Bi kịch của phụ nữ ở Dafur, Sudan
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Sudan bùng nổ (5/4/2003) đến nay, theo ước tính của Hội Chữ thập đỏ quốc tế (IRC), đã có khoảng 16.125 phụ nữ ở vùng Dafur bị phiến quân thuộc Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RFS) hãm hiếp, phần lớn đều ở độ tuổi từ 14 đến 40…
1. Bi kịch xảy đến với Mmabe, 15 tuổi khi sáng ngày 21/3/2024, cô kéo chiếc xe cải tiến ra khỏi nhà ở làng Sinyar để đi lấy củi ở một khu rừng cách đó khoảng 3km. Theo lời Mmabe nói với các nhân viên Hội Chữ thập đỏ quốc tế (IRC), khi cô đang bó những cành khô thì đột ngột xuất hiện 4 tay súng đi trên 2 chiếc xe gắn máy: “Họ hỏi cháu làm gì, có phải đang do thám cho quân đội Chính phủ Sudan không? Khi nghe cháu trả lời rằng cháu chỉ đi lấy củi thì một người nhảy xuống xe, kéo cháu nằm xuống, cởi váy cháu ra rồi hiếp cháu. Cháu đau lắm, cháu vùng vẫy, khóc lóc xin tha nhưng ông ta vẫn tiếp tục…”.

Từ đó đến hơn 1 tiếng sau, lần lượt 3 tên còn lại thay nhau hãm hiếp Mmabe. Cô nói: “Cháu không nhớ mình bị hiếp bao nhiêu lần vì cháu bất tỉnh. Lúc cháu mở mắt ra, trời đã xế chiều”. Thu hết sức lực còn lại, Mmabe dựa vào chiếc xe cải tiến, lết về làng. Theo các nhân viên IRC, kết quả thăm khám cho thấy Mmabe bị rách âm đạo, tổn thương cổ tử cung và túi cùng Douglas nghiêm trọng, chưa kể cô còn bị nhiễm trùng….
Mmabe chỉ là 1 trong số hàng chục nghìn phụ nữ ở vùng Dafur, Sudan bị phiến quân RFS hãm hiếp. Bác sĩ Jean Claude Amien thuộc tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MFS) nói với phóng viên trang tin Africa Today: “Từ tháng 1 đến tháng 3/2025, chỉ riêng tại khu vực Nam Dafur, chúng tôi đã điều trị cho 659 phụ nữ sống sót sau những vụ bạo lực tình dục gây ra bởi RFS. Ở vùng này, không một phụ nữ, trẻ em gái nào được an toàn. Họ bị tấn công ngay tại nhà mình hoặc khi tìm kiếm thức ăn, kiếm củi, làm việc trên đồng ruộng. Họ nói với chúng tôi rằng họ không còn lối thoát…”.
Bà Claire San Filippo, điều phối viên khẩn cấp của MSF nói thêm: “Những cuộc tấn công tình dục do RFS thực hiện rất tàn bạo. Nó không phải là hậu quả tự nhiên hoặc tất yếu của chiến tranh mà nó là tội ác chống lại loài người”.
Vẫn theo IRC và MFS khi đột kích vào làng Gbaya, phiến quân RFS đã giết chết tất cả những người đàn ông và trẻ em trai gồm 423 người trước khi hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, có em mới chỉ 12 tuổi. Một y tá 27 tuổi làm việc tại Trạm Y tế làng cũng là nạn nhân với lý do “đã chữa bệnh cho binh lính quân đội Sudan”. Cô nói: “Tôi sợ lắm, 6 kẻ đã thay nhau hiếp tôi. Tôi không muốn bi kịch này tái hiện thêm lần nào nữa. Tôi muốn bỏ việc và tìm một nơi nào đó an toàn để ra đi…”.

2. Kể từ tháng 4/2023, Darfur đã chứng kiến sự gia tăng các vụ vi phạm nhân quyền khi nơi này lọt vào tay lực lượng RSF và dân quân đồng minh với họ. Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và RFS tập trung quanh thành phố El Fasher đã khiến điều kiện sống của người dân rơi vào bi kịch không lối thoát, nhất là khi RSF chiếm giữ trại tạm cư Zamzam gần đó, đã dẫn đến hàng nghìn báo cáo về tình trạng bạo lực tình dục.
Tổ chức Sáng kiến chiến lược vì phụ nữ ở Sừng châu Phi (Siha), là liên minh giữa các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ ở Sudan cho biết họ đã xác minh được 1.400 trường hợp hiếp dâm ở thành phố El Fasher và hàng trăm vụ khác ở trại tị nạn Zamzam, chưa kể có khoảng 90 phụ nữ tuổi từ 20 đến 30 bị RFS dẫn đi mất tích.
