo Trần Đức Trung và đồng phạm được cơ quan tố tụng xác định đã lợi dụng chương trình “Trái tim Việt Nam” để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hơn 1.000 người ở khắp cả nước. Trong đó, bị cáo Trần Đức Trung giữ vai trò chủ mưu.
Theo cáo trạng, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam thành lập. Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Lê Thị Hằng làm Tổng Giám đốc.
Từ tháng 4-2015, dù Trung tâm Hỗ trợ người nghèo chưa được cấp phép hoạt động nhưng Trần Đức Trung và đồng phạm lấy danh nghĩa đơn vị này tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam” và nhiều hội thảo thu hút, lôi kéo người dân nộp tiền để hưởng lãi suất cao.
Trần Đức Trung cùng Lê Thị Hằng soạn tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ rồi giao cho Lê Thị Hằng đi xin chữ ký ủng hộ của nhiều người. Các bị cáo đưa thông tin gian dối rằng trung tâm có nguồn vốn, ai tham gia đóng góp sẽ được nhận tiền theo chính sách. Tuy nhiên, nguồn tiền chi trả hầu hết là lấy của người tham gia sau trả cho người trước đó theo mô hình đa cấp.
Năm 2015, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Bùi Thị Oanh được giao điều hành Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu, hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng chưa được cấp phép. Sau đó, Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng sáp nhập câu lạc bộ trên vào trung tâm. Phạm Văn Lực được phân công khai thác, thu hút các hội viên mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng.
Tháng 4-2015, do câu lạc bộ hoạt động kém hiệu quả nên Trần Đức Trung ký văn bản giải tán Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu và triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”. Từ đây, Trung và đồng bọn đã lập 26 điểm tư vấn, phân công 6 nhóm đi thu tiền của người tham gia chương trình tại 16 tỉnh, thành phố. Sau đó, tiền được chuyển về văn phòng trung tâm ở 102 Trường Chinh (Hà Nội). Ban đầu, các bị cáo thu về 148 tỷ đồng từ các địa phương và hơn 42 tỷ đồng tại văn phòng trung tâm ở 102 Trường Chinh. Sau đó, các bị cáo lấy một phần tiền của người nộp sau trả cho người trước. Thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trần Đức Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của hơn 1.000 bị hại. Trong đó, Trần Đức Trung chiếm hưởng 26,3 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, các bị cáo tiếp tục móc nối với Nguyễn Tuấn Lân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế NewStar) tổ chức chương trình “Liên kết ba miền” hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng. Qua chương trình “Liên kết ba miền”, các bị cáo tiếp tục thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước. Số tiền này, Trần Đức Trung chi trả một phần cho những người tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”, còn chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong khi những bị cáo còn lại thành khẩn khai nhận và khi được tòa cho phép nói lời cuối cùng, đều gửi lời xin lỗi đến gia đình, bị hại, nhận trách nhiệm sai lầm là do thiếu hiểu biết pháp luật, thì bị cáo Trần Đức Trung vẫn bác bỏ mọi cáo buộc của Viện kiểm sát, liên tục kêu oan, thậm chí còn quay xuống bị hại thách thức, đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại chính những bị hại vì trục lợi số tiền đóng góp, xem số tiền đó đi đâu, còn bản thân bị cáo không nhận tiền từ bị hại, trung tâm cũng không nhận tiền từ bị hại.
Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên phạt 5 bị cáo gồm Trần Đức Trung (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên) mức án tù chung thân; Bùi Thị Oanh mức án từ 16-17 năm tù; Phan Thị Thoa từ 9-10 năm tù; Phạm Văn Lực và Nhâm Sỹ Phúc bị đề nghị từ 7-8 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.