Bà Hala al-Karib người đứng đầu tổ chức Siha nói với Africa Today: “Hiếp dâm đã trở thành hiện thực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Darfur cùng với sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tội ác đang diễn ra công khai hằng ngày. Viện trợ đã hứa thì không thấy đến. Tại sao phương Tây lại quay lưng với Sudan?”.
Khi phần lớn lãnh thổ thuộc vùng Dafur rơi vào tay quân RFS thì cũng là lúc người dân nơi này nếm mùi thống khổ. Tất cả đàn ông nếu bị nghi ngờ là tiếp tay cho quân đội chính phủ Sudan đều bị xử bắn còn phụ nữ từ 14 tuổi đến trên 40 tuổi - thậm chí có trẻ mới chỉ 12 tuổi trở thành món hàng giải trí cho quân phiến loạn. Hitham Mohund, nông dân ở Nam Dafur nói với trang tin Africa Today: “Một ngày giữa năm 2024, quân RFS ập vào nhà tôi, bắt đi vợ tôi, em gái vợ tôi cùng đứa con gái 15 tuổi của vợ chồng tôi…”.
Sau 5 ngày tìm kiếm trong vô vọng, một người trong làng cho Hitham Mohund biết họ thấy quân RFS dẫn những phụ nữ bị bắt đi về phía sông Nile. Hitham nói: “Tại một ngôi biệt thự bỏ hoang gần bờ sông, tôi tìm thấy trong bồn tắm là 3 thi thể đang phân hủy. Máu từ bộ phận sinh dục của họ chảy xuống đã khô đen. Chẳng khó khăn gì để tôi nhận ra đó là vợ tôi, em vợ tôi và con tôi. Họ đã bị hãm hiếp rồi sau đó còn bị đâm thêm nhiều nhát”.
Theo báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRW), tại thành phố El Geinena ở Tây Dafur, các thành viên Hội đồng đã ghi nhận hơn 600 phụ nữ - chủ yếu là người sắc tộc Massalit - đã bị quân RFS hãm hiếp
Cuộc tấn công của RFS vào thành phố El Geneina bắt đầu từ ngày 24/4 và tiếp tục cho đến cuối tháng 5, gây ra nhiều thương vong cho dân thường, buộc hơn 360.000 người Massalit phải chạy sang quốc gia Chad gần đó. Tại nơi này, họ kể lại những hành vi tàn ác của RFS cho các nhân viên IRC, MSF và HRW. Ông Bellkis Wille, Phó giám đốc phụ trách khủng hoảng và xung đột của HRW cho biết “Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc buộc RFS phải chịu trách nhiệm về hành vi hãm hiếp phụ nữ, tàn sát những người dân vô tội. RFS cần biết rằng cả thế giới đang theo dõi về những gì diễn ra ở El Geneina đồng thời thế giới cũng sẽ thực hiện các hành động khẩn cấp để chấm dứt hành vi bạo lực…”.
Đầu tháng 6, HRW đã thực hiện những bước đầu tiên bằng cách phỏng vấn 54 phụ nữ, trong đó có 2 bé gái tuổi từ 13 đến 15 - là những người sống sót sau vụ hiếp dâm xảy ra ở El Geneina hồi giữa tháng 5 rồi tiếp theo là 78 nạn nhân khác - là những người thoát chết trong số 144 phụ nữ đã bị giết sau những vụ hãm hiếp kéo dài từ ngày 24/4 đến 26/5. Tất cả đều khẳng định rằng những kẻ tấn công tình dục phần lớn mặc quân phục RFS, một số ít ăn mặc như thường dân, đi trên những chiếc xe bán tải có huy hiệu của RFS.
Mead, 24 tuổi, phụ nữ sắc tộc Massalit kể: “Ngày đầu tiên của cuộc tấn công vào thành phố El Geneina, 5 người đàn ông Arab vũ trang đã ập vào nhà tôi, nơi tôi sinh sống cùng 4 nữ sinh viên Massalit. Họ yêu cầu chúng tôi phải khai ra chúng tôi thuộc bộ tộc nào. Khi tôi và 4 nữ sinh nói dối rằng chúng tôi thuộc bộ tộc Bargu thì một tên trong bọn quát lên: Không! Tụi mày là Nuba (một thuật ngữ khinh miệt dùng để chỉ người Massalit). Sau đó, trong 3 tiếng đồng hồ, cả 5 tên luân phiên hiếp dâm 5 người chúng tôi... ”.
Hơn 1 tháng sau, Mead cùng 4 người bạn phải chịu đựng những cơn đau ở bộ phận sinh dục do nhiễm trùng và do rách tầng sinh môn cùng những chấn thương tâm lý: “Chúng tôi khóc nức nở mỗi khi hồi tưởng lại bị kịch này. Tôi không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là trong đầu tôi xuất hiện khuôn mặt râu ria và hơi thở hôi hám của kẻ đã hiếp dâm tôi…”. Tổ chức Tương lai phụ nữ ở Sudan cho biết chỉ có 2/3 trong số phụ nữ bị hiếp dâm ở Dafur được tiếp cận với các dịch vụ y tế, số còn lại vì nhiều lý do như mặc cảm, xấu hổ hoặc ở những vùng xa xôi hẻo lánh là cam chịu với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Theo luật Nhân đạo quốc tế - hay còn gọi là Luật chiến tranh ban hành bởi Liên hợp quốc thì “Cấm các bên trong những cuộc xung đột vũ trang cố ý gây tổn hại cho dân thường kể cả về thể chất lẫn tinh thần”. Điều 3 của Công ước Geneva ban hành năm 1949 còn nêu rõ hơn: “Cấm hiếp dâm và các hình thức bạo lực khác vì hành vi này có thể cấu thành tội tra tấn, là tội ác chiến tranh nhưng nếu nó là một phần của tội ác có hệ thống, nó chính là tội ác chống lại loài người”.
Tuy nhiên, với RFS, họ phớt lờ những luật này. Khi được HRW đặt câu hỏi, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, chỉ huy RFS đã trả lời: “Tất cả bọn họ, cả nam lẫn nữ đều là những thành phần đối kháng với chúng tôi. Họ là tù binh chiến tranh chứ không phải là nạn nhân. Tôi không bình luận gì về những lới tố cáo RFS hiếp dâm họ. Đó chỉ là dối trá và bịa đặt…”.
Tuy nhiên tướng Abdul Rahim Dagalo, Phó chỉ huy RFS lại thừa nhận một cách chung chung: “Mức độ nghiêm trọng của bạo lực tình dục trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa RFS và quân đội Chính phủ Sudan là có thật. Tuy nhiên không vì thế mà quy kết tất cả trách nhiệm cho RFS. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc trong việc điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền…”.

3. Thế nhưng đến nay, chưa hề có một thành viên nào của HRW hoặc của IRC, MSF được RFS cho vào những khu vực do họ kiểm soát. Ông Charles Vikky, thành viên của HRW cho biết tất cả những thông tin mà HRW thu thập được trong những vụ hiếp dâm đều xuất phát từ những phụ nữ, trẻ em gái đã chạy thoát ra ngoài hoặc từ những cơ sở y tế do IRC và MSF bảo trợ. Trong cuộc họp của HRW diễn ra gần đây nhất, tất cả các quốc gia là thành viên của HRW đều thống nhất thành lập một cơ quan điều tra quốc tế về những gì đang diễn ra ở Dafur.
Ông Wille, người đề xuất thành lập cơ quan điều tra quốc tế về bạo lục tình dục ở Dafur nói: “Các chính phủ là thành viên của HRW cần cam kết tăng thêm nguồn lực, hỗ trợ cho những phụ nữ bị hãm hiếp tại Dafur. Tất cả những bằng chứng về bạo lực tình dục cần được lưu giữ có hế thống để tạo điều kiện cho những phiên toà xét xử bọn tội phạm sau này”.
Trước khi RFS kiểm soát thành phố El Geneina, Dafur, dân số nơi đây là khoảng 538.000 người nhưng theo ước lượng của HRW, hiện chỉ có khoảng 1/3, trong đó ngoài số người đã bị giết thì số còn lại phải chạy sang quốc gia láng giềng Chad, bao gồm hơn 90.000 phụ nữ và trẻ em gái dưới 16 tuổi đã từng bị RFS hiếp dâm. Mariam, 21 tuổi, sắc tộc Massalit , hiện đang sống trong một trại tị nạn ở Chad nói: “Sau này nếu được hồi hương, tôi sẽ không quay lại Dafur vì nó sẽ gợi lại cho tôi những ký ức đau buồn và khủng khiếp. Tôi đã phải cắt một nửa tử cung vì nhiễm trùng sau 18 lần bị hiếp. Tôi sẽ chẳng bao giờ có con được nữa”.
Bác sĩ Pierre Claude thuộc MSF nói: “Việc chữa trị những tổn thương về tinh thần cho những phụ nữ Sudan đã từng bị hãm hiếp khó hơn gấp trăm lần so với việc điều trị các vết thương thực thể”. Một phụ nữ 48 tuổi sau nhiều lần bị hiếp đã không ngớt rên rỉ trong những cơn mê lặp đi lặp lại: ‘Tôi lạy các ông, tôi già rồi, già rồi…”